Cỏ mực trị bệnh


Cây cỏ mực thường tự mọc ở nhiều nơi - Ảnh: K.Vy

Cỏ mực còn có tên là cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo; lá mọc đối, có lông ở 2 mặt, phiến lá hình mũi mác nhỏ, khi bấm có nước màu đen chảy ra nên gọi tên là cỏ mực. Loại cỏ này thường tự mọc nhiều nơi.

Để dùng trị bệnh, người ta thường thu hái nó vào mùa hạ, khi lá cây đang tươi tốt, cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ tạp chất và lá úa, đem phơi khô. Nếu dùng tươi thì có thể thu hái quanh năm.

Theo Đông y, nhọ nồi vị ngọt chua, tính mát, vào 2 kinh can, thận. Lương y Quốc Trung hướng dẫn một số cách dùng cỏ mực trong chữa bệnh như sau:

1. Nếu bị chảy máu cam, nôn ra máu từ dạ dày, thì dùng cỏ mực 30g, lá sen 15g, trắc bá diệp 10g, đun sôi với nước và chia ra uống làm 3 lần trong ngày.

2. Bị chứng vàng da, đau thận, rụng tóc, dùng cỏ mực và cành cây râm, mỗi vị 15g đem nấu uống.

3. Bị loét ống tiêu hóa chảy máu, dùng cỏ mực 30g, cỏ bấc 30g đun sôi uống.

4. Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, kém sức, ăn không ngon, gầy yếu: cỏ mực 100g, cỏ mần trầu 100g, gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ, sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống ngày 2 lần.

5. Chữa đái ra máu: cỏ mực 30g, cả cây mã đề 30g. Cả hai thứ còn tươi rửa sạch, giã, ép lấy nước uống (hoặc say bằng máy sinh tố), còn chữa cảm sốt nóng, ho, viêm họng.

6. Chữa phụ nữ chảy máu tử cung: Cỏ mực 15g, lá trắc bá diệp 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 7 ngày.

Khánh Vy