+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 8 trên 8

Hybrid View

  1. #1
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default Những người tạo tiếng cười trên sân khấu!

    Những người tạo tiếng cười: - Hoài Linh

    Thanh Tùng - Việt Tribune

    Chỉ chiếm số lượng nhỏ so với các ca sĩ hiện nay, nhưng các nghệ sĩ hài luôn được khán giả chờ đợi nhiều nhất trong các chương trình đại nhạc hội khắp nơi. Đơn giản vì có mấy ai không thích cười, nhất là trong thời buổi làm ăn khó khăn như lúc này. Trên sân khấu, họ tạo tiếng cười cho người xem. Có khi họ chỉ mới xuất hiện chưa kịp diễn gì, khán giả đã cười rần rần. Đời gọi họ là “anh hề, diễn viên hài, nghệ sĩ hài, hoặc cao cấp hơn, là danh hài”. Có sao đâu, dù được gọi với danh từ nào thì họ cũng vẫn là những kẻ mang niềm vui đến cho mọi người. Có người bảo các danh hài chắc chỉ cười suốt ngày và chả bao giờ biết buồn. Có thật thế không? Chắc chắn là không, vì đằng sau tiếng cười là mồ hôi, là trăn trở, thậm chí là nước mắt của các danh hài.
    Dù Việt Nam hiện nay có nhiều trường đào tạo nghệ sĩ trình diễn ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như cải lương, kịch nói, múa, điện ảnh nhưng chưa có trường nghệ thuật nào chuyên dạy trở thành danh hài. Do đó, hầu hết các nghệ sĩ hài hước Việt Nam hiện nay đều xuất thân từ…tay ngang và từ chính duyên hài Trời cho của mình.


    Hoài Linh vai Thị Hến, trong vở Nghêu Sò Ốc Hến. Hình Thanh Tùng cung cấp

    Hoài Linh vào nghề bằng những tháng ngày học múa ở đoàn ca múa nhạc Hải Đăng tận ngoài miền Trung. Đến khi định cư tại Mỹ, góp vui trong các buổi tiệc cưới tại một số nhà hàng, Hoài Linh vẫn chưa định được hướng đi cho mình. Tình cờ gặp gỡ Vân Sơn, vốn cũng xuất thân từ một diễn viên múa của đoàn ca múa nhạc Hương Miền Nam (mà có lúc Mỹ Lan là ca sĩ chính và tạo cơn sốt vé vào cuối thập niên 80 tại Sài Gòn), Hoài Linh mới nhận ra khả năng hài hước tiềm ẩn trong mình. Bộ đôi Vân Sơn – Hoài Linh trở thành liên danh tấu hài thành công đầu tiên tại hải ngoại. Họ diễn ở đâu, thành công đến đó, một phần nhờ sự hỗ trợ đắc lực về kịch bản của soạn giả Ngô Tấn Triễn, nhưng nguyên nhân chính, vẫn là cái duyên Trời cho chứ không phải từ những bài bản trong trường lớp.

    So với các nghệ sĩ hài khác, Hoài Linh mỗi ngày một ăn khách là nhờ vào chính sự thông minh và nhạy bén của một nghệ sĩ. Bên cạnh sự duyên dáng cần phải có khi diễn hài, Hoài Linh vượt trội các đồng nghiệp khác nhờ vào khả năng đo được phản ứng của khán giả trong từng buổi diễn và tùy vào phản ứng đó mà anh gia giảm mức độ hài hước của mình cho phù hợp và đạt hiệu quả tiếng cười cao nhất. Chất ngẫu hứng của Hoài Linh tuyệt vời ở chỗ nó căn cứ trên tình huống kịch, trên khả năng tung hứng của bạn diễn và đặc biệt, dựa trên tiếng cười của khán giả. Hoài Linh có cách diễn hài tỉnh rụi và đầy thông minh. Khán giả mê Hoài Linh vì họ tìm được chính mình qua cách “diễn hài mà như không diễn” của Hoài Linh. Điều này lý giải vì sao khán giả trong nước ùn ùn đi xem Hoài Linh, không cần biết vở tuồng gì, nội dung ra sao, miễn chỉ cần có Hoài Linh thì vé hết sạch. Ở hải ngoại, chương trình nào có tên Hoài Linh, bầu show an tâm về số lượng khán giả ủng hộ.

    Từng đi show chung với nhau, tôi nhận ra sự nghiêm túc của Hoài Linh trong nghề nghiệp. Trước giờ ra sân khấu, Hoài Linh gần như không đùa giỡn ồn ào. Anh kỹ lưỡng, cẩn thận trong từng nét hóa trang, nếu là vai phụ nữ. Có lần, Hoài Linh khoe với tôi mái tóc giả dài đen mượt đã giúp anh trọn vẹn trong vai một thiếu nữ xinh đẹp trên sân khấu là của chị Hai (nữ ca sĩ Hương Lan) vừa tặng. Diễn xong, Hoài Linh cẩn trọng chải chuốt và đặt bộ tóc giả vào trong bao đựng gọn gàng.

    Chưa tới vai diễn, ngồi trong hậu trường, Hoài Linh thường dành sự chú ý đến các lớp diễn của đồng nghiệp trên sân khấu. Có thể Hoài Linh đang học hỏi và cũng có thể anh muốn tôn trọng đồng nghiệp của mình. Quen biết và trở thành bạn bè thân thiết, tôi chưa bao giờ nghe Hoài Linh nói xấu hoặc chê bai bất kỳ đồng nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ. Ngược lại, tôi cũng chưa bao giờ nghe bất cứ nghệ sĩ nào than phiền về Hoài Linh.
    Biết mình được khán giả thương mến, Hoài Linh quyết định về cộng tác với sân khấu kịch Nụ Cười Mới – do một nhóm diễn viên trẻ tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh thành phố) đứng ra điều hành tại Sài Gòn để giúp sân khấu này bán được vé và phát triễn không ngừng. Có suất diễn, dù đang bệnh nặng, Hoài Linh vẫn hết mình với vai trò trên sân khấu, chọc khán giả cười tưng bừng, để rồi vừa bước vào cánh gà, Hoài Linh như quả cam bị vắt kiệt nước, đổ sụp xuống bên bình dưỡng khí.

    Tết đến, Hoài Linh chạy khoảng 17 show một ngày tại Việt Nam. Sao ham tiền dữ vậy? “Đâu có, tui chạy show để giúp các diễn viên trẻ có cơ hội kiếm tiền nuôi gia đình đó mà.” Hoài Linh phân trần.

    Nghệ sĩ Ngọc Giàu kể lại nhiều lần chị chứng kiến cảnh Hoài Linh vừa lãnh cát sê sau đêm diễn, bước vào trong hậu trường, anh chia lại cho các anh em hậu đài, dọn cảnh, hoặc các diễn viên trẻ gặp khó khăn. Hễ ai bị đau yếu, con cái bị bệnh hoạn, Hoài Linh có mặt ngay bên họ, chia sẻ đồng thù lao cuối cùng bằng tình nghệ sĩ chân thành.
    Bất kể các danh hài khác cần giúp đỡ bằng hình thức gì, Hoài Linh không từ chối bao giờ. Minh Nhí từ Việt Nam sang Mỹ lưu diễn cần tiểu phẩm hài. Hoài Linh nhường lại ngay tiết mục đang rất ăn khách của mình để Minh Nhí diễn chung với Quốc Thảo. Thậm chí, Hoài Linh còn nhường luôn cả căn phòng trọ của mình cho Minh Nhí tá túc trong thời gian ở Quận Cam. Minh Nhí lúc đó vẫn thường gọi điện thoại cho tôi và khoe: “Hoài Linh tốt với tui lắm ông ơi!”

    Nếu không có sự khuyến khích bằng tinh thần và sự giúp đỡ bằng vật chất thật chân tình bởi Hoài Linh từ buổi ban đầu, người thợ cắt tóc trẻ mê ca hát nhưng thiếu may mắn trong các cuộc thi là Huỳnh Minh Hưng làm gì có đủ tiền để thực hiện cho mình album đầu tay mang tên một ca khúc ngoại quốc lời Việt trở nên top hit sau này “Tình ơi xin ngủ yên”? Để rồi từ thành công vang dội của album đó, mới có một ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng hôm nay. Hào quang sáng chói mà Mr. Đàm có được hôm nay không thể không kể đến sự giúp đỡ quý báu của Hoài Linh khi xưa.

    Với đàn em, Hoài Linh sống hết mình, còn với những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị đi trước, Hoài Linh một mực kính trọng. Dù đang là danh hài được khán giả yêu thích nhất hiện nay, với Hoài Linh, những tên tuổi như: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Hương Lan, Bảo Quốc…vẫn là những thần tượng như thưở nào. Riêng với Hương Lan, Hoài Linh xem chị như chỗ dựa vững chắc mỗi khi suy sụp tinh thần. Từ chuyện nghề cho đến chuyện tình, từ chuyện chung cho đến chuyện riêng, Hương Lan là người mà Hoài Linh tìm đến đầu tiên để tìm sự sẻ chia và cũng để khóc như đứa trẻ.

