Tết Trung Thu đốt đèn lồng chơi trăng


Hồ Đinh,

Cali Today News - Tính đến nay lễ hội đêm Trung Thu đã gần tròn 2000 tuổi nhưng vì là một mỹ tục nên không bị thời gian đào thải, trái lại càng lúc càng được nhiều người ưa thích nhất là giới trẻ. Sự phồn thực làm phát triển nhiều nền công nghiệp có liên quan đến ngày lễ như làm các đầu lân, sư tử, rồng, các đồ chơi của trẻ con bao gồm nhiều kiểu đèn lồng, đèn kéo quân và loại đèn tạ treo trong nhà nhưng trên hết vẫn là bánh trung thu. Ngày nay tuy con người thực sự đã đi vào cõi không gian, đổ bộ lên mặt trăng và đang ghé vào hỏa tinh là một hành tinh xa xôi vợi vợi để mong tìm đất sống cho con người trần gian, sắp bị nạn nhân mãn đẩy xuống biển.

Tuy nhiên không phải vì thế mà các câu chuyện diễm tình có tự ngàn đời truyền lại như mối tình Hằng Nga Hậu Nghệ, Chuyện Đường Minh Hoàng lên cõi trăng học vũ khúc Nghê Thường hay Thằng Cuội ngồi ôm gốc đa già khóc cười nhân thế mỗi độ trăng tròn tháng tám hằng năm.

Trung Thu thực chất là thế. Theo âm dương tuần hoàn thì mỗi năm có bốn mùa, tám tiết và tứ kỳ là xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Tháng tám giữa mùa thu nên được gọi là tiết trung thu và sau đó được các nhà vua Hán Quang Vũ cùng Đường Huyền Tôn chọn làm Tết chơi trăng. Theo cổ học Đông Phương, trăng thuộc về Thủy trong ngũ hành, vốn là yếu tố then chốt để quyết định nghề nông tang.

Cho nên bảo Tết Trung Thu là một mỹ tục cũng không có gì quá đáng, bởi đêm trăng tròn tháng tám, ngoài dịp tốt tạo nguồn cảm hứng cho thi nhân, đem sự vui vẻ náo nhiệt cho trẻ con, trên hết vẫn là mục đích để mọi giới theo dõi vầng trăng to tròn sáng úa mà đoán định tương lai vận mạng quốc gia và tiên liệu công việc làm ăn có dính tới mùa màng, tằm tơ canh cửi. Tất cả các thú chơi trăng như múa rồng, đốt đèn lồng và thưởng thức các loại bánh trong đêm trung thu, không phải từ trên trời rớt xuống mà đều có nguồn gốc, có đi tìm hiểu mới thấy thú vị.

Nguồn Gốc

Năm 6 sau tây lịch, Vương Mãng cướp ngôi Hán Tuyên Đế mới 2 tuổi, rồi tự xưng làm vua đổi tên nước là Tân, vơ vét tất cả tài sản của dân chúng thành của riêng mình và tạo cơ hội cho bọn tham quan ô lại, tham nhũng, bốc lột, gây cảnh sinh linh đồ thán, làm cho quốc khố trống rỗng và cả nước thêm khổ đói, hờn hận. Do lòng người ta thán, đã nhất tề hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lưu Tú, là hậu duệ của Vua Hán Cảnh Đế, để chống lại Vương Mãng và nhà Tân và rốt cục lật đổ được chế độ bạo tàn, khôi phục lại được nhà Hán vào năm 23 sau tây lịch.

Theo sử liệu, trong trận Côn Dương thuộc tỉnh Hà Nam, quân Lưu Tú bị giặc vây khổn trong thành nhiều ngày tình cảnh rất là nguy khốn. Trong lúc lương thảo đã cạn kiệt, ngoài lại không binh cứu viện, khiến cho lòng quân xao động, hoang mang, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Trước cảnh nguy ngập trùng trùng, đêm đó lại nhằm ngày rằm tháng tám, trăng sáng vằng vặc như ban ngày, Lưu Tú đặt bàn hương án cầu khẩn Phật Trời giúp đỡ… thì bỗng dưng binh sĩ trong thành, tìm thấy khắp nơi nhiều bưởi và khoai môn.. Nhờ đó mà quân sĩ qua khỏi cơn đói, để chờ binh cứu viện.

