Chương trình Võ Đạo mới!

Đây là chương trình võ đạo mới do võ sư Nguyễn Văn Chiếu biên soạn lại theo chương trình võ đạo củ, và có thay đổi vài lời trong 2 điều tâm niệm số 2 và số 8. Xin mời các môn sinh khắp nơi tham khảo.

MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO


KHẢO HẠCH LÝ THUYẾT VÕ ĐẠO

PHẦN MỘT : TRÌNH ĐỘ TỰ VỆ VIỆT VÕ ĐẠO THI THĂNG CẤP LAM ĐAI


I-. MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

1. Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
2. Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích.
3. Việt võ đạo sinh đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo.
4. Việt võ đạo sinh tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ.
5. Việt võ đạo sinh tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
6. Việt võ đạo sinh chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trao dồi đạo hạnh.
7. Việt võ đạo sinh sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.
8. Việt võ đạo sinh kiện toàn một ý chí đanh thép, nỗ lực tự thân cầu tiến.
9. Việt võ đạo sinh sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.
10. Việt võ đạo sinh tự tín, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.

II-.KIẾN THỨC VIỆT VÕ ĐẠO

1. Hỏi: - Vovinam là gì ?

Đáp: - Vovinam là từ quốc tế hóa của từ võ thuật - võ đạo Việt Nam.
Về nội dung Vovinam có hai phần :
- Võ thuật Việt Nam (Việt võ thuật)
- Võ đạo Việt Nam (Việt võ đạo).
Vovinam là gốc rể, cội nguồn, còn Việt võ đạo là hoa trái của Vovinam sau quá trình mấy chục năm phát triển.

2. Hỏi: - Khi Nghiêm lễ Việt võ đạo sinh đặt bàn tay phải lên trái tim với ý nghĩa gì?

Đáp: - Khi Nghiêm lễ Việt võ đạo sinh đặt bàn tay lên trái tim có ý nghĩa bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái, đức dũng đi đôi với lòng nhân, Võ thuật gắn liền với Võ đạo. Việt võ đạo sinh chỉ được dũng võ để cảnh cáo, cảm hóa người, chứ không phải để trừng phạt, trả thù người.

3. Hỏi: - Có mấy điều sơ khởi cần ghi nhớ về kỷ luật võ đường (câu lạc bộ) ?

Đáp: - Việt võ đạo sinh cần ghi nhớ ba điều sơ khởi sau đây về kỷ luật võ đường :
a) Đi tập đều đặn đúng giờ. Đến trể phải báo lý do. Nghỉ tập phải xin phép.
b) Trong giờ tập phải chăm chỉ luyện tập, hòa nhã và giúp đỡ bạn bè.
c) Gặp người trên phải chào theo lối “Nghiêm lễ”. Khi đến Võ đường và trước khi ra về phải chào di ảnh cố võ sư Sáng tổ môn phái.