    Nổi tiếng nhưng không tự cao, thành công nhưng không tự mãn, Hoài Linh chẳng những được khán giả khắp nơi yêu mến mà còn được đồng nghiệp nể phục, thương yêu.

  2. #2
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    NHỮNG NGƯỜI TẠO TIẾNG CƯỜI: Quang Minh-Hồng Đào

    Thanh Tùng - Việt Tribune


    Không giống như các ca sĩ khi bước ra sân khấu đã có sẵn bài hát do nhạc sĩ sáng tác và cũng đã được ban nhạc hòa âm từ trước, các diễn viên tấu hài chủ yếu dựa trên sự nhạy bén và ngẫu hứng để tạo tiếng cười. Khán giả có thể say sưa nghe đi nghe lại nhiều lần, có khi vài ba chục năm, chỉ một ca khúc quen thuộc, nhưng sẽ không bao nhiêu người chịu bỏ tiền mua vé để xem lại một tiết mục hài hước đã cũ. Diễn hài không đơn giản chỉ cần thuộc tuồng, ra sân khấu trả bài mà còn phải sáng tạo trong khâu kịch bản, tìm hiểu thị hiếu của khán giả tại nơi trình diễn, xem họ thích gì, đa số khán giả làm nghề gì, gu thưởng thức nghệ thuật của họ ra sao để thích ứng và mang lại tiếng cười một cách hiệu quả nhất. Trong số báo kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu sơ nét về danh hài Hoài Linh, một trong những danh hài ăn khách nhất hiện nay. Kỳ này, mời quý độc giả cùng tìm hiểu đôi danh hài Quang Minh- Hồng Đào.


    Từ phải, Hồng Đào, Quang Minh, Minh nhí và Tường Vân trong một show diễn tại San José. Tường Linh/Việt Tribune

    Khác với Hoài Linh đi vào con đường diễn hài bằng sự tình cờ, Quang Minh và Hồng Đào đều là những diễn viên kịch nói chuyên nghiệp. Cả hai cùng là bạn học trong ba năm theo học lớp diễn viên kịch nói do nữ đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc làm chủ nhiệm tại trường Nghệ thuật sân khấu 2 (tức trường Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh Sài Gòn hiện nay). Nếu như Hồng Đào đã được chú ý và nổi tiếng từ khi còn là sinh viên vì xinh đẹp lại diễn hay thì Quang Minh lại chẳng gây ấn tượng gì với thầy cô và các bạn cùng lớp. Nếu có chăng, Quang Minh chỉ được nhắc đến như một thanh niên con nhà giàu, đẹp trai và nhảy đầm giỏi.

    Dù chỉ mới là sinh viên năm thứ nhất, Hồng Đào liên tục được các đàn anh từ những khóa học trước mời diễn trong những vở kịch tốt nghiệp và đặc biệt, được nghệ sĩ Thành Lộc mời diễn chung trong vở “Đêm họa mi” được phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn gây xôn xao dư luận một thời về cô diễn viên rất trẻ nhưng diễn xuất có nghề. Trong khi đó, các vai diễn trả bài hoặc thi học kỳ của Quang Minh trong lớp đều nhận được sự lắc đầu ngao ngán của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

    Ra trường, Quang Minh về đoàn kịch nói Bông Hồng, lúc đó có Thẩm Thúy Hằng, Tú Trinh, Mai Phương, Hoa Hạ, Lê Vũ Cầu…Hồng Đào trở thành đào chính của đoàn kịch Trẻ Thành Phố với các nghệ sĩ: Thành Lộc, Đàm Loan, Lâm Hùng, Quốc Tuấn (hiện đang định cư Quận Cam). Sài Gòn thập niên 80 chứng kiến sự lên ngôi bá chủ của cải lương, nhưng lại chưa phải là đất sống cho bộ môn thoại kịch. Cùng với cô bạn thân cũng là diễn viên kịch Hồng Vân, Hồng Đào thuê tủ kính bán mỹ phẩm kiếm sống qua ngày. Buôn bán lẻ hổng khá, Hồng Đào đi học may để kiếm thêm thu nhập.

    Sau đó, Hồng Đào về cộng tác với Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (tức đường Trần Quý Cáp cũ) và thực sự chín muồi trong hàng loạt vở diễn tâm lý xã hội. Tôi là khán giả trung thành của Sân khấu 5B nên cũng trở thành fan hâm mộ của Hồng Đào từ dạo ấy. Tôi mê mái tóc dài đen mượt đầy nữ tính của Hồng Đào, cùng với đôi mắt to đen láy của chị đủ sức “nói” được những cung bậc của tâm hồn nhân vật trong từng khoảnh khắc trên sân khấu. Các vai diễn của chị mang hơi thở của mẫu phụ nữ thời đại mới, bản lĩnh nhưng vẫn nữ tính, quyết liệt nhưng rất nhẹ nhàng. Khán giả TV lúc đó liên tục được xem Hồng Đào trong nhiều vai diễn ấn tượng khác nhau. Đến năm 1990, Hồng Đào được tạp chí Sân khấu Việt Nam – tạp chí có tiếng nói mạnh nhất trong giới nghệ sĩ bình chọn là nữ diễn viên xuất sắc nhất trong năm qua vai diễn cô chủ quán trong vở “Cô chủ quán xinh đẹp”.

    Sự nghiệp sân khấu của Hồng Đào đang ở đỉnh cao thì đùng một cái, Quang Minh đi lấy vợ và sang Mỹ định cư vào năm 1990. Hồng Đào tiếp tục ở lại Việt Nam giấu nỗi buồn vào trong nước mắt của nhân vật trên sân khấu. Có lẽ nhờ vậy mà các nhân vật của chị trở nên “đời” hơn, thật hơn và phụ nữ hơn?

    Bốn năm sau, Hồng Đào cùng bố, mẹ rời Sài Gòn bay đến vùng đất mới San Jose. “Ngày mới sang Mỹ định cư, thời gian trôi qua chậm chạp. Mỗi ngày dường như dài hơn và chúng tôi đều sợ buổi tối. Vì thời gian đó là lúc chuẩn bị đến rạp, chuẩn bị ngồi vào bàn trang điểm để bước vào nhân vật. Vậy mà sang Mỹ phải làm quen với môi trường mới…” Hồng Đào bồi hồi nhớ lại.

    Tình cờ gặp lại Quang Minh nơi xứ người cũng là lúc anh ly dị vợ, Hồng Đào lúc đó vẫn còn độc thân và vẫn còn yêu Quang Minh tha thiết. Thế là như kết thúc một câu chuyện cổ tích dành cho những kẻ yêu nhau thật lòng, họ trở thành chồng vợ chính thức sau những thử thách cuộc đời. Từ đó, khán giả tại Cali và nhiều tiểu bang khác đón nhận đôi nghệ sĩ hài Quang Minh- Hồng Đào với nỗi thú vị lạ lùng vì họ mang cuộc đời lên sân khấu – những va chạm trong đời sống vợ chồng tại hải ngoại đã được Quang Minh và Hồng Đào chắt lọc trở thành tình huống kịch qua lăng kính hài hước rất thật và cũng rất có duyên. Như cá gặp nước, Quang Minh càng diễn hài càng tiến bộ. Anh khai thác tối đa ngoại hình bắt mắt và lối phục trang rất fashion để làm bật tính cách nhân vật đỏm dáng và có máu 35 của mình. Bên cạnh Hồng Đào, Quang Minh như được tiếp thêm lửa sân khấu để liên tiếp đưa banh vào khung thành tạo hàng loạt tiếng cười vang dội cho khán giả.

    “Ở Mỹ không phải là đất sống của kịch dài, nên phải chuyển sang diễn tấu hài. Ban đầu chúng tôi không quen nên cứ bị nhây nhưa, phải trãi qua nhiều suất diễn để làm quen và khán giả cũng dành nhiều tình cảm nên chúng tôi chắt lọc lại từng mảng miếng, sau đó thích ứng với cách diễn và thị hiếu khán giả hải ngoại”. Hồng Đào chia xẻ kinh nghiệm những ngày đầu diễn hài tại Mỹ.

    Từ các hài kịch trên DVD của trung tâm Vân Sơn, đến Thúy Nga Paris và trung tâm Asia, Quang Minh và Hồng Đào đã trở thành đôi bạn diễn ăn ý tuyệt vời trong hầu hết mọi tiểu phẩm do cả hai tự soạn với nhau. Có lần, trong một buổi phỏng vấn, tôi hỏi ngoài thời gian trình diễn, khi nào anh chị ngồi xuống thảo luận về kịch bản và tiết mục sắp tới, cả Quang Minh và Hồng Đào đều cười thật giòn và trả lời rằng vì quá bận rộn việc chăm sóc con cái, gia đình, nhà cửa, nên cả hai không ngồi để bàn chuyện tập tuồng mà thực tế, họ… nằm. Đó là lúc cả hai vợ chồng lên giường chuẩn bị đi ngũ. Đây cũng là khoảng thời gian rãnh rỗi hiếm hoi trong ngày để cả hai nghệ sĩ…sáng tạo.

