Nhẫn và hiếu


TT - Trong Thấy Phật của GS Cao Huy Thuần, tôi thích nhất những tản văn viết về chữ nhẫn và hiếu, hai chữ cực kỳ quan trọng đối với đời người...

1. Nhẫn

"... Đừng nghĩ rằng nhẫn là nhịn nhục. Giữa hai người thương nhau không có cái chuyện nhục. Giữa hai người thương nhau cũng không có cái chuyện chịu đựng. Nhẫn là trái ngược với tiêu cực, trái ngược với thụ động. Đang giận mà ngưng giận: không có gì tích cực hơn. Đang tự ái mà dẹp tự ái: không có gì dũng cảm hơn. Nhẫn là chiến thắng. Trao nhẫn cho nhau là trao cho nhau chiến thắng. Chiến thắng của tình thương..."

Trích trong Thấy Phật
Có cuộc ly dị là giải pháp tốt cho cả hai người, nhưng có những khi người ta đưa nhau ra tòa mà lý do khởi đầu chỉ là một chuyện nhỏ nhặt, không đáng. Chính người trong cuộc cũng hiểu rõ điều đó nhưng vì sĩ diện, tự ái hão nên không ai chịu nhường ai, cuối cùng chuyện nhỏ hóa to khiến mâu thuẫn ngày càng tiến triển. Vụ án ly hôn sau đây là một ví dụ.

Người vợ có thói quen nấu ăn nêm nếm ngọt, chồng thì ăn lạt. Tới giờ ăn là người chồng quạu quọ, chê vợ ngay cả chuyện nấu ăn cũng không biết. Người vợ biết mình có lỗi nhưng nghĩ thay vì chồng dịu giọng một chút thì sẽ chỉnh lại cách nêm nếm, đằng này hở tí là càu nhàu, chê lên chê xuống nên vợ tự ái, mặc cảm, cứ thế làm tới. Còn chồng mỗi khi thay đồ là bỏ bừa bãi chứ không chịu để vào thau đồ dơ. Vợ nói chồng giống người tiền sử, ăn ở bầy hầy. Người chồng cũng biết mình quấy nhưng nghĩ phải chi vợ nhỏ nhẹ một chút, đằng này phụ nữ gì mà đụng chuyện là sụ mặt, la lối um sùm nên chồng nhất quyết không sửa thói quen... Cứ thế cả hai ăn thua đủ từng tí một, cuối cùng làm đơn ly dị với lý do không hợp...

Nghe họ trình bày, những vị trong hội đồng xét xử biết có thể cứu vãn được tình thế liền nhẹ giọng phân tích: “Hai vị có biết tại sao trong lễ cưới người ta đeo nhẫn cho nhau không? Có lẽ ông bà ta muốn sau này khi thành vợ thành chồng, hai bên phải biết nhẫn nhịn, mỗi người nhường một bước thì trong ấm ngoài êm, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.

Người xưa cũng có dạy trong tình vợ chồng vừa có tình anh em vừa có tình bạn. Vì vậy mỗi khi hai người có chuyện hãy tìm cách chặn cơn giận lại, hãy nghĩ trong vợ có chồng, trong chồng có vợ, giận nhau cũng như mình tự giận mình. Nếu mình quấy thì phải biết xin lỗi, sửa sai. Chuyện này nghe qua tưởng dễ nhưng rất khó, tính tự ái và mặc cảm khiến lưỡi mình cứng đơ không nói ra được. Nhưng cái gì khiến mình làm được? Tình thương, có tình thương thì làm gì cũng được. Mà phải xin lỗi từ những chuyện nhỏ kia, bởi lỗ nhỏ mới đắm thuyền, tàn lửa có thể bùng lên thành đám cháy lớn. Sau khi xin lỗi chẳng những thấy nhẹ nhàng, thư thái mà người ta càng thấy thương yêu nhau hơn. Ai biết xin lỗi, người ấy là người biết tạo ra hạnh phúc cho chính mình và người khác...”.

Có lẽ đôi vợ chồng này vẫn còn thương yêu nhau nên khi nghe khuyên giải, phân tích thiệt hơn, họ nhận ra tại mình cố chấp rồi cả hai nhận phần lỗi về mình, một kết thúc có hậu khi người ta ngộ ra chữ nhẫn. Nhìn họ, tôi chợt nhớ tác giả Cao Huy Thuần có viết về ý nghĩa của chiếc nhẫn mà cô dâu, chú rể đeo vào tay nhau trong ngày cưới. Tôi nghĩ sau này có gặp chuyện nhỏ hay lớn thì cặp vợ chồng trẻ trên cũng sẽ biết cách giải quyết, biết cách làm cuộc sống chất lượng, hạnh phúc hơn bởi đã học được bài học về chữ nhẫn...

