Mẹ chết, nhà cửa điêu tàn, những ngày qua, bé Ngọc cứ như người mất hồn, suốt ngày cứ ngồi bó gối trong góc nhà, chẳng buồn ăn uống.


Trong căn lều tạm bợ, phía sau bàn thờ người cha xấu số vừa mới lập, bé Bùi Minh Huy (11 tuổi) đang ngồi đun bếp nấu cơm nhưng nước mắt cứ ứa ra. Nó đã mím chặt môi nhưng nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt xanh xao.

Em nó, bé Bùi Kim Quy, mới 4 tuổi nhưng cũng biết lại bàn thờ cha, nhớm chân lấy nhang đốt rồi khóc thút thít.

Đã gần nửa tháng trôi qua sau trận lũ kinh hoàng đêm 2/11 nhưng anh em Huy – Quy (con của chị Trần Thị Trung, nhà ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất cha. Nhưng dù sao chúng cũng còn may mắn hơn những đứa trẻ khác vì vẫn còn có mẹ bên đời.

Côi cút giữa đời


Căn lều tạm bợ, nơi ba mẹ con chị Trung ở. Ảnh: M.H.N

Chiều tắt nắng, căn lều bên vệ đường của 3 mẹ con chị Trần Thị Trung trông càng thê lương.

Lũ đến, nhà sập, chồng chết chị Trung sững sờ đón nhận tang thương cùng hai đứa con nhỏ dại. Bà con trong làng căng giúp tấm bạt làm lều cho 3 mẹ chị con có chỗ chui ra chui vào.

Nuốt nước mắt vào lòng, chị Trung nói với chúng tôi như tự an ủi mình: “Ba tụi nhỏ mất rồi mình phải gắng gượng sống để nuôi chúng ăn học, được tới đâu hay tới đó chứ biết tính sao”.

Cơn bão số 11 tàn khốc kèm theo lũ dữ quét qua các miền quê ỏ tỉnh Phú Yên đã cướp đi 81 mạng người. Sau bão lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh cha mất con, con mất cha, vơ mất chồng, chồng mất vợ … Đặc biệt, có những gia đình cả cha lẫn mẹ đều bị nước lũ cuốn trôi, để lại những đứa trẻ thơ bơ vơ bên đời.


Hai anh em bé Huy - Quy và cháu Kánh Linh, ở xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu cùng cảnh mồ côi cha. Ảnh: M.H.N

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Phan Văn Mỹ và chị Nguyễn Thị Lạc (giáo viên Trường tiểu học An Thạch, xã An Thạnh huyện Tuy An), nhưng căn nhà chỉ còn là một đống đổ nát, không một bóng người.

Chị Lạc và anh Mỹ đều bị lũ dữ cuớp đi, bỏ lại hai đứa con thơ dại. Đứa con gái lớn của hai vợ chồng xấu số này là Phan Nguyễn Thu Hồng chỉ mới 11 tuổi, đứa em là Phan Nguyễn Như Ngọc, cũng chỉ mới 10 tuổi.

Chúng tôi hỏi thăm cháu Hồng và cháu Ngọc giờ sống ở đâu, ông Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Thạch sốt sắng chỉ đường rồi trầm ngâm, chia sẻ: “ Sau lũ, chúng tôi gửi cháu Hồng và cháu Ngọc cho các cô giáo trường Tiểu học An Thạnh trông nom giúp. Sau đó, hai đứa về ở với ông bà nội ở xã An Dân. Bên nhà cậu, nhà dì của hai cháu hoàn cảnh cũng rất khó khăn, trường học lại cách nhà quá xa nên không biết mai mốt chuyện học hành của sắp nhỏ ra sao…”

Căn nhà cháu Hồng và Ngọc đang sống với ông bà nội nằm dưới chân quả đồi đầy lau sậy, cách xa chợ và trường học. Chúng tôi đến lúc xế chiều, bà nội của cháu Hồng và Ngọc năm nay đã ngoài 80 tuổi đang tay run run vo gạo nấu cơm.

Một chị hàng xóm chép miệng kể: “Bà cụ già quá rồi không đi chợ được, phải nhờ bà con ở đây đi chợ giúp. Mắt cụ lại mờ nên có lần nấu cơm trong nồi cạn nước mà cụ không biết cứ đun lửa làm cơm cháy khét. Còn cháu Hồng, cháu Ngọc thì nhỏ quá, chưa giúp được gì”.

Xót đứa trẻ mồ côi sống với ông bà nội già yếu, chị hàng xóm mang cho cháu Hồng, Ngọc một con gà mái nuôi làm vốn để mai mốt bán lấy tiền mua sách vở đi học.

Nói chuyện đến trường chỉ biết khóc!

Lũ đi qua, cháu Lê Thị Ngọc, học sinh lớp 10 nhà ở thị trấn La Hai huyện Đồng Xuân, như gà mất mẹ.

Hai năm trước, cháu Ngọc đã phải chịu cảnh mồ côi vì người cha bị bệnh hiểm nghèo, chết sớm. Cố vượt qua nỗi đau, mẹ cháu Ngọc mở quán bán hàng tạp hóa bên đầu cầu La Hai kiếm tiền nuôi con ăn học. Nói là quán nhưng cũng chỉ là cái lều tạm bợ với mấy bịch kẹo, tấm bánh treo lủng lẳng.


Thi thể anh Minh, ba của cháu Huyền, Hưng, Nghĩa được người dân địa phương tìm thấy sau lũ. Ảnh:M.H.N

Đề nghị cứu đói cho 50 ngàn người

Thống kê của UBND huyện Tuy An, đợt bão lũ vừa qua toàn huyện có 26 người chết, 636 nhà sập hoàn toàn, tốc mái trên 10.000 ngôi nhà… tổng thiệt hại ước tính hơn 938 tỉ đồng. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, UBND huyện Tuy An đề nghị cứu đói 50.000 nhân khẩu trong thời gian từ 4 đến 5 tháng.
Thế rồi, tai họa lại một lần nữa trút xuống hai mẹ con người đàn bà bạc mệnh này. Đêm 2/11, lũ đến, tay yếu chân mềm mẹ bé Ngọc không thể chống chọi nổi nên bị dòng nước dữ cuốn trôi.

Mẹ chết, nhà cửa điêu tàn, những ngày qua, bé Ngọc cứ như người mất hồn, suốt ngày cứ ngồi bó gối trong góc nhà, chẳng buồn ăn uống. Ông bà ngoại Ngọc đã già yếu nay lại càng kiệt qụy vì nỗi đau mất con.

Thầy Nguyễn Phúc, Hiệu trưởng Trường PTTH Lê Lợi (Đồng Xuân), xót xa nói: “Với gia cảnh hiện giờ của bé Ngọc nếu không có các nguồn tài trợ, không có mạnh thường quân giúp sức thì cháu nó rất khó có thể theo học được”.

Ở xóm Trường ( xã Xuân Quang 2 huyện Đồng Xuân) còn có những mảnh đời đáng thương hơn. Đó là trường hợp của ba chị em Trương Thị Lệ Huyền, Trương Tuấn Hưng và Trương Tuấn Nghĩa. Chúng phải chịu cảnh côi cút vì cả ba mẹ đều bị lũ cuốn trôi và không có người thân để tương tựa.

Căn nhà đã bị lũ đánh sập không còn chỗ trú thân nên hiện giờ ba chị em vào ở nhờ trong một gian phòng của hợp tác xã. Phía trước mái hiên chúng lấy mâm đặt lên ghế gỗ làm bàn thờ ba mẹ

Nhìn ba đứa nhỏ sống lây lất nhiều người trong xóm cũng không cầm được nước mắt. Chị Huỳnh Thị Nhị, xót xa: “Hồi anh Minh chị Quyên (ba mẹ của cháu Huyền, Hưng, Nghĩa) còn sống, tiền nuôi con ăn học hai vợ chồng dựa vào nghề trồng dưa hấu. Giờ ruộng dưa hấu đã bị nước lũ xóa trắng, tụi nhỏ biết lấy gì mà sống”

Huyền đang là sinh viên Đại học năm thứ 2 nhưng giờ mỗi khi nghe nhắc đến chuyện trở lại trường em chỉ biết khóc.