Bài 1: Cây Tre và Người Quân Tử



Trong văn chương bình dân, cây tre là hình ảnh thân thương bất khả phân ly, gợi lên bổn phận và trách nhiệm gánh vác gia đình, non nước của người làm trai.

Ba đời bảy họ nhà tre
Hễ cất lấy gánh, nó đè lên vai.

Hoặc để nói lên lòng thương con vô bờ bến của tình mẫu tử thiêng liêng:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.



Theo quan niệm của người phương Đông, tre, trúc tượng trưng cho mẫu người quân tử. Cứng mà mềm mại, đổ mà không gãy, lòng rỗng không, biểu trưng cho tinh thần và khí độ an nhiên tự tại, không mê đắm quyền lợi, vật chất. Tre, trúc biểu lộ tính cách của dân tộc Việt, một dân tộc có tiết tháo, phẩm hạnh và kiêu hùng, ngoan cường nhưng hiếu hòa, độ lượng.

Ngay từ thời dựng nước, cây tre đầu làng vốn gần gũi, thân quen, thoáng chốc trở thành vũ khí lợi hại có đủ tính cương nhu, giúp cậu bé làng Gióng đánh tan giặc Ân, sau khi chém gãy cả thanh gươm sắt.

Dân tộc ta đã biết sử dụng tre làm công cụ giữ nước, với các vũ khí lợi hại như cung, nỏ, bàn chông, tầm vông vạt nhọn... Và những tiếng nổ kinh hồn của hàng loạt pháo tre đã làm quân thù bạt vía trên chiến trường, hay góp vui trong ngày hội liên hoan thắng trận.

Không như hầu hết các loại cây chỉ đứng riêng lẻ một mình, tre luôn mọc thành bụi, có gốc liền gốc, rễ đan rễ, thể hiện tính quần tụ, kết đoàn, tạo thành sức mạnh khó lay chuyển. Câu chuyện một người bẻ dễ dàng từng chiếc đũa tre, song không thể bẻ gãy cả bó được minh chứng.

Thân tre thẳng và cao mà không bị đổ là do thớ tre dẻo và thân tre mềm dễ lượn theo chiều gió. Với đặc tính phối hợp cương nhu để đón gió, thuận theo gió vừa đủ rồi ngạo nghễ vươn lên trở lại hình dáng cũ - một đặc tính độc đáo chỉ có ở cây tre. Dưới những trận cuồng phong, tre chỉ chịu tróc gốc cả bụi chứ không bao giờ chịu gãy ngang thân...

Tính chất nổi bật nhất trong cây tre tương ứng với kỹ thuật võ học là càng bị uốn cong và kéo sát bao nhiêu thì sức bật lại càng mãnh liệt, dữ dội bấy nhiêu. Điều này càng thể hiện rõ tinh thần cương nhu phối triển trong nghệ thuật giữ nước của dân tộc Việt. Gặp đối thủ cường bạo, hung hiểm, tạm thời ông cha ta thường lánh đi (nhu) để tránh nhuệ khí ban đầu. Sau đó chờ cho địch lơi lỏng, chểnh mảng việc quân cơ, ta mới tập trung đánh những trận quyết định (cương) hầu giành thắng lợi sau cùng.

Trước những trận đánh quyết định để đảm bảo thắng lợi, chúng ta cần lùi lại để tạo đà thật vững chắc. Lịch sử giữ nước của bao nhiêu triều đại VN đã chứng minh cụ thể điều đó. Với biểu tượng cây tre, dân tộc ta đã nâng việc giữ gìn và bảo vệ đất nước lên hàng nghệ thuật với biết bao kinh nghiệm vô cùng sống động và phong phú.

Tóm lại, cây tre biểu tượng cho một nhân cách, một hoài bão cao thượng. Quần thể tre cho thấy một xã hội thuận hòa kỷ cương “tre già măng mọc”, chứ không phải tranh sống theo kiểu “cây lớn đè cây nhỏ” giành lấy ánh sáng mặt trời.

Bắt nguồn từ các quan điểm trên, các bậc thầy Vovinam Việt Võ Đạo quan sát cây tre ở nhiều góc độ, tư duy về lẽ sinh tồn, thành bại để đúc kết xây dựng một lý luận về vận động võ học, một quan niệm nhân sinh. Từ đó xây dựng một con người võ đạo biết sống yêu thương gần gũi, hòa nhập với cộng đồng để mưu cầu hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Cho dù gặp sự ngang trái, mâu thuẫn, hoặc lâm vào cảnh bế tắc, con người võ đạo vẫn biết “vật cùng tắc biến”, hóa giải các mâu thuẫn bằng nguyên lý cương nhu phối triển. Cho nên có thể nói cây tre là bài học đầu tiên để nắm các yếu lý của võ thuật.

Với các phẩm tính có một không hai, cây tre chứa đựng những hình ảnh sinh động bao gồm đầy đủ tính âm dương, cương nhu và luôn hữu dụng cho con người. Hào hùng, khoáng đạt song cũng hết sức khiêm cung, bình dị và đầy lòng yêu thương... cũng là nét văn hóa đậm tính cách dân tộc mà cây tre là một biểu tượng điển hình của tinh thần nhân hòa và nguyên lý cương nhu phối triển.

(Trích tiểu luận võ học của võ sư Nguyễn Văn Sen)


Bài 2: Học vấn Người Quân Tử


Quan niệm Nho giáo xưa chia con người ta thành hai hạng chính là quân tử và tiểu nhân. Để cho mọi cá nhân hoàn mỹ, nền văn hoá cổ đưa ra hàng loạt khái niệm quan trọng: nhân-đức-lễ-hiếu-nghĩa nhằm ràng buộc, chế ngự hành vi con người, mong muốn con người nhanh chóng được hoàn thiện.

Cần phải hiểu rõ các danh từ riêng quân tử và tiểu nhân thì mới biết xã hội xưa đã đề cao nhân cách cao đẹp trong cuộc sống biểu hiện qua tư duy biểu đạt, giáo dục và hành vi của bậc chính nhân quân tử. Con người ta đi trên đường đời cũng giống như người lữ khách nhìn thấy trước mặt rất nhiều lối rẽ phải lựa chọn. Nếu đi đường thẳng quang minh thì sẽ đến đích suông sẻ, nếu đi đường cong queo sẽ lạc bước sa chân, vì thế người quân tử bao giờ cũng xác định chọn đường thẳng, còn kẻ tiểu nhân toàn chọn những đường gấp khúc ngoắt ngoéo.

Hai danh từ chủ yếu trong các sách vở, ngôn từ, sinh hoạt cổ này thoạt đầu chỉ đề cập đến địa vị trong xã hội, về sau mở rộng nghĩa ra thành người quân tử luôn đàng hoàng, phẩm cách cao thượng. Hiên ngang chính đại, vì nghĩa quên thân, kẻ tiểu nhân chí khí bạc nhược, hèn hạ cúi luồn, hám lợi bỏ nghĩa.

Ngay cả trong những người có văn hoá giáo dục, cũng vẫn chia làm hai loại là nho quân tử và nho tiểu nhân. Nho quân tử là người học và làm theo đạo thánh hiền, lo tu thân sửa mình để hoàn thiện nhân cách chứ không nghĩ học lấy bằng cấp chỉ cốt lấy nghề kiếm ăn. Người quân tử làm việc dựa vào sức mình là chính, làm sai điều gì trước hết phải tự trách mình rồi sửa mình, khi thấy việc thiện thì phải cố làm cho được thấy điều ác thì phải sợ hãi tránh xa. Muốn học làm quân tử cần phải thành thực, không bao giờ tự lừa dối mình mà làm hại sự hiểu biết của chính bản thân và biết giữ chất phác trong nội dung và văn hoá ngoài hình thức.

Đối với một người nhân-nghĩa-trung-tín thì học vấn là điều tối quan trọng. Người quân tử bao giờ cũng muốn có đức, nhưng phải có học thì cái đức mới có giá trị. Bởi nhân, trí, tín, trực, dũng, cương đều là đức tốt cơ bản để tu thân. Nhưng nếu chỉ muốn đức mà không muốn học để hiểu lý lẽ hay dở, đúng sai thì rất sai lầm. Muốn nhân lại bị tình cảm chi phối, che mờ đi thành ra ngu tối. Muốn trí lại bị ham muốn phân tâm thành mông lung. Muốn tín lại cố chấp hẹp hòi đâm ra ích kỷ. Muốn trực lại bị nóng nảy khống chế đâm ra ngang ngạnh. Muốn dũng lại không kiềm chế được thành ra bạo loạn. Muốn cương nhưng cố bảo thủ kiểu gàn dở đâm ra ngông cuồng... hậu quả của việc có đức nhưng không có học vấn là vậy.

Sự học cũng như việc trồng lúa, có cây lúa mọc lên không tốt, có cây mọc tốt lại không có hạt. Người đi học thì có người học mãi vẫn không giỏi, có người giỏi thì đức lại không ra gì, vì thế mà con người ta cần giáo dục bồi đắp, tu dưỡng đạt được cả tài và đức. Người đi học thì phải say mê thì mới mong tiến bộ, nhất là đừng vội đặt ra mục đích cầu danh, kiếm lợi thì kiến thức mới sâu sắc, chắc chắn.

Người quân tử phải chuyên tâm nghiên cứu mọi điều hay, điều tiết trên lý thuyết và trong thực tế cuộc sống chứ không phải học vẹt, khoe mồm chỉ biết nghe qua tai rồi nói ra miệng lấy mẽ thì học kiểu gì cũng vô bổ.

Khổng tử còn cho rằng: “Người quân tử có ba điều lo nghĩ không thể không xét đến. Trẻ mà không học thì khi lớn lên không có tài năng gì. Già mà không chỉ dạy người, khi chết rồi không ai tưởng nghĩ đến mình. Khi giàu có mà không đem của giúp người thì lúc cùng quẫn không ai giúp mình. Cho nên người quân tử lúc trẻ nghĩ đến tuổi già mà lo học, lúc già nghĩ đến cái chết mà lo dạy người, lúc thịnh nghĩ đến lúc suy mà lo giúp người.”

Sách Đại học xưa cũng dạy rằng: từ vua đến dân ai cũng phải lây tự sửa mình làm gốc vì kết quả học vấn là biểu hiện rõ nhất của phép tu thân. Muốn hoàn thiện mình, quan trọng nhất phải giữ được tâm và ý. Giữ được tâm cho chính tức là không bị chi phối và điều khiển của tức giận, sợ hãi, vui say. Còn khi tâm đã loạn thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, mồm ăn không biết mùi vị. Giữ được ý cho thành, nghĩa là không bao giờ tự lừa dối mình, đối với mọi việc đều thành thực như như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp. Nho giáo lấy thành ý là chìa khóa của phép tư thân.

Khi đã biết cách sửa được mình thì biểu hiện đầu tiên là không làm điều gì bất thường, trái đạo, không dùng lời nói khéo mà hại đạo đức, không nóng nảy làm bậy, không bo bo tính lấy lợi ích của riêng mình, tuy ai cũng muốn có phẩm giá nhưng không được dựa trên danh lợi phi nghĩa. Đã là người quân tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa, nếu làm việc phi nghĩa mà được phú quý thì đành chịu bần tiện còn hơn.

Sách Luận ngữ nhận xét: “Quân tử lo nghĩ giữ đức hạnh, tiểu nhân chỉ nghĩ đến địa vị mình. Quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến sự lợi lộc. Quân tử có tính cách trung hoà mà không a dua bè phái, tiểu nhân thích a dua bè phái mà không có tính dung hoà.”

Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh, người quân tử đều tìm thấy niềm vui kể cả khi ăn gạo hẩm, uống nước lã, nằm đất. Ngoài ra, người quân tử có học vấn thật sự còn biết tuỳ vị trí và cảnh ngộ của bản thân để ứng xử cho đúng. Phú quý thì hành lễ theo cách phú quý, bần tiện thì hành xử theo cảnh bần tiện, gặp người hoang dã thì đối xử theo cách hoang dã, khi lâm nạn thì hành động theo cảnh ngộ hoạn nạn.

Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện đểu biết cách ứng xử cho thích hợp, đó là thành quả của học vấn, hiểu biết, giáo dục trong đối nhân xử thế của người quân tử, như Mạnh tử đã nói: “Người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa làm đường đi, lấy lễ làm cửa. Chỉ có mỗi người quân tử mới có thể đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi.”

(Nguồn: Tạp chí Hà Nội ngàn năm)




Bài 3: Khôn cũng Chết, Dại cũng Chết -Trang Tử



Story:

Mở Đầu Câu Chuyện

Một hôm Trang Tử dẫn học trò đi ngao du, nhân lúc ghé vào nhà một người bạn để thăm. Chủ nhà tay bắt mặt mừng, nói:

- Tiếng tăm tiên sinh vang dội như sấm bưng tay. Hôm nay tiên sinh ghé thăm bỉ phu thật là vạn hạnh. Nói rồi quay lại gọi một gia đinh, bảo: - Hôm nay ta gặp khách quý, để mở đầu câu chuyện ngươi hãy thịt một con chim cho ta đãi khách!

Đứa ở hỏi:

- Vâng ạ! Nhưng thưa chủ nhân, có hai con chim, một con hót hay, một con không biết hót, thịt con nào?

Chủ nhân chép miệng:

- Dĩ nhiên phải thịt con chim không biết hót, thứ vô dụng đó để làm gì?

Trang Tử cùng chủ nhân ngồi nhâm nhi ly rượu với thịt chim, luận việc thế thái nhân tình, đoạn từ giã chủ nhà, dẫn học trò ra đi. Họ đến bìa rừng, thấy một tiều phu chống búa nhìn cảnh rừng núi bao la. Trước mắt lão là một cây cổ thụ. Trang Tử thấy vậy hỏi:

- Trời chiều mà chưa thấy tiều ông đẵn được cây nào. Gặp cây này cao thẳng sao ông không hạ đi?

Lão tiều thở dài nói:

- Tôi cũng muốn hạ nó, nhưng ngặt gỗ nó xốp lắm, thứ vô dụng đó đẵn mà làm gì?!

Một học trò nghe vậy, hỏi thầy:

- Cây vô dụng thì bỏ qua, con chim vô dụng thì giết. Con thật không hiểu nổi thói đời?

Trang Tử mỉm cười nói:

- Ta ở vào khoảng hữu dụng và vô dụng đó. Chỉ có bậc đạo đức mới tránh khỏi tai họa mà thôi.
<< Sưu Tầm >>