    Bên cạnh việc sáng tác nhiều kịch bản trình diễn ăn khách, Quang Minh và Hồng Đào còn “kết hợp sáng tạo” ra hai cô công chúa xinh xắn và thông minh: Vicky (10 tuổi) và Sophia (4 tuổi) và đã từng xuất hiện trình diễn chung với cha mẹ trên sân khấu cũng như tham gia đóng phim hài video. Đôi nghệ sĩ đang rất hy vọng các cô con gái sẽ nối nghiệp của mình.

    Trước một số lời than phiền về sự lạm dụng ngôn ngữ không sạch trong lúc trình diễn, Quang Minh và Hồng Đào phân trần rằng cả hai rất ý thức trong việc không đi quá đà trong biểu diễn. Tuy nhiên, với một số đối tượng khán giả, những ngôn ngữ úp mở hay nửa kín nửa hở lại không làm họ cười bằng cách nói thẳng thừng huỵch toẹt. Gần đây, qua các tiết mục trên DVD Asia và Vân Sơn, Quang Minh và Hồng Đào xuất hiện trong những kịch bản có kết cấu bài bản hơn, chứ không còn đơn thuần là chuyện tấu hài quăng bắt qua lại như trước kia. Sau những tràng cười no nê, ở phần cuối, thường là những đoạn lắng đầy cảm động để mọi người cùng suy tư về một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Theo điều tra riêng, tôi khám phá tác giả của những kịch bản hài ý nghĩa đó chính là đạo diễn Hùng Lâm, một đạo diễn nổi tiếng với nhiều vở kịch giá trị và ăn khách tại Sài Gòn, và cũng là một “cây si” người đẹp Hồng Đào khoảng gần 20 năm về trước, hiện đang định cư tại Quận Cam.

    Chịu khó đi cày suốt 52 tiểu bang có người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, Úc Châu, Canada, kể cả tại Việt Nam, Quang Minh- Hồng Đào sắm được 2 căn nhà tại Quận Cam, trong đó, có một căn nhà bạc triệu đô la. Khi tôi hỏi, nhà triệu đô chắc là to và sang trọng lắm, Hồng Đào cười, không hẳn vậy đâu, chỉ vì muốn mua nhà gần với trường học tốt cho con.

    Xuất thân từ sân khấu kịch nói chuyên nghiệp, dù hiện rất đắt show diễn hài, cả Quang Minh lẫn Hồng Đào đều đau đáu mong ước một sân khấu kịch dài nghiêm chỉnh tại hải ngoại. Nơi đó, không chỉ có tiếng cười mà còn là sự trăn trở của từng số phận nhân vật với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố trong những tác phẩm kịch nói có giá trị nghệ thuật.

    Quang Minh tâm sự: “Ở Mỹ đời sống kịch dài không thể tồn tại vì mọi người đều bận đi làm. Tập dượt đã khó vì cuối tuần mới có thể tập hợp mọi người, tìm rạp diễn rất đắt đỏ, vé bán lại khó. Cũng có nhiều ê kíp nghệ sĩ mời chúng tôi tham gia kịch dài, nhưng tập mấy tháng chỉ diễn một vài suất”.

    Dẫu biết thế, nhưng khán giả, trong đó có tôi, vẫn hy vọng, một ngày rất gần, Quang Minh-Hồng Đào sẽ trở về lại mái nhà xưa là sân khấu kịch dài nghệ thuật tại hải ngoại.

  3. #3
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Những người tạo tiếng cười: Kiều Oanh-Lê Huỳnh

    Thanh Tùng - Việt Tribune

    Một trong số những điều nghịch lý nhất mà các nghệ sĩ hài hước thường gặp phải, đó là lúc đứng trên sân khấu tung hứng mua vui cho khán giả, cũng là khi trong cuộc đời riêng, họ lại đang tràn trề nước mắt. Trường hợp danh hài Bảo Quốc, vì đã trót nhận lời trình diễn tấu hài cho một số tụ điểm ca nhạc nên phải nuốt nước mắt vào lòng khi mẹ vừa qua đời để bước lên sân khấu chọc cười thiên hạ. Hoặc như danh hài Tùng Lâm hay tin mẹ mất ở Sài Gòn trong lúc ông đang cùng một gánh hát chuẩn bị mở màn tại miền tây. Ruột gan như lửa đốt, Tùng Lâm định chạy ngay về bên xác mẹ. Nhưng vé đã bán hết, khán giả đã vào kín rạp, vắng mặt Tùng Lâm sẽ là điều bất tiện cho gánh hát. Thế là giấu nước mắt vào tiếng cười, Tùng Lâm đêm đó vẫn chọc khán giả cười bò lăn trong lúc tim ông thắt lại vì nhớ mẹ.

    Trường hợp gần đây, một nữ nghệ sĩ hài hước được khán giả ủng hộ hết mình vì mỗi lần bước ra sân khấu, bằng lối diễn náo kịch và đầy ngẫu hứng duyên dáng của mình, cô luôn tạo nên những cơn bão cười cho khán giả. Đó cũng là lúc cô đang khóc hết nước mắt cho cuộc chia tay trong mối hôn nhân mà cô cố công vun đắp. Trong loạt bài về những người tạo tiếng cười kỳ này, mời quý độc giả chia xẻ giọt nước mắt đàng sau tiếng cười của đôi danh hài Kiều Oanh- Lê Huỳnh.


    Kiều Oanh và Lê Huỳnh trong một tiết mục hài tại San José tháng 6, 2009. Tường Linh/Việt Tribune

    Thật vậy! Xem Kiều Oanh tưng tửng quậy trên sân khấu giữa những tràng cười bất tận, ít ai ngờ đã có lúc cô khóc thật nhiều vì cuộc hôn nhân gãy đổ trên xứ Mỹ.

    “Cuộc tình đầu của tôi rạn nứt cũng vì cuộc sống quá căng thẳng ở xứ người. Anh ấy đi làm, tôi đi diễn, đi quay. Cuối tuần anh ấy nghỉ, tôi lại xách đồ đi diễn “xuyên bang” (chạy show sang tiểu bang khác). Rồi anh ấy tìm đến rượu để quên nỗi buồn. Khi có rượu lại sinh chuyện. Sau những trận cãi vã, hai chúng tôi tìm đến giải pháp ly dị để giải thoát cho nhau. Tinh thần tôi suy sụp từ khi chia tay anh ấy.” Kiều Oanh kể lại.

    Sau thành công trong một vai diễn từ vở kịch dài “Lấy chồng xứ lạ” trên sân khấu kịch Sài Gòn, Kiều Oanh đi lấy chồng là Việt kiều Mỹ với một đám cưới linh đình đủ mặt nghệ sĩ, người mẫu, tài tử nổi tiếng của Sài Gòn. Sau đám cưới, Kiều Oanh theo chồng về dinh tại Chicago, Illinois. Trong vài lần đi show chung, tôi thường gặp gỡ ông xã của Kiều Oanh – hiền lành, trẻ trung và cưng vợ. Tôi mừng cho Kiều Oanh gặp được người chồng tốt. Đâu ngờ…Thời gian đầu, mới định cư tại Mỹ, Kiều Oanh thường điện thoại tâm sự với tôi như đứa em gái với ông anh thân thiết. Những câu chuyện lưu diễn, những trăn trở được xuất hiện trong một vở kịch dài nghiêm chỉnh, những ý tưởng mới cho tiết mục kế tiếp, những dự định cho live show trong tương lai…là điều anh em chúng tôi hào hứng bàn tán với nhau. Kiều Oanh tuyệt nhiên không hề hé môi về chuyện gia đình cô gặp trục trặc. Nhưng tôi biết, Kiều Oanh đã khóc nhiều khi quyết định chia tay.

    Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ cũng thường lâm vào hoàn cảnh tương tự như Kiều Oanh. Ngày thường trong tuần không phải đi show và được ở nhà thì chồng (hoặc vợ) lại phải đi cày suốt. Đến cuối tuần hoặc ngày lễ lớn, khi mọi người được nghỉ ngơi thì ca sĩ, nghệ sĩ xách va ly miệt mài những chuyến bay show khắp mọi nơi. Một vài lần thì không nói làm gì, nhưng nếu chuyện xa mặt cách lòng cứ tiếp diễn năm này qua tháng nọ, khó trách một trong hai người tìm đến nguồn an ủi mới. Cho nên mới có câu hát “Thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi.”

    Với Kiều Oanh, nói tiếng “ly dị” quá dễ, nhưng khi đối mặt mới thấy khó vô cùng. Cô giam mình nhiều ngày trong phòng ngủ, không thiết tới ăn uống, chỉ vùi đầu vào gối, khóc đến độ ngã bệnh và suy nhược thần kinh. Vậy mà khi đứng trước khán giả, cô vẫn là một nghệ sĩ Kiều Oanh xí xọn, nhiều chuyện, lanh chanh hết sức đáng yêu, mang lại hàng đợt sóng vỗ tay và tiếng cười vang dội.

    Sinh ra tại vùng đất Châu Đốc, An Giang, Kiều Oanh sớm bộc lộ năng khiếu ca diễn từ khi còn nhỏ. Sau khi ghi danh, học và tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên cải lương chuyên nghiệp, do sân khấu cải lương mất dần khán giả, Kiều Oanh tham gia diễn kịch nói và đi tấu hài kiếm sống. Đó là khoảng thời gian Kiều Oanh diễn “bán mạng”, ai kêu gì cũng nhận, show nào cũng OK, bất kể địa điểm, thời gian, hễ có show thì Kiều Oanh có mặt. Cô lao vào cơn lốc kiếm tiền đến độ quay cuồng không kịp thở. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Kiều Oanh vẫn còn rùng mình kinh hãi. Tất cả chỉ vì gánh nặng gia đình khiến Kiều Oanh không thể làm khác hơn.

    Còn trẻ, lại đẹp và có tài, Kiều Oanh nhanh chóng trở thành tên tuổi trong làng tấu hài ở Sài Gòn vào cuối thập niên 90. Nổi tiếng khi còn quá trẻ dễ khiến người ta ngộ nhận về mình và trở nên tự mãn, bị kết tội “chảnh” với đàn anh trong nghề, Kiều Oanh trở thành mục tiêu bị tấn công và tẩy chay của một số danh hài nổi tiếng vào lúc đó tại Sài Gòn. Đã có lúc các danh hài liên minh với nhau áp lực bầu show và các tụ điểm, sân khấu không được mời Kiều Oanh trình diễn. Đó là khi Kiều Oanh gần như tuyệt vọng vì không còn môi trường kiếm sống.

    Hoài Linh từ Mỹ về Việt Nam cần tìm một bạn diễn thông minh, lanh lẹ, thế là Kiều Oanh được bước trở ra ánh đèn sân khấu. Bên cạnh Hoài Linh, Kiều Oanh chứng tỏ sự sắc sảo trong diễn xuất và chẳng bao lâu, cô được khán giả đón nhận nồng nhiệt, mở đường cho sự trở lại sân khấu mạnh mẽ hơn và thuyết phục hơn. Kiều Oanh liên tiếp tạo dấu ấn qua hàng loạt vai diễn trong các vở kịch dài trên Sân khấu kịch Sài Gòn do ông bầu Phước Sang điều hành.

    Theo chồng sang Mỹ định cư năm 2005, Kiều Oanh bắt cặp tấu hài cùng Lê Tín, được khán giả hải ngoại yêu thích. Sau những lần xuất hiện trên DVD của trung tâm Thúy Nga, cặp đôi Kiều Oanh- Lê Tín nhận được hàng loạt lời mời trình diễn ở khắp mọi tiểu bang và quốc gia có người Việt sinh sống với số cát sê cao ngất ngưỡng. Cho đến một lần, khi chỉ còn hai hôm nữa đến ngày trình diễn thì bất ngờ Lê Tín bị cơn đau gan quật ngã phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Quá bối rối trong việc tìm bạn diễn mới, Kiều Oanh lúc đó chỉ nghĩ đến những cái tên như Hoài Linh, Chí Tài…nhưng họ đều có đôi có cặp hết rồi. May sao, có người quen giới thiệu Lê Huỳnh, một ca sĩ vừa chuyển sang làm diễn viên trên DVD Vân Sơn.

    “Tôi rất nhát sân khấu. Mỗi vai tôi phải tập luyện ít nhất 2 tuần mới dám công diễn. Lúc đó, thời gian chuẩn bị để diễn với Kiều Oanh chỉ có hơn 1 ngày nên tôi đâu dám nhận. Kiều Oanh phải lừa tôi đó chứ. Cô bảo vai của tôi dễ như húp cháo, chỉ cần góp mặt cho có, đọc qua kịch bản là vào vai được rồi. Mà thật ra, cô ấy cũng có kịch bản đâu. Câu chuyện được kể trong cuộc gặp mặt đầu tiên của chúng tôi chính là nội dung kịch bản “Lan và Điệp tân thời”. Anh Lê Tín chuyến đó phải mổ gan, nằm viện khá lâu nên cộng tác của chúng tôi cũng kéo dài. Rất may là các buổi diễn đều thành công, chúng tôi phối hợp rất ăn ý.” Lê Huỳnh nhắc lại kỷ niệm lần đầu làm việc chung với Kiều Oanh.

    Không chỉ hợp ý với nhau trên sân khấu, Kiều Oanh và Lê Huỳnh trở nên thân thiết hơn ở ngoài đời. Đây là khoảng thời gian Kiều Oanh suy sụp tinh thần vì hôn nhân gãy đổ. Lê Huỳnh có mặt kịp thời đưa nàng đi khám bệnh, chia xẻ nỗi niềm và an ủi hết lòng. Cho đến khi Lê Huỳnh đánh liều ngỏ lời yêu đương, Kiều Oanh gật đầu trong giọt nước mắt hạnh phúc. Chính Lê Huỳnh sau này kể lại, anh cũng không ngờ bạo gan thố lộ tình cảm lại được Kiều Oanh bật đèn xanh nhanh như vậy. Thật ra, con tim Kiều Oanh có lý lẽ của nó: “Nhưng rồi duyên đến bất ngờ, trước hết là cái nghĩa, vì nếu không có ảnh lo cho tôi giai đoạn đó, có lẽ tôi đã chết trên đất Mỹ.”

    Sau hai năm cưới nhau, Kiều Oanh và Lê Huỳnh đã có một bé gái gần tròn một tuổi tên Huỳnh Nguyễn Yến Khang, tên tiếng Mỹ là Whitney. Vì cả hai đều bận rộn bay show mỗi cuối tuần, nên bé Yến Khang được gởi cho một người chị của Kiều Oanh chăm sóc tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng, cả hai kết hợp về Việt Nam trình diễn và thăm con gái. Show diễn mới nhất trong tháng 8 vừa qua của Kiều Oanh và Lê Huỳnh trên Sân khấu Trống Đồng ở Sài Gòn lại tiếp tục tạo sức hút mãnh liệt nối tiếp theo hiện tượng “cháy vé” khi cả hai tham gia diễn kịch dài với vở “Hạnh phúc bất ngờ” và “Thần tượng… tượng thần” trên sân khấu Nhà hát kịch Thành phố vào tháng 4 vừa qua.

    Sau lục đục giữa các danh hài trong hậu trường từ vở hài kịch “Xử án Thị Mầu” trên DVD Thúy Nga khiến MC, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn phải đứng ra “xét xử” ngay bên cánh gà, Kiều Oanh cùng chồng về cộng tác với Trung tâm Vân Sơn, nơi cô có thể tung tẩy trên sân khấu không chỉ với Vân Sơn, Lê Huỳnh, Giáng Ngọc mà còn với MC Việt Thảo trong một số tiểu phẩm hài.

    Bạn diễn mới, ông xã mới, trung tâm mới, hạnh phúc mới là những điều mà Kiều Oanh đang tận hưởng. Hy vọng những may mắn này sẽ giúp Kiều Oanh vượt qua những thử thách của số phận để vẫn giữ vững vị trí số một trong làng hài hước hiện nay tại hải ngoại

  4. #4
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Những người tạo tiếng cười - Kỳ 4: Danh hài Minh Nhí

    Thanh Tùng - Việt Tribune

    Không có trường đào tạo trở thành những nghệ sĩ hài hước chuyên nghiệp, mỗi diễn viên, bằng con đường riêng của mình, đã tạo ra tiếng cười cho khán giả. Từ diễn viên múa rồi tình cờ bén duyên hài hước như Hoài Linh, Vân Sơn, hoặc từ nhạc sĩ chơi đàn cho ban nhạc trở thành diễn viên hài như Chí Tài, hay từ cải lương nhảy qua tấu hài để kiếm sống như Hồng Nga, Kim Ngọc, Ngọc Giàu…Cũng có người thi đậu vào khóa đạo diễn, tốt nghiệp ra trường lại trở thành danh hài như trường hợp Minh Nhí.

    Sinh ra trong gia đình gồm 8 người con tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Minh Nhí từng đi thi vào trường Đại học Y Khoa tiếp nối truyền thống ngành y của gia đình. Rớt nửa điểm, Minh Nhí đang chuẩn bị ôn bài để năm sau thi lại thì bạn bè rủ rê ghi danh vào trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 (bây giờ là trường Cao đẳng Sân Khấu- Điện ảnh) trên đường Cống Quỳnh (Sài Gòn). Lẽ ra, Minh Nhí chọn khoa diễn viên thoại kịch nhưng vì không đủ chiều cao yêu cầu (nam phải cao ít nhất 1,65 m) nên đành phải thi vào khoa đạo diễn. Bạn bè cùng khóa với Minh Nhí có nhiều người đã thành danh hiện nay như: Lý Hải (từ diễn viên kịch chuyển sang ca nhạc rất thành công), Cát Phượng, Hoàng Sơn…


    Nghệ sĩ hài Minh Nhí, trái và nghệ sĩ hài Hồng Vân trong lần trình diễn tại San José tháng 1 năm 2007. Tường Linh/Việt Tribune

    Do vóc dáng nhỏ con nhưng gương mặt lại già trước tuổi, cộng với khả năng diễn xuất độc đáo, từ lúc còn học trong trường nghệ thuật, Minh Nhí đã được mời trình diễn nhiều nơi. Đến khi tốt nghiệp với vai trò đạo diễn, Minh Nhí lại nổi tiếng với tư cách là một diễn viên đa năng. Tôi đã xem và thật sự thích thú trước nét diễn ấn tượng của Minh Nhí trong những ngày đầu xuất hiện trên sân khấu 5B Võ Văn Tần trong vở “Sân ga tình người” chung với Minh Phượng (em gái đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc), Thành Lộc, Phương Linh…Lúc đó, Minh Nhí còn giữ tên thật của mình: Trương Hùng Minh.

