+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 7 trên 7
  1. #1
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default Đời Nô Lệ Thế Kỷ 21

    Đời Nô Lệ Thế Kỷ 21

    Loạt bài “Đời nô lệ thế kỷ 21” đăng trên báo Tuổi Trẻ trích từ cuốn sách Nô lệ - câu chuyện có thật của đời tôi, do Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn và Công ty Nhã Nam ấn hành.

    Mende Nazer hiện khoảng 25 tuổi. Cô đang sống tại London, Anh. Damien Lewis là một nhà báo Anh, người giúp Mende đào thoát và ghi chép lại câu chuyện của cô. Là một chuyên gia về Sudan, ông đồng thời là nhà hoạt động chống nạn chiếm hữu nô lệ.

    ************************************************** ************************************************** **
    TT - “Cô sẽ nói gì về tình trạng nô lệ ở Sudan ngày nay?” - nhà báo Damien Lewis hỏi. Mende Nazer trả lời: “Tôi sẽ nói rằng ngày hôm nay, vào lúc này đây, tình trạng cưỡng bức nô lệ vẫn đang diễn ra. Tôi là một ví dụ và là một bằng chứng sống. Tôi muốn tất cả những người khác còn đang là nô lệ đều được trả tự do”.

    Kỳ 1: Cuộc tấn công

    Ngày vĩnh viễn thay đổi cuộc đời tôi bắt đầu bằng một buổi bình minh đẹp đẽ. Tôi chào bình minh bằng cách quay mặt về hướng đông đọc lượt kinh cầu nguyện đấng Alla đầu tiên trong số năm lần cầu nguyện hằng ngày. Đó là một ngày xuân năm 1994, tôi khoảng 12 tuổi. Cầu nguyện xong, tôi đi bộ một giờ để đến trường học. Tôi học rất chăm và mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ.

    Lửa

    Đối với một cô gái châu Phi như tôi thì đó là một mơ ước lớn. Tôi thuộc tộc người Nuba trong vùng núi Nuba ở Sudan. Ngôi làng toàn những ngôi nhà mái tranh vách đất lọt thỏm trong thung lũng giữa những ngọn đồi lớn. Bộ lạc của tôi săn bắn và làm nương rẫy, hầu hết theo đạo Hồi.

    Cha tôi sở hữu một bầy gia súc 50 con, chẳng giàu có nhưng cũng không nghèo. Sau một ngày học hành chăm chỉ ở trường, tôi về nhà làm phần việc được giao. Mẹ tôi nấu cơm chiều.

    Cha tôi và các anh đã ở ngoài đồng cả ngày nên khi trở về tất cả đều đói ngấu. Ăn tối xong, chúng tôi ra sân ngồi nghe cha kể chuyện, ông rất vui tính, một cây hài chính hiệu. Tôi ngồi bên đống lửa giữa sân và cười luôn miệng. Tôi vô cùng yêu quý mọi người trong gia đình.

    Đó là một đêm trời lạnh nên chúng tôi không ở ngoài sân lâu. Như thường lệ, tôi vào giường nằm cuộn mình ôm cha, con mèo nhỏ Uran nằm khoanh trên bụng. Giữa nhà, một bếp lửa đang cháy để giữ ấm. Mẹ tôi nằm trên giường bên kia bếp lửa.

    Chúng tôi nhanh chóng ngủ say. Nhưng chưa được bao lâu thì bên ngoài bỗng có một chấn động khủng khiếp. Tôi thức giấc, hoảng hốt nhìn khắp nhà loáng nhoáng một ánh sáng kỳ lạ màu cam. “Ook tom gua! Cháy!” - cha nhảy ra khỏi giường thét to.

    Chúng tôi chạy ra cửa và thấy ngọn lửa đang bốc cao từ phía cuối làng. Chắc ai đó không may làm cháy nhà, chuyện này vẫn thường xảy ra. Nhưng sau đó chúng tôi nhìn thấy nhiều bóng người cầm đuốc đang cháy bỏ chạy. Họ ném những ngọn đuốc lên mái nhà. Người trong nhà chạy túa ra, liền bị chúng tấn công và lôi xềnh xệch dưới đất. “Mujahedin! - cha tôi thét - Bọn Ả Rập tấn công chúng ta!”.

    Tôi sợ hãi đến cứng người. Cha chụp lấy cánh tay tôi. “Go lore akone?! Chúng ta biết chạy đi đâu bây giờ?!” - ông thét lên. Tôi nhận ra mẹ đang đứng run rẩy cạnh tôi. Tôi rất kinh hãi. Một tay tôi ôm chặt con mèo Uran, tay kia nắm chặt tay cha. Chúng tôi bắt đầu chạy. “Chạy lên đồi! - cha tôi la to - Theo cha đây! Chạy đi! Chạy đi!”.

    Chúng tôi chạy băng qua những quang cảnh khủng khiếp - cha tôi chạy trước, tôi níu chặt tay ông, còn mẹ chạy ngay đằng sau. Một tay tôi vẫn ôm chặt con mèo Uran. Có rất nhiều nhà đang cháy, cả một vùng trời đêm sáng rực ánh lửa. Phụ nữ và trẻ con chạy tán loạn khắp mọi hướng, kêu khóc la thét. Tôi nhìn thấy những kẻ tấn công đang cắt cổ người, dao găm lưỡi cong sáng lóe trong ánh lửa. Những đứa trẻ bị giật khỏi tay bố mẹ chúng. Cha tôi lạc giọng: “Nếu có ai túm bắt con, phải hết sức mà bấu chặt lấy cha, nghe không Mende?”.

    Qua màn khói và lửa, tôi thấy cha đang chạy về phía ngọn núi. Nhưng khi sắp đến được với sự che chở của núi rừng, chúng tôi gặp một đoàn nhốn nháo những tên mujahedin cưỡi ngựa ngay trước mặt, đang vung vẩy lưỡi kiếm. Chúng có đôi mắt man rợ, râu dài tua tủa, ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu, và chúng chốt chặn đường thoát thân duy nhất.

    Cha ơi!

    Khi chạy ngược trở lại, tôi nghe cha thét gọi mẹ một cách tuyệt vọng. Trong cơn sợ hãi và bối rối chúng tôi đã lạc mất bà. Giờ chỉ còn tôi và cha cùng chạy. Cha giục tôi chạy nhanh hơn, nhanh nữa. Nhưng tôi vấp ngã, con mèo Uran nhảy ra khỏi tay. Khi tôi gượng đứng lên, một tên mujahedin chộp lấy tôi và kéo lê đi.

    Cha tôi nhảy xổ vào tên mujahedin, vật y xuống đất, thụi vào đầu hắn. Hắn ngã xuống và không đứng dậy được. Cha nắm lấy tay tôi chạy ra khỏi chỗ đó. Hai chân tôi như thể bị rách toạc ra từng miếng bởi những viên đá sắc cạnh. “Chạy đi, Mende! Nhanh lên! Nhanh hết sức đi con! - cha hét lên - Bọn Ả Rập muốn bắt con thì chúng phải bước qua xác cha trước!”.

    Chúng tôi chạy trở lại đầu kia của ngôi làng. Nhưng lúc này tôi đã mệt quá, rất mệt. Tôi đuối dần đi từng phút. Phổi tôi đau thắt. Bỗng dưng một bầy gia súc chạy tránh lửa lao về phía chúng tôi, và tôi ngã lần thứ hai. Khi co quắp trên mặt đất, tôi cảm thấy móng guốc của chúng nện lên người. Từ một khoảng xa, tôi nghe tiếng cha tôi đang thảng thốt gọi: “Mende agor! Mende ơi con ở đâu?!”.

    Tôi cố gắng đáp, nhưng cổ họng tôi tắt nghẹn vì đau đớn và đất bụi. Tiếng kêu của tôi phát ra khò khè yếu ớt: “Cha ơi! Cha ơi!”. Nhưng cha tôi không nghe được. Một kẻ nào đó tóm lấy tôi từ phía sau. Y đè tôi xuống, bộ râu lởm chởm chọc vào gáy. Tôi nghe được mùi hôi hám từ hơi thở của y.

    Tôi biết cha đang ở đâu đó quanh đây, tuyệt vọng tìm kiếm tôi. Tôi cố gọi ông. Nhưng gã đàn ông đã áp bàn tay bẩn thỉu của y bịt miệng tôi. “Câm họng lại - y rít lên bằng tiếng Ả Rập - Ngậm họng lại và nằm im, mày la nữa là bọn kia sẽ phát hiện ra, giết mày cho coi”.

    Y lôi tôi đứng dậy và dẫn qua ngôi làng. Dưới ánh lửa những mái nhà đang cháy, tôi thấy y có một con dao găm lưỡi cong và một khẩu súng lục giắt ở thắt lưng. Khi bị dẫn đi, tôi vẫn nghe tiếng cha gọi: “Mende! Mende! Mende!”. Cha tôi là người dũng cảm nhất thế gian. Chỉ cần nhìn thấy tôi, ông sẽ chiến đấu với mọi tên mujahedin. Tôi muốn hét lên: “Cha ơi! Con ở đây! Con nghe tiếng cha”, nhưng bàn tay của kẻ tấn công chẹn ngang miệng.

