Tây Sơn hào kiệt


Từ trái qua: Anh Huy (Nguyễn Lữ), Lý Hùng (Nguyễn Huệ), Lý Huỳnh (Nguyễn Nhạc)


TTCT - Ngày 7-3-2009, tại Văn Miếu Trấn Biên (Bửu Long, Đồng Nai), bộ phim truyện nhựa Tây Sơn hào kiệt với kinh phí dự trù trên 10 tỉ đồng đã ghi hình cảnh quay đầu tiên.
Đây là bộ phim được thực hiện với sự hợp tác của năm đơn vị: Hội Điện ảnh TP.HCM, Hãng phim Lý Huỳnh, Hãng phim Thanh Niên, Hãng phim Sài Gòn Vafaco và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hải Đăng nhằm hưởng ứng chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trở lại phim trường sau tám năm xa rời điện ảnh, nghệ sĩ ưu tú Lý Huỳnh cùng lúc có mặt trong phim Tây Sơn hào kiệt với bốn chức danh: nhà sản xuất, tổng đạo diễn, chỉ đạo võ thuật và diễn viên thủ vai Nguyễn Nhạc.
* Hơn tám năm rút lui khỏi sân chơi điện ảnh, vì sao ông quyết định trở lại với khí thế hăng say như vậy?

- NSƯT LÝ HUỲNH: Những biến động ở thị trường điện ảnh thời gian qua khiến hầu hết nhà sản xuất phim tư nhân trước đây giải nghệ. Riêng tôi, điện ảnh đã trở thành máu thịt, phải xa rời nó dù bất cứ lý do gì cũng là điều hết sức đau buồn. Tôi đã mất hơn tám năm để chờ đợi và bây giờ trở lại khi thấy khán giả bắt đầu quay lại rạp. Hơn nữa, bộ phim tôi chọn đánh dấu sự “trở về” này có đề tài thuộc sở trường của “gia đình Lý Huỳnh” là võ thuật. Điện ảnh Trung Quốc, Hong Kong... thời gian gần đây đã có những bộ phim lịch sử cổ trang vang danh thế giới, lịch sử nước mình cũng có nhiều anh hùng tại sao không có được những bộ phim xứng đáng? Tôi nghĩ như vậy và đặt hàng cho các nhà biên kịch. Tôi chọn Nguyễn Huệ, một mẫu anh hùng dân tộc giỏi võ công, để thể hiện sở trường võ thuật của mình. Nếu trời thương, khán giả ủng hộ, tôi sẽ làm phim về các anh hùng dân tộc khác nữa.

* Nhưng đề tài lịch sử vốn là đề tài “khó gặm” xưa nay đối với các nhà sản xuất phim VN bởi sẽ ngốn rất nhiều kinh phí, đòi hỏi nhiều kỹ xảo và khó làm thỏa mãn người xem. Hỏi thật, ông có thấy tự tin khi làm phim này?

- Rất tự tin. Trước đây, tôi từng sản xuất bốn bộ phim cổ trang, trong đó có ba phim truyện nhựa là Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Lửa cháy thành Đại La đều khá ăn khách. Sau khi thực hiện một số phim hợp tác với các hãng phim Đài Loan, Hong Kong như Hồng hải tặc, Cảnh sát đặc khu, Kế hoạch 99, Truy nã tội phạm quốc tế... với tư cách nhà sản xuất và đồng đạo diễn, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm.
Tôi tin nếu mình làm kỹ, làm hay, khán giả sẽ không quay lưng. Khi tôi bỏ một số tiền lớn hợp tác làm phim với nước ngoài trước đây, nhiều người lo ngại sẽ không thu được vốn nhưng cuối cùng tôi vẫn có lãi. Loại phim lịch sử cổ trang đòi hỏi người thực hiện phải có bầu nhiệt huyết, lòng can đảm và ý chí mạnh mẽ.



Cảnh trong phim - Ảnh: photostudio Lý võ phú hưng* Nhưng khán giả ngày nay từng thưởng lãm những bộ phim võ thuật dạng bom tấn của nước ngoài như Ngọa hổ tàng long, Đại chiến Xích Bích, Anh hùng, Họa bì... liệu Tây Sơn hào kiệt của ông có gì để hấp dẫn người xem?


- Xét về quy mô hoành tráng và kỹ xảo, chắc chắn “lực” của mình không thể nào sánh với người ta được, nhưng tôi tin khán giả sẽ tìm thấy trong phim lịch sử nước nhà tình cảm gần gũi, thân thuộc.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thể hiện hết khả năng để có một bộ phim xem được. Tây Sơn hào kiệt có sự góp mặt của 200 võ sư thuộc hai môn phái: võ cổ truyền và Vovinam cùng 14.000 lượt diễn viên quần chúng trong bốn sắc lính: nghĩa quân Tây Sơn, Mãn Thanh, nhà Lê, phủ chúa Trịnh. Võ sư Lê Kim Hòa, chủ tịch Hội Võ cổ truyền VN, tham gia chỉ đạo võ thuật, hai võ sư danh tiếng môn Vovinam là Mai Văn Hiệp và Nguyễn Văn Giang sẽ vào vai tổng binh Thượng và Hứa tướng quân.

