An Giang: Kỷ niệm 180 năm ngày mất của danh nhân Thoại Ngọc Hầu



Từ ngày 26-27/7 UBND huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang tổ chức lễ hội núi Sam, nhân kỷ niệm 180 năm ngày mất của Danh nhân Thoại Ngọc Hầu - tức Nguyễn Văn Thoại người có công lớn trong việc khai phá, xây dựng, phát triển vùng đất Nam bộ của Tổ quốc.

Đây là lần đầu tiên tỉnh An Giang tổ chức kỷ niệm ngày giỗ của ông Thoại Ngọc Hầu, nhằm giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với nhiều hoạt động phong phú như: thi đấu thể thao, “Lễ hội đường phố”; rước linh vị của ông và Phu nhân Châu Thị Tế từ đình thần Châu Phú (thị xã Châu Đốc) về đặt nơi cửa chính lăng Thoại Ngọc Hầu tại Núi Sam; tái hiện hình ảnh binh lính triều Nguyễn, các quan lại, bô lão, thân tộc, nhân dân và đoàn xe hoa biểu hiện 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Kh’mer cùng sinh sống trong thời gian Thoại Ngọc Hầu trấn nhậm vùng đất An Giang...

Thoại Ngọc Hầu là vị Khai quốc công thần, người làng quê Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, tên thật là Nguyễn Văn Thoại. Ông sinh ra trong thời kỳ nhiễu nhương loạn lạc, nên sớm theo gia đình di cư vào Nam, định cư tại làng Thới Bình, nằm trên cù lao Dài (sông Cổ Chiên), thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bây giờ. Năm 16 tuổi ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp và lập nhiều chiến công.

Trong thời gian làm tướng ông đã tỏ rõ bản lĩnh, một lòng trung thành với vua, yêu nước thương dân, mong muốn đồng hoang trở thành làng mạc, nên đã lập 10 làng xóm ở tỉnh Vĩnh Long và An Giang, xây nhiều đình, chùa. Cuộc đời ông đánh Đông dẹp Bắc, ra Bắc vào Nam, nhưng có ý nghĩa nhất là thời kỳ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, ông đã chỉ huy đào 2 con kênh lớn Thoại Hà và Vĩnh Tế nối liền các đầm lầy dài trên 100 km từ An Giang sang đến tỉnh Kiên Giang và ra biển, giúp cho việc thông thương mua bán, đi lại, vận chuyển hàng hóa, chấm dứt tình trạng phải đi vòng bằng đường biển.

Đây còn là thủy lộ quan trọng nhất để phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho toàn vùng Nam bộ, cho đến ngày nay vẫn còn phát huy tác dụng, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển du lịch, được nhân dân qua các thời đại tiếp tục đầu tư khai thác, phát huy hiệu quả.Với những công lao to lớn, ông đã được vua Minh Mạng cho chạm hình vào Cửu đỉnh trước nhà Thái Miếu tại Đại nội của cố đô Huế (năm 1836). Ông mất vào năm 1829 khi còn tại vị, hưởng thọ 68 tuổi và được an táng tại Núi Sam, thị xã Châu Đốc.