Bụi phổi: Bệnh không thể phục hồi

Tại các khu sản xuất vật liệu xây dựng nhiều công nhân mắc các bệnh về phổi. Một trong những thủ phạm gây ra các bệnh về phổi chính là bụi. Bệnh bụi phổi gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
TS Phạm Tiến Dũng, Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động TP.HCM sẽ cung cấp thêm cho độc giả TS một số thông tin về loại bệnh này.

Bệnh không thể phục hồi.

Thưa ông, thời gian gần đây có rất nhiều công nhân mắc các bệnh về phổi trong đó bệnh phổi Silic và bệnh phổi bông là phổ biến mà người ta hay gọi chung là bệnh bụi phổi. Ông có thể nói rõ hơn về loại bệnh này cũng như những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là gì?



TS Phạm Tiến Dũng, Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động TP.HCM.

TS. Phạm Tiến Dũng: Bệnh bụi phổi là bệnh của những người làm việc trong môi trường có bụi với nồng độ cao. Cao hơn nồng độ mà người ta cho là an toàn, tức là 0.3mg/m3. Càng tiếp xúc lâu thì càng dễ mắc bệnh.
Đối với loại bụi thông thường như bụi đất, cát hay bụi gỗ thường chỉ gây hiện tương là tắc ngẽn phế quán, tắc nghẽn các đường thông khí trong phổi hoặc làm lấm bề mặt của các phế nang. Nhưng riêng bụi có chứa tỉ lệ Dioxid Silic tự do (loại bụi này không tồn tại dưới dạng phân tử mà tồn tại dưới dạng tinh thể) cao trong không khí sẽ gây tổn thương phổi.
Loại bụi này khi tấn công vào phổi sẽ gây ra những vết thương, sau đó tạo thành những vết chai trên phổi tạo điều kiện cho các vi trùng có nguy cơ bội nhiễm các loại vi trùng khác như lao, vi trùng về viêm phổi, viêm phế quản theo những vết tổn thương trên bề mặt phổi. Mội trong những đặc điểm của bệnh bụi phổi là không thể phục hồi được khi đã nhiệm bệnh mà chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có). Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy.
Bệnh bụi phổi thường có những biểu hiện gì dễ nhận biết, thưa ông?

TS. Phạm Tiến Dũng: Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều có triệu chứng chính là khó thở và ho rất nhiều. Triệu chứng ho của người bị bệnh phổi phụ thuộc vào chính họ và thời tiết (dễ ho khi thời tiết lạnh và ẩm thấp), những người hút thuốc lá nhiều hay có tiền sử bệnh phổi, ho thường hơn. Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ bị sốt nhẹ, khạc đờm nhiều, đôi khi ho ra máu, tức phần ngực và có cảm giác như ngực bị bó chặt. Người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như: bệnh lao, viêm phổi; giãn phế quản, viêm phế quản, viêm mủ màng phổi; tràn khí màng phổi, khí thủng phổi, hoại tử vô khuẩn; tim giãn nở, tim đập nhanh, suy tim, tổn thương mạch vành...


Bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM khám bệnh ông Trương Văn Đào, 46 tuổi, một trong năm người Quảng Nam mắc bệnh bụi phổi - Ảnh: LTH.H.

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi?

TS. Phạm Tiến Dũng: Những người làm việc ở môi trường có bụi (tỉ lệ dioxid silic tự do trong không khí cao) nếu không có các biện pháp bảo vệ và không biết cách tự bảo vệ mình thì rất dễ mắc bệnh. Cũng cần phải lưu ý rằng, không phải loại bụi nào cũng trở thành tác nhân gây bệnh bụi phổi.

Có hai nhóm đối tượng có khả năng mắc bệnh bụi phổi đó là nhóm đối tượng làm việc trong các nhà máy sản xuất về xây dựng đặc biệt là ở các mỏ đá. Bởi các loại bụi này được sinh ra chủ yếu là trên các công trình xây dựng, các mỏ khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất xi măng, các nhà máy nghiền đá công nhận lao động làm đường.

Theo tôi được biết, trước đây chúng ta đã có một nhà máy sản xuất gạch silicat và sau đó là không được phép sản xuất nữa vì quá nguy hiểm đối với công nhân trong việc nhiễm các bệnh về phổi và sau này chúng ta cũng phải tự động đóng cửa nhà máy.

Nhóm người thứ hai có nguy cơ mắc bệnh phổi là nhóm người thường xuyên đi lại trên các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh bụi phổi đối với nhóm người này thường ít hơn bởi hàm lượng dioxid silic tự do trên các đoạn đường giao thông thường không cao.



Công nhân làm việc tại xưởng xay cao lanh Tân Phú lao động trong tình trạng không có thiết bị bảo hộ lao động ngoài chiếc khẩu trang thông thường...(Ảnh: Như Phong)

Tự cứu mình trước khi…trời cứu.

Thưa ông, những biện pháp nào được coi là hữu hiệu nhất trong việc phòng tránh bệnh bụi phổi?

TS. Phạm Tiến Dũng: Để phòng tránh bệnh bụi phổi, về mặt nguyên tắc các chủ doanh nghiệp phải tự tìm biện pháp thu gom và khống chế không để cho bụi nói chung tỏa ra môi trường. Đồng thời, phải có biện pháp làm giảm thiểu phát thải ô nhiễm bụi có chứa dioxid silic ra môi trường không khí.

Giải quyết được điều này là giải quyết được tới 80% gốc rễ của vấn đề. Nhưng muốn giải quyết triệt để, theo tôi các chủ doanh nghiệp phải thực hiện động thái là cải tiến thiết bị công nghệ.

Khẩu hiện chung thì vẫn là như thế, đầu tiên là mua các thiết bị công ngệ cao đã có hệ thống kiểm soát bụi và nếu không có thì phải làm nhưng hiện nay các chủ doanh nghiệp thì lại không làm bởi vì hầu hết các doanh nghiệp này đều ít người nên họ sẽ chọn phương án để bụi bay vào rồi tự nó lắng xuống và trang bị cho công nhân những trang bị bảo hộ lao động là coi như xong.


Nhóm người thường xuyên đi lại trên đường cũng có nguy cơ mắc các bệnh về phổi do bụi. (Ảnh: M.L)

Đối với công nhân, chắc chắn cần phải sủ dụng khẩu trang- đây chính là biện pháp tự cứu mình nhưng vấn đề này chưa thực sự được quan tâm bởi chính nhận thức của người công nhân…Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do không được đào tạo, huấn luyện và không có truyền thống cha truyền con nối trong nghề làm công nhân nên họ rất chủ quan và thấy bất tiện với những phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang. Trong khi đó những chiêc khẩu trang có thể lọc được những loại bụi này thì sức cản thở của nó lại rất cao.

Để phát hiện sớm bệnh bụi phổi, người lao động ở môi trường có nguy cơ cao nên thực hiện đúng chế độ khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế. Người mắc bệnh bụi phổi phải được bố trí làm công việc khác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi; không sử dụng những người bị bệnh về đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi làm việc ở nơi có bụi.
Vừa qua báo chí có đưa tin về việc 2 công nhân làm việc tại xưởng một xay cao lanh (TP.HCM) chết vì nghi do nhiễm bụi phổi. Tiếp xúc với phóng viên TS, nhiều công nhân phản ánh là không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động ngoài việc tự mua khẩu trang về sử dụng. Từ thực tế này cho thấy, dường như doanh nghiệp chưa “mặn mà” trong việc bảo vệ người lao động?

TS. Phạm Tiến Dũng: Thật ra luật pháp của ta cũng đã có những quy định rõ nghĩa vụ của các chủ doanh nghiệp phải trang bị các thiết bị bảo hộ lao động cần thiết cho người lao động. Thậm chí, chúng ta cũng có những chế tài như xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm nhưng nói thật, lực lượng thanh tra của ta quá mỏng và nếu dùng tác động của thanh tra như hiện nay thì không ổn. Vì thế, hiện nay nhà nước đã có chủ truong huấn luyện cho người công nhân ý thức thức họ được pháp luật bảo vệ và họ có quyền yêu cầu chủ doanh nghiệp phải cung cấp cho họ những phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp với tính chất công việc của họ.