    Khi bị lôi đi, tôi trông thấy ngôi làng đang cháy, nghe nhiều tiếng la hét xung quanh. Tôi thấy những phụ nữ Nuba nằm trên mặt đất, những tên mujahedin đè lên người họ, vầy vò thân thể họ. Tôi ngửi thấy mùi cháy khét, mùi hôi tanh của máu và của nỗi kinh hoàng.

    Tôi cầu nguyện: “Ôi thánh Allah, xin hãy cứu con, xin người hãy cứu chúng con”. Đến bìa rừng, dưới các tàn cây có khoảng ba mươi đứa trẻ túm tụm vào nhau. Càng lúc càng có nhiều tên mujahedin đến, mang theo các bé trai bé gái người Nuba. Quần áo và dao kiếm của chúng nhuộm đầy máu. Chúng hát to: “Allahu Akhabar! Thượng đế vĩ đại!”.

    Quãng đời thơ ấu hạnh phúc của tôi chấm dứt như thế.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS (Thiếu Khanh dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  2. #2
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ 2:

    Bắt đầu đời nô lệ


    TT - Càng lúc càng có thêm nhiều trẻ con được mang đến nhập vào với chúng tôi. Khi bình minh vừa ló dạng làm sáng bầu trời bên trên cây cối, một hàng dài những tên đàn ông xông ra khỏi cảnh tàn phá ảm đạm từ phía ngôi làng.


    Quầy bán rau quả tại một chợ bình dân ở Khartoum - Ảnh tư liệu

    Tên bắt tôi lúc nãy đã trở lại túm lấy tôi và lôi tôi lên con ngựa của y. “Ông đưa tôi đi đâu đây? Ông nói ông đưa tôi về với gia đình tôi mà!”. “Để đi ra khỏi chỗ này đã - y cười nhăn nhở một cách nham hiểm - tao sẽ nói cho mày biết chúng ta đang đi đâu”.

    Đường đến Khartoum

    Con ngựa bắt đầu phi nước đại xuyên qua khu rừng dày đặc, xa các khu định cư của người Nuba. Chạy chưa được bao lâu, y bắt đầu tìm cách sờ soạng khắp người tôi. Tôi cảm thấy y bấu vào hai vú tôi - thật ra tôi mới 12 tuổi, chưa có vú ve gì. Nhưng lúc này tôi đang phải bám chặt một cách tuyệt vọng vào yên ngựa bằng cả hai tay, tôi không thể nào tự bảo vệ mình được. Cho nên tôi bật khóc.

    Sau khoảng hai giờ chịu đựng, tôi nói với y tôi muốn dừng lại để đi tè. Y gò ngựa lại và đỡ tôi xuống đất. Tôi đi ra sau một gốc cây, nhưng trước khi kịp làm gì, tôi nhận ra y rón rén lẻn bước đến. Tôi điếng người đến nỗi không quay lại được để xem y đang làm gì. Thế là y nhảy chồm vào tôi. Tôi hét lên khi ngã nghiêng xuống đất và y vật tôi nằm ngửa ra. Khi cảm thấy y đang thọc cái gì đó vào giữa hai chân tôi, tôi cứ tưởng đó là con dao hay khẩu súng của y và y sắp giết tôi...

    Tôi nằm đó khóc sụt sùi trong đau đớn, cảm thấy cuộc sống của mình đã đến hồi kết thúc. Khi y kéo tôi đứng lên, tôi đau quá không thể bước đi được. Nhưng y vất tôi lên ngựa và lại tiếp tục chạy qua khu rừng. Cuối cùng chúng tôi đến một khoảng trống trong rừng nơi những tên khác đang đợi. Nhiều cô gái khác đang khóc. Thật ra một số trong đó có vẻ chịu đau đớn nhiều hơn tôi. Với giọng thì thầm sợ hãi, một cô bé kể gã mang nó đi trên ngựa đã tìm cách hôn nó và sờ soạng nó nữa. Nó mới có 8 tuổi.

    Sau đó, chúng chia chúng tôi thành hai nhóm, mỗi nhóm năm cô gái. Khi tất cả những tên Mujahedin tụ họp lại đủ, chúng tiếp tục phi ngựa đi và chúng tôi tới một thành phố lớn: Khartoum. Chẳng đứa nào trong chúng tôi biết Khartoum ở đâu, và ngay cả “thành phố” là gì cũng chẳng đứa nào biết.

    Xe cứ chạy hoài chạy hoài không ngừng nghỉ. Khi xe chạy vào thành phố, chúng tôi đứng cả dậy trong thùng sau chiếc xe tải trong khi gã lái xe len lách giữa dòng xe cộ. Tất cả những chiếc xe bóng loáng này kẹt cứng nối đuôi nhau. Có rất nhiều người trông lạ lùng, mặc những thứ y phục mà trước đó chúng tôi chưa từng trông thấy. Họ thấy chúng tôi nhìn họ chằm chằm và chỉ trỏ. Nhưng họ chẳng quan tâm gì đến chúng tôi - năm đứa con gái ăn mặc xuềnh xoàng trong thùng sau của chiếc xe tải.

    Cuối cùng chúng tôi dừng lại bên ngoài một tòa nhà to lớn uy nghi. Tên Ả Rập bước tới cửa, nhấn tay vào một cái gì đó và chúng tôi nghe có tiếng chuông reo. Rồi tên Ả Rập quay sang chúng tôi: “Bọn bay, theo tao vào nhà”.

    Những kẻ buôn nô lệ

    Đối với chúng tôi, ngôi nhà này giống như một tòa lâu đài thần tiên. Gã Ả Rập dẫn chúng tôi theo các bậc cầu thang xuống một tầng hầm. “Joahir! - Gã gọi to lên tầng trên - Xuống đây giúp anh một tay đi”. “Abdul Azzim hả? Anh đó hả?” - một giọng phụ nữ gọi trở xuống. Vài giây sau một phụ nữ Ả Rập to béo hối hả chạy vào phòng. Rồi mụ quay sang chúng tôi. “Thật tuyệt! Có vẻ là một phi vụ tuyệt vời đấy. Mình tìm đâu ra các cô gái này vậy? Chúng có đắt lắm không? - Mụ tỏ ra hào hứng cười nhăn nhở - Lần này chúng là những đứa nô lệ xinh đẹp đó nhỉ?”.

    Rồi mụ gọi lên lầu, một phụ nữ lớn tuổi hơn đi xuống tham gia với chúng. Asha có lẽ là tên của người phụ nữ lớn tuổi hơn, trông có vẻ giống người Nuba. Abdul Azzim và Joahir cùng biến lên lầu. Bà Asha ở lại giúp chúng tôi trải nệm. Khi sắp chìm vào giấc ngủ, tôi nghe thấy bà Asha lặng lẽ vào phòng.

    “Con chưa ngủ sao - bà dịu dàng thì thầm - Nếu con giữ thật khẽ, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau một lúc”. “Được ạ, thưa dì. Cháu sẽ giữ thật khẽ - tôi thì thầm lại - Tên cháu là Mende”. “Con người ở đâu?”. “Cháu ở vùng núi Nuba”. “Dì cũng ở vùng núi Nuba”. Bà Asha ôm chặt tôi trong vài phút.

    Kể từ cuộc tấn công, đây là lần đầu tiên tôi mới được một người lớn cư xử thật sự tử tế và tôi cảm thấy rất ấm lòng. “Dì đã ở đây bao lâu rồi?” - tôi ngước nhìn bà hỏi. “Hơn 20 năm rồi”. “Hơn 20 năm! Thế cha mẹ của dì ở đâu?”. “Thôi đừng nói chuyện đó - bà nói khe khẽ - Sao con không kể cho dì nghe chuyện của con?”.

    Tôi cố gắng kể cho bà Asha nghe những gì đã xảy ra. Nhưng vừa nghĩ về những chuyện đó tôi đã bật khóc. Bà Asha ôm tôi thật chặt và bảo tôi cứ khóc. “Dì biết. Dì biết - dì thì thầm khi tôi lặng lẽ thổn thức khóc - Con không biết giờ cha mẹ con còn sống hay đã chết”. “Làm sao dì biết?” - tôi hỏi dì qua làn nước mắt.

    “Chuyện của con cũng giống như chuyện dì vậy - dì nói - Khi được 10 tuổi, dì bị người ta bắt đưa đến đây và dì đã ở đây từ đó đến nay. Dì không biết nói sao nữa. Tất cả những gì dì nói được là hãy kiên nhẫn và họ bảo con làm gì thì con hãy làm. Nếu con không làm họ sẽ đánh con”. “Ai sẽ đánh cháu?”. “Con nên biết rằng con sẽ không ở đây lâu. Con sẽ nhanh chóng được đưa đến một nhà khác”. “Nhà khác nào?”. “Gã Abdul Azzim này mang nhiều bé gái như con về đây. Mỗi tuần gã mang về nhiều thêm. Rồi những tên Ả Rập khác tới đây đem các bé gái ấy về nhà chúng”.