Năm 25 sau TL, Lưu Tú trùng hưng được xã tắt, dời đô từ Hàm Dương (Cam Túc) về Lạc Dương (Hà Nam), nên nhà Hán từ đó được gọi là Đông Hán. Cũng năm đó, vào rằm tháng tám, trước cảnh trăng thu soi sáng vằng vặc như bạch ngọc, Lưu Tú tức Vua Hán Quang Vũ, làm lễ tạ ơn Trời Phật nhưng vì muốn nhớ lại những vật đã cứu sống mình và quân sĩ,trong lúc nguy khốn hoạn nạn. Vua đã ban lệnh khắp nước, dùng hai món ‘Bưởi’ và ‘Khoai Môn’ , làm vật cúng thần và thưởng trăng thu .

Do trên, có thể nói Tết Trung Thu đã manh nha từ đó. Ngoài ra đời Hán còn có tục lệ ‘Dưỡng lão, kính lão’ vào hai dịp lập thu và trung thu, bằng nghi thức dâng lên bề trên Bánh Bột Gạo Nếp Hấp Hơi. Đến đời Tấn, người trong nước đã có tục hưởng trăng sáng vào đêm trung thu nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Ngày nay căn cứ vào sử liệu, thì mãi tới đời Vua Đường Huyền Tông tức Duệ Tông hiêu Văn Minh, phong tục vui Tết Trung Thu, mới chính thức được cả nước công nhận và trở thành một mỹ tục, chẳng những tại Trung Hoa mà còn được phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, tại những nước theo tam giáo Nho-Lão-Thích và có Cộng Đồng Người Hoa cư ngụ.

Cũng vào đời Đường, đêm Trung Thu đã trở nên lãng mạn và huyễn hoặc, với những câu chuyện thần thoại rất đáng yêu, thắm đượm nét trữ tình như chuyện Hằng Nga Bôn Nguyệt, Ngọc Thỏ Đảo Dược nhưng được mến chuộng nhiều nhất, vẫn là điển tích ‘Dương Quý Phi Biến Nguyệt Thần’ và ‘Đường Minh Hoàng Yêu Thỉnh Nguyệt Cung’.

Tiếp theo tới đời Bắc Tống mới chính thức công nhận Tết Trung Thu nhằm đêm Rằm Tháng Tám âm lịch. Ngoài ra các phẩm vật cúng lễ, trong đó cả bánh hay quả phải tròn, còn hoa dâng lên cúng Trời Phật, phải có cánh lệch như Hoa Sen… Tất cả không ngoài, lòng mong ước cảnh đoàn tụ sẽ do trăng mang tới cho nhân sinh.

Múa Rồng Mừng Trăng Thu:

Đêm Trung Thu, trẻ con nhà nghèo không có tiền mua đèn lồng hay đồ chơi thì rủ nhau đi xem múa lân, rồng hay sư tử. Trong cuộc vui này nếu các con vật kia, qua quan niêm là mang sự may mắn tới cho mọi người, thì hình ảnh của Ông Địa, với nụ cười toe toét, làm cho lân thêm oai nghi hùng liệt, có tác dụng làm tiêu tan hết những phiền lụy cuộc đời. Cũng chính lý do này, mà người đời đã thờ ông Địa, để cầu mong được hạnh phúc, may mắn.

