Đà Lạt Xưa và Nay

Đà Lạt ngày xưa nhắm mắt lại cũng nghe tiếng thông reo, tiếng chuông nhà thờ thanh thoát, tiếng chuông chùa trầm ngâm - một thành phố ở trong rừng! Mùa hè, nhiệt độ Đà Lạt lúc mặt trời đứng bóng chỉ khoảng 18oC, suốt ngày từ rét đến se lạnh khiến con gái miền Tây Nam bộ da ngăm nắng gió phù sa mà mấy ngày lên đây đôi má cũng đỏ hây hây.

Đà Lạt ngày xưa có những con đường nhỏ màu đất đỏ bazan dẫn vào các biệt thự và nhà dân lẫn trong rừng thông, ven đường mọc rất nhiều hoa hồng, hoa lyz, hoa sim, hoa cúc... Chúng tôi chỉ đi một nhoáng là trở về khách sạn với những bó hoa hoang dại, mặt đứa nào cũng ngây ngất hạnh phúc!

Đà Lạt ngày xưa có nhiều nơi - đồi Cù, thung lũng Tình Yêu; rừng thông quanh hồ Than Thở... và nhiều, nhiều nữa - để trẻ em, nam nữ thanh niên dựng lều, thả sức cười nói, hát vang, đùa giỡn mà không sợ bị ai rầy rà, không ngại làm phiền sự yên tĩnh cần được tôn trọng của người khác vì những âm thanh vui tươi ấy đều trở nên nhỏ nhoi, lẫn trong thông reo, hòa trong gió và thiên nhiên bao la của Đà Lạt.

Đà Lạt ngày xưa rất “chung” vì thiên nhiên tươi đẹp là tài sản của tất cả mọi người. Đà Lạt ngày xưa rất “riêng” vì khi được hòa với thiên nhiên thì cũng chính là lúc con người có những khoảnh khắc ngẫm ngợi, mơ mộng trong không gian trầm tư, man mác buồn. Cái đẹp Đà Lạt ngày xưa lạ lắm! Nó làm người đang yêu thêm khát khao chia sẻ nồng nàn và người chưa yêu chợt cười, chợt mắt rươm rướm như đang ôm... khối tình si!

************************************************** **********************************************
Đà Lạt bây giờ ít sương mù, thiếu cái lạnh se sắt, mất hẳn mùi hương cỏ hoa bảng lảng trong không gian. Hàng vạn cây thông đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho khách sạn, nhà hàng, nhà ở... - “ tiền trảm” (chặt thông, chiếm đất), “hậu tấu” (hợp thức hóa) có; phá rừng thông, thu hẹp đất trồng hoa, rau để mở rộng đô thị theo quy hoạch, có!

Danh thắng đồi Cù từng đi vào tranh, ảnh, văn chương và ký ức của hàng triệu người đã bị cách ly hoàn toàn với tài sản thiên nhiên chung của Đà Lạt - của mọi người - để thành một sân golf cho một nhúm người giàu có. Tôi hết sức buồn khi đứng bên hồ Xuân Hương, đưa cho con gái tôi tấm ảnh và chỉ vào cái hàng rào kín bưng chạy hút tầm mắt và nói: “Trong kia là đồi Cù, còn đây là ảnh của mẹ chụp ở nơi đó, ngày xưa...”.

Danh thắng nào có thể “bán vé thu tiền” là người ta tận thu - điều này có thể cảm thông nếu đối xử với danh thắng như một di sản thiên nhiên - văn hóa đáng kính trọng. Hồ Than Thở thiếu nước nằm hấp hối giữa rừng thông lưa thưa. Thác Cam Ly đã “làm” được khá nhiều tiền sao vẫn bốc mùi hôi thối. Nơi đứng nhìn xuống thung lũng Tình Yêu ngày xưa bạt ngàn thông nắm tay nhau chạy xuống đáy thung giờ bị “xé nhỏ” thành những kiosque, những mảng bêtông hóa, những cụm hoa như mọi công viên..., còn “nhân vật chính” là thung lũng Tình Yêu” thì phơi đáy, trơ trọi, với dấu tích bị đào xới lấy quặng titan còn đó.

Du khách không có gì để nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên đúng nghĩa mà cứ chạy từ chỗ này sang chỗ kia để chụp hình, để lấy cho được chữ “Thung lũng Tình yêu” - những tấm hình mà có phóng “đại cỡ” cũng không thấy đâu thực là... thung lũng!

Trúc Lâm thiền viện vốn uy nghi với đường lên khúc khuỷu, du khách tạm gác lại thất tình lục dục dưới chân đồi để tìm đến chốn thanh cao nơi cửa Phật. Bây giờ đường nhựa chạy đến tận cổng, rồi cáp treo, du thuyền, các dịch vụ khác chào mời khách, đến nỗi vào tận Phật đường nghiêng ngả để chụp hình (!?). Thiền môn ngày nào cũng náo động. Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc), Nhà thờ thánh Phêrô (Rome), khu lưu niệm L.Tolstoi... đón hàng chục triệu lượt khách/năm mà người đến người đi đều nhẹ nhàng trong tiếng chuông, tiếng cầu kinh thì thầm, tiếng lá xào xạc trên cây sồi đại thụ. Có đâu mà...