    Lần đầu tiên từ sau khi bị bắt, tôi bắt đầu nhận thức điều gì đang chờ đợi mình trong tương lai.

    Bị bán

    Ngày hôm sau họ đưa cho chúng tôi những súc thịt lớn để thái ra thành những miếng dài treo lên một sợi dây giăng ngang qua sân để phơi khô. Vào ngày thứ ba, Joahir mang ra một bao tải đậu để chúng tôi lột vỏ. Sau khi lột vỏ xong, chúng tôi phải dùng cối và chày giã đậu cho nhuyễn để làm thành những bình mứt bỏ vào tủ lạnh cho đến lễ Ramadan.

    Đến cuối ngày thứ ba hai bàn tay tôi đỏ ửng, phồng rộp và đau nhức. Tất cả chúng tôi đều mệt nhoài. Chiều tối hôm đó mụ Joahir ra lệnh cho tất cả chúng tôi đi tắm một lần nữa. “Nhưng chúng tôi đã tắm hồi sáng rồi” - tôi nói mà không kịp nghĩ. “Tao bảo chúng bay đi tắm bây giờ!” - mụ Joahir quát tôi, mắt mụ long lên sòng sọc.

    Mụ Joahir dẫn một nhóm phụ nữ và chồng của họ vào tầng hầm. Bọn người mới đến rảo bước ngang qua và dừng lại nhìn chằm chặp vào chúng tôi.

    “Thật là một ý tưởng tuyệt vời, Joahir - một người trong bọn họ nói với giọng eo éo - Chị có thể bắt chúng làm bất cứ việc gì. Có lẽ tôi cũng cần vài đứa nô lệ như của chị để thay mình làm những công việc bẩn thỉu”. “Ồ, lần này Abdul Azzim mang về những cô gái rất xinh - một người trong bọn họ nói với Joahir - Chúng đẹp hơn những đứa lần trước và trông cũng sạch sẽ nữa. Tôi đang định lấy một đứa trong bọn chúng đây. Chị nghĩ sao, Joahir?”. “Vậy chị ưng lấy đứa nào?”.

    Khi họ bước lên cầu thang ra khỏi tầng hầm, tôi nghe mụ Joahir quát to với dì Asha: “Asha, mau pha cà phê cho khách”. Khi dì Asha trở xuống đi ngủ, tôi còn đang hoàn tất việc bện tóc cho Ashcuana. Dì im lặng một lúc nhìn chúng tôi. “Mende à, con nghe dì nói đây. Dì vừa nghe họ nói có lẽ ngày mai con sẽ rời nơi đây”.

    “Rời nơi đây để đi đâu?”, tôi sửng sốt buông rơi mấy lọn tóc cuối cùng của Ashcuana. “Khi dì mang cà phê đến phòng khách cho họ, dì nghe lỏm họ nói chuyện”. “Cháu không đi!”, tôi kêu lên, bật khóc. “Dì rất buồn - dì Asha ôm tôi - Dì rất buồn. Nhưng con phải biết, Mende à, con không thể làm được gì trong chuyện này cả”.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS
    (Thiếu Khanh dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  3. #3
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ 3: Không đường trốn thoát


    TT - Xe chạy qua Khartoum, dừng lại trước những cánh cổng sắt của một bức tường gạch. Chủ nhân Rahab của tôi ra khỏi xe, quay sang: “Nào. Đi theo tao”. Tôi theo bà đi dọc một lối hẹp cạnh ngôi nhà, tới một buồng nhỏ bằng gạch. Nền nhà bẩn thỉu, trong góc buồng có một thùng gỗ và chiếc bàn gãy. Dựa lưng vào một bức tường là một tấm nệm mỏng.


    Thủ đô Khartoum - thành phố lớn nhất Sudan

    Yebit

    “Vào trong đi, yebit” - bà ta bảo. “Yebit” là một từ nhục mạ tiếng Ả Rập, có nghĩa là kẻ tôi đòi. Tôi bị sốc, lần đầu tiên có người dùng từ này để gọi tôi. “Đó là chỗ ngủ của mày, yebit” - bà Rahab nói. Tôi ngồi xuống co chân chống cằm, khoanh tay ôm đầu gối và cố gắng ôm riết mình thật mạnh, dúi mặt vào áo rấm rứt khóc.

    Tảng sáng, tiếng mở khóa của bà Rahab. “Dậy đi, yebit. Vào buồng tắm và tắm rửa cho sạch sẽ đi. Tao không muốn mày làm hôi hám cả ngôi nhà. Bây giờ nghe tao nói đây - bà ta bảo - Từ nay mày sống ở đây và làm việc cho tao. Mày sẽ ở đây suốt đời. Tao có hai đứa con gái nhỏ mà mày phải trông nom. Mày phải lau nhà và giữ nhà cho rất, rất sạch sẽ và ngăn nắp. Mày phải quét sân và hàng hiên phía trước nhà. Phải giặt quần áo cho cả nhà và ủi chúng...”. Tôi nhớ lời dì Asha nói với tôi. Tôi gật đầu và nói: “Dạ, thưa bà chủ”...

    Ngôi nhà đầy bụi bặm và bừa bãi. Tôi bắt đầu từ phòng khách nhưng đã cảm thấy đuối sức do đêm qua mất ngủ và lạnh. Tất cả những gì tôi được ăn để làm việc là một tách trà và vài quả hạnh.

    Các con của bà Rahab về nhà. Đứa lớn nhất bắt gặp tôi trong phòng của quý bà. “Mende - nó gọi tôi - tới đây chơi với tụi em. Nhanh đi nào”. Nó đang bưng một thùng đựng đầy đồ chơi. Hai cô bé ngồi xuống lôi đồ chơi ra. Thế là tôi bỏ đồ lau nhà đấy, ngồi xuống bên cạnh chúng. Tôi bồng bé gái nhỏ hơn lên và ôm nó vào lòng.

    Nhưng ngay lúc đó bà Rahab chạy nhào vào phòng. “Yebit - bà quát tôi - Đặt nó xuống ngay!”. Bà ta cúi xuống trước hai bé gái: “Usra. Hanin. Các con không được cho nó đụng vào người, nó bị nhiều thứ bệnh và bẩn thỉu, biết không?”. Rồi bà ta quay sang tôi. “Yebit, mày còn việc phải làm - bà ta quát - Mày không có thì giờ để chơi, biết chưa?”. Khi bà Rahab dẫn hai đứa con nhỏ đi, thêm một chút tâm hồn tôi chết.

    Tôi nhanh chóng hoàn tất việc lau chùi phòng khách, phòng của quý bà và phòng ăn. Cả gia đình đã ăn cơm trưa xong, bà Rahab nói với tôi: “Có đồ ăn để cho mày ở trên bếp, yebit. Khi xong công việc mày hãy rửa dọn chén bát”. Trên chiếc bàn nhỏ của tôi trong góc nhà bếp, tôi thấy bà ta đã đổ thức ăn thừa trong bữa ăn của họ vào đĩa của tôi. Trong làng tôi, những gì không ăn được thường bỏ vào một cái bát trong góc phòng để cho chó, chính là cách người ta đang đối xử với tôi.

    Sau khi ăn xong tôi bắt đầu rửa dọn. Khi xong công việc, cả nhà lặng ngắt vì mọi người đang ngủ. Còn tôi, tôi còn phải lau chùi các phòng tắm. Tối, tôi vào bếp ăn những thức ăn thừa của bữa cơm họ để lại, rửa dọn, lau chén bát khô ráo và xếp vào chỗ của chúng. Đã nửa đêm và tôi quá mỏi mệt tưởng như đã chết. Tôi chỉ còn đủ sức làm cái việc cuối cùng là tắm.

    Khi tôi hoàn tất công việc, Mustafa, chồng bà Rahab, đi vào uống một ly nước. Khi ông ta bước trở vào phòng ngủ, tôi nghe ông ta nói với bà Rahab: “Này mình, ngôi nhà thật là tuyệt vời nhỉ? Nhà bếp trông cứ như mới”. “Phải. Mấy ngày nữa nó sẽ học cách nấu ăn nữa”. “Nó tên gì vậy?” - Mustafa hỏi. “Tên nó? - bà Rahab nói với giọng ngái ngủ - Cứ gọi nó là yebit”.

    Cái chết đe dọa

    Một hôm bà Rahab ra lệnh tôi xối nước rửa khoảng sân nhỏ trước nhà. Tôi ra sân trước mở vòi nước. Nước phun tóe ra trong ánh nắng chiều. Trước khi kịp biết mình làm gì, tôi đã nhào vào dưới làn nước và vừa nhảy vừa hát: “Are kukure, are kondu dukre” - mưa đang đến, mưa nhiều quá! Trong vài phút ngắn ngủi tôi đã thoắt vượt một ngàn dặm xa khỏi ngôi nhà khủng khiếp.

    Tôi đang cùng bè bạn hát bài hát mưa và sung sướng vì năm nay sẽ được mùa... Thình lình nước tắt. Tôi ngừng nhảy múa, nụ cười đông cứng trên mặt. Một khoảnh khắc im lặng chết chóc. “Sao không tiếp tục múa hát đi? - bà ta quát - Trông mày vui sướng quá nhỉ? Đưa ống nước cho tao”.