Riêng rồng là linh vật được nhiều nước trên thế giới sùng bái, nhất là người cổ Trung Hoa. Đối với dân tộc VN, rồng là vật tổ. Người ta tôn rồng là vật linh thiêng, thần kỳ mà nghiêm trang, là chỗ dựa để người đời cầu khẩn, xin phước, bảo đảm mùa màng. Vì vậy trong đêm trung thu, múa rồng được xem như là một nghi thức tôn giáo, một điệu múa dân gian, lưu hành khắp xứ và tồn tại tới ngày nay. Vì mang tính chất truyền thống, nên các tiết mục về múa rồng cũng rất phong phú và đa dạng.

Bên Tàu chỉ tỉnh Triết Giang cũng đã có nhiều hội múa rồng. Điều này cũng dễ hiểu, vì vùng này chính là cội nguồn của Bách Việt, quê hương của những dân tộc sống nơi sông rach, biển sóng, sông hồ. Do trên vật tổ của họ là thần rồng, cá sấu. Bởi vậy, dù nay con vật chỉ làm bằng giấy hay vải nhưng người múa, trong một tâm hồn phóng khoáng, đã làm cho con vật trừu tượng trở nên uy vũ, toát lên cái hào khí sung mãn của một giống dân bách chiến, từng làm cho Hán tộc lao đao nễ sợ.

Tóm lại cho dù loại rồng làm bằng thứ gì, vải hay giấy, thì thân rồng cũng phải đan bằng tre, ở suốt phần mình rồng, rồi bọc giấy hay lụa mỏng, phía trên có gắn vảy lấp lánh. Phía trong có gắn đèn, khi múa thắp sáng. Đặc biệt mình rồng có nhiều bộ phận có thể tháo rời, để rút ngắn hay thêm dài, tùy theo vị trí cần thiết khi biểu diễn nhưng không vì thế mà làm cho rồng mất đi cái uy vũ, linh hoạt dưới bóng đèn. Múa rồng dù ở đâu, cũng không ngoài 12 thế căn bản như Bàn Long, Ngưỡng Long, Trảo Dương, Thoát Thủ… và thuyết diệu nhất, vẫn là Bách Khiếu Long. Trong thế này, con rồng có chiều dài tới 500m, chẳng khác gì một con giao long, nhe nanh múa vút, bay lượn trên tầng trời. Cuối cùng rồng thu gọn thành một tầng hoa sen chín cánh, hiền khô như bóng Phật.

Bên cạnh giúp vui còn có Lân, mà nghề múa cũng thật công phu, chẳng những về kỹ thuật, mà còn pha trộn công phu võ nghệ và nhất là điệu trống lân của VN, biểu hiện một sự kết hợp toàn hảo giữa truyền thống Trung Hoa, ngón chầu VN và tiếng trống Jazz Âu Mỹ.

Bánh Trung Thu :

Trong đêm ngóng trăng, người ta uống trà và ăn các loại bánh trung thu. Bánh còn được gọi là bánh trăng hay bánh Hồ vì người Hán đã lấy các nguyên liệu tại đát Hồ để chế biến. Bánh theo từ nguyên đã có từ thời huyền sử Ân-Chu, người dân vùng Giang-Triết dùng để cúng Thái Sư Vân Trọng có đất phong ở miền này.
Khởi thủy bánh làm bằng bột, đường cùng những nhu liệu được sứ thần nhà Hán là Trương Thiên mang về từ Tây Vực như hạt Mè, Hồ đào và hạt dưa hấu. Từ Đường Minh Hoàng, bánh chính thức có mặt trong đêm Trung Thu và được nhà vua ban cho mỹ danh là Bánh Nguyệt.

Nước Tàu xưa nay có rất nhiều nơi sản xuất bánh này, nhưng cũng có thể phân biệt được nhờ những yếu tố chuyên môn như võ và nhân bánh. Nói chung dù có sản xuất tại Bắc Kinh, Ninh Ba, Thượng Hải, Tô Châu, Quảng Châu, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Thái Lan hay Sài Gòn, Chợ Lớn... thì nguyên tắc làm bánh trung thu vẫn không ra ngoài những nguyên tắc làm võ bánh (vỏ bột, vỏ bột trộn đường, vỏ bột có pha dầu).