Đà Lạt sẽ “hiện đại” như thế nào? Chắc chắn sẽ đông dân hơn, nhiều công trình xây dựng có quy mô và đẳng cấp hơn, tốc độ đô thị hóa - thương mại hóa Đà Lạt sẽ tăng với tốc độ chóng mặt vì bảng lảng trong không gian thành phố cao nguyên này ngay bây giờ không phải là mùi cỏ hoa mà “mùi tiền”.

Giá bất động sản nhảy múa, ngày càng nhiều đại gia lăm le nhảy vào “hiện đại hóa” Đà Lạt... Và dù có “cơi nới” Đà Lạt về hướng nào, “sáp” vào Đà Lạt thêm huyện nào thì diện tích rừng, số làng rau, làng hoa cũng co rút lại! Nếu người ta đã bỏ ngoài tai công luận để “rào” cả một đồi Cù rộng lớn cạnh hồ Xuân Hương ngay trung tâm thành phố làm sân golf, từng cho nuôi cá tầm trên hồ Tuyền Lâm... thì việc xóa sổ một ít làng rau, làng hoa sinh lợi kém và không hiện đại cùng một ít rừng..

Theo dulich.tuoitre.com.vn

************************************************** ************************************************** ************************************************** ********************

Địa Lý

Diện tích: 9.7675 km2.
Dân số (2004): 1.059.508 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Đà Lạt.
Các huyện: Thị xã Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Dân tộc: Việt (Kinh), Cờ Ho, Mạ, Lạt ...

Tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên, cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1.500 m ( 4,500 ft) so với mặt biển), 70% diện tích là núi rừng, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông Nam giáp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, phía Tây giáp các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Phía Bắc tỉnh là hai dãy núi đi song song từ Đông sang Tây, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.405 m (7,215 ft), Yang Bông cao 1.749 m (5,247 ft). Dãy núi phía Nam sát ngay Đà Lạt, có các đỉnh Đan Sê Na cao 1.950 m (5,850 ft), Lang Biang cao 2.163 m (6,489 ft), Hòn Nga cao 1.948 m (5,844 ft). Giữa hai dãy núi này là nơi bắt nguồn của các dòng sông Đa Dung chảy vào Đồng Nai, sông Cái chảy ra Nha Trang.

Phía Nam của hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trong đó có thành phố Đà Lạt ở độ cao 1.475 m (4,425 ft). Phía Đông và Nam tỉnh có cao nguyên nhỏ Di Linh cao 1.010 m (3,030 ft), khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà chảy vào Đồng Nai.

Các nhà khí hậu học gọi Đà Lạt là "thành phố của mùa Xuân", vì nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24 ° C và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15 ° C. Lượng mưa trung bình năm 1.755 mm (69 in). Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương ngàn sắc suốt quanh năm.

Từ thành phố Sài Gòn đi ôtô theo quốc lộ 20 chừng 300 km (188 miles) là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần và khi vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng, hoa và đồi cỏ.

Nếu đi theo đường 11 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vược qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đang hiện ra trước mắt.

Mặc dù mới được thành lập được hơn 100 năm từ năm 1893, nhưng Đà Lạt hôm nay đã trở thành địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta.

Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ xuân Hương, hồ than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn liền với một truyền thuyết xa xưa.

Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của các dân tộc từ các vùng Bắc, Trung, Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, Đông nhất là người Việt Nam, sau đó là C'ho, Mạ, Lạt, Srê, Chu ru,... Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu hiền hòa, thanh lịch, mến khách được nhiều người cảm nhận.

Du khách đến Đà Lạt vừa thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ,... nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.

Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc được lai tạo từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy... như hoa Hồng, hoa Bất Tử, hoa Đỗ Quyên, hoa Xác Pháo, hoa Tư Tưởng, hoa Trà Mi, Mimoza, Mai Anh Đào, Thủy Tiên trắng...

Khách sạn du lịch đầu tiên ở Đà Lạt được xây cất năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hotel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua từng ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa...


************************************************** ************************************************** ************************************************** ********************

Đà Lạt, Em Và Anh

Nhạc: Vũ Hoàng
Ca sỹ: Bonneur Trinh



Em là gió, gió thoáng buồn
Em là sương, sương nhẹ vương
Đà Lạt mộng mơ, anh nhìn em bỗng dại khờ
Em là ngọn thác, đơn côi giữa đồi thông
Anh là áng mây, như mãi phiêu bồng
Em đi, em đi như gió thoảng
Em đi, em đi như sương buông
Một chiều Đà Lạt giáo đường lặng im
Bóng anh và em chơi vơi theo triền đồi
Một chiều Đà Lạt mây mù trên đỉnh Langbian
Bâng khuâng cành hoa gởi trao bao ước hẹn
Trời thấp thật gần, vó ngựa khua
Giọt mưa chiều lưa thưa
Bên hồ Xuân Hương