    Bà ta nắm lấy tay tôi, giật cái ống nước quất ngang lưng và vai tôi. Bà quất, quất và quất. Tôi la khóc, van xin bà ta dừng tay. “Câm họng lại! - Mụ hét lên - Câm họng!”. Tôi nghe tiếng chiếc ống cao su vút trong không khí. “Nếu mày còn như vậy, tao sẽ đánh mày như đánh một con lừa. Mày nghe chưa? Mày không hơn một con lừa”.

    Tuần nào tôi cũng bị bà Rahab đánh như vậy. Bà tát vào mặt tôi, dùng bất cứ thứ gì vớ được để đánh tôi, dùng guốc đánh quanh đầu, vớ lấy cán chổi, quất bằng dây thắt lưng.

    Vào mùa mưa, hàng đàn muỗi xâm nhập vào nhà. Mỗi đêm tôi được lệnh phun thuốc trừ muỗi trong các phòng ngủ của họ, trừ buồng của tôi. Một đêm nọ tôi thức dậy vào khoảng một hai giờ sáng và bắt đầu nôn mửa. Chẳng mấy chốc tôi phát run không sao kiềm chế được và cảm thấy lạnh cóng. Tôi chập chờn lúc tỉnh lúc mê và thấy nhiều cơn ác mộng.

    Sáng, mụ Rahab đến. “Yebit, có chuyện gì vậy?” - mụ hỏi. “Tôi đau - tôi đáp lí nhí - Tôi bị sốt và mửa”. “Ồ... Mày chỉ bị sốt rét thôi”. Tôi chồng tấm khăn giường, mền và cả tấm nệm lên người mình vì lạnh quá. Khoảng nửa giờ sau tôi nóng như thiêu. Cơn sốt diễn ra ác liệt như thế và tôi nằm bẹp trong buồng suốt ba ngày. Mỗi ngày mụ Rahab đều vào xem tôi đã làm việc trở lại được chưa.

    Tôi biết sốt sét có thể làm cho người ta chết. Sau đó, tôi còn bị cơn sốt rét thứ hai, nặng hơn. Tôi cũng bắt đầu bị chứng nhức đầu như búa bổ, hậu quả của những lần mụ đánh vào đầu tôi...

    Lối nào?

    Mỗi ngày tôi đều suy nghĩ về việc chạy trốn. Một hôm, tôi nhìn thấy một chiếc ghế gãy nằm chỏng chơ, tôi nghĩ nếu đứng lên ghế tôi có thể với tới đỉnh bức tường rào quanh nhà. Tôi rất giỏi leo trèo. Rồi tôi có thể đu người lên, nhảy qua bên kia tường và lẻn ra ngoài đường. Nhưng sau đó tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ lạc lõng, bơ vơ giữa thành phố Khartoum mà xung quanh chỉ toàn là người Ả Rập. Ai sẽ giúp tôi?

    Mỗi tuần đều có một người đàn ông đến cắt cỏ và chăm sóc các cây ăn quả trong khu vườn bao quanh nhà. Bà Rahab gọi ông ấy là janiney - người làm vườn. Ông là người Ả Rập nhưng có vẻ nghèo và nhân hậu.

    Hai tháng sau, tôi thu hết can đảm nói chuyện với ông. “Bác có con gái không hở bác?” - tôi hỏi. “Có, con gái ạ. Con gái bác cũng vào khoảng tuổi con vậy - ông nói - Hà, con có muốn bác đưa nó đến đây để chơi với con không? Hoặc tốt hơn sao con không đến nhà bác chơi vào ngày nghỉ sắp tới của con?”. “Nhưng con không được ra khỏi nhà, bác ạ”. “Tại sao con không ra khỏi nhà được, con gái?”. Trước khi kịp trả lời, tôi nghe tiếng quát từ trong nhà vọng ra: “Yebit! Mày ở đâu? Vào đây ngay!”.

    Tôi cúi đầu theo bà chủ vào bếp. Bà ta tấn công phủ đầu với sắc mặt tím lại vì giận: “Mày nói chuyện với ai, chuyện gì?”. Mụ ta nắm lấy chiếc giày - chiếc xăngđan đế gỗ, đập vào quanh đầu tôi, ngó tôi một lúc rất lâu: “Mày đang tính chuyện bỏ trốn? Được lắm. Nếu mày trốn thoát khỏi đây, tao sẽ báo cho Abdul Azzim đưa bọn tấn công đi tìm giết tất cả gia đình mày”. Rồi mụ gọi ông làm vườn vào nhà: “Tôi không cần ông nữa. Tôi thiếu ông bao nhiêu tiền?”.

    Nhìn ông khuất dạng trên lối đi, tôi bật khóc.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS
    (Thiếu Khanh dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  4. #4
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ 4: Có ai không?


    Cuốn sách Nô lệ - chuyện có thật của đời tôi (Slave - my true story) vừa ra mắt đã trở thành sự kiện xuất bản tại Anh và Đức

    TT - Tôi đã trải qua ba năm trời hoàn toàn dưới sự kiểm soát của mụ Rahab. Mụ đánh đập tôi, lăng nhục tôi và giết chết mọi ý niệm của tôi về giá trị của mình. Tôi tin mình là nô lệ, và mụ là chủ nhân. Tôi tin mụ là người điều khiển tuyệt đối, nắm quyền sinh sát đối với tôi.

    Một đêm nọ, mụ Rahab đi ngủ mà quên khóa cửa buồng tôi. Đó là lần đầu tiên. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, mọi người trong nhà còn đang ngủ say, tôi ra sau nhà. Khi mụ Rahab đến mở khóa, phát hiện cửa buồng mở, mụ sợ hãi nghĩ chắc tôi đã cao chạy xa bay. Rồi mụ nhận ra tôi tự dậy và đã bắt tay làm việc. Chuyện này làm cho mụ tin rằng tôi đã từ bỏ hi vọng đào thoát.

    Từ đó, mụ cho tôi theo ra ngoài thường hơn. Khi ra ngoài mụ thường gọi tôi là Mende, dù cái tên mụ gọi ở nhà vẫn là yebit. Và về phần tôi, tôi đã quên gia đình mình, ký ức bắt đầu phai nhạt. Với những gì tôi biết, tất cả họ đã chết trong trận tấn công.

    Tôi tự nhủ rằng giờ đây tương lai của tôi, như nó đã là như thế, nằm ở ngay đây, thành phố Khartoum. Không có ai cho tôi nương dựa, không có ai cho tôi kể chuyện quá khứ, không có ai giúp tôi nhớ lại những khuôn mặt và những câu chuyện, tiếng cười và tình yêu thương.

    Một cách khác

    Mụ Rahab thường đi thăm mẹ ở một thành phố xa tên là Kassala, để tôi ở nhà chăm sóc lũ con của mụ, nhưng một ngày nọ mụ quyết định mang con theo và cả tôi nữa. Mặc dù đi theo họ với tư cách đứa nô lệ nhưng tôi cũng mừng rỡ, đó là dịp đầu tiên tôi rời khỏi Khartoum.

    Cha mẹ của mụ Rahab có một ngôi nhà to, có đến ba người hầu. Một cô quét dọn, một cô giặt giũ và một cô nấu ăn. Cả ba đều đến từ Eritrea, một quốc gia láng giềng của Sudan. Nhưng mẹ của Rahab coi việc tôi đến đó là cơ hội để mụ cho các cô kia được nghỉ, thế nên tôi phải làm tất cả mọi việc. Một tuần sau, ba cô gái kia trở lại. Công việc của họ khá nhẹ nhàng so với những gì tôi phải làm hằng ngày và họ được trả lương. Họ được nghỉ việc để về thăm gia đình và bè bạn. Họ không bao giờ bị đánh đập hay bị sỉ nhục. Họ mặc quần áo mới, còn quần áo của tôi là mớ giẻ rách cũ.

    Một buổi sáng sớm tôi đang ở ngoài sân nói cười chuyện trò với các cô gái giúp việc, chúng tôi nói cười ầm ĩ quá nên tôi không nghe tiếng mụ Rahab gọi. “Sao mày không trả lời, yebit? Bọn nhỏ đâu! - mụ đứng ở cửa giận dữ quát tôi - Tại sao mày không trông chừng nó như tao đã bảo?”. Không đợi tôi trả lời, mụ rút guốc ra đánh lên đầu tôi. Trong một tích tắc không khí lặng ngắt khi tôi nằm co dưới đất. Rồi một trong ba cô gái nhảy tới ngăn mụ lại. “Bà làm gì vậy? - Jaimaea hỏi với đôi mắt quắc lên giận dữ - Tại sao bà đánh cô ta? Lũ con bà đang ở trong phòng trước. Tại sao bà đánh cô ta?”. “Không phải chuyện của mày - mụ Rahab quát lại - Đừng có mà xen vào”.