Còn nhân bánh thì luôn đủ năm thứ thịt khô, trứng, mè, đậu và các loại hạt khác. Tuy nhiên trên thi trường, Bắc Kinh và Thiên Tân chuyên sản xuất bánh chay làm bằng dầu và thực vật. Bánh Quảng Đông chưa ít mỡ nhưng rất ngọt. Triều Châu đặc biệt về vỏ bánh nhiều lớp mỏng, nhân rất béo vì quá nhiều dầu. Đặc biệt nhất là bánh Tô Châu có nhiều mùi do các loại hạt làm nhân bánh, vỏ thì chế bằng bột mì tẩm dầu đậu phộng. Về hình thức, bánh có ba loại mặt trơn, võ in hoa và bánh Tôn Ngộ Không. Tại VN xưa nay, nghề làm bánh Trung Thu vẫn do người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn độc quyền. Bánh làm theo kiểu Quảng Đông và Triều Châu là hai nhóm người Hoa định cư nhiều nhất ở nước ta.

Đèn Lồng Trung Thu :

Tại VN, hai thành phố Hội An và Sài Gòn cung cấp đèn lồng cho cả Miền Nam VN trước ngày 30-4-1975, trong dịp tết Trung Thu. Nghề thủ công này do người Việt làm chủ, Phú Bình trước thuộc quận 11 là địa danh nổi tiếng về nghề làm đèn lồng. Đây là một làng của người Việt miền bắc di cư vào Nam từ năm 1954. Họ đến từ Làng nhuộm Báo Đáp, tỉnh Nam Định. Vào Nam vẫn giữ nghề tổ truyền nhuộm vải, làm giầy dép và lồng đèn Trung Thu.

Sau năm 1975, nghề trên vẫn phát triển bình thường nhưng rồi một biến cố chết người đã đến vào năm 1994, khi VC mở khẩu đón hàng ngoại nhập của Trung Cộng, Đài Loan, Hồng Kông… trên đất Việt. Từ đó, lồng đèn Trung Thu do người Tàu sản xuất đã đè bẹp lồng đèn Phú Bình VN vì kiểu đèn mới lạ, kỹ thuật cao, dùng pin thay đèn cầy và trên hết là giá rẻ so với lồng đèn nội địa, đã thô kệch lại hay cháy khi ra gió. Đây cũng là chuyện thường của Xã Nghĩa VN như chúng ta hằng biết qua cá tra, hàng may mặc rồi tôm lạnh. Tất cả chỉ nhắm vào lợi trước mắt chứ không bao giờ nghĩ tới cải tiến để làm ăn cạnh tranh, nên dân chúng bị thua thiệt và sập tiệm là cái chắc. Đây là định luật sinh tồn biết đâu mà mò.

Trung thu rồi lại Trung Thu nhưng muôn đời tiếng kêu thảm thiết bán trăng cuả nhà thơ Hàn mặc Tử vẫn vang vọng. Đứng trong trăng sáng mà cứ thắp đèn lồng để tìm bóng trăng soi như Tản Đà đã làm, khiến cho ta càng chơi vơi theo bóng trăng mờ, trăng tỏ. Tết Trung thu biết mượn hồn nào gởi vào thời gian, để cùng với chú Cuội già cười khóc trong lúc trăng tàn?. Hỡi ơi trăng chỉ một bóng thì làm sao soi đủ muôn phương, nói chi đến nỗi ngậm ngùi man mác của bóng trăng soi, trong cơn lốc vô thường của cõi thế, dù là buổi trăng trong gío mát, cũng chỉ là cõi trống vọng biển dâu muôn trùng.

“có bầu có bạn can chi tui,
cùng gió cùng mây thế mới vui
rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
tựa nhau trông xuống thế gian cười. .

(thơ Tản Đà)

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 9-2009
HỒ ĐINH