Với chiếc tít tít, không đơn thuần chỉ là nghe, gọi hay nhắn tin mà còn xuất hiện thêm khái niệm nhá máy. Những cuộc gọi không cần nhấc máy, không cần nghe trả lời, thậm chí không biết số máy đó là ai lại có rất nhiều thú vị phía sau.

Thậm chí nó còn là sở thích và thói quen của nhiều teen. Vì sao vậy?

1. Nhá máy - một ám hiệu

Tin nhắn đến: “Chiều nay có đi học không?”. Kira nhanh chóng cầm chiếc điện thoại lên và để đầu dây bên kia đổ đúng một tiếng chuông là tắt ngay. Đó là câu trả lời “có” đã được cả Kira và bạn mình quy ước bằng cách nhá điện thoại thay vì phải tốn thêm một tin nhắn khác. Cô nàng cho biết “Nhá máy lợi lắm nhe. Khi chỉ cần trả lời có hoặc không, đúng hoặc sai, đồng ý hay không đồng ý, thì chỉ cần quy định trước với nhau là yên tâm nhá máy. Vừa đỡ tốn, vừa nhanh gọn lẹ”. Rất nhiều teen cũng đã chọn cách này như một giải pháp tiết kiệm lúc tài khoản eo hẹp.

Với nhiều nhân, đôi khi đó còn là vì thấy thú vị, hay hay. T.Kiên (trường THPT NTH) cho biết “Ban đầu thấy cách này bất tiện và kẹo kéo sao ấy. Sau lại thấy vui vui và cũng rất có ích”. Thế nhưng, vì truyền thông điệp bằng tiếng nhá máy nên đôi khi, những tín hiệu đó lại sai lệch và không chính xác. Như T.Tiên (Trường K) sau khi nhận tin nhắn rủ đi ăn kem của nhỏ bạn. Thay vì để đầu dây bên kia đổ chuông một tiếng cho câu trả lời có và nhiều tiếng cho câu trả lời không thì cô bạn lại nhớ nhầm theo hướng ngược lại. Vậy là ngày hôm sau, Tiên ngơ ngác không hiểu vì sao cô bạn thân lại đùng đùng nổi giận. Hỏi ra mới biết, vì tưởng Tiên trả lời có nên cô bạn kia đã đứng chờ cả buổi trời. Thật tai hại.

2. Nhá máy và những trò đùa tinh quái

Nhá máy để quấy rối và chọc phá nhau đã trở nên nhàm chán với teen. Thế nên, nhiều teen đã nghĩ ra cách bấm một số máy bất kì, có khi do tình cờ nhìn thấy trên mạng, trên tường, nhà chờ xe buýt...hay một số tự nghĩ ra như một cách xả stress hiệu quả.

T.Lâm (trường X), một “chuyên gia” trong lĩnh vực này chia sẻ kinh nghiệm “Thường thì mình nên nhá nhiều lần để đối phương tưởng có chuyện gấp hay đây là số người quen nên sẽ gọi lại. Nếu bấm số theo cách ngẫu nhiên thì nên chọn số theo quy luật để tránh lặp lại và tăng khả năng “số thật". Anh chàng này xem nhá máy như một thú vui và là cách giải trí khi đang căng thẳng bài vở. Mỗi lần học bài, vật bất ly thân của Lâm là chiếc điện thoại, luôn thường trực trên tay. Mỗi khi gặp bài toán hóc búa, anh chàng lại ngừng một chút, nhá máy, và chờ đợi. Tỉ lệ người gọi lại thường khá cao. Chính vì thế mà nó trở thành thú vui của Lâm. Có lần, một cô gái gọi đến, Lâm tiện tay...tán tỉnh luôn. Không ngờ một lúc sau, bạn trai cô gái đó gọi lại. Lâm tinh quái, nhận mình là bạn trai cũ và kêu anh chàng này rút lui. Thế là đầu dây bên kia bắt đầu có tiếng cãi vã. Cô gái kia liên tục gọi cho Lâm kêu đính chính nhưng anh chàng phớt lờ để chờ xem kịch hay. Một trò đùa đầy tai hại.

Nhá máy đã trở thành thói quen của nhiều teen vì nhiều mục đích khác nhau. Mọi hành động đều không thể kết luận là đúng hay sai mà chủ yếu là do động cơ của người làm ra nó là đúng hay sai mà thôi. Chính vì thế, hãy nói không với những kiểu nhá máy không tốt đẹp teen nhé