    “Ồ, không phải chuyện của tôi sao? Tôi coi đây là chuyện của tôi - Jaimaea đáp lại một cách thách thức - Nếu cô ấy là người giúp việc của bà thì cô ấy làm việc cho bà. Điều đó không hề cho bà cái quyền được đánh cô ấy”. Mụ Rahab nhìn quanh. Tất cả các cô người làm đều đứng lên. Mụ nhận thấy mình cô thế. “Đi, yebit - mụ quát tôi khi quay đi - Đi theo tao!”.

    Mụ Rahab lôi tôi tới trước nhà. “Nghe cho rõ đây” - mụ rít vào tai tôi - Nếu mấy đứa con gái đó hỏi thì mày nói mày làm việc cho tao, và tao trả lương cho mày nhiều hơn chúng rất nhiều. Nếu mày nói điều gì khác tao sẽ giết mày”.

    Tối đó tôi ăn cơm cùng với các chị người làm như thường lệ. “Em có sao không, Mende?” - Jaimaea liền hỏi tôi - Tại sao em để cho chủ đánh như vậy?”. “Em làm việc cho bà ta - tôi lí nhí, nhớ lời đe dọa của mụ Rahab - Mụ trả cho em rất nhiều tiền, nhiều hơn lương của các chị”. “Ồ, thế ra đó là lý do hay ho để cho mụ ta đánh em sao?” - Jaimaea nói một cách khinh bỉ. “Mende, mụ ta gọi em là yebit. Em biết yebit là một từ rất sỉ nhục, phải không Mende? Mụ không biết tên em sao?”.

    “Bà ta có biết tên em - tôi thì thầm - nhưng bà ta luôn gọi em là yebit”. Ngay lúc đó mụ Rahab đến. Tôi khiếp đảm nhìn xuống sàn nhà khóc rấm rứt. “Tôi bảo cô không được chỏ mũi vào đây! - Mụ Rahab quát Jaimaea. “Rồi sao nào. Bà là một mụ đàn bà độc ác - Jaimaea quật lại - Bà đối xử với Mende quá tàn nhẫn chỉ vì cô ấy còn nhỏ. Tôi sẽ không thèm ở trong nhà bà một giờ nào nữa”.

    Mụ Rahab bỏ đi, vài phút sau trở lại với một xấp tiền. Mụ trả cho Jaimaea một món tiền rất lớn và bảo chị ấy đi ngay. Jaimaea không kịp chào tạm biệt bất cứ ai trong chúng tôi. Hai hôm sau chúng tôi rời nơi đó và tôi không bao giờ còn gặp lại Jaimaea.

    Sức mạnh mới

    Vài tuần lễ sau mụ Rahab chuẩn bị đi dự một đám cưới. Có tiếng chuông, tôi ra mở cổng. Đó là một trong các bà bạn của mụ Rahab sắp cùng đi đám cưới với mụ. Tôi liếc nhìn qua vai bà ta và giật thót: tôi tức khắc nhận ra ngồi phía sau xe là một cô gái Nuba. Đó là Kumal - bạn tôi từ làng bên cạnh cùng bị bắt trong trận tập kích. Cùng lúc đó cô ấy nhận ra tôi. Bốn mắt nhìn nhau trong vài giây.

    “Yebit! - Bà bạn của mụ Rahab lay vai tôi khiến tôi bừng tỉnh - Mày mơ ngủ hay làm sao vậy? Tao hỏi mày Rahab ở đâu?”. Mụ Rahab hả? Tôi chạy vào nhà. Mụ ấy chưa chuẩn bị xong nên bảo tôi đưa bà bạn vào đợi trong phòng khách. Tôi giả vờ đóng cánh cửa sau lưng bà lại, lẻn ra ngoài và chạy băng qua lối ngõ trải sỏi tới chiếc xe. “Kumal phải không - tôi hỏi - Kumal đó phải không? Đúng là em đó hả?”. “Mende! - cô ấy la lên - Mende! Không thể tin là chị được”. Rồi cô ấy nhảy xuống xe và chúng tôi ôm chầm lấy nhau thổn thức.

    “Ô Allah! Gặp chị em mừng quá - cô ấy khóc - Nghe này. Chị có được tin tức gì về gia đình chị không?”. “Không. Sao vậy! Em biết chuyện gì hả? Ôi, nói cho chị biết với. Nói đi!”. “Vậy thì em có tin tốt lành. Chị Mende hãy bình tĩnh. Một bữa mụ Hallah sai em ra cửa hàng. Khi đến đó em đã gặp Shadal, người cùng làng với chị. Anh ấy cho em biết tất cả họ còn sống, Mende à. Họ sống sót qua trận tấn công đó. Anh ta nói mẹ chị, cha chị và mọi người khác đều khỏe mạnh”.

    Ôi lạy Thượng đế! Gia đình tôi còn sống! Ôi lạy Thượng đế! Ôi tạ ơn Allah! Tạ ơn ngài, tạ ơn ngài, tạ ơn ngài. Tôi cảm thấy như mình muốn khuỵu xuống. Biết gia đình mình còn sống, điều đó cho tôi một sức mạnh mới. Đối với tôi chuyện đó quan trọng hơn bất cứ điều gì - hơn cả việc tôi được trả tự do. Không có gia đình để về thì được tự do phỏng có ích gì? Tôi sẽ đi đâu? Ai sẽ yêu thương lo lắng cho tôi? Và giờ đây tôi biết rằng ở nơi nào đó tại thành phố Khartoum này, những người trong bộ lạc đang tìm chúng tôi. Anh Shadal có thể mang thông tin về cho gia đình tôi không? Anh có thể đưa họ đến Khartoum giúp tôi trốn thoát không?...

    Ngã rẽ

    Sau khi tôi ở với mụ Rahab được khoảng sáu năm, một hôm mụ gọi tôi vào phòng khách. “Yebit, pha cho tao tách trà - mụ ra lệnh - tao muốn nói chuyện với mày. Yebit nè, bây giờ thì mày đã biết rõ những việc mày làm trong nhà này, phải không?”.

    “Phải, thưa chủ nhân. Tôi lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu ăn - tôi trả lời mụ khe khẽ - Tôi pha trà, ủi quần áo, trông trẻ. Tôi quét dọn hàng hiên và sân”. “Tốt. Thế nên giờ đây tao gửi mày sang nhà em gái tao. Hanan cũng vừa sinh đôi. Cô ấy rất mệt mỏi và cần người giúp”. Thế là tôi được mang cho như một món quà hữu dụng. Tôi không biết làm gì hơn là hỏi “Nhưng tôi sẽ đi đâu?”. “London”.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS
    (THIẾU KHANH dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  5. #5
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ 5: Tia sáng từ người Nuba

    TT - Chuyến bay dài với bao nhiêu điều lạ lẫm. Tôi cô đơn và sợ hãi giữa hàng ngàn người. Tôi chỉ biết đợi và đợi, thời gian dài dằng dặc như cả thế kỷ. Và tôi nghe có tiếng nói sau lưng: “Xin lỗi, cô là Mende phải không?”.


    London xinh đẹp và thân thiện chứ không như “chủ nhân” của Mende nói dối

    Muốn chết

    Đến ngôi nhà mới tôi lại có cảm giác khiếp đảm. Tôi nhắc mình nhớ lại tất cả những bài học tôi đã học được với mụ Rahab để tránh bị đánh đập và lăng nhục. Không bao giờ trả lời tay đôi. Không bao giờ làm vỡ bất cứ thứ gì. Luôn luôn nói: “Dạ, thưa chủ nhân” trong mọi việc.

    Bà Hanan thân ái ôm hai người khách Ả Rập và rồi tôi lấy làm ngạc nhiên, bà ta quay lại và ôm cả tôi nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi được nằm trong một cái giường đúng nghĩa. Tôi rất cảm động, lòng tôi tràn đầy hi vọng: ở đây mình sẽ được đối xử một cách tốt đẹp chăng? Ngôi nhà có dạng chữ L với phòng sinh hoạt rộng thênh thang, một phòng ăn với bàn ghế bằng gỗ đánh bóng tiếp với phòng sinh hoạt. Trên lầu có bốn phòng ngủ, phòng sinh hoạt thứ nhì và hai phòng tắm. Bên ngoài phía sau nhà cũng có một bãi cỏ rộng được bao bọc bằng cây xanh, và có một mảnh vườn trước nhà nhỏ hơn viền quanh bằng một hàng giậu cao.

    Trong ngày đầu tiên đó, vào khoảng 9 giờ tối tôi làm xong tất cả công việc lau chùi giặt rửa. Tôi rất mệt, nhưng khi bước vào nhà bếp tôi không tin vào mắt mình, có thêm một núi chén bát trong chậu phải rửa và chén bát dơ trên bàn nữa. Có cả thức ăn thừa vương vãi trên sàn nhà.

    Tôi phải làm việc rất vất vả, vất vả hơn so với khi còn ở Khartoum. “Không thể như thế này mãi mãi được”, một điều gì đó trong tôi đã thay đổi. Khoảng ba tuần lễ sau khi tôi đến London, tôi quyết định phải hành động. Tôi vẫn còn giữ số điện thoại mà Kumal đã cho tôi ở Khartoum. Bạn ấy nói người anh em họ của bạn ấy đang ở “bilabarra” - xa mãi ở nước ngoài. Tôi nghĩ nên hỏi bà Hanan xem.