    Để tránh trùng tên với nghệ sĩ Hùng Minh bên sân khấu cải lương, và cũng vì bản thân mình cũng không được cao ráo cho lắm, nên bạn bè đồng nghiệp xúi Trương Hùng Minh chọn nghệ danh “Minh Nhí”. Không ngờ nghệ danh “đời thường” và không chút hoa mỹ đó đã mang lại may mắn hàng loạt cho bước đường trở thành danh hài của anh.

    Thập niên 1990, hài hước bùng nổ trên khắp các sân khấu, tụ điểm ca nhạc, giải trí tại Sài Gòn và các tỉnh. Minh Nhí với vốn nghề từ trường sân khấu cộng thêm duyên hài hước lạ lùng khi cùng với Hữu Châu (cháu gọi cố nghệ sĩ Thanh Nga bằng cô) lập đôi tấu hài trình diễn khắp nơi. Những vai diễn hài đầy sáng tạo theo phong cách nghệ thuật mới đã nhanh chóng đẩy Minh Nhí trở thành ngôi sao chạy show nhiều nhất với số thù lao cao nhất. Đây cũng là khoảng thời gian băng đĩa nở rộ, Minh Nhí thừa thắng xông lên chiếm lĩnh thị trường từ tape cassette, đến CD và video hài hước. Trong số đó, bộ đĩa “Minh Nhí Lý Lắc” phá kỷ lục phát hành tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Nhờ lượng băng đĩa từ trong nước ồ ạt phát hành tại hải ngoại trong thập niên 90, Minh Nhí được khán giả Việt kiều khắp thế giới biết đến và yêu thích.

    Bên cạnh việc chạy show tưng bừng, Minh Nhí còn được mời giảng dạy bộ môn “Kỹ thuật biểu diễn” tại trường Nghệ thuật Sân Khấu 2. Học trò của anh là những nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay: Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Ngọc Trinh (diễn viên chính trong phim “Mùi Ngò Gai”), thậm chí có học trò bây giờ nắm giữ vị trí quản lý ngành văn hóa tại Sài Gòn như Lê Quốc Nam. Có lần tôi hỏi làm hề trên bục gỗ có khiến học trò xem thường khi làm thầy trên bục giảng không, Minh Nhí trả lời không. Vấn đề là ở tư cách của người thầy khi đứng lớp có đủ kiến thức chuyên môn và đạo đức sư phạm hay không. Thầy Minh Nhí gởi trả lại những vai hài cho khán giả trước khi bước vào lớp nên không có sự nhập nhằng giữa sân khấu và trường học.

    Năm 2004, Minh Nhí cùng với Quốc Thảo sang Mỹ trình diễn. Show đầu tiên tại nhà hàng Thành Được. Thanh Sơn và tôi tổ chức buổi diễn giới thiệu danh hài Minh Nhí với khán giả Bắc Cali được ủng hộ nồng nhiệt. Tôi còn nhớ bên cạnh Minh Nhí và Quốc Thảo, đêm diễn còn có ca sĩ Hương Lan, Quang Lê và Ngọc Huyền. Giờ chót tăng cường sự có mặt của Cải lương Chi bảo Bạch Tuyết. Nhà hàng Thành Được không còn ghế trống. Khán giả say mê thưởng thức chương trình, đặc biệt, cười nghiêng ngả khi bắt gặp bà già xí xọn Minh Nhí tái ngộ người yêu cũ là ông già gân Quốc Thảo sau nhiều chục năm xa cách.

    Từ đêm diễn thành công vang dội đó, Minh Nhí liên tiếp nhận được lời mời bay show khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Đi đến đâu, khán giả cũng gọi tên Minh Nhí một cách trìu mến, thương yêu như người thân trong gia đình. Họ reo lên khi trông thấy Minh Nhí xuất hiện. Họ nhắc lại vanh vách từng câu thoại và bộ điệu từ các vai hài mà Minh Nhí đã thủ diễn trong các băng hình. Thời điểm này, Minh Nhí vui lắm. Anh không ngờ ở một nơi xa quê hương lại có những khán giả ái mộ mình nồng nhiệt đến như vậy.

    Tỉ lệ nghịch với số lượng show diễn và tiền cát sê ngất ngưỡng là tình bạn mỗi lúc một rạn nứt giữa Minh Nhí và Quốc Thảo. Là đạo diễn tên tuổi đã từng dàn dựng nhiều vở diễn được đánh giá cao, Quốc Thảo có mục tiêu riêng trên đất Mỹ: theo đuổi ngành đạo diễn phim ca nhạc tại đây. Trong khi Minh Nhí vẫn say sưa với nghiệp diễn viên và không hề nuôi ý định định cư tại Mỹ. Nếu như Quốc Thảo quyết định chia tay tấu hài để về sống tại San Diego vừa đi làm vừa đi học đại học trở lại, thì Minh Nhí bắt cặp với Calvin Hiệp tiếp tục tấu hài. Nhưng sự kết hợp này cũng không kéo dài được bao lâu vì nhiều lý do khách quan. Sau đó, khán giả lại thấy Minh Nhí diễn hài chung với vợ chồng Quang Minh- Hồng Đào (trong liveshow kỷ niệm 12 năm thành lập trung tâm Kim Lợi tại San Jose năm 2004) hoặc diễn chung với bộ đôi Hoài Linh- Chí Tài trong những show sau đó.

    Việc ham vui quá đà khi bay show tại Mỹ khiến Minh Nhí gặp vô vàn khó khăn khi quay trở lại Việt Nam. Anh bị cấm diễn một thời gian và bị cắt luôn vị trí giảng dạy trong trường nghệ thuật. Báo chí lúc đó muốn bán chạy thì cứ đăng tin về Minh Nhí. Đây là khoảng thời gian bạn bè thường thấy anh chán chường bên hàng núi vỏ chai bia nơi quán nhỏ đối diện trường Đại học Kiến trúc.

    Sau khi được phép trình diễn trở lại, Minh Nhí xuất hiện trên sân khấu với dung mạo khác hẳn, đẹp trai hơn, đôi mắt có mí rõ ràng hơn và chiếc mũi cà chua ngày xưa từng được xem là “trademark” của Minh Nhí cũng biến mất. Hỏi ra mới biết Minh Nhí tin vào phong thủy, tử vi và tướng số. Nghe nói thầy phán lỗ mũi to quá, làm ăn khá nhưng cũng gặp nhiều tai nạn. Thế là, Minh Nhí làm một cuộc chỉnh đổi một số chi tiết trên gương mặt. Không biết lời thầy phán có đúng không, chỉ thấy Minh Nhí thêm đắt show diễn sân khấu và đặc biệt phim truyền hình. Trong đó, có một số phim đã phát hành tại hải ngoại như “Cái bóng bên chồng”, “Ra giêng ai cưới em?” và “Đồng hồ cát”.

    Khán giả có người suýt soa Minh Nhí dạo này bảnh trai hẳn ra. Nhưng cũng có fan hâm mộ tiếc cho chiếc mũi to đùng và một dung mạo vừa xấu vừa dị khác người đã làm nên một danh hài Minh Nhí khi xưa.

    Thỉnh thoảng, Minh Nhí lại bay show sang Mỹ, sau này thường diễn chung với danh hài Anh Vũ. Những lúc đó, anh thường dành thời gian bay đến San Jose thăm người chị ruột đang sống tại đây. Chúng tôi lại kéo nhau ra nhà hàng gọi món bò nhúng dấm, là món mà Minh Nhí rất thích. Quý độc giả nếu có về thăm Sài Gòn, cần biết những quán ăn bình dân ven đường thật ngon như bún riêu, bún mắm, bánh canh…chỉ cần gọi phone cho Minh Nhí. Vì anh chính là khách hàng quen thuộc của những gánh hàng rong nhưng ngon tuyệt vời đó.

    Những lần đi xem phim chung với nhau, tôi khám phá danh hài có chiều cao khiêm tốn nhất Việt Nam này rất sợ ma nhưng lại rất thích xem phim kinh dị. Mỗi lần đến đoạn phim rùng rợn thì cũng là lúc Minh Nhí vốn nhỏ con lại càng trở nên bé tí vì anh thu gọn cả hai chân trên ghế, người co rút lại, hai tay che mặt, nhưng mắt vẫn hi hí theo dõi màn ảnh trong sự hồi hộp trông thật buồn cười.

