Vĩnh biệt nhà thơ Tế Hanh:
Vẫn miên man trò chuyện với dòng sông



Nhà thơ Tế Hanh (1921 - 2009) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhà thơ Tế Hanh đã thật sự vĩnh biệt trần gian vào 12 giờ ngày 16.7.2009. Nhưng từ 8 năm nay, ông đã đặt một chân vào cõi khác. Sau cơn đột quỵ trong đêm thơ nhạc do nhà thơ Phạm Tiến Duật tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tế Hanh đã không còn sáng tác được nữa, dù trong ông vẫn đầy ắp những dự định.

Tôi nhớ, vào mùa hạ 1997, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã đưa Tế Hanh về lại quê hương Quảng Ngãi trong bộ phim chân dung Nhớ con sông quê hương. Đó là lần tôi được đi khắp vùng đất Dung Quất, nơi sẽ là nhà máy lọc dầu hôm nay, cùng Tế Hanh, nhà thơ đồng hương mà tôi hằng yêu kính.

Tế Hanh rất hiền hậu và đặc biệt khiêm nhường. Thơ Tế Hanh hồn nhiên trong trẻo, đôn hậu như tâm hồn người dân quê Quảng Ngãi, người dân quê Việt Nam. Đó là một "dòng sông thơ tự hát", là tiếng lòng của người dân chài Bình Sơn, suốt đời lam lũ cực nhọc trên sóng nước. "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông…". Tế Hanh đã đến với Cách mạng đơn sơ như thế, như cách mà ông đến với thơ.

Suốt đời Tế Hanh, những gì ông nghĩ ông cảm ông viết đều xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng. Thơ Tế Hanh, dù viết về bất cứ điều gì, đều ghi đậm dấu ấn tâm hồn ông, một tâm hồn giản dị, trong khi Tế Hanh là một nhà văn hóa am tường nhiều lĩnh vực, nhất là văn học, đặc biệt là thơ. Những hiểu biết về thơ đủ cho ông tìm được những cách thức khác nhau cho con đường thơ của mình, nhưng Tế Hanh chỉ chọn con đường mộc nhất, "con đường làng chạy lang thang"…

Điều đó từng khiến tôi rất ngạc nhiên, nhưng rồi tôi đã hiểu. Mỗi nhà thơ có lối đi riêng cho mình, cách đóng góp riêng của mình, một vị thế tự tại của riêng mình. Có lẽ, phải là người dân Quảng Ngãi mới có thể bình thản giữ cho thơ mình chất mộc và hồn nhiên đến thế. Quảng Ngãi từ xa xưa đã là mảnh đất của chiến tranh, tranh chấp, dữ dằn và ít biết khoan thứ. Nhưng vẫn còn một Quảng Ngãi khác. Thơ Tế Hanh chính là một "Quảng Ngãi khác" ấy, là dòng sông khoan hòa, mát mẻ, dịu dàng, đối trọng với tất cả những gì gay gắt.

Từ rất lâu tôi đã biết, thơ ấy sống dài lâu hơn những cuộc chiến tranh, bền bỉ hơn hẳn những gầm thét. Đơn giản, vì nó là tiếng lòng của người dân quê trung hậu, là những miên man nức nở của dòng sông, là "con thuyền thở dài trên cát", là những lơ ngơ lớ ngớ của mối tình đầu, là... Thơ.

Tế Hanh, ở những bài thơ hay nhất của ông, là những gì trong trẻo hồn nhiên mờ ảo nhất của tâm hồn chúng ta. Nó sống lại trong ta mỗi khi ta nghĩ về khoảng trời trong trẻo của đời mình. Thơ ông vẫn miên man trò chuyện với dòng sông cuộc đời, một dòng sông không phải lúc nào cũng êm ả, nhưng bao giờ cũng biết nâng niu chiu chắt từng con nước dịu nhẹ đằm sâu trong lòng mình.

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ học trường làng, trường huyện, sau ra học trường Quốc học Huế.

Ông sáng tác thơ từ sớm, đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8.1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên Giáo dục trong Ủy ban Lâm thời Thành phố Đà Nẵng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1947, ông ở Ban phụ trách trường Trung học Bình dân Trung Bộ, năm 1948, ở Ban phụ trách Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Năm 1957, khi Hội Nhà văn VN thành lập, ông là Ủy viên Thường vụ Hội khóa I, II, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN (1963), Ban chấp hành Hội Nhà văn VN nhiều khóa, chức vụ: Trưởng ban Đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng Thơ (1986).

Ông được tặng Giải Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm:

Hoa niên (1944)/ Tập thơ tìm lại (1945)/ Hoa mùa thi (1948)/ Nhân dân một lòng (1953)/ Lòng miền Nam (1956)/ Gửi miền Bắc (1958)/ Tiếng sóng (1960)/ Bài thơ tháng bảy (1961)/ Hai nửa yêu thương (1963)/ Khúc ca mới (1966)/ Đi suốt bài ca (1970)/ Câu chuyện quê hương (1973)/ Theo nhịp tháng ngày (1974)/ Giữa những ngày xuân (1977)/ Con đường và dòng sông (1980)/ Bài ca sự sống (1985)/ Tế Hanh tuyển tập (1987)/ Thơ Tế Hanh (1989)/ Vườn xưa (1992)/ Giữa anh và em (1992)/ Em chờ anh (1993)/ Tuyển tập Tế Hanh (tập II, 1997).

Ngoài ra, ông còn các tập tiểu luận và nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi, nhiều tập thơ dịch của các nhà thơ lớn trên thế giới.

Thanh Thảo