    Tôi run rẩy móc ra tờ giấy và hỏi bà Hanan: “Tôi có số điện thoại này mà một người bạn ở Khartoum đã cho tôi. Tôi có thể gọi được không?”. “Đưa đây xem!” - bà nhảy ra khỏi chiếc xôpha, nói với giọng gay gắt. Toàn bộ thái độ của bà thay đổi ngay lập tức. Bà chộp lấy mảnh giấy, nhìn vào nó và tuôn ra một loạt câu hỏi: “Ai viết cho mày số điện thoại này? Tao không muốn mày tiếp xúc với ai hết. Mày nghe tao nói không? Không một ai cả”. Bà Hanan giật chiếc túi khỏi tay tôi: “A ha! Hộ chiếu của mày đây! Tao nghĩ từ nay tao sẽ giữ cái này. Tao không còn tin tưởng mày nữa”.

    Bà bắt đầu chửi bới, quan sát tôi rất chặt chẽ, kiểm soát xem tôi có ở trong nhà hay không. Kể từ ngày tôi mới đến, lần duy nhất tôi được phép bước ra ngoài là khi mang rác ra đổ vào các thùng rác trên lối ngõ. Giờ đây tôi để ý thấy bà Hanan luôn để mắt theo dõi tôi từ cửa sổ trên lầu. Và từ đó bà bắt đầu gọi tôi với cái từ quen thuộc “yebit”.

    Có vẻ không có lối thoát nào cả. Tôi quá thất vọng nên không thiết ăn uống. Tôi cảm thấy như thể mình bị kẹt lại trong ngôi nhà này ở London vĩnh viễn. Tôi nghĩ đến dì Asha, người phụ nữ Nuba ở nhà gã buôn nô lệ Abdul Azzim ở Khartoum. Tôi tự hỏi liệu mình có phải sống hết phần đời còn lại như một kẻ nô lệ không?

    Mỗi sáng tôi để ý thấy rất nhiều tóc của mình trên mặt gối. Tôi nhận ra tóc mình đang rụng. Nhìn vào gương, tôi thấy mình kiệt sức và bệnh hoạn. Mặt tôi hốc hác và vàng vọt, hai vai tôi gù lên như một bà lão. Tôi thấy da mình khô đi, nổi vảy như vảy cá và bong ra.

    Giờ đây tôi như một con ma trôi qua cuộc sống ngày này sang ngày khác. Thậm chí tôi không còn biết khóc. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi tôi nghĩ đến chuyện tự sát. Trong cuộc tấn công ở làng tôi, tôi đã thấy những tên đột kích đâm vào cổ hoặc vào tim người ta. Tôi nghĩ đó là cách giết người dễ dàng nhất, có lẽ cũng là cách hay nhất để tự sát. Một hôm tôi lấy dao lạng thịt và khứa chầm chậm vào đầu ngón tay trỏ. Lưỡi dao bén làm máu chảy ra dễ dàng. Tôi nghĩ đến việc về phòng mình, nằm xuống giường và đâm lưỡi dao vào người. Tôi không thấy sợ hãi, chỉ hi vọng sẽ chết thật nhanh để khỏi bị đau đớn.

    Tia hi vọng

    Gia đình bà Hanan cùng nhau về Sudan trong kỳ nghỉ, họ gửi tôi lại gia đình một người bạn. Một người Ả Rập mở cửa với một nụ cười thoải mái. Ngay khi vừa bước chân vào tôi cảm thấy ngay một không khí vui vẻ hạnh phúc. “Tôi là Omer. Mời cô Mende vào đây với nhà tôi. Cô ấy tên là Madina”. Thoạt đầu tôi choáng ngợp trước sự tử tế của họ. Tôi được chị Madina đưa đi chợ, đi công viên với cả gia đình.

    Tôi nhận ra mụ Hanan đã nói dối tôi về London. Đây chẳng hề là một nơi xấu xa hay hung tợn gì cả mà có vẻ xinh đẹp và thân thiện. Lối cư xử của gia đình anh bao bọc tôi trong tình yêu thương khiến tôi nhận ra tôi có thể trở lại làm người. Sau khi nói chuyện với anh, tôi quyết định phải đào thoát. Nếu tôi phải trở lại với cuộc đời nô lệ, hoặc là kiếp sống đó sẽ giết tôi, hoặc tôi sẽ tự sát.

    Tôi tự hỏi mình có nên nhờ anh Omer giúp không, nhưng anh ấy thân cận với gia đình bà Hanan, lại là cấp dưới của lão Koronky, điều đó sẽ đẩy anh vào tình thế khó xử. Tôi cần phải tìm một ai đó ngoài giới đồng nghiệp và bè bạn của mụ Hanan và lão Koronky. Chắc là phải có những người Sudan khác đang sống ở London, trong số đó hẳn có người Nuba.

    Ba ngày liền tôi đề nghị được đi mua sắm giùm chị Madina. Tôi chạy tới công viên, cẩn thận nhìn từng người da đen. Ngày thứ ba, dịp cuối cùng, tôi đi qua lại trung tâm thương mại nhưng không thấy ai có vẻ là người Sudan cả. Cuối cùng tôi nhìn thấy một người. Tôi đến đứng cạnh anh ta. “Assalam alaikum” - tôi nói khe khẽ. Nhưng hoặc là anh ta không nghe hoặc không hiểu tôi nói gì.

    Tôi buộc mình thử lại lần nữa: “Assalam alaikum”. “Alaikum wassalam, em gái!” - anh ta ngạc nhiên kêu lên, quay đầu nhìn tôi. “Cô là người ở đâu?” - anh tiếp bằng tiếng Ả Rập. “Em là người Sudan - tôi mừng rỡ - Em ở vùng núi Nuba”. “Người Nuba? OK. Tôi là người miền Nam Sudan. Vậy chúng ta cũng như anh em. Cô đến London lâu chưa? Tên cô là gì?”. “Em tên Mende” - tôi bẽn lẽn đáp.

    Một thoáng im lặng trước khi tôi hỏi anh ta. “Anh có biết những người Sudan nào khác ở London không?”.“Có. Nhiều lắm. Cô đang tìm một người cụ thể nào phải không?”. “Anh có biết bất cứ người Nuba nào không?”. Anh ta im lặng suy nghĩ rồi bật cười lớn. “Có - anh nói - Có... Tôi có biết một người Nuba”. Anh gọi vào điện thoại di động, có người trả lời. “Chào, Babo hả? - anh nói - Chào, tôi đây. Có người ở đây muốn nói chuyện với cậu”. Anh trao điện thoại cho tôi: “Này, cô cầm lấy. Anh ta tên là Babo”. Tim tôi đập rộn rã. Babo, cái tên quen thuộc. “Chào anh, anh Babo” - tôi lúng túng nói khe khẽ vào máy, tay run run. Tôi nuốt nước bọt. Tôi quá phấn khích nên miệng khô ran. “Em tên là Mende - tôi nói - Em không còn bé đâu. Em hai mươi tuổi rồi”. “Được rồi - anh cười - Cô nói nghe như người Nuba”. “Dạ phải. Em ở bộ lạc Karko. Em cần anh giúp”, tôi nói khẽ. “Giúp gì vậy?”.

    Rồi tôi tuôn ra thật nhanh chuyện của mình. Sau khi tôi nói xong, đầu bên kia có một sự im lặng sửng sốt. “Bây giờ cô muốn tôi giúp cô đào thoát?”. “Dạ. Đúng vậy. Anh nên tin em - tôi ngừng nói, bật khóc - Anh phải giúp em. Ở đây em không biết nhờ ai khác cả và em cũng không thể ở đây lâu hơn nữa”. “Cô đừng lo - anh trấn an tôi - Tôi sẽ tìm ra cách này hay cách khác”.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS (Thiếu Khanh dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  6. #6
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ 6: Cuộc đào thoát

    TT - Babo bảo tôi anh ấy sẽ tìm cách liên lạc với tôi ngay khi có thể. Về lại nhà, tôi nhờ chị Madina bày cách sử dụng điện thoại di động. Gia đình ông Al Koronky sắp trở về, tôi phải dành cả ngày để nấu nướng, lau dọn sạch sẽ và trải các tấm khăn giường mới. Thế rồi điện thoại reo.


    London là nơi Mende bắt đầu cuộc sống mới

    Chạy

    “Hello”, tôi nói nhưng không có tiếng trả lời. “Hello”, tôi lặp lại. Tôi chợt nhớ ra kế hoạch của mình. “Kenwengjero”, tôi nói. “Mende hả? - một giọng người hỏi - Có phải cô đó không?”. “Anh Babo! - tôi reo lên - Em đây, Mende đây”. “Cô nghe đây. Tôi đã tìm ra được đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và mọi thứ. Nếu Koronky và gia đình ông ta còn đang vắng nhà, tại sao bây giờ cô không ra đây để tôi đón cô đi?”.