    Không chỉ ghiền xem phim kinh dị, Minh Nhí còn là khán giả ruột của cải lương. Đó có lẽ là lý do khiến chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết. Minh Nhí thuộc rất nhiều vở cải lương từ trước 1975 và nhận xét rất chính xác giá trị của từng bài ca cổ, từng điệu thức, từng trích đoạn và từng nét diễn của các nghệ sĩ (dân chuyên nghiệp có khác) mỗi khi chúng tôi ngồi lại và cùng nghe chung một vở tuồng cải lương nào đó. Mỗi khi có dịp, Minh Nhí không bỏ lỡ cơ hội xuất hiện trong một trích đoạn hay vở cải lương nào, dù chỉ là một vai nhỏ.

    Bốn mươi lăm tuổi đời, hai mươi hai năm tuổi nghề, dẫu đang là danh hài hàng đầu nhưng sống chân tình, không môi miếng ba hoa, Minh Nhí được đồng nghiệp nể phục, bạn bè thương yêu và khán giả đón nhận. Tôi học được ở Minh Nhí thái độ trân trọng với sân khấu và khán giả ở mỗi show diễn. Tôi thầm ước các diễn viên và ca sĩ trẻ ngày nay cũng sẽ sống đẹp với đồng nghiệp và diễn hết mình trên sàn diễn như vậy

  5. #5
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Những người tạo tiếng cười: - Kỳ 5: Nghệ sĩ Chí Tài

    THANH TÙNG-Việt Tribune


    Không được học hành từ trường lớp như Quang Minh – Hồng Đào, Minh Nhí, Thúy Nga, Việt Hương, Kiều Oanh, cũng không được bật sáng chói lòa trong làng hài hước như Hoài Linh, Vân Sơn, Bảo Liêm, từ một nhạc sĩ trình diễn trong ban nhạc bỗng chuyển hướng rẽ sang tấu hài và thành công từng bước một trong việc tạo tiếng cười cho khán giả khắp nơi, chậm nhưng chắc, đó là trường hợp của Chí Tài.


    Nghệ sĩ Chí Tài, phải, trong một lần trình diễn hài cùng Hoài Linh tại sân khấu CPA, San Jose . Tường Linh/Việt Tribune

    Với gương mặt bầu bĩnh, hàm ria mép được cắt tỉa điệu nghệ, kèm theo là nụ cười “hồn nhiên vô số tội”, Chí Tài trong chiếc quần tây đen có đính hàng chữ “Super Star” và ngôi sao bằng kim tuyến lấp lánh ở phía sau, còn trước ngực là chữ “Hương” cũng bằng kim tuyến trên áo, đã thực sự gây sốc cho khán giả của DVD Thúy Nga Paris “Celebrity Dancing 2” vừa phát hành dịp lễ Lao Động vừa qua. Dù không phải là dân nhảy đầm chuyên nghiệp, cũng không phải tay ăn chơi hảo hạng, Chí Tài vẫn khiến sân khấu nóng lên bên cạnh vũ sư Thùy Vân trong ca khúc “Hương” (nhạc sĩ Nhật Ngân) sôi động với vũ điệu Hustle (Disco). Đâu đó trong bước nhảy, Chí Tài vẫn còn vụng về lúng túng. Nhưng cái chất hồn nhiên ham vui và sự cố gắng hết mình của Chí Tài đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả qua màn ảnh nhỏ. Không ai ngạc nhiên khi nghe kết quả: giải khán giả yêu thích nhất dành cho Chí Tài. Phải công nhận đây là tiết mục thu hút sự chú ý của khán giả nhiều nhất với sự thú vị bất ngờ nhất trong DVD của Thúy Nga Paris lần này.

    Đêm live show của Bảo Quốc tại rạp hát Star Performing Arts Center ở Quận Cam cách đây vài tháng, khi vừa xuất hiện trên sân khấu trong bộ áo dài khăn đóng ở tiết mục mở màn cùng với nhiều nghệ sĩ hài sáng giá khác, Chí Tài vẫn là nghệ sĩ được khán giả vỗ tay đón chào nồng nhiệt nhất. Trong trích đoạn “Ngao, Sò, Ốc, Hến tân thời” diễn chung với Bảo Quốc (Quan Huyện), Hoài Linh (Thị Hến), Lê Tín (Trùm Sò), Hương Huyền (Lý Trưởng), Kiều Mai Lý (Bà Huyện), Chí Tài đã cùng với các danh hài tha hồ quăng bắt những mảng miếng gây hài đắt giá, đặc biệt là lớp “giả nai” ngơ ngơ ngác ngác khi Thị Hến- Hoài Linh đặt bàn tay mềm mại quyến rũ lên ngực Thầy Đề dê xồm.

    Trong bộ dạng tưởng như hạ mình chịu đựng trước Quan Huyện quyền hành và bừng bừng máu “sư phụ 35”, Thầy Đề- Chí Tài vẫn ranh mãnh liếc mắt đưa tình bất cứ lúc nào có dịp với người đẹp. Có vẻ như Chí Tài không cần phải diễn nhiều, tự bản thân gương mặt, hàm râu, điệu bộ và giọng cười lẳng lơ đưa đẩy đã đủ làm nên một Thầy Đề háo sắc rất đặc trưng của Chí Tài. Trước đó, vai Thầy Đề đã từng được hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng thủ diễn rất thành công như: Bảo Quốc, Nam Hùng, Anh Vũ… ấn tượng mà Chí Tài để lại qua vai Thầy Đề vẫn rất riêng, hết sức sáng tạo và vô cùng độc đáo.

    Dù không chọn làm nghệ sĩ hài từ những ngày đầu, Chí Tài đã góp mặt trong số những người tạo tiếng cười được yêu thích nhất tại hải ngoại gần hai mươi năm qua. Hai mươi năm – quãng thời gian không dài so với một đời người, nhưng đó lại là một giai đoạn đáng kể của bất kỳ nghệ sĩ nào, vì số năm tháng đứng trên sân khấu của một nghệ sĩ ngắn ngủi hơn nhiều so với tuổi thọ đời người.

    Bắt đầu đến với sân khấu từ những năm 1976 và 1977, khi Chí Tài tham gia phong trào văn nghệ tại địa phương ở Quận Phú Nhuận, Sài Gòn với tư cách là một tay guitar có tiếng. Ngón đàn của ông anh Chí Thiện là hạt mầm ươm vào niềm đam mê âm nhạc của Chí Tài. Theo những buổi trình diễn ca nhạc khắp nơi với ban nhạc trẻ do chính mình tạo lập, tình yêu dành cho sân khấu của Chí Tài lớn dần. Không chỉ điêu luyện với ngón đàn guitar sở trường, Chí Tài còn có thời gian tham gia đội múa. Nhìn vóc dáng Chí Tài hiện tại, tôi nghi ngờ xác minh thông tin trên với chính “đương sự” thì được xác nhận bằng nụ cười tươi nhưng cũng rất gian của anh kèm theo câu nói “Trời ơi! Quá khứ ‘khi xưa ta bé’ của tui sao ông biết hết trơn vậy?”

    Chưa hết, bạn bè thân thiết đều biết Chí Tài còn có biệt tài kể chuyện tiếu lâm có duyên vô cùng. Nơi nào có Chí Tài, nơi đó có tiếng cười vui. Đã thế, chàng còn có thêm một số tài vặt độc đáo như đánh đàn bằng tay trái, đánh trống bằng miệng và đặc biệt dùng răng cắn dây đàn để tạo âm thanh lạ. “Răng của tôi bây giờ mòn hết là do biểu diễn các trò cắn dây đàn hồi đó.” Chí Tài vui vẻ kể lại.

    Sang Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh vào năm 1981, dù đã tự dặn lòng sẽ tạo dựng cuộc sống mới nơi xứ người bằng cách đi học tiếng Anh và vi tính, vùi sâu tiếng hát cung đàn vào quá khứ. Nhưng âm nhạc vẫn âm ỉ cháy trong tim chàng trai trẻ mới định cư tại Mỹ. Gia đình phản đối, Chí Tài vẫn một mực ghi danh đi học khóa dạy đàn và lớp nhạc Jazz gần nhà. Biết không ngăn cản được đam mê âm nhạc của con trai, cha của Chí Tài dành một khoản tiền hồi hưu mua cho anh một dàn âm thanh điện tử, gồm trống đàn, nhạc cụ để anh lập một nhóm nhạc trẻ. Thế là ban nhạc gia đình ra đời với Chí Thiện (hiện là ông chủ của Đài Radio Bolsa – chồng của xướng ngôn viên Minh Phượng), Chí Thái, Chí Bình và Chí Tài nhận lời trình diễn ở các tiệc cưới và những buổi sinh hoạt cộng đồng.

    Theo thời gian, ban nhạc Chí Tài mỗi lúc một chắc tay trong trình diễn. Show diễn mỗi lúc một nhiều, lịch diễn dày đặc với những chuyến bay nối tiếp chuyến bay tại nhiều tiểu bang khác nhau. Có lúc, ban nhạc Chí Tài xuất hiện liên tục trên các Video ca nhạc của trung tâm Thúy Nga. Khán giả thích thú theo dõi một tay đàn guitar lãng tử có giọng ca ấm áp thường hay hát bè với các ca sĩ trong những ca khúc dân ca pha lẫn hài hước. Khoảng thời gian này, không chỉ chơi đàn, Chí Tài còn làm hòa âm và thu âm cho nhiều ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại. Nét hòa âm mới mẻ, sáng tạo và trẻ trung của Chí Tài đã thật sự mở ra một hướng hòa âm mới cho sinh hoạt văn nghệ tại hải ngoại lúc bấy giờ.

