Cũng như một số môn thể thao khác, võ thuật TPHCM đang phát triển mạnh trong xu hướng thương mại hoá.


Vốn trốn lời

Dạo một vòng qua các phòng tập võ thuật trên địa bàn TPHCM sẽ dễ dàng nhận ra một điều, phần lớn các phòng tập tư nhân đều do võ sư lâu năm đứng tên và trực tiếp huấn luyện. Ít ai giám bỏ tiền ra đầu tư phòng tập và thuê HLV về dạy. Phần lớn các võ sư mở võ đường là vì đam mê, vì trách nhiệm đối với môn phái của mình hơn là chuyện mưu sinh.

Võ sư Ngô Khắc Hoàng -chủ phòng tập bộ môn Aikido, Kendo CLB Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1- tâm sự. “ Nếu để làm giàu thì chắc không ai đầu tư vào môn võ bởi kiếm tiền trong nghề này rất khó khăn”.

Điều võ sư Hoàng khẳng định hoàn toàn có cơ sở vì phòng tập của ông khai trương nay đã gần 3 năm nhưng vẫn chưa hoàn vốn. Tổng chi phí mà ông đầu tư khi mở phòng tập ngốn hơn 200 triệu, nay chỉ mới thu hồi chưa được một nửa.

Đó là đã tính đến việc phí theo học ở đây vào loại cao nhất so với các phòng tập khác trên địa bàn TPHCM: 120 ngàn đồng/ võ sinh/tháng. Đồng thời số lượng võ sinh theo học không phải là ít.

Với mức phí đó, trung bình mỗi tháng ông Hoàng thu về 5 triệu đồng. Trừ tiền thuê sân, tiền trả cho HLV, tiền đóng góp cho phòng thể thao quận, ông còn lại không đến 2 triệu đồng.

Tương tự như vậy, vợ chồng võ sư Lê Đình Long cũng có nhiều trăn trở khi bắt tay vào làm kinh doanh với võ thuật.

Năm 1998, vợ chồng ông vay ngân hàng 300 triệu mở phòng tập võ cổ truyền bộ môn Tây Sơn Nhạn-Kim Kê, phòng tập hoạt động đến nay đã hơn 7 năm nhưng cũng mới chỉ trả nợ ngân hàng được một nửa.

Cầm tờ biên lai nợ ngân hàng trên tay, ông tâm sự: “ Hai vợ chồng đều muốn lấy võ làm nghề để sống, nhưng cố hết sức cũng chỉ đủ sống, không thể nào khá lên bằng nghiệp võ thuật”.

Võ sư Long hiện là HLV đội võ đối kháng Hội võ cổ truyền TPHCM kiêm trưởng bộ môn Pencak Silat, Q1. Vợ ông là võ sư Nguyễn Thị Kim Loan là trưởng bộ môn Pencak Silat quận Thủ Đức.

Mở phòng tập, không thuê HLV, hai vợ chồng trực tiếp huấn luyện môn sinh, thời gian gần đây vợ chồng ông mở thêm hai bộ môn Pencak Silat và quyền anh để cải thiện thu nhập.

Nhưng ông Long cho biết vẫn không hơn được bao, nguồn thu chủ yếu vẫn là từ võ cổ truyền.

Tự đầu tư mở phòng tập thì gặp khó khăn, nhưng khi có người tài trợ cả vật chất lẫn chuyên môn thì tình hình có vẻ khả quan hơn.

Phòng tập Teakwondo Việt Hàn của võ sư Hồ Tú Trinh là một thí dụ. Phòng tập của bà được ông Seong Seop người Hàn Quốc tài trợ từ đầu đến cuối.

Rộng gần 1000 m2, phòng tập được trang bị đầy đủ mọi dụng cụ tập luyện, tổng chi phí hơn 450 triệu đồng. Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên của Liên đoàn Teakwondo thế giới, ông Seong Seop trực tiếp làm cố vấn kĩ thuật, huấn luyện cho phòng tập.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là một phòng tập đạt tiêu chuẩn và khang trang vào bậc nhất ở TP HCM.

Võ sư Trinh nói: “Cái chính là tạo điều kiện cho những người yêu thích bô môn Teakwondo luyện tập, rất nhiều trường hợp gặp khó khăn, phòng tập đã miễn giảm học phí, thậm chí cấp thêm võ phục cho võ sinh. Chính vì vậy thu chi nhiều tháng bị lỗ”.