    “Không được đâu. Nếu em chạy trốn bây giờ, anh Omer và chị Medina sẽ bị đổ tội. Em phải chờ cho đến khi gia đình ông Koronky trở lại”. “Thôi được. Nhưng như thế sẽ khó khăn hơn. Tôi sẽ tới vào thứ hai. Đó là ngày duy nhất tôi được rảnh. Đây là những gì chúng ta sẽ làm: cô đem rác ra trước nhà. Hãy kiểm tra cho chắc. Rồi cô chạy thật nhanh ra khỏi ngõ và đừng ngoái lại. Tôi sẽ chờ cô ở đó. Khoảng đầu ngõ. Tôi sẽ ở đó chờ cô từ 3g-3g30 chiều”.

    “Dạ được - tôi háo hức đáp - Vậy tôi sẽ gặp cô ở đó - anh Babo nói quyết chắc - Và hãy nhớ đừng mang theo túi xách hay làm bất cứ điều gì trông đáng ngờ”. “Dạ. Cảm ơn anh, Babo! Cảm ơn anh”. “Vậy là được rồi - anh nói khẽ - Nhưng cũng chưa hết. Cô phải mạnh mẽ và dũng cảm lên. Có một người Nuba nữa, anh ấy tên là Monir Sheikaldin. Chúng tôi sẽ cùng đón cô”.

    Bỏ điện thoại xuống, tôi vừa sung sướng vừa sợ hãi, vừa phấn khích. Gia đình mụ Hanan về. Đêm đó và đêm tiếp theo tôi không thể ngủ được. Tôi ôn đi ôn lại kế hoạch đào thoát. Buổi sáng ngày thứ hai tôi dậy sớm làm công việc hằng ngày. Nhưng tôi cảm thấy mất tinh thần khi lão Al Koronky không đi làm như bình thường. Lão ở nhà suốt buổi sáng. “Ôi không! - tôi tự nghĩ - Lão không đi. Làm sao mình ra khỏi nhà được?”.

    Có một đống quần áo phải ủi, nhờ đó mà có việc cho tôi đến gần 3g30 chiều. Cứ mỗi năm phút tôi lại thấy mình liếc nhìn lên đồng hồ trên tường. Tôi làm rối tung lẫn lộn đống quần áo đang ủi. Lúc 3 giờ tôi vào phòng ăn, đóng cửa sau lưng mình và nhìn ra ngoài sau mấy bức màn xem thử anh Babo đã đến hay chưa, nhưng không thể nhìn xuyên qua cây cối. Tôi toát mồ hôi và lả người vì lo lắng.

    Tôi không biết làm sao ra khỏi nhà mà không bị bắt. Uran, “con mèo” đồ chơi nhỏ bé đang nằm trên gối, tôi không thể nào bỏ nó lại được. Tôi đấm cho nó bẹp xuống và nhét vào người. Rồi tôi nghe mụ Hanan gọi từ nhà bếp. “Yebit, tao đi đón mấy đứa nhỏ ở trường đây - mụ bảo - Tao để hai đứa song sinh ở nhà cho mày trông”. Tôi gật đầu, cố tránh đôi mắt của mụ. Mụ đi và gọi lão Koronky: “Đi mình”. “Anh sắp xuống đây”, lão la to xuống.

    Mụ Hanan đi mở khóa cửa trước rồi trở lại lấy đôi giày trong tủ để giày dưới cầu thang. “Lạy Thượng đế - tôi nghĩ - họ sắp đi đúng vào lúc mình hẹn anh Babo!”. Cơ may của tôi chỉ còn một phút. Tôi chộp lấy bao rác và chạy thật nhanh tới cửa, người tôi run lên. Khi chạy nhanh qua mụ Hanan đang ngồi trong sảnh buộc dây giày, tôi nghe tiếng lão Koronky đang xuống cầu thang. Tôi ném túi rác vào thùng rác rồi quay nhìn lại ngôi nhà. Vẫn chưa ai ra cả.

    Tôi quay người chạy hết tốc lực ra đầu ngõ. Tôi thấy mình phát điên vì hoảng sợ. Khi ra tới ngõ, một nỗi sợ mới ập lấy tôi. Nếu Babo không có ở đó thì sao? Ôi cầu xin Allah cho anh ấy có ở đó! Rồi tôi thấy một người da đen cao to bên kia đường rối rít vẫy tay. “Tới đây! Tới đây! - anh gọi - Chạy! Mende! Chạy!”. Tôi chạy băng qua đường và ngã vào tay anh. “Nhanh lên! Nhanh lên! - tôi hét lên với anh - Họ sắp tới! Chúng ta phải đi ngay bây giờ!”.

    Babo nắm lấy cánh tay tôi, chúng tôi chạy ra khỏi con phố. Anh đưa tôi nấp sau một tàng cây xanh nhỏ. Tôi rất sợ hãi và không nín khóc được. “Chúng ta gần họ quá - tôi hổn hển - Họ sẽ tìm thấy chúng ta mất thôi. Họ sẽ theo bắt em lại. Chúng ta phải chạy đi ngay”. “Được rồi. Được rồi - anh Babo vừa nói vừa quàng tay ôm tôi - Đừng lo. Tôi không để họ bắt cô đâu. Cứ nấp ở đây trong khi tôi gọi điện thoại”.

    Tôi nghe anh Babo giải thích chỗ chúng tôi đang đứng, và chỉ trong vài giây một chiếc xe chạy tới. Tôi được ấn vào ghế sau và tiếng bánh xe rít trên mặt đường, chiếc xe lao đi. Tôi rúc người vào cạnh anh Babo, cố nép mình để không bị phát hiện. “Họ có đuổi theo chúng ta không? Xin hãy nhìn ra cửa sổ xem. Em sợ quá. Em sợ quá”. “Đừng lo, Mende - anh cười nói - Chẳng có ai theo chúng ta”. “Chào cô Mende - tôi nghe một giọng nói điềm tĩnh từ chỗ người lái xe - Tôi là Monir. Cô hãy nghe chúng tôi và bình tĩnh. Chúng tôi đã giải cứu được cô rồi. Chúng tôi sẽ bảo vệ cô”.

    Đây là những người cùng dân tộc với tôi, người Nuba, và tôi biết rằng tôi có thể tin cậy nơi họ. Tôi biết họ nói với tôi sự thật.

    Học sống

    Tự do là một bảo vật mà dù có được cả thế gian tôi cũng không đánh đổi. Nhưng đối với tôi, sự tự do này còn là một thứ đáng sợ. Tôi bị bắt đi khi còn là một đứa trẻ. Tôi trải qua tuổi thiếu niên và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành trong cuộc sống nô lệ. Trong tất cả khoảng thời gian đó tôi không có tự do.

    Tôi không thật sự hiện hữu. Tôi không có quyết định nào về cuộc sống của chính mình. Tôi nhận ra rằng mình không biết làm bất cứ điều gì. Tôi phải học để biết cách dùng tiền - món trợ cấp nhỏ nhoi hằng tuần được Chính phủ Anh cấp. Tôi phải học cho biết tài khoản ngân hàng là gì.

    Tôi phải học cách tự nấu những bữa ăn hằng ngày và ăn uống đúng nghĩa - không phải ăn đồ thừa của người khác. Tôi phải học cách ngồi vào bàn ăn đúng phép tắc. Một trong những điều khó khăn nhất đối với tôi là được người ta phục vụ trong nhà hàng ăn. Tôi phải học đi thế nào cho an toàn trên đường phố mà không bị xe đụng.

    Tôi cũng phải học cách kết bạn, cách hiểu khái niệm về tình bằng hữu; rằng một người bạn tốt là kẻ mà mình không phải giấu giếm gì với họ; rằng một người bạn tốt sẽ không bao giờ nặng lời với mình hay đánh mình không vì lý do nào cả; rằng họ sẽ không bao giờ xúc phạm mình để làm trò vui; rằng họ luôn luôn cư xử với mình bình đẳng.

    Điều khó khăn hơn hết là tôi phải học để đừng sợ hãi nữa. Nhưng những sự phiền toái cũng theo đuổi. Có nhiều người gọi đến những người đã giải cứu tôi. Một phụ nữ ở Khartoum gọi nói sẽ tìm gia đình tôi và bỏ tù hết. Rồi một người đàn ông ở đại sứ quán Sudan. Cao điểm là một số bộ trưởng trong chính phủ Sudan trực tiếp gây áp lực.

    Và tôi nhận được điện thoại từ cha mẹ. Thật không thể nào diễn tả hết niềm vui tuyệt vời lại được nói chuyện với anh Babo, mẹ tôi, cha tôi và chị Kunyant sau nhiều năm xa cách. Thoạt đầu tôi chỉ khóc, khóc và khóc. Nhưng cuối cùng mẹ tôi làm cho tôi cười. Cha tôi bảo ông muốn gặp lại tôi hơn bất cứ thứ gì trên đời.