Toàn bộ phục trang, bính khí... đều được làm mới hoàn toàn. Trong phim có cả trăm chiến mã hầu hết cao đến 1,8m được chúng tôi điệu về từ Hóc Môn, trường đua Phú Thọ, Đức Hòa,... và cũng gần trăm con voi cho cuộc tập trận trong một bối cảnh được quay ở Buôn Ma Thuột.

* Và 12 tỉ đồng là con số lớn nhất mà Hãng phim Lý Huỳnh đầu tư cho một phim từ trước tới nay. Nhiều người cho rằng số tiền đó vẫn chưa đủ cho một phim lịch sử cổ trang?

- Nếu nói đủ thì không biết bao nhiêu là đủ. Thôi thì cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, nhưng tôi được biết Hội Điện ảnh TP.HCM và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM đã cùng gửi một văn bản yêu cầu UBND TP hỗ trợ thêm 2 tỉ đồng. Nhưng điều làm tôi cảm thấy ấm lòng là đoàn phim Tây Sơn hào kiệt đi đâu cũng được mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Giám đốc Công ty du lịch Đại Nam ở Bình Dương sẵn sàng cho chúng tôi mượn toàn bộ cảnh trí ở đây để xây dựng thành Thăng Long và hỗ trợ tất cả vật dụng có sẵn để làm đạo cụ. Một nhà hảo tâm khác là Lê Anh Kiệt ở xã Bình Mỹ, Củ Chi cũng vui vẻ cho chúng tôi mượn một ngọn đồi của gia trang để xây bối cảnh đồn Ngọc Hồi.

Chủ nhân khu nhà phố cổ ở suối Lồ Ồ nói với tôi nếu đến đây quay phim về Quang Trung ông sẽ đài thọ toàn bộ. Chúng tôi dự kiến sẽ đóng quân tại Bình Định trong 15 ngày để ghi hình cảnh biển Quy Nhơn, về huyện Tây Sơn quê hương của Nguyễn Huệ, đến Bảo tàng Quang Trung quay cảnh khởi nghĩa. Tất cả chi phí chuyến đi này cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Định hứa đài thọ... Những tình cảm đó làm tôi không còn cảm thấy mình lẻ loi mà trái lại, thấy hăng hái vì mình đang làm một việc có ích được nhiều sự đồng thuận.
* Tây Sơn hào kiệt sẽ khởi đầu và kết thúc ở giai đoạn nào, đâu là chỗ nhấn của bộ phim? Ông chọn diễn viên theo tiêu chí nào?

- Khởi đi từ khi Nguyễn Huệ phát động khởi nghĩa đến lúc đại thắng quân Thanh và lên ngôi hoàng đế. Trong phim sẽ diễn ra hai trận đánh lớn. Trận thứ nhất là đánh vào phủ chúa Trịnh với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh” và trận thứ hai là đánh vào đồn Ngọc Hồi. Bên cạnh những cảnh khói lửa là đám cưới rực rỡ giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. Có ba thế hệ diễn viên tham gia trong phim.

Thế hệ thứ nhất gồm Thế Anh (Nguyễn Hữu Chỉnh), Đoàn Dũng (Tôn Sĩ Nghị), Hồ Kiểng (lão bộc), Lý Huỳnh (Nguyễn Nhạc)...; Lý Hùng (Nguyễn Huệ), Mộng Vân (hoàng hậu Ý Bình), Công Hậu (Lê Chiêu Thống), Lý Hương (nữ tướng Tây Sơn Ngọc Hà) thuộc thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba gồm: hoa hậu hoàn vũ VN Thùy Lâm (công chúa Ngọc Hân), ca sĩ Anh Huy (Nguyễn Lữ), Tấn Hưng (tướng Tây Sơn Lê Dũng)... Tôi chọn diễn viên theo tiêu chí hợp vai và ít nhiều đều biết múa võ.

* Đến bao giờ công chúng sẽ được xem phim Tây Sơn hào kiệt?

- Phim dự định ghi hình trong ba tháng, sau đó đưa đi nước ngoài làm hậu kỳ và ra mắt khán giả vào dịp Tết Canh Dần 2010 nhằm mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu phim hay, chiếu vào ngày lễ nào trong năm cũng không sợ.

CÁT VŨ thực hiện
Trích tuổi trẻ on line