    Vẫn ngỡ sẽ mãi là chàng nhạc sĩ với cây đàn như ước vọng từ lúc bé, Chí Tài bất ngờ bước sang lĩnh vực hài hước. Năm 1990, trong một show diễn, Chí Tài phụ trách chơi đàn cùng ban nhạc. Hoài Linh diễn tấu hài nhưng lại thiếu bạn diễn. Biết Chí Tài kể chuyện tiếu lâm có duyên, Hoài Linh quay sang “dụ dỗ” chàng nhạc sĩ cứu bồ một lần. Không ngờ, chỉ bước ra vài bước trong bộ dạng khù khờ, ngu ngơ, Chí Tài đã khiến khán giả cười rần rần. Không chỉ Hoài Linh, mà chính Chí Tài cũng ngạc nhiên về khả năng hài hước của mình lại được khán giả thích thú đến như vậy.

    “Khi qua Mỹ, có một dịp vì thiếu vai nên Hoài Linh ‘đẩy’ tôi ra diễn thử. Chỉ là một đoạn nhỏ và ngắn. Ai dè bước ra sân khấu tới lui có mấy bước thì khán giả cười rộ. Sự khuyến khích đó làm cho tôi hào hứng và diễn ‘thật’ đến tận bây giờ. Khán giả thích tôi chắc do cái dáng ‘ngô nghê’ không biết giấu vào đâu. Ban đầu tôi chỉ diễn phụ cho Hoài Linh thôi, vậy mà bây giờ cứ có show dài dài, tôi quả là người may mắn.” Chí Tài nhớ lại.

    Quả thật, đa số trong các tiểu phẩm hài diễn chung với Hoài Linh, Chí Tài thường vào những vai khù khờ, ngây ngô làm nền cho Hoài Linh tung hứng gây cười. Khác với Hoài Linh hễ bước ra sân khấu là sáng rực và làm nóng sàn diễn ngay lập tức, Chí Tài chỉ khiêm tốn làm tròn vai trò làm nền của mình. Nhưng đó là vai trò làm nền đầy bản lĩnh và cũng ngẫu hứng sáng tạo không kém để theo kịp tốc độ diễn phăng phăng của Hoài Linh trên sân khấu. Nói rất ít, nhưng khi ra chiêu thì khán giả cười bò lăn – đó là Chí Tài. Không nhăn mặt, khua tay múa chân, hay vặn mình uốn éo theo kiểu diễn cường điệu của một số tay hài ăn khách, Chí Tài bình thản mang nét duyên hết sức chân chất và đời thường của mình lên sân khấu để tạo tiếng cười đồng cảm từ khán giả khắp nơi. Có lẽ nhờ vậy mà đứng cạnh một Hoài Linh sắc sảo, thông minh, nhạy bén và lắm chiêu, Chí Tài vẫn “đứng” vững trên sân khấu và “trụ” lâu bền trong lòng khán giả ái mộ.

    Với Chí Tài, dù tên tuổi đang được đông đảo người xem yêu thích từ trong nước ra đến hải ngoại, anh vẫn lắc đầu không dám nhận mình là một danh hài. “Tôi không dám nhận mình là một danh hài. Cứ mỗi lần nghe ai đó gọi hay giới thiệu như thế, tôi nghe lạnh hết cả mình. Hoài Linh mới là danh hài. Không có Linh, tụi tôi cũng không có cách nào lôi được khán giả đến rạp đông như thế đâu.”

    Những khi Hoài Linh bận show diễn tại Việt Nam, Chí Tài thỉnh thoảng xé lẻ tấu hài cùng Ngọc Giàu, Thúy Nga, Minh Nhí, Quang Minh, Hồng Đào, tuy cũng có những thành công nhất định nhưng vẫn không tạo được những đợt sóng cười mạnh mẽ như khi diễn chung với Hoài Linh. Nếu trên sân khấu, Chí Tài được khán giả đủ mọi lứa tuổi chờ đón trong niềm thích thú thì trong hậu trường, anh lại được đồng nghiệp, ca sĩ yêu mến vì bản tính hiền lành, dĩ hòa vi quý. Các danh hài rất thích diễn chung với Chí Tài vì anh biết nhường bạn diễn, không vì miếng cơm mà lấn lướt tranh giành trên sân khấu.

    Một bí mật về Chí Tài mà độc giả muốn biết? Chưa có nghệ sĩ nào yêu vợ như Chí Tài. Thật đấy! Những lần trong hậu trường, trước và sau giờ trình diễn, chàng lại ôm phone gọi về cho bà xã để tâm tình hàng giờ như lúc ban đầu mới yêu nhau vậy. Giới nghệ sĩ bây giờ chẳng ai còn lạ gì cảnh vợ chồng son Chí Tài và ca sĩ Phương Loan “nấu cháo điện thoại” hàng tiếng đồng hồ dù đang lưu diễn ở bất kỳ đâu.

    Nhìn lại thành công của mình, Chí Tài nhận xét: “Tôi chỉ là một người may mắn. Hình như cái số nó thế. Bước thử ra sân khấu một lần, rồi bước trở lại vào trong không được nữa.”

    [TH.T]

  6. #6
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    NHỮNG NGƯỜI TẠO TIẾNG CƯỜI: Danh hài Bảo Quốc

    THANH TÙNG-Việt Tribune

    So với thế hệ của những quái kiệt từ trước 1975 như Thanh Hoài, Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Xuân Phát, Văn Chung… thì anh chỉ là em út. Nhưng nếu so với những danh hài đương thời đang lẫy lừng thu hút khán giả từ trong nước sang đến hải ngoại như Hoài Linh, Chí Tài, Vân Sơn, Bảo Liêm, Kiều Oanh, Lê Huỳnh, Quang Minh, Hồng Đào, Thúy Nga, Việt Hương, Minh Nhí thì anh lại là cây đại thụ còn sót lại của làng hài hước từ thế kỷ trước. Song hành cùng cả hai thế hệ hài hước trước và sau 1975 để rồi được đánh giá là đệ nhất danh hài và danh hài được yêu thích nhất trong suốt nhiều năm qua: danh hài Bảo Quốc.

    Hành trình tạo tiếng cười của anh cũng là bước thăng trầm “theo vận nước nổi trôi” của gánh hát nhà Thanh Minh- Thanh Nga. Lúc tiếng cười của anh chín muồi nhất cũng là lúc đoàn hát gia đình suy sụp tang thương.

    Kỳ 6- Danh hài Bảo Quốc

    Nghệ sĩ Bảo Quốc tên thật là Lư Bảo Quốc, sinh năm 1949, tuổi Sửu tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống cải lương: cha là nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), mẹ là bà bầu Nguyễn Thị Thơ, chị là nghệ sĩ Thanh Nga, anh là nghệ sĩ Hữu Thìn, em là nghệ sĩ Chí Tiên với suốt chiều dài gầy dựng, vun bồi và phát triễn gánh hát Thanh Minh từ năm 1950 đến năm 1978.

    Dù là con bầu, nhưng thưở nhỏ, Bảo Quốc mê sân cỏ hơn sân khấu. Những buổi đá banh cùng chúng bạn hào hứng hơn nhiều những hôm học nghề ca hát. Sau khi thành công trong việc dạy dỗ, rèn luyện Thanh Nga đi vào nghiệp hát, ông Năm Nghĩa rất lo lắng cho cậu con trai ham chơi hơn ham học nghề này. Năm 1958, khi gánh Thanh Minh đang công diễn vở “Người vợ không bao giờ cưới” (soạn giả Kiên Giang) thì một diễn viên đóng vai Lưu Mộng Hùng, con của nhân vật Lưu Mộng Long do nghệ sĩ Hữu Phước diễn, bất ngờ ngã bệnh, thế là Bảo Quốc được đưa lên sân khấu đóng thay. Dù không hề có ý hướng theo nghề hát, Bảo Quốc lại diễn vai này có phần vượt trội hơn. Tổ nghiệp sân khấu đã mỉm cười với cậu bé 9 tuổi từ đó.



    Danh hài Bảo Quốc trong lần trình diễn tại San José trong vở Ngao sò Ốc Hến, tháng 4 2007. Tường Linh/Việt Tribune

    Thời gian này, ông Năm Nghĩa bị đau nặng, phải nằm nhà thương. Một đêm, ông lén trốn viện về đoàn hát đứng trong bóng tối hậu trường nhìn ra xem Bảo Quốc đóng thế vai mà lòng vui sướng ngập tràn. Ông đứng bất động nhưng nước mắt rưng rưng vì ông thật sự tin rằng mình đã có người kế nghiệp. Sau đêm trốn viện đó, ông Năm Nghĩa trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của cha thật sự là nỗi hụt hẫng và cũng là cú sốc to lớn đối với Bảo Quốc. Đó là lúc anh cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn trong việc cùng người thân chống đỡ bảng hiệu Thanh Minh- cũng chính là tâm huyết của cả gia đình. Bảo Quốc hứa với vong linh cha sẽ không làm ông thất vọng. Từ đó, nghệ sĩ Bảo Quốc chính thức vào nghề.