    Cơn ác mộng của những năm tháng nô lệ không chấm dứt sau khi tôi đào thoát. Chỉ có tính chất của sự đau khổ của tôi là thay đổi. Tôi lo lắng nhiều hơn về sự an toàn của gia đình ở Sudan, sự an toàn của những người đã giúp tôi được tự do.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS (Thiếu Khanh dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  7. #7
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ cuối: Hành trình ước mơ

    TT - Tôi được sự giúp đỡ của nhiều nhóm người, nhiều tổ chức, giới truyền thông. Cuốn sách kể lại câu chuyện của tôi Nô lệ - chuyện có thật của đời tôi (Slave - my true story) được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào tháng 9-2002, vượt ngay lên hàng danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều tuần lễ.

    Và cuối cùng tôi nhận được tờ giấy “cho phép ở lại Vương quốc Anh vô thời hạn”.


    Mende Nazer ở London năm 2003

    Tôi đi tìm tôi

    Tôi nhận được nhiều lời mời đi nói chuyện về những trải nghiệm của mình. Tôi được bà Elaine Pearson, một người trong Tổ chức quốc tế chống chế độ nô lệ, đưa sang Thụy Sĩ, nói chuyện tại Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. Từ đó bà Elaine trở thành một người bạn tốt của tôi. Bà Elaine giúp tôi viết diễn văn để đọc tại ILO - chỉ đơn giản là 20 phút trình bày. Tôi sợ chết khiếp khi đến lượt mình bước lên phía trước trong phòng hội nghị khổng lồ và tham dự với ban thuyết trình, tất cả đều có bảng tên, quanh một cái bàn gỗ bóng loáng.

    Hai diễn giả trước tôi đều là người da trắng, nhiều tuổi hơn tôi, mặc comlê chững chạc. Khi nhìn quanh, tôi nhận ra mình là người da đen duy nhất trong cuộc hội thảo và là diễn giả trẻ tuổi nhất. Miệng tôi há ra, cổ khô lại với sự sợ hãi đến nỗi tôi thốt không ra tiếng. Chắc chắn cử tọa trong phòng đều thấy tôi run rẩy. Tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Tuy vậy, khi tôi bắt đầu, lời nói cứ tuôn ra và tôi thấy mình nói năng trôi chảy và thành thực. Sau ba năm học, vốn tiếng Anh của tôi còn xa mới được gọi là thông thạo, nhưng tôi có thể diễn đạt cho mọi người hiểu cách nói giản dị của mình. Cuối bài, tôi bị tràn ngập với những câu hỏi, rồi mọi người hoan nghênh tôi và cảm ơn tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện của mình.

    Sau đó tôi nói chuyện với sinh viên tại các trường đại học và với học sinh tại các trường trung học. Mỗi lần nói chuyện như thế tôi càng hiểu rõ thêm mọi người trên thế giới đều thấy sự tồn tại của chế độ nô lệ trong thời hiện đại là điều khủng khiếp. Hầu hết đều không tin ngày nay vẫn còn tồn tại tình trạng nô lệ nhưng họ đã được nghe câu chuyện của tôi.

    Mơ ước lớn nhất của tôi là mong được gặp lại gia đình. Khoảng mười năm rồi tôi không được gặp họ. Đôi khi tôi tự hỏi không biết cha tôi còn nhận ra đứa con gái của mình không - đứa con gái nhỏ bị bắt đi khỏi vùng núi Nuba và bây giờ là một phụ nữ trưởng thành đang sống ở châu Âu. Nhưng dĩ nhiên, quốc gia mà tôi không thể đến được bằng thông hành của Anh chính là Sudan. Có thể sẽ phải mất khoảng năm năm để tôi có được quốc tịch Anh và được cấp hộ chiếu của nước Anh. Và ngay cả lúc đó việc tôi mạo hiểm bất chấp rủi ro trở về Sudan vẫn còn là điều có thể gây tranh cãi. Tôi đã tìm nhiều cách giúp tôi gặp lại cha mẹ nhưng tất cả cách đó đều có những bất trắc riêng.

    Nhưng tôi sẽ phải kiên nhẫn. Và kiên nhẫn là đức tính mà tôi đã học được rất nhiều khi trải qua những năm tháng trong cuộc đời nô lệ. Kiên nhẫn rằng tôi sẽ vượt thoát, sẽ được làm chủ đời mình và sẽ được tự do. Sự kiên nhẫn sẽ cho tôi được gặp lại cha mẹ một ngày nào đó. Nhiều người bạn mới của tôi ở London vừa có con cái và tôi cũng mơ ước tìm được người yêu thương để lập gia đình. Với tôi đó sẽ là một cách để tái tạo cảm giác về gia đình, về sự yên ổn mà tôi đã bị cuộc sống nô lệ và lưu vong tước mất.

    Tôi vẫn cảm thấy còn nhiều điều phải làm để tôi thật sự hiểu cuộc hành trình từ nô lệ đến tự do cuối cùng sẽ đưa mình tới đâu. Còn rất nhiều câu hỏi. Tôi muốn gì ở cuộc đời? Tôi đang đi học tiếng Anh như bất cứ em học sinh nào, nhưng tôi không có gia đình, không có nơi nào cho tôi cảm thấy được sự ấm cúng của nhà mình. Tôi có còn là một cô gái Nuba nữa không? Hay tôi là một tác giả có sách bán chạy? Tôi là một nô lệ đào thoát được tưởng thưởng? Tôi là người Sudan hay là người Anh?...

    Tôi chắc chắn mình sẽ tìm được những lời giải đáp. Tôi đang sung sướng thấy thời gian là của mình, thấy mình đang học hành và cải thiện bản thân để trở nên một cô gái thông minh như những năm đầu tiên đi học trong miền núi Nuba. Tôi sung sướng khi mình có thể cầu nguyện với Thượng đế, làm theo con tim mình và làm quen với những người bạn mới trên khắp thế giới. Tôi sung sướng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi có thể trở thành một y tá để chăm sóc nhiều người. Tôi sung sướng nghĩ một ngày nào đó tôi gặp được người đàn ông mơ ước của mình, sẽ có con cái, rồi có một túp nhà nhỏ an lành và êm ấm ở đâu đó...

    Ghi chú của Damien Lewis

    Mende Nazer đào thoát vào một ngày mùa hạ, 11-9-2000, trên đường phố nhiều cây xanh ngoại ô phía bắc London. Tôi hay biết về hoàn cảnh của cô vài hôm trước đó. Một người bạn Nuba gọi điện thoại hỏi tôi có thể giúp cứu thoát cô ấy không. Anh cần có một nhà báo người Anh chứng kiến cuộc giải cứu để sự việc “được ghi vào hồ sơ”. Tôi tham dự từ lúc đó.

    Hôm nay, ba năm sau ngày đó, Mende Nazer là một phụ nữ trẻ trung, hoạt bát, rất thông minh với độ tuổi ngoài hai mươi - người Nuba không giữ hồ sơ về ngày tháng năm sinh - đang đặt nhiều hi vọng vào tương lai. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp cô ấy vào ngày cô được giải cứu, đó là một người lọm khọm, tê liệt và run rẩy.

    Câu chuyện của Mende không làm tôi kinh hoàng lắm; là một nhà báo, tôi đã nhiều lần đến Sudan để tường thuật nhiều, rất nhiều câu chuyện khiếp đảm về tình trạng nô lệ và những sự lăng nhục khác. Tôi ngạc nhiên nhiều hơn với độ sâu sắc của chi tiết sự việc được Mende nhớ lại, nhất là những giai đoạn khi Mende còn thơ ấu.

    Phần lớn điều chúng tôi viết ra Mende chưa hề kể với ai trước đó. Trước đó cô chưa hề nói đến những điều khủng khiếp mà cô đã chịu đựng. Trước khi đào thoát cô không có ai để chia sẻ. Có nhiều đau xót và nước mắt khi chúng tôi viết đến những phần khó khăn. Nhưng như chính Mende nhận thấy, có lẽ nói ra hết những điều này là bước đầu trên con đường tiến đến việc chữa lành tất cả thương tổn và khổ đau của cô.

    Điều 4 trong Tuyên ngôn chung về quyền con người của Liên Hiệp Quốc như sau: “Không một ai phải bị làm nô lệ hoặc phải hoạt động khổ sai; sự chiếm hữu và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức phải bị nghiêm cấm.” Hơn 50 năm sau khi Liên Hiệp Quốc chấp nhận và thi hành bản tuyên ngôn này vào năm 1948, câu chuyện của Mende cho thấy việc buôn bán nô lệ vẫn còn phát triển “thịnh vượng” ở đây đó.

    Mende nói cô phải nói ra vì còn có nhiều phụ nữ, nhiều cô bé và cậu bé đang bị buộc phải làm nô lệ đây đó. Cô biết đích danh vài người trong số đó - Asha, Katuna, Nanu - và họ vẫn là bạn của cô. “Tôi muốn tất cả những người khác còn đang làm nô lệ hoặc chịu khốn khó đều được trả tự do - Mende nói - Làm sao tôi có thể thật sự cảm thấy tự do khi tôi biết tất cả họ vẫn còn bị bắt làm nô lệ”.

    MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS
    (THIẾU KHANH dịch)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts