VÕ ĐƯỜNG VOVINAM CHI LĂNG ĐÀ NẴNG – LỚP A1

1970, tại sân vận động Chi Lăng TP Đà Nẵng, góc Lê Duẫn và Ngô Gia Tự, có võ đường VoViNam do võ sư Trần Tấn Vũ phụ trách mang tên là CHI LĂNG; lớp đầu tiên là A1 do thầy trực tiếp huấn luyện. Võ sinh Ngô Xuân Thảo là lớp trưởng, Phan Minh Thanh, Hoàng Ngọc Hùng,… cùng học lớp này.



Thời võ sinh đông, mỗi buổi tối có 2 xuất tập và mỗi xuất có nhiều lớp – trong phòng (có mái che) và ngoài sân rộng; một sân bóng chuyền ngoài trời tráng xi măng cũng được dùng làm chỗ tập. Tuy lịch tập mỗi tuần 3 buổi nhưng ngày nào không tập là nhớ và lại vác võ phục lên đường; cũng tiện lợi là võ đường Chi Lăng có sân rất rộng (sân ximăng, sân cỏ) tha hồ …ngồi nói chuyện cà kê. Bắt chước thầy, trò cũng khoái tập (và té) trên xi măng và té cho êm, nếu té phát ra tiếng là chưa…sành điệu – và bãi cỏ xanh thời đầu A1 ấy hầu như chỉ là nơi để ngồi ngơi nghỉ, tâm tình.

Nói tập 2 tiếng/buổi nhưng nhiều môn sinh A1 thường rủ nhau đến rất sớm, sau tan trường buổi chiều, về cũng rất muộn – khi môn sinh của các lớp xuất sau đã hết. Những lúc đến võ đường có lẽ là thời gian (tự) giáo dục ngoài giờ lên lớp phong phú và độc đáo của mỗi môn sinh A1.

Bấy giờ (1970 – 1975), thành phố Đà Nẵng thật “lắm vụ trên đời” nhất là chuyện võ thuật. Phim ảnh Hồng kông không còn kiếm hiệp mà đã xuất hiện các diễn viên xuất thân nhà võ, trong thành phố (và ngoại ô) càng lắm võ đường, võ phái, lò võ,… hình thành và phát triển. Cánh học trò, nếu không vào các nhà sách đọc (trộm), không đến hội Việt Pháp coi Tây diễn kịch, đến Hội Việt Mỹ xem phim miễn phí thì kéo nhau đi xem phim võ thuật, ngắm đòn thế của các võ phái cũng là thú vui của môn sinh VoViNam Chi Lăng nói chung và lớp A1 nói riêng.

Thầy Trần Tấn Vũ không chỉ là người tài hoa, phóng khoáng và cẩn trọng mà còn là cao đồ xuất sắc của võ sư Lê Sáng; chưởng môn và các thầy quý yêu võ sư Trần Tấn Vũ không chỉ vì tài đấu tự do, đòn chân, nhào lộn mà còn ở sự trung kiên phát huy môn phái (từ miền Nam ra đến miền Trung); là người có căn bản võ cổ truyền và quyền Anh, thầy Trần Tấn Vũ khuyến khích môn sinh tìm hiểu tinh hoa của các võ phái khác và bản thân thầy cũng được sự quý mến của các võ phái – trước 30/475 thầy được các phái bầu làm Chủ tịch Liên đoàn quyền thuật Quân khu I (miền Trung).

Sau một thời gian mở các lớp bình thường, võ đường Chi Lăng chiêu sinh các anh lớn tuổi hơn để đào tạo huấn luyện viên (lớp huấn luyện viên cấp tốc), lớp này mở vào buổi sáng – như vậy, võ đường Chi lăng hầu như hoạt động suốt ngày đêm. Môn sinh Hồ Đắc Khanh là một trong những người xuất sắc ở lớp HLV cấp tốc này; tuy nhiên, anh chị em thời ấy vẫn nhớ nhiều đến cố môn sinh Vĩnh Sơn, tuy nhỏ con nhưng hầu như giỏi đều tất cả các kỹ thuật (đòn tay, đòn chân, đòn vật), các môn (đi quyền, đấu tự do) kể cả hít đất, nhảy xổm và tất nhiên là nhào lộn, nhưng có lẽ điều đáng nhớ nhất là ở môn sinh này là sự tôn kính người trên và thương mến đồng đạo –có người nhờ việc hoặc hỏi đòn là Sơn giúp ngày. Rất tiếc là Vĩnh Sơn mất sớm, môn phái mất một tài năng.

Có lần võ đường Chi Lăng được đón đoàn môn sinh Quy Nhơn do võ sư Nguyễn Văn Chiếu làm trưởng đoàn về Đà Nẵng để thăm và tham gia biểu diễn; đội biểu diễn của võ đường Chi Lăng Đà Nẵng có dịp học tập Quy Nhơn, điều này góp phần nâng chất lượng biểu diễn ở Đại hội thể thao học sinh Quân khu I năm đó.

Võ đường Chi Lăng không chỉ huấn luyện võ thuật mà còn giáo dục võ đạo cho môn sinh thông qua nhiều hoạt động phong phú như văn nghệ, cắm trại, trò chơi; mái ấm võ đường không chỉ là nơi đổ mồ hôi (và máu) mà còn là chốn tâm tình bảo bọc huynh đệ giữa các môn sinh. Nhớ lớp A1 hồi lam đai tam, có lẽ do tiết kiệm thời gian nên khởi động là chuyện “trước giờ vào lớp” – vào lớp chỉ để tập và tan lớp cũng ở lại để …tập thêm. Trong võ đường có bao cát, dây kéo nên các môn sinh A1 là học sinh (cấp III) trên đường đi học, hoặc đi học về thường ghé vào võ đường “động đậy” cho đỡ nhớ - hồi ấy thường học 2 hoặc 3 tiết/buổi (có ngày học 2 buổi).

Lắm khi trên võ đường vắng lặng, có một, hai cặp môn sinh VVN (với chiếc quần học sinh và ở trần trùng trục) đang đấu nhau kịch liệt, bên ngoài có vài môn sinh đang cổ vũ tưng bừng,…và sau đó rủ nhau đi ăn chè chuối. Chè chuối, chè thưng, bún thịt nướng ở võ đường Taekwondo (nay là Trung tâm TT Tư liệu ĐHĐN) là những món khoái khẩu và vừa túi tiền của môn sinh A1; môn sinh Ngô Xuân Thảo lớn tuổi hơn, có làm thêm, nên khi nhận lương cũng đưa các đồng môn A1 đi …chè. Không chỉ tài trợ đồng môn món chè, món bún,…MS Thảo còn giúp cả món Lượng Giác, Hình không gian,…cho những môn sinh ham học (Nguyễn Đình Cảnh, Hoàng Ngọc Hùng,…) tình cảm ấy không chỉ giới hạn ở khóa A1 mà lan qua các lớp khác, các suất khác. Về việc này, cố MS Vĩnh Sơn có vai trò lớn lắm - Vĩnh Sơn không giúp về "văn" như Ngô Xuân Thảo mà giúp về "võ" - mọi thắc mắt về võ lực và võ thuật xin cứ hỏi (trừ lý thuyết võ đạo VoViNam

- Sơn ta không ưa...lý thuyết).

Nhớ ngày chưa học VoVinam, đến nhà thầy ở đường Đống Đa, được giao một xấp bảng thiếc cỡ A3 để tùy ý viết (và vẽ) thông báo chiêu sinh VoViNam bằng sơn. Chú học sinh Hoàng Ngọc Hùng bèn vẽ (màu vàng trên nền đen) một người đang tung ra đòn chân số 8 (vào ngực người kia) với 2 tay đưa lên; thầy ngắm, khen cặp chân là hợp lý nhưng bảo “2 tay đưa lên thì nhìn trông như người này đang rơi xuống, chứ không là nhảy lên tung cước” – hóa ra chưa học võ mà đã được thầy dạy vẽ. Thế rồi hôm sau, ôm một xấp bảng thông báo thơm mùi sơn mới, một túi đinh và một cái búa để lên đàng “phát huy môn phái”. Chú học trò sắp học VoVinam lang thang đi tìm các gốc cây nơi đông người qua lại để đóng lên bảng thông báo chiêu sinh. Ngoái nhìn ra đường thấy những ánh mắt đang ngắm, nghĩ rằng đó là cái nhìn ngưỡng mộ, lòng rộn lên điều gì đó ấm áp – có lẽ là ít nhiều hùng tâm tráng chí VoViNam cũng khởi phát từ đây.

Theo thời gian, môn sinh Chi Lăng trưởng thành và tham gia phát huy môn phái tại các quận của Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ; MS Phan Minh Thanh (hoàng đai II) là người đầu tiên được thầy cử ra thành phố Huế để mở và phụ trách 2 võ đường (Lửa Hồng và Bến Ngự), MS Phạm Đình Chương trưởng thành từ đây. Cùng năm 1974, MS Hoàng Ngọc Hùng (hoàng đai I) vào đại học Huế và được cử phụ trách 2 võ đường (Cán bộ nông thôn Thừa thiên với chương trình đặc huấn lực lương vũ trang và võ đường Kiểu mẫu Huế với chương trình Việt võ đạo hóa học đường). Sự nghiệp VoViNam Huế trước 1975 tạm dừng vào chiều ngày 24/3/1975, HLV Thanh và Hùng đi (bộ) vào Đà Nẵng dưới tiếng đại pháo ùng oàng của quân giải phóng từ phía xa xa.

Mấy năm sau 1975, A1 vẫn chưa hội ngộ.

Ngày nọ, trên ôtô đi Tam Kỳ, nhìn bên đường thấy Ngô Xuân Thảo đang đạp xe mới biết là ông còn…sống. Mừng !. Môn sinh Chi Lăng lại tìm nhau “gầy lại cơ đồ”.

Có người mở dạy tại nhà, có người vào cơ quan địa phương; nhiều lần biểu diễn chiêu sinh. Nhớ lần đang diễn bài vật (ở trần), đến đòn số 9 thì Phan Minh Thanh sút dây lưng và …tụt quần – may chụp kịp và chạy vào cánh gà, Hoàng Ngọc Hùng một mình trên sân khấu bèn đi bài súng trường. Lớp VVN Nhà Thiếu Nhi (do Phan Minh Thanh và Ngô Xuân Thảo phụ trách), sau đó được đặt trên vai Trần Quốc Dũng đến ngày nay. Rồi Chi Hội VVN thành lập - thuộc Hội Y Võ dưỡng sinh do Phạm Đình Chương làm chủ tịch. Hôm nay lớn lên cùng đất nước và môn phái – trở thành Hội VoViNam thành phố Đà Nẵng. Môn sinh võ đường Chi Lăng còn đó, môn sinh lớp A1 còn đây.

Ba em (Ngọc Thúy, Ngọc Vân và Ngọc Minh) chiều chiều theo tôi đi tập. Ba và Mẹ là phụ huynh tích cực của thầy. Em Ngọc Minh nhanh nhẹ, kiên cường khi đấu tự do được thầy cho diễn đấu tự do kiểu quần ngắn ở trần với MS tên Đệ - hai em tích cực tập nhưng chưa công diễn; nhớ Đệ mặc quần đen sọc vàng, Mình quần trắng sọc đỏ phong cách rất quyền Anh, không biết có phải quen xài đòn tay từ bé hay không !?, sau này, bác sĩ chuyên khoa cấp I, Minh chơi bóng bàn và có những cú móc ngang, móc xéo nhìn rất thích http://my.opera.com/Hoang%20Ngoc%20Hung/albums/showpic.dml?picture=3065140&album=204070 tuy nhiên cú đấm lao vẫn là đòn ưa thích của Minh hồi đó. Minh cũng là người đầu tiên lộn chống tay ra sau - màn này được thầy cho diễn mấy lần cùng với các anh ở tiết mục nhào lộn (lộn trước có tay, trước không tay, sau có tay, sau không tay, chống đầu - Khanh, Sơn, Xướng, Hùng, Minh, Dư,...và một số MS khác). Ngoài kiểu đấu tự do phong cách quyền Anh như cặp Đệ - Minh, thầy còn thử nghiệm tập "song đấu" (đồng phục VoViNam) giao Hoàng Liệu và Ngọc Hùng. Về sau, Dũng thay Hoàng Liệu.

Dũng đây là Dũng "cục", vì hai nắm tay nổi cục gù do tập ngạnh công. Dũng học nghề tiện và có xưởng tại nhà, bạn ấy hiền lành, rắn rỏi, đô con, hay cười và khi đấu thì hét tưng bừng, mắt long lên di chuyển những bước dài trông rất uy vũ. Thầy chọn bạn ấy thay cho Hoàng Liệu (học Trường Kỹ thuật, giỏi toán, rất lành tính). Dũng nặng đòn nên tôi thích, có lẽ thời đó, cặp chúng tôi (Dũng và Hùng) hay phạm nội quy về võ phục nhất - khi vắng thầy thì...ở trần cho mát.

Nhớ nhiều khi đang nghỉ ngoài sân Dũng xông vào ra đòn buộc tôi phải phản công tức thì, quần nhau tưng bừng trong vài phút, rồi Dũng kéo tôi đi uống đá chanh - không bao giờ để tôi trả tiền (Dũng nói: tao làm thợ tiện nên có tiền, mi học trò...dẹp !). Dũng mất sớm ! tôi nhớ run người, nhất là những lúc ngồi nghỉ ngoài thảm cỏ không còn ai lén đến siết cổ sau nữa rồi. Mỗi khi nhìn chiếc ròng rọc với sợi xích (để tập kéo chân lên cao) do Dũng gắn lên tường tôi không khỏi bồi hồi.

***

Luyện thi Tú tài cũng được học cùng lớp (12 A1 - Phan Châu Trinh) với đồng môn Hoàng Xuân Luyện - em ruột của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm hồi đó. Đầu năm, Luyện bảo tôi về học chung lại nhà. Nhà có sân tenis phía sau, sân trước rộng thoáng, nhà xe là tầng hầm, quanh nhà có bóng dáng quân nhân phục dịch; ở nhà trên, luyện có hẵn phòng học rất rộng, có dàn nhạc đủ nhạc cụ....

Hôm sau, xong xuất học sáng, tôi về nhà Luyện để ở lại cùng ôn bài buổi chiều; Mẹ Luyện rất chìu con, bữa cơm ngon, có người ...hầu hạ nhưng không thoải mái ồn ào như ở nhà tôi. Chiều hôm đó, học chừng hơn 1 tiếng thì Luyện rủ đi chơi,.... Hôm sau cũng thế. Luyện quả nhiều ...người thương và cũng ...thương nhiều người. Luyện hát hay, đàn tốt, kính cận, tóc dài, cao và điển trai.

Có lần thấy Luyện lấy từ chiếc cặp học sinh thường ngày ra khẩu súng (colt hay rulô gì đó) tôi giật mình. Hơn nữa, tiết mục chiều chiều đi chơi, nếu không thì ở nhà đàn hát của Luyện làm tôi lo lắng cho kết quả luyện thi. Hôm sau, tôi thưa với mẹ Luyện rằng mẹ tôi cần có tôi ở nhà để sai vặt nên không tiếp tục học chung với Luyện ở đây. Khi chia tay, bố Luyện, một lương y, bảo: "Con đậu Tú tài, muốn vô Trường võ bị Đà Lạt hay trường sĩ quan cảnh sát thì nói bác, bác sẽ dặn ông Lãm". Tôi cảm ơn bác. Ngôi nhà ấy nay là Tòa Tổng lãnh sự Nga - tại Đà Nẵng, nhà thứ hai gần đó bé hơn - nay là Trường Mầm non Trúc Đào thì phải. Hoàng Xuân Luyện nay là diễn viên Hoàng Triều (Xưởng phim Giải phóng ở Sài Gòn) với nhiều vai, chính diện lẫn phản diện; tôi thích những vai hảo hớn của anh ấy - ra đòn trông rất nét. Anh trai Luyện cho biết "Hắn có số đào hoa, lắm vợ nhiều con.." . Nhớ hồi lớp 10, chứng kiến trận Hoàng Xuân Luyện gặp Trần Chí Bình, hai người yên lặng giao tay, bổng Luyện hét và lướt tung đòn (đòn đầu tiên trong Chiến lược số 4 VoVinam)...Sau này biết là Luyện từng tập Taekwondo, hèn gì cú Yop Chagi rất nhanh gọn.

Nhớ...đủ thứ !

Có Nguyễn Đình Cảnh, học sinh Phan Châu Trinh, sau tôi 1 hai lớp gì đó; không chỉ là đồng môn, đồng khóa mà còn là bạn hàng xóm. Nhà gần nhau nên chúng tôi hay sang chơi; Cảnh có thú sưu tập ảnh máy bay và có hẵn các album cho việc này. Là học sinh thiệt gương mẫu, năng động, siêng năng; tuy trắng trẻo hơi gầy nhưng cặp giò vừa dài vừa lẹ và thi đấu rất quyết liệt. Ngắm Nguyễn Đình Cảnh tập với Trần Chí Công rất thích.



Có lần hai đứa tôi chuyện linh tinh nhăng cuội gì đó và chị của Cảnh nhận xét là “Thùng rỗng thì kêu to”; tất nhiên là tôi không vui nhưng ngay lúc đó (và tới nay) vẫn nhớ lời chị ấy dặn. À !. gọi “chị” vì chị của Cảnh, bạn tôi, nhưng chị học cùng lớp (khác trường - Trường Bồ Đề) là thiếu nữ điềm đạm, quán xuyến chuyện trong nhà, kể cả nhắc nhở Cảnh việc học hành. Có lần thấy rõ người bạn cùng lớp 12A1 Phan Châu Trinh tôi chòng ghẹo chị ấy, anh ta cũng cùng tuổi, tôi ngạc nhiên nghĩ “sao cô chị của Cảnh chỉ học ngang lớp với mình là lại đàng hoàng thế nhỉ !?”. Đã mấy mươi năm không gặp Nguyễn Đình Cảnh; chắc chắn bạn ấy thành đạt và cũng là người giúp ích.

***

Phần cán bằng gỗ cứng cao quá đầu và to bằng ống đựng banh tenis, lưỡi thép dày hơn 1cm; đó cây đại đao của thầy đặt làm để tập riêng - nhấc lên đã thấy oãi và nhìn thầy đi bài đại đao thấy ...rêm cả vai. Anh Sen, diễn bài Long hổ quyền, cũng tập bài côn bằng cây nhôm đổ xi măng bên trong nặng ỳ trong khi anh Phương thì khoái đứng tấn để luyện chân trụ,...không khí võ lực rất sôi nổi
***
Sau Ngày Giải phóng, phong trào võ thuật chưa được khuyến khích. Thầy bạn lưu lạc nơi nao, Gấu co tiếp tục một mình tầm sư học đạo - có khi được các thầy dặn "dừng liên lạc, chờ đến khi thầy có tin", có khi được truyền một ít bài bản, có khi thầy bảo đùng đến nữa kẻo thầy kẹt,...nhưng cũng có người cưu mang và nhiệt tình truyền dạy. Một huấn luyện viên môn này lại tuyên thệ nhập môn ở võ phái khác thường khó đựoc thầy bạn chấp nhận. Rất may, VS Trần Tấn Vũ, đồng khóa Phan Minh Thanh, Ngô Xuân Thảo lại động viên Gấu co cố gắng tìm hiểu. Con đường lang thang ở các võ phái trở thành phong cách học suốt đời của Gấu co


Taekwondo, Aikido, VoVinam, Thiếu lâm Tung sơn, KarateDo.


Tiếp Đoàn Việt võ đạo Pháp - Ý


Đón bạn phương xa

Các đồng môn cố gắng phát triển VVN. Gấu co cũng đưa VVN đến với lực lượng vũ trang, trường học


Các thế hệ VVN Đà Nẵng (trước và sau 75)
thăm VS Chưởng môn ở Tổ đường (Cu Bờm đứng bên phải thầy)


HLV Việt Anh, Hải Nam (cùng khóa với Trần Nguyên Chinh)
cùng du lịch Nha Trang với gia đình Hùng

***
Như sắp 40 năm rồi thì phải !?.