Địa Lý Hà Nội

Diện tích: 918,1 km2.
Dân số (2004): 2.840.174 người.
Các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hồ Tây, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm và Sóc Sơn.


Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía nam giáp tỉnh Hà Tây, phía đông và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên và phía tây giáp tỉnh Hà Tây.

Thành phố Hà Nội ở vị trí từ 20 độ 25 phút đến 21 độ 23 phút vĩ độ bắc và từ 105 độ 15 phút đến 106 độ 03 phút kinh độ đông. Hà Nội nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới có gió mùa. Nếu phân chia thật chi tiết và tinh tế, Hà Nội có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Nhưng để giúp người xa dễ nhận biết khí hậu Hà Nội khi chuẩn bị đến thủ đô này, có thể tạm chia thành hai mùa chính là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, đây là thời kỳ giá lạnh, không mưa to. Từ tháng 1 đến tháng 3 vẫn có giá lạnh nhưng vì là tiết xuân nên có mưa nhẹ (mưa xuân) đủ độ ẩm cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng có mưa to và bão. Trong các tháng 8, 9, 10, Hà Nội có những ngày thu. Mùa thu Hà Nội trời trong xanh, gió mát. Những ngày cuối thu se se lạnh và nhanh chóng hòa nhập vào mùa đông.

Nhiệt độ trung bình mùa đông là 17,2° C (lúc thấp nhất xuống tới 2,7° C). Trung bình mùa hạ: 29,2° C (lúc cao nhất đến 42,8° C). Nhiệt độ trung bình cả năm: 23,2° C. Mưa trung bình hàng năm: 1.800 mm.

SÔNG: Là vùng đất cổ, Hà Nội được các sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên, do đó Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết như con với mẹ. Xưa kia người ta gọi sông Hồng là sông Cái - sông Mẹ. Tên gọi Hà Nội là vùng đất có ý nghĩa bên trong sông. Đoạn sông Hồng ôm lấy Hà Nội dài gần 100 km (63 miles) chiếm 1/5 chiều dài của sông Hồng trên đất Việt Nam.

Các sông chảy qua Hà Nội là: sông Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đặc biệt sông Tô Lịch được nhắc nhiều trong văn chương Hà Nội xưa như là con sông đẹp chảy trong lòng thành phố. Ngày nay sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu chỉ có tác dụng như là một hệ thống thoát nước cho thành phố.

HỒ: Hà Nội là thành phố của những hồ đẹp. Những hồ nổi tiếng đã đi vào thơ văn như hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), Hồ Tây, Trúc Bạch, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Thủ Lệ, hồ Giảng Võ... đó là những lá phổi xanh của thành phố với vườn hoa và hàng hàng, lớp lớp cây xanh tạo cho thành phố nguồn sinh lực trong thiên nhiên tươi mát.

GIAO THÔNG: Hiện nay Hà Nội đang chuyển mình cùng cả nước. Hàng loạt phố mới, với những đại lộ, đường cao tốc ra đời. Nhiều khách sạn, công sở cao tầng hiện đại, đan xen với các khu phố cổ tạo nên một dáng vẻ mới cho thành phố 1000 năm. Sân bay quốc tế Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 35 km (21.9 miles). Từ sân bay về thành phố khoảng 40 phút xe ca.

ĐƯỜNG SẮT: Từ ga Hà Nội tỏa đi các nhánh đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Sài Gòn.

ĐƯỜNG BỘ: Từ các bến xe phía Nam: Kim Mã, Gia Lâm tỏa đi khắp các nơi trên toàn quốc bằng các tuyến quốc lộ A1 xuyên Bắc - Nam; quốc lộ 2: đi Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang; quốc lộ: 3 đi Thái Nguyên, Cao Bằng; quốc lộ 5: đi Hải Phòng; quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu; quốc lộ 32 đi Sơn Tây.

ĐƯỜNG THUỶ: Bến phà Đen có tàu thủy đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì; bến Hàm Tử Quan có tàu thủy đi Phả Lại.

(Trích Vietshare.com)