2. Hiếu

Vụ án con giết cha làm chấn động, bàng hoàng cả TP Cần Thơ. Khi tòa phúc thẩm TAND tối cao mở phiên phúc thẩm xử Trần Văn Giá về tội giết người, sân tòa đông nghịt. Ai nấy đều lắc đầu, phẫn nộ trước cái ác. Trước đây chỉ vì mâu thuẫn mà kẻ thủ ác đã giết chết vợ. Đi tù 18 năm, những tưởng tâm tánh được sửa đổi nhưng không ngờ... Cha hắn có vài công vườn. Khi hắn ra tù, nhớ lại trước đây cha có hứa cho hết số đất nên hắn yêu cầu người cha phải thực hiện lời hứa.

Người cha không cho vì đó là nguồn sống duy nhất của vợ chồng ông - đã 70 tuổi, vẫn phải tự chăm sóc, nuôi thân. Sau nhiều lần đe dọa giết cha, cuối cùng hắn đã làm thật. Hắn bắt cha ký vào giấy cho 500m2 đất vườn do hắn lập sẵn. Người cha không chịu, hắn dùng cây đánh rồi bóp cổ ông đến chết. Tòa sơ thẩm đã tuyên tử hình. Hắn kháng cáo xin được giảm tội.

Tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm. Người dự khán đồng tình: “Xử như thế là đúng! Hắn là con duy nhất. Cha hắn chết đi thì số đất đó thuộc về hắn chứ ai. Mà cho dù cha mẹ mình không cho, đạo làm con cũng không được trách móc. Ơn sinh thành dưỡng dục, báo đáp hết kiếp cũng không đủ, đằng này không làm tròn chữ hiếu còn giết cả cha”. “Ừ, thân mình do cha mẹ sinh ra, không có cha mẹ làm sao có mình? Đúng là phường đại nghịch bất đạo. Chắc hắn chưa nghe câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ...”.

Nghe mọi người bàn tán, tôi lại liên tưởng đến những câu viết trong Thấy Phật: “Chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục đã đi vào máu huyết của văn hóa VN...”, “Thân người là rất quý, mà ai đem lại thân người cho chúng ta nếu không phải là cha mẹ?...”, “Chừng nào Đức Phật còn ngồi với cha mẹ trên bàn thờ trong mỗi gia đình, chừng đó dân tộc VN còn hiểu tại sao cha mẹ là thiêng liêng, tổ tiên là thiêng liêng...”.

Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ vốn là nền tảng đạo đức của con người. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng chúng ta đã thuộc làu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”. Ai ơi! Nếu có suy nghĩ, hành động bất kính đối với cha mẹ thì hãy nhớ đến công lao dưỡng dục cao vòi vọi như núi, sâu thăm thẳm tựa biển, hãy nhớ hình hài này do cha mẹ ban cho mà quan tâm lo lắng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Bởi một người mà ngay cả đấng sinh thành ra mình còn không biết ơn, quý trọng thì người đó mãi mãi không thành người được...

Chuyện một người con hiếu thảo

Trong quá trình công tác, tôi có quen biết chị Lê Thị Ánh Thu và luôn cảm phục chị vì sự hiếu thảo hiếm có. Tốt nghiệp trung cấp y tế, đang làm cho một công ty trên TP.HCM thì hay hung tin cha bị bại liệt do tai biến mạch máu não, mẹ bệnh tiểu đường, mắt gần như bị lòa, đứa em gái đang học lớp 12 bị tâm thần, chị Thu tức tốc quay về Vĩnh Long. Từ đó, 15 năm qua chị mưu sinh bằng đủ thứ nghề: bán báo dạo, ve chai, đẩy xe rác, bán vé số, bán máu...

Hiện giờ chị làm tạp vụ cho một công ty ở TP.HCM, tối làm thêm việc chăm sóc một bà cụ bại liệt. Chiều thứ sáu chị đón xe tất tả về Vĩnh Long, dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng thức ăn dự trữ để cả nhà ăn dần trong tuần, rồi lại quay sang đấm bóp cho ba mẹ, tắm rửa, gội đầu cho em gái. Đến chiều chủ nhật chị lại quày quả lên TP.HCM. Hoàn cảnh khắc nghiệt là thế nhưng chưa lần nào chị oán trách số phận: “Cha mẹ cả đời vất vả vì mình, nếu giờ mình không lo báo đáp thì đợi đến lúc nào”.

Hiện người phụ nữ 48 tuổi này tranh thủ vừa làm vừa học thêm tiếng Anh để sau này có thể xin vào làm ở tiệm thuốc tây gần nhà bởi: “Có như vậy mình mới chăm sóc cha mẹ và em gái được. Chứ giờ mình ở tận Sài Gòn, lỡ người thân trở bệnh thì không có ai lo”.

M.T.

MINH TÂM