Cùng chung tiêu chí với võ sư Trinh, một số môn phái võ cổ truyền, mục tiêu hàng đầu trong hoạt động không cũng không phải là vấn đề lợi nhuận.

Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt- chưởng môn đời thứ 7, phái Nam Huỳnh Đạo khẳng định: “Khát vọng của chúng tôi là phát triển môn phái để làm tỏa sáng tinh hoa của dân tộc. Chúng tôi không đặt vấn đề thu lợi trong hoạt động của phái.

Chính vì vậy cũng có nhiều khi gặp trắc trở trong vấn đề tài chính, nhưng khi mình không đặt nặng vấn đề tiền bạc thì mình sẽ dễ bề xoay xở và tìm ra cách giải quyết”.

Có lẽ vì phát triển theo phương châm cao đẹp đó nên phái Nam Huỳnh Đạo có tới hơn 1000 môn đồ tập luyện.

“Có thực mới vực được đạo”

Rõ ràng việc kinh doanh võ thuật ở TP.HCM đang hoạt động theo kiểu nghiệp dư. Trong thời đại mới, để phát triển võ thuật, bên cạnh vấn đề nhân lực thì vấn đề tài chính cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Võ sư Nguyễn Văn Sen - Phó Chủ nhiệm CLB võ thuật Vovinam, 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10 góp ý: “Ở Việt Nam, võ mới chỉ là “nghiệp” chứ chưa là “nghề”, chúng ta chưa thực sự mạnh dạn kinh doanh trong nghề võ.

Cần phải nhanh chóng thay đổi cách nhìn, phải làm sao để người võ sư, võ sinh bước vào môi trường võ thuật là yên tâm cống hiến và không phải bận tâm vì cơm, áo, gạo, tiền”.

Từng du đấu nhiều nước trên thế giới, võ sư Sen được tiếp xúc với nhiều mô hình kinh doanh võ thuật nước ngoài. Ông rất tâm đắc với mô hình phát triển võ thuật của Pháp và Đức.

Ông cho biết: “Họ tổ chức kinh doanh trong võ thuật với mô hình khép kín rất chuyên nghiệp. Không chỉ thu lợi từ học phí, họ còn phát triển nhiều dịch vụ khác tạo nguồn tài chính như sản xuất đồ thể thao, dụng cụ tập luyện, nhận hợp đồng quảng cáo thương hiệu...”

Sự hậu thuẫn của các nhà tài trợ là một điều kiện cực kì thuận lợi để phát triển võ thuật. Võ sư Lê Đình Long nói" Nếu có đơn vị tài trợ, tôi sẵn sàng hợp tác mở phòng tập, điều đó có lợi cho cả hai bên và có lợi cho phong trào võ thuật nói chung"

Bàn về vấn đề này, võ sư Ngô Khắc Hoàng cũng đồng tình: "Kinh doanh trong võ thuật là điều hoàn toàn bình thường và cần được khuyến khích. Ở nước ta võ thuật xưa nay thường gắn liền với tính nhân văn, văn hoá dân tộc nên ngại nói đến chuyện tiền bạc.

Điều này sẽ đẩy lùi nhịp độ phát triển của võ thuật. Trên thế giới, nhiều nước đã có nhiều hình thức kinh doanh rất hiện đại, ví dụ dạy võ qua mạng internet, liên kết giữa võ thuật và các loại hình du lịch.

Từ đó, một mặt thu lợi nhuận, một mặt quảng bá võ thuật và văn hoá nước nhà. Chính nhờ nhiều nguồn thu khác nhau, HLV và võ sinh chuyên nghiệp ở nước ngoài được hưởng mức lương tương tương một nghề thu nhập cao trong xã hội”

Trong khi đó ở Việt Nam, để mưu sinh, mỗi HLV, võ sinh đều phải tự trang bị cho mình một nghề nghiệp ổn định. Như võ sư Sen ngoài việc huấn luyện, công việc chính của ông là dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ.

"Có thực mới vực được đạo". Điều đó càng được thể hiện rõ trong hoạt động võ thuật.

Sưu tầm