(Dân trí) - Luật Viễn thông quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân trong giao kết hợp đồng sử dụng với doanh nghiệp.


Cước di động sẽ do doanh nghiệp quyết sau khi đăng ký với Bộ chủ quản.

Sáng 17/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Luật Viễn thông và Luật vô tuyến điện (có hiệu lực từ 1/7/2010).
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng, Luật Viễn thông điều chỉnh các hành vi theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông nhằm phát triển nhanh và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng viễn thông góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý giá cước điện thoại cố định được xác định là dịch vụ công ích xã hội. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) vào thị trường, mức độ quản cũng chỉ ở mức ra quy định về giá trần, giá sàn. Những lĩnh vực khác doanh nghiệp sẽ có quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước nhưng khi ban hành giá đối với những lĩnh vực quan trọng như cước di động, internet thì phải đăng ký trước với Bộ chủ quản.

Hiện trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến chuyện DN nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường liên tục “tố” nhau cũng sẽ được giải quyết bằng quy định luật cụ thể như: Không được bù chéo dịch vụ; không được sử dụng ưu thế về mạng, phương tiện để cản trở việc xâm nhập thị trường của những DN khác.

“Trong Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân trong giao kết hợp đồng sử dụng với DN; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, truyền, đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông.

Đặc biệt, những hành vi sử dụng các thiết bị viễn thông để thu trộm, nghe trộm, trộm cắp mật khẩu các thông tin cá nhân khác sẽ bị truy tố theo pháp luật. Các quy định về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cũng được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn” - Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.

Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông, trong đó có một số điểm nổi bật như: Áp dụng cơ chế thị trường cho việc quản lý các băng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, để sử dụng cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ thương mại khác, cụ thể là cấp phép bằng hình thức thi tuyển hoặc đấu giá quyền sử dụng tần số.