    Ban đầu, được chỉ dẫn để vào vai kép mùi, nhưng Bảo Quốc vẫn chưa thật sự tỏa sáng. Cho đến năm 1967, với thành công từ một vai diễn trong vở “Con ma nhà họ Hứa”, Bảo Quốc cùng với Mỹ Châu, Phương Bình, Ngọc Bích vinh dự được trao huy chương vàng Thanh Tâm dành cho diễn viên trẻ triễn vọng nhất. Có điều trùng hợp lạ lùng là nếu Thanh Nga được trao huy chương vàng Thanh Tâm đầu tiên vào năm 1958 thì em trai Bảo Quốc lại nhận được phần thưởng cao quý này vào năm cuối cùng của giải.

    Năm 1970, trước cơn bão cạnh tranh ồ ạt của những đại ban và chiêu thức tung tiền mua đào bán kép, gánh hát Thanh Minh- Thanh Nga quyết định ngưng diễn vì không thể thỏa hiệp với kiểu làm ăn phi nghệ thuật. Thanh Nga và Bảo Quốc rời gánh hát nhà đi hát thuê cho đoàn Dạ Lý Hương. Là ngôi sao đương thời, dù ở đâu, Thanh Nga vẫn là đào chánh, được trọng vọng, kính nể. Còn Bảo Quốc chỉ là một diễn viên trẻ, một cái bóng mờ sau ánh hào quang của chị. Vốn là cậu ấm từ gánh hát nhà, nay vì hoàn cảnh phải kiếm sống ở đoàn hát xa lạ, Bảo Quốc tủi thân, buồn lắm. Thanh Nga thấy vậy hết lòng an ủi và khuyến khích em trai.

    Đêm nọ, do một diễn viên đóng hài nghỉ bệnh đột xuất, Bảo Quốc được cho hát thế, diễn chung với những đàn anh, đàn chị trong nghề như: Thanh Việt, Ba Vân, Văn Chung, Tư Rọm, Hồng Nga…Nhằm chứng minh mình có đủ khả năng sân khấu, Bảo Quốc vào vai hài nhẹ nhàng và hết sức mới mẻ, khiến khán giả thích thú chú ý đến một anh kép trẻ mũm mĩm, dễ thương và rất có duyên. Nhưng có lẽ người vui mừng nhất chính là Thanh Nga. Theo lời khuyên của chị, Bảo Quốc chuyển hẳn sang lãnh vực hài hước và số phận đã mỉm cười với anh.

    Sau năm 1975, Bảo Quốc mới thật sự tạo dấu ấn sâu đậm trên sân khấu Thanh Minh- Thanh Nga trong những sáng tạo rất độc đáo của anh. Từ vai Y xì ke (Bóng tối và ánh sáng) với bộ dạng, cách ăn nói như dân ghiền thứ thiệt kèm theo những câu nói được nhiều người nhắc cho đến hôm nay “Một đi không trở lại”, “Chịu chơi, chơi tới cùng”, cho đến các vai Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh), thái tử Đinh Lăng (Thái Hậu Dương Vân Nga), Bảo Quốc mang lại tiếng cười cảnh tỉnh cho khán giả suy gẫm.

    Cái chết của Thanh Nga vào đêm 26/11/1978 báo hiệu cho sự tan rã của một gánh hát được chắt chiu vun bồi bằng nghệ thuật. Xác của người nghệ sĩ quá cố còn nằm đó, nỗi đau bàng hoàng từ người thân còn đó, theo chủ trương chung, đã có người đề nghị đưa đoàn Thanh Minh- Thanh Nga vào tập thể- nghĩa là mọi quyết định hệ trọng đều nằm trong tay cán bộ của Sở Văn hóa, bà bầu Thơ chỉ là hình thức tượng trưng.

    Đoàn hát đổi tên thành Thanh Nga kèm theo là sự thay đổi hoàn toàn bản chất nghệ thuật. Ban lãnh đạo mới bắt đầu chiến thuật tạo chia rẽ giữa các thành viên trong đoàn và gia đình Bảo Quốc. Họ liên kết với một số tên tuổi lúc bấy giờ thành một liên minh nhằm triệt hạ uy tín bà bầu Thơ. Trong cuộc họp, người ta thẳng thừng nhân danh tập thể lên án và đấu tố bà, như thể bà là tội nhân thiên cổ. Có người trước kia là kẻ thọ ơn giờ trở thành quan tòa lạnh lùng phán xét gia đình bà. Đau đớn trước thế thái nhân tình, bà bầu Thơ gạt nước mắt giao đoàn hát mà bà cùng chồng và các con xây dựng bằng nước mắt, mồ hôi và tuổi thanh xuân cho những người chủ mới.

    Đau buồn vì mất mát dồn dập, bà bầu Thơ bị bán thân bất toại. Bán nhà lớn, mua nhà nhỏ, bán nhà nhỏ mua nhà nhỏ hơn, bà bầu có công lớn với sân khấu cải lương đã trút hơi thở cuối cùng trong cảnh nghèo nàn, buồn tủi. Mất mẹ, mất chị, mất luôn gánh hát, Bảo Quốc bắt đầu chuỗi ngày tấu hài trên khắp các sân khấu để kiếm sống. Chính từ đây, duyên hài trời cho đã được Bảo Quốc phát triễn thành một phong cách mới, lạ và thu hút khán giả khắp nơi. Tiếng cười mà Bảo Quốc mang lại không thuần túy để giải trí mà đa số là thông điệp cho sự sửa đổi, hướng thiện dành cho khán giả. Liên tiếp trong sáu năm liền (91- 96), Bảo Quốc được khán giả bình chọn là danh hài được yêu thích nhất.

    Có lần, sau suất diễn tấu hài tại một tụ điểm, Bảo Quốc gặp gỡ một đôi vợ chồng sắp ly dị, đưa nhau đi xem tấu hài lần chót trước khi chia tay. Tiểu phẩm hài của Bảo Quốc làm họ suy gẫm. Họ cần thêm lời khuyên. Thế là Bảo Quốc gọi điện thoại hủy bỏ những show còn lại, mời hai vợ chồng nọ ra quán nước trước cửa tụ điểm để nói chuyện. Không biết anh nói gì mà đôi vợ chồng ấy hủy bỏ quyết định ly dị. Họ chung sống với nhau hạnh phúc cho đến hôm nay và trở thành bạn thân của gia đình Bảo Quốc.

    Quen tạo tiếng cười, nên có khi khóc thật, Bảo Quốc vẫn khiến người ta cười. Đó là khi anh đi làm từ thiện. “Một lần đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Đồng Tháp, nhìn thấy một gia đình có 3 người chết trong lũ, ai cũng khóc. Bảo Quốc cũng đang khóc thì nghe có tiếng cười khúc khích. Hóa ra lúc khóc mặt tôi lại quá hài, khiến bà con đến chia buồn cũng phải phì cười”. Bảo Quốc nhắc lại.

    Trái ngược với quan niệm nghệ sĩ thay chồng đổi vợ như thay áo, gia đình nghệ sĩ Bảo Quốc và chị Thủy là một minh chứng cho sự chung thủy và hạnh phúc. Anh quen chị vì hai nhà đối diện nhau trên đường Cao Bá Nhạ (Quận 1). Gia đình chị gia giáo nên e ngại hôn nhân với nghệ sĩ không lâu bền. Nhiều lần nhìn chị bị đòn vì lén đến rạp xem cải lương mà lòng anh cũng đau không kém. Những lần đưa đón lúc tan trường trong vụng trộm, những cành hồng nhét vội trên cánh cổng, những hẹn hò bí mật nhưng hồn nhiên vậy mà đã đưa họ đến với nhau bất chấp sự ngăn cấm của gia đình. Sau ngày cưới, Bảo Quốc trở thành chàng rể được bố vợ thương nhất nhà. Ngót nghét, họ đã sống với nhau 41 năm. Những chuyến đi diễn xa về, lúc nào anh cũng có quà – đặc biệt là giày cho chị. Quà nhiều đến nỗi, chị Thủy có thể mở một tiệm bán giày đủ kiểu thời trang.

    Con gái của Bảo Quốc, diễn viên Hồng Loan hiện đang định cư cùng chồng là ca sĩ Lư Bảo Lộc (nhóm Làn Sóng Việt) tại Quận Cam và cũng vừa khai trương tân gia cách đây vài ngày. May mắn được làm việc chung trên sân khấu với danh hài Bảo Quốc, tôi nhận ra một nghệ sĩ yêu nghề, trọng tình đồng nghiệp và hết mình với khán giả. Vài lần ngồi nhâm nhi rượu vang cùng ông và gia đình trong căn nhà ở Quận Cam sau giờ diễn, tôi lại càng khâm phục sự khiêm tốn, giản dị và chân tình của một danh hài đã có nửa thế kỷ trên sân khấu.

    [THT]

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts