+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Hybrid View

  1. #1
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    VN
    Bài gởi
    249
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Kết quả giải trẻ toàn quốc - Việt Nam

    Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc:


    14 đoàn tham gia Giải Vô địch trẻ Vovinam toàn quốc lần VII-2009

    Theo thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai, tính đến ngày 15-6, đã có 259 võ sĩ (79 nữ) đến từ 14 đoàn trong cả nước sẽ tham dự Giải Vô địch trẻ Vovinam toàn quốc được tổ chức tại Gia Lai từ ngày 21 đến 26-6.

    Các đơn vị tham gia bao gồm: Bà Rịa- Vũng Tàu, Phú Yên, Thanh Hóa, An Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quân khu 7, Cần Thơ, Yên Bái, Quảng Ngãi, Bến Tre và chủ nhà Gia Lai. Riêng đoàn chủ nhà Gia Lai có 40 thành viên. Các võ sĩ sẽ thi đấu ở các nội dung: Thi đối kháng, thi diễn (quyền tay không và binh khí).

    Minh Vỹ

    ************************************************** ************************************************** *************************************
    Chủ nhà Gia Lai đoạt 10 huy chương các loại, xếp thứ 9/22 đoàn


    Sau 5 ngày tranh tài sôi nổi và hào hứng, tối ngày 26-6, tại Nhà thi đấu TDTT Gia Lai đã diễn ra 9 trận thi đấu chung kết đối kháng dành cho lứa tuổi (16-18 tuổi), và những tiết mục đấu luyện tự vệ nữ (tay không- tay không; tay không- binh khí; binh khí- binh khí)…


    Đoàn TP.HCM (ở giữa) đoạt giải nhất toàn đoàn. Ảnh: Minh Vỹ

    Trước khi bước vào buổi thi đấu cuối cùng của giải, đoàn chủ nhà Gia Lai đã chắc chắn đoạt được 1 HCV, 2 HCB, 7 HCĐ và tạm thời đứng giữa bảng xếp hạng. Tuy nhiên thành tích trên hoàn toàn có thể được cải thiện đáng kể, bởi vì trong đó có 1 HCB ở hạng cân 67kg đang ở dạng “sống” (tức là vẫn còn cơ hội đổi HCB thành HCV nếu giành thắng lợi trong trận chung kết).


    Do đó, trước khi võ sỹ Phan Văn Kiệt của đoàn chủ nhà bước vào thảm đấu, tiếp một võ sỹ khác đến từ Bình Thuận, cả nhà thi đấu Gia Lai như bùng nổ bởi tiếng hò reo, cổ vũ: “Gia Lai… cố lên”, “Kiệt ơi… cố lên”…

    Nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà, và sự chỉ đạo đấu pháp chiến thuật sắc sảo của HLV nổi tiếng Nguyễn Tấn Đô, suốt hiệp thi đấu thứ nhất và thứ hai, Phan Văn Kiệt thường xuyên tung ra hàng loạt series đòn tấn công liên hoàn, đẩy đối thủ lâm vào tình cảnh phòng thủ thụ động. Nhưng trước những đòn đá ngang và những cú đấm thẳng sở trường, nhanh, mạnh và chính xác của Văn Kiệt, buộc đối phương phải liên tục “no đòn”.

    Tạm dẫn điểm trong 2 hiệp đầu, ở hiệp thi đấu cuối, HLV Nguyễn Tấn Đô đã chỉ đạo Văn Kiệt sự dụng bộ pháp di chuyển linh hoạt để bảo toàn lợi thế và cuối cùng đã thành công. Kết thúc trận đấu, Văn Kiệt thắng đối phương với tỷ số áp đảo 5-0 để mang về tấm HCV thứ 2 cho đoàn chủ nhà.


    Võ sỹ Phan Văn Kiệt (Gia Lai, bên phải) đoạt HCV hạng cân 67kg. Ảnh: Minh Vỹ

    Với thành tích đoạt được: 2 HCV, 1 HCB và 7 HCĐ, đoàn chủ nhà nhà Gia Lai xếp thứ 9/22 đoàn tham dự giải. Trong đó 2 HCV thuộc về: Phạm Văn Mạnh (hạng cân 45kg nam, lứa tuổi 16-18), Phan Văn Kiệt (hạng 67kg nam, lứa tuổi 16-18); 1 HCB phần thi diễn (lứa tuổi 16-18) và 7 HCĐ ở cả phần thi đấu đối kháng lẫn thi diễn khác…


    Nhận xét về giải đấu này, ông Phạm Hồng Phong (Phó giám đốc Sở VH, TT-DL Gia Lai, kiêm Phó BTC giải) cho biết: “về khâu tổ chức, mặc dù đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai đứng ra đăng cai một giải đấu lớn mang tầm quốc gia của môn Vovinam, nhưng kết quả đã thành công tốt đẹp. Riêng về thành tích của đoàn chủ nhà Gia Lai, với kết quả 2 HCV, 1 HCB và 7 HCĐ đã đoạt được, có thể nói đây cũng là một thành công cho bộ môn Vovinam. Hy vọng, thông qua giải đấu này, Vovinam Gia Lai sẽ phát triển lên một tầm cao mới”.

    Bảng xếp hạng toàn đoàn:

    1. TP.HCM: 17 HCV, 7 HCB, 6 HCĐ

    2. Cần Thơ: 7 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ

    3. Bến Tre: 3 HCV, 5 HCB, 10 HCĐ

    4. Công an nhân dân: 3 HCB, 3 HCB, 4 HCĐ

    5. Vĩnh Long: 3 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ

    6. Quân đội nhân dân: 2 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ

    7. Đồng Nai: 2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ

    8.Yên Bái: 2 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ

    9. Gia Lai: 2 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ

    10. Bà Rịa- Vũng Tàu: 2 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ

    Minh Vỹ
    (Trích báo gia Lai)

    ************************************************** **********************************************
    Giải Vovinam trẻ toàn quốc 2009:
    Phú Yên đoạt 5 HCB, 5 HCĐ


    Đoàn VĐV Phú Yên đã giành được 5 huy chương bạc (HCB), 5 huy chương đồng (HCĐ) ở hai nội dung hội diễn và đối kháng tại giải Vovinam trẻ toàn quốc 2009, vừa bế mạc tại nhà thi đấu tỉnh Gia Lai. Ở nội dung hội diễn, 3 đôi VĐV Lê Hiếu Vy, Huỳnh Thị Hà Ân; Đặng Phúc Thọ, Võ Minh Châu; Phạm Thanh Phước, Nguyễn Trọng Nghĩa đoạt HCB song luyện kiếm. Đặng Phúc Thọ giành thêm chiếc HCB thứ tư cho đoàn Phú Yên nội dung đơn kiếm. Chiếc HCB thứ năm do công của VĐV Phạm Thanh Phước ở nội dung đối kháng hạng cân 42kg.

    5 chiếc HCĐ được mang về cho đoàn Phú Yên do công của các VĐV Lê Hiếu Vy nội dung đối kháng hạng cân 39kg, Nguyễn Thị Kim Hòa (42kg), Trần Thị Xuân Hữu Duyên (38kg), Trương Công Mẫn (36kg); chiếc HCĐ còn lại thuộc về Huỳnh Thị Hà Ân nội dung hội diễn đơn luyện kiếm.

    Được biết, đoàn Phú Yên tham gia giải có 14 VĐV trên tổng số 350 VĐV đến từ 22 đoàn trên toàn quốc. Với thành tích 5 HCB, 5 HCĐ đoàn Phú Yên xếp thứ 8/22 đoàn dự giải.

    TRẦN QUỚI
    theo báo Phú Yên

  2. #2
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    VN
    Bài gởi
    249
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu:

    “Tạo mọi điều kiện để Vovinam Gia Lai phát triển”

    Sau 71 năm hình thành và phát triển, Vovinam đã được công nhận là môn thể thao quốc tế, chuẩn bị đưa vào thi đấu chính thức tại Asian Indoor Games lần thứ III-2009 tại nước ta. Nhân dịp diễn ra giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc tại Gia Lai (từ 22 đến 26-6), báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với võ sư Nguyễn Văn Chiếu (Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam- Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới) xung quanh bộ môn này.


    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (giữa). Ảnh: Nguyễn Minh

    Xin võ sư giới thiệu khái quát đôi nét về sự ra đời và phát triển của môn Vovinam- Việt võ đạo?

    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Vovinam- Việt võ đạo ra đời vào năm 1938 tại Hà Nội, do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập, dựa trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, đồng thời nghiên cứu tinh hoa các võ phái khác trên thế giới để dung nạp, thái dụng và hóa giải. Sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, võ sư chưởng môn Lê Sáng và các môn đệ kế nghiệp tổ chức lại bộ máy, từng bước hệ thống, bổ sung lý thuyết võ đạo… Vovinam mới có được như ngày hôm nay. Ra đời tại Hà Nội, tuy nhiên môn Vovinam lại phát triển rất mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 3 năm trở lại đây môn võ này mới quay trở lại các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, trong cả nước có trên 40 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội Vovinam, với trên 40.000 võ sinh tham gia tập luyện.

    Để trở thành môn thể thao quốc tế như ngày hôm nay, Vovinam- Việt võ đạo đã phải làm gì?

    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Đứng trước yêu cầu hội nhập và phát triển trong nước và quốc tế, năm 1989 thành lập Ban điều hành Vovinam Việt Nam. Đến năm 2007 ra đời Liên đoàn Vovinam Việt Nam. Mỗi năm, bộ môn này tổ chức 2 giải đấu chính thức: giải vô địch trẻ toàn quốc và giải vô địch quốc gia. Từ năm 1998 đến nay, trung bình cứ 2 năm/lần tổ chức giải Vovinam quốc tế với sự tham dự của một số quốc gia: Tây Ban Nha, Đức, Pháp… và Việt Nam. Sau 71 năm hình thành và phát triển, hiện nay môn Vovinam đã có mặt trên 40 nước, 5 châu lục. Đến năm 2008, tại TP.HCM, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch, và sự đồng thuận của các quốc gia có môn võ này, đã thành lập nên Liên đoàn Vovinam thế giới. Đây là một bước ngoặc vô cùng quan trọng của Vovinam Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới hiện nay là ông Nguyễn Danh Thái (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch). Đến tháng 3-2009, tại Iran, tiếp tục cho ra đời Liên đoàn Vovinam châu Á…

    Mặc dù bước đầu môn Vovinam đã được công nhận là môn thể thao quốc tế nhưng để được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại các kỳ Thế vận hội, Á vận hội và SEA Games như Judo, Karatedo, Taekwondo… đây là việc làm không hề dễ?

    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Đúng vậy, muốn điều này trở thành hiện thực, thì đây phải là nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam chúng ta chứ không riêng gì những người làm công tác Vovinam như chúng tôi. Riêng trong năm 2009, Liên đoàn Vovinam thế giới tổ chức 2 sự kiện quan trọng: lần đầu tiên tổ chức giải vô địch thế giới, từ ngày 28 đến 30-7 tại TP.HCM và đưa vào chương trình thi đấu tại Asian Indoor Games III (Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3). Có thể xem đây là những bước đi đầu tiên, làm tiền đề để đưa môn Vovinam từng bước, đột phá vào các giải đấu lớn được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận.


    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (bên trái) trao quà lưu niệm của Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho Sở VH, TT-DL Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Minh

    Là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Võ sư có nhận xét gì về môn võ này tại tỉnh Gia Lai?

    Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Theo tôi được biết, Vovinam- Việt võ đạo xuất hiện tại Gia Lai từ những năm 1971-1973. Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, đến sau năm 1975 bộ môn này mới được khôi phục trở lại. So với các địa phương khác, hiện nay phong trào môn Vovinam ở Gia Lai còn khiêm tốn, chỉ khoảng 500- 600 võ sinh trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao- Du lịch Gia Lai, tìm hiểu qua Hội Vovinam Gia Lai, tôi đánh giá, Vovinam Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển sau này. Với tư cách là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam- Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, tôi sẽ làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bộ môn này phát triển lên một tầm cao mới tại Gia Lai. Việc tổ chức giải đấu này tại TP.Pleiku cũng nhằm mục đích đó.

    Xin cảm ơn võ sư về cuộc trao đổi này.


    Nguyễn Minh (thực hiện)

    (trích báo Gia Lai điện tử)

  3. #3
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    VN
    Bài gởi
    249
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Trẻ mãi một tình yêu


    Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiếu và hai con

    Vovinam do võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960) sáng lập năm 1938 tại Hà Nội, lấy võ cổ truyền và vật dân tộc làm nền tảng. Tháng 1/2009, Liên đoàn Vovinam thế giới được thành lập tại Việt Nam. Và trong ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên có võ sư Nguyễn Văn Chiếu (60 tuổi) làm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn. Mới đây, võ sư Nguyễn Văn Chiếu và con trai Nguyễn Bình Định đã đến Ấn Độ tổ chức đợt huấn luyện ngắn hạn để chuẩn bị lực lượng thi đấu tại giải thế giới tháng 7/2009 và Asian Indoor Games tháng 11/2009 đều được tổ chức ở VN.

    Những ai yêu mến Vovinam, hễ đến Sài Gòn, dường như đều không quên dừng chân ở căn nhà số 1938 Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8, dù đây không phải là tổ đường của môn phái. Hơn 10 năm trước, UBND Q.8 cấp căn nhà này cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu, nhưng ông lại "để dành" cho học trò trong và ngoài nước tập luyện và ăn nghỉ, còn gia đình mình thì "ở đậu" bên nội. Lúc mới được cấp nhà, vợ ông Chiếu muốn cho thuê. Đến ngày ký hợp đồng, ông Chiếu bất ngờ xuất hiện, tuyên bố: "Nhà này để học trò tá túc" và dứt khoát không cho thuê. Không kể môn sinh ở theo đoàn từ 10 ngày đến một tháng, đây còn là nơi tạm trú suốt 5 năm của một học trò nghèo tìm đường mưu sinh ở TP.HCM.

    Hơn ba năm nay, ngôi nhà đã được xây mới, gia đình ông Chiếu cũng đã dọn về ở, nhưng nơi đây vẫn tràn ngập không khí rộn ràng của một phòng tập Vovinam. Ngôi nhà luôn ấm cúng nhờ sự vén khéo của bà Thanh. Thấy một học trò người Tây Ban Nha đứng dậm chân trong thau nhựa để giặt quần áo, bà Thanh dậy từ 3g sáng giặt giúp, "để chúng khỏi ái ngại". Các võ sinh người Marocco ít tiền, không dám ăn thịt khi gọi cơm đĩa ngoài tiệm, vợ chồng bà Thanh bỏ tiền túi để học trò cải thiện bữa ăn. Hiểu tấm lòng của "sư mẫu", có học trò ngày đến không "rặn" được câu tiếng Việt nào nhưng ngày đi, chuyến bay tạm hoãn, liền lập tức quay lại căn nhà số 1938 này, ôm chầm lấy bà Thanh, nói tiếng Việt gọn bâng: "Con may mắn được ngủ lại nhà thầy cô thêm một đêm nữa".

    Năm 1979, cô giáo tiểu học Trần Thị Thanh kết hôn với ông Nguyễn Văn Chiếu mà chẳng biết đó là một HLV Vovinam, chỉ nghe ông dặn dò: "Cuộc sống của anh gắn liền với bằng hữu, học trò nên em phải chấp nhận". Nhắc lại chuyện này, ông Chiếu nhìn vợ, tủm tỉm cười, và thú thật: "Tôi nói vậy là làm công tác tư tưởng, hồi đó nếu bả không chịu chắc là... thôi quá!". Còn bà Thanh lại nhớ: "Tôi chịu, vì ổng đi đứng thẳng một đường, tôi tin ổng sẽ là tấm gương sáng cho con cái sau này". Thành bạn đời, bà Thanh mới biết chồng mình "ăn cơm nhà, lo chuyện người ta". Chưa khi nào bà Thanh hỏi tiền lương của chồng, nhưng vẫn biết lúc nào chồng lãnh lương, vì khi ấy ông Chiếu luôn mời vợ ăn phở, hoặc khao các con và học trò ăn kem, chè.

    Những năm 1980-1990, bà Thanh xoay xở đủ nghề tay trái để nuôi hai con, bố mẹ chồng và cả cháu chồng. Mỗi sáng, bà lại theo xe ba gác nhận nước đá cây rồi đẩy xe đến các điểm bỏ mối. Có hôm, "mối mang" đòi thêm nước đá lúc chiều tối, bà lại "thồ" ở yên sau xe đạp một cây đá 50kg. Bà luôn giấu chồng là mình thức dậy lúc 5g sáng. Cho đến một ngày, trở giấc lúc 4g, ông Chiếu không thấy vợ bên cạnh, liền phóng xe ra đường, thấy vợ ngồi bó gối đợi... nước đá. Từ đó, bà đều thấy ly cà phê sữa ông để dành buổi sáng, và bình nước chanh ông cất trong tủ lạnh buổi chiều. Những khi xa nhà vì "duyên nợ" Vovinam, việc đầu tiên ông Chiếu làm là điện thoại cho vợ.

    Vài năm nay, bà Thanh mới có phút giây thư thả, cho phép mình xem những chương trình truyền hình ưa thích. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Nhã cho biết: "Lúc nào má cũng tất bật với việc dạy học, làm thêm, việc nhà. Khát vọng phát triển Vovinam của ba thành hiện thực là nhờ sự hy sinh, ủng hộ hết mình trong mọi hoàn cảnh của má. Khi kết hôn, tôi đã thầm nhủ, mình sẽ cố gắng làm vợ, làm mẹ như má, vì sự thành đạt của chồng, sự ấm êm của gia đình". Còn bà Trần Thị Thanh tâm sự: "Chỉ cần nghe các thầy của anh ấy nhắn nhủ "Chiếu có được nghiệp võ như vầy là nhờ em", rồi nhìn bạn bè, học trò trân trọng anh ấy, tôi thấy không uổng công mình".

    Vĩnh Linh
    (trích phụ nữ on line)

  4. #4
    Tham gia ngày
    Nov 2008
    Tuổi
    36
    Bài gởi
    6
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Tiếc quá! Mình có việc bận phải làm ở thành phố HCM nên không về xem giải ở Gia Lai được, xin chúc mừng đội tuyển Vovinam Gia Lai nhé

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts