Văn Hiến là gì?

Mỗi khi nói đến Văn Hoá người Việt mình thường tự hào với "Việt-Nam Bốn Ngàn Năm
Văn Hiến"; nhưng Văn Hiến có phải là Văn chương với Hiến pháp như phần đông người mình đã tưởng, vậy thì Văn Hiến đúng nghĩa là gì ?

Nếu bạn muốn tìm hiểu Văn Hiến với nghĩa nguyên thủy, mời bạn đọc bài sau đây trích từ tác phẩm "Hồn Nước với Lễ Gia Tiên" của triết gia Kim-Định :



VĂN HIẾN

(Kim-Định)

Văn hiến là những người hy hiến thân tâm cho văn hóa và được người trong nước kính nể nghe theo. Đó là một loại tông đồ và có thể nói ở đây cũng tìm ra được nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nho. Bên Ấn Độ tuy cũng có văn hiến nhưng không vươn lên đến địa vị cao nhất trong xã hội vẫn dành cho tăng lữ Brahmana. Bên Âu Châu còn kém nữa đến độ không có văn hiến, chỉ mới có văn hào, văn sĩ.

Văn hiến là sản phẩm của Việt Nho và hậu quả là khi các giáo sĩ Âu Châu đến Viễn Đông vào lối thế kỷ 16, 17 thì đều tỏ vẻ ngạc nhiên đến bỡ ngỡ vì thấy một nguyện vọng tha thiết của Platon đã hiện thực tại Viễn Đông. (*) Nguyện vọng đó là đặt quyền cai trị vào các tay triết gia gọi tắt là triết vương, hay vua phải học và hiện thực triết (philosophe-roi, roi-philosophe). Đây là một nguyện vọng đã chưa bao giờ được hiện thực ở Tây Âu, nhưng các vị thừa sai cho là đã hiện thực bên Viễn Đông. Có đúng như vậy chăng ?

(*) Plus belle en pratique ne l’était la cite reves par Platon en théorie. Rici Bernard maitre, Pour la comprehension de l’Indochine p.36


Đúng và không. Đúng ở chỗ trong đời huyền sử các vị được đưa ra làm mẫu mực toàn là các triết vương : Phục Hy, Thần Nông, Lạc Long Quân, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ, Hùng Vương… Còn các đời sau nhất là từ Hán nho tuy không được ông nào hẳn xứng danh là triết vương nhưng ít ra có một số sự việc đáng chú ý :

*. Một là các vua đã học Kinh điển tức là sách triết.

*. Hai là địa vị các triết nhân vẫn được đề cao coi như ánh sáng soi cho cả nước : "sáng bang do triết", ánh sáng soi cho nước là do triết (Kinh Thư, Thiên Đại Cáo 13) và vì thế bao giờ cũng coi việc bàn hỏi ý kiến các hiền triết là điều rất đáng khen. Như Kinh Thi khen vua nhà Thương là "phu cầu triết nhơn", rộng cầu đến các triết gia (bài Y Huấn câu 6).

*. Ba là nước được cai trị theo văn giáo ít ra trong lý thuyết và phần nào trong thực hiện. Khi nào nước được trị theo văn giáo thì gọi là hữu đạo, bằng không thì gọi là vô đạo, chứ không có tiêu chuẩn nào khác thuộc tôn giáo và đó là nét đặc trưng hơn hết của các nền văn hóa Viễn Đông.


Vì ba điểm đó nên nhận xét của thừa sai Âu Tây có thể coi là đúng đến quá nửa, và ta có xưng tụng là nước có văn hiến (văn hiến chi bang) cũng không phải thiếu nền móng.

Thế nhưng từ hơn một trăm năm nay do sự tiếp cận với văn minh Tây Âu thì nét đặc trưng kia bắt đầu lung lay và đang sụp đổ, đến nỗi ngày nay đừng nói đến địa vị triết vương, mà ngay đến địa vị triết trong quốc học cũng bị từ chối hoặc coi thường. Vì thế hôm nay khi thấy đề cao triết chắc có người không khỏi ngạc nhiên, vì đã quen nghe những lời chỉ trích triết : triết nói những chuyện trừu tượng, xa xôi, vu vơ vô bổ cho đời sống ăn làm… Thực ra thì đó chỉ là sự mâu thuẫn vòng ngoài vì nếu đi vào nội dung thì không có chi đáng phải ngạc nhiên, vì những điều chê bai triết cho đến nay hầu hết là vì triết Tây, một thứ triết bám riết chữ nghĩa hay cùng nữa thì là Hán nho bám sát luân lý và những định chế đã lỗi thời… Hoặc nữa là triết học lý niệm đề cao lý trí đến độ duy ngã độc tôn nên chẳng sao đi vào đời sống nổi.

Đời sống con người vận hành trong những ngõ ngách của lý với tình, đôi khi có cả chí, vậy mà triết học lại duy lý tức chỉ biết có lý trí thì đi sao nổi vào đời sống. Chính vì triết học quá duy lý nên nguyện vọng triết vương của Platon chỉ là một giấc mộng không tưởng, và triết chỉ còn lẩn khuất trong một vài phòng học y như một ngành chuyên môn nào khác vì đã để mất hẳn địa vị bà chúa tỏa uy tín trên khắp các kiến thức vì bơm sinh khí cho chúng bằng một mối quán thông. Hiện nay triết được dạy trong chương trình giáo dục của ta cũng như các đại học thì chính là thứ triết một chiều đó. Vì vậy trong thực tế nền triết học như được đề nghị trong tập sách này khó hy vọng thấy được hiện thực.

Tuy thế vì nền triết lý giới thiệu ở đây có tính chất toàn diện gởi đến cho toàn dân chứ không còn hạn cục trong bốn bức tường hàn lâm làm trường ốc, cho nên vẫn chưa đến nỗi thất vọng, vì ngoài hàn lâm trường ốc chúng ta còn cả một khối nhân dân, đây là môi trường chúng ta có thể hoạt động. Nếu biết tổ chức thì sẽ trở nên mạnh mẽ có khi đạt được khả năng khôi phục địa vị cho triết ít ra phần nào như xưa lúc các tư trào Tây Âu chưa xâm nhập. Bấy giờ chúng ta sẽ đủ bảo đảm tìm đáp số cho câu trả lời sau đây : ai sẽ đứng ra hiện thực trở lại lý tưởng triết vương. Ai ? Dân chúng hay chính quyền ? Câu trả lời tất nhiên là chính quyền, bởi chỉ có chính quyền mới nắm đủ quyền lực và phương tiện, là những yếu tố thiết yếu cho sự hiện thực bất cứ một ý tưởng nào có tầm mức quốc gia.
Tuy nhiên nếu ta theo đúng tinh thần Việt Nho thì sẽ thưa rằng phần lớn là dân. Dân mới là gốc là bổn là óc còn chính quyền chỉ là cấp thi hành. Chính quyền ví được với hoa trái quả cây, còn muốn cho những điều mong ước thành sự thực thì cần nhân dân phải hành động. Phó mặc cho chính quyền thì chỉ là chuyện may rủi. Những người nắm chính quyền trước ngày mất nước hầu hết được đào tạo theo lối của Tây phương, còn giới thiên về Đông phương thì chỉ biết bằng nghe ngóng và phần nhiều là mắc tự ti mặc cảm. Bởi Đông phương vừa huyền bí, lại đã bị lãng quên lâu ngày, nên nay muốn nhìn lại khuôn mặt cũ thì cả là một công trình dài hơi, nếu không là người vừa có tâm huyết vừa kiên trì vững dạ thì làm sao thấy được.

Vậy mà những vị nắm quyền hành đã phải hiến phần lớn thì giờ vào việc hành chánh, cho nên giả sử trong số có ai muốn nghiên cứu cổ học cũng khó tìm ra thì giờ. Vì thế hầu hết chính quyền được điều khiển theo đầu óc công chức, một lối làm việc duy lý rất gần kiểu máy móc phần mớ, nên lạnh lùng, trốn trách nhiệm nhiều được ngần nào hay ngần đó. Như vậy là một lối làm việc ngược hẳn với lý tưởng quốc gia : nó đòi phải có tinh thần cán bộ với những cái nhìn trên toàn diện với bầu nhiệt huyết hăng say với lòng yêu nước cao độ. Chính vì thế sự liên lạc với nhau là điều tối quan trọng và đáng cầu ước. Hội văn thì nhiều rồi, nhưng một sự liên lạc những tâm hồn có óc triết thì chưa, mà có triết thì mới trông đặt được nền vững.
Vậy cần phải làm thế nào để liên kết những tâm hồn triết, những người ưa thích triết ? Đó là điều khó, bởi vì những tâm hồn triết thường ưa thích tĩnh mịch, đơn chiếc vì đây là phong thái thuận lợi cho sự suy tư. Tuy nhiên thời nay là thời ngự trị của lượng số, nên thiếu liên kết thì tiếng nói lẻ loi không đủ mạnh, không được mấy ai chú ý đến, mà như vậy là một điều bất hạnh cho quê nước vốn từ xưa vận hành trong ánh sáng Minh Triết.

Chính vì thế mà những tâm hồn triết phải chịu hy sinh một số thì giờ cho việc liên kết, đặng khuyến khích nhau và cần cùng nhau lên tiếng hay hành động, có vậy mới tạo được hiệu nghiệm cho tiếng nói của triết. Có vậy tiếng nói chân thành của dân tộc mới không bị lấn át trước các tư trào ngoại lai đã được tổ chức rất vững chắc, nếu không có một sự liên kết tối thiểu nào về phía văn hóa dân tộc thì dù nền văn hóa này có còn những người hâm mộ nhiệt thành đến đâu đi nữa rồi cũng sẽ chỉ là những cá nhân trơ trọi lẻ