Tuyết rơi từng bông trắng
Đèn điện sáng rực trời
Noel rồi sắp tới
Phố nhộn nhịp bao người

Ước mơ em nhỏ lắm
Em cô bé bán diêm
Người giàu qua lặng lẽ
Người nghèo không có tiền

Em đâu dám về nhà
Trong màn đêm giá lạnh
Cây thông non gầy guộc
Bình bong... đêm Giáng sinh

Em quẹt diêm cho mình
Một mái nhà ấm cúng
Mùi ngỗng quay béo ngậy
Lò sưởi cháy hoà ca

Một que diêm sáng lên
Em gặp bà, gặp mẹ
Bà em còn rất trẻ
Mẹ em đẹp như tiên.

Em ngước lên nhìn trời
Thiên đường cao vời vợi
Mẹ và bà có đợi
Ủ ấm em vào lòng.
1, 2, 3, 4, 5
Hết que này, que khác
Que diêm cuối cùng tắt
Thiên đường ở trên cao.

Tuyết phủ chỗ em ngồi
Mắt em nhắm lại rồi
Trái tim em bé bỏng
Thiên đường không đói rét
Thiên đường chẳng có diêm.

Người qua đường náo nức
Từ nay không cơ cực
Chẳng ai còn gặp em
Đi bán diêm trong đêm.


Tôi viết bài thơ này cách đây khoảng chục năm. Khi đó, đang là học sinh PTTH. Còn hiện tại, tôi đã tốt nghiệp Đại học, đi làm được vài năm. Bài thơ được chép chung với một số bài khác trong cuốn sổ cũ nhưng bây giờ, không tìm lại được nữa. Tôi viết lại bài thơ theo trí nhớ, dù đôi chỗ còn lộn xộn và không khỏi nuối tiếc vì nguyên gốc bài thơ có lẽ với tôi, nó còn hay hơn thế này.


Hồi nhỏ, đọc câu chuyện "Cô bé bán diêm", tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó, chỉ biết là buồn. Lớn lên mới thấm thía giá trị của đói, của nghèo, của cuộc sống giàu sang và cơ cực, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Bản thân tôi luôn được bố mẹ chăm lo cho ăn học nên nhiều lúc, tôi thấy khó chịu vì ám ảnh đói nghèo của bố mẹ. Có khi, còn to tiếng với mẹ vì một mẩu cá thừa, ăn không hết, bỏ đi trong khi mẹ trách tôi lãng phí. Chỉ vì ăn một miếng dưa hấu nham nhở, không chịu gặm hết cái ruột đỏ của nó, tôi cũng bị mẹ càu nhàu. Trót ném cái quần bò cũ làm giẻ lau sàn nhà, tôi cũng bị mẹ ca cẩm...

Mẹ tôi kể, hồi nhỏ, có lần đi làm đồng về đói quá, trèo lên cây ổi gần ao, vặt trộm quả xanh của bà ngoại để ăn. Hậu quả, mẹ bị đau bụng một trận gần chết. Bà ngoại mời thầy lang, thầy cúng đến "hành lễ", đốt hương cầu khấn đến cháy sém cả bụng mẹ. Cũng may, sau đó, mẹ tôi tự khỏi bệnh, chứ chắc chắn không phải do bùa phép của thầy cúng.

Lần khác, chỉ vì tranh giành mấy củ lạc sống, trộm được của ông ngoại với cậu tôi mà mẹ bị cậu (khi đó còn trẻ con) chém cho một phát, nứt toác cả móng chân. Đến giờ, móng chân cái bên trái của mẹ vẫn còn một đường nứt dọc, chia đôi móng chân - dấu vết của một thời tranh ăn khi mẹ còn nhỏ.

Với bố tôi, cuộc sống thơ ấu còn khó khăn gấp bội. Ông nội mất sớm từ khi bố vừa chào đời. Một tay bà nội nuôi bố và bác trai ăn học. Bố kể, có lần chờ bà đi chợ huyện mua gạo về lâu quá, bố lén ra ngoài đồng, đào trộm khoai lang sống, ăn ngấu nghiến. Hậu quả, giống như mẹ, bố bị đau bụng một trận "thừa sống thiếu chết". Cũng do may mắn, bố tôi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, còn có cơ duyên nên vợ nên chồng với mẹ. Bố kể, ngày xưa, có được bát cơm trắng mà ăn là bữa thịnh soạn. Bình thường, toàn ăn cơm trộn ngô, trộn khoai. Ngày giáp hạt thì ăn cả lá khoai lang, rễ khoai lang...

Đó là lý do vì sao, bây giờ, khi cuộc sống đã sung túc hơn, bố mẹ tôi luôn "xót ruột" với từng hạt cơm nguội hay mẩu thức ăn thừa. Tôi cũng đã hiểu vì sao hồi nhỏ luôn bị bố mẹ thúc giục phải học hành giỏi giang để thoát cảnh nghèo nàn. Và đến giờ, dù cuộc sống thoải mái thế nào cũng cần học cách tiết kiệm, phấn đấu và quý trọng sức lao động. Nếu bản thân may mắn hơn thì hãy chia sẻ sự niềm vui đó với những cảnh đời nghèo khó xung quanh chúng ta...

Một mùa Giáng sinh lại sang, năm mới sắp tới, mong rằng, cả bạn và tôi sẽ luôn cố gắng cho cuộc sống sung túc, ấm no hơn. Mong rằng, bạn không thờ ơ, lạnh lùng với một người ăn xin, một người nghèo hay đồng bào đang khốn khổ vì thiên tai, bão lũ. Mong rằng không còn có những số phận bất hạnh như em bé bán diêm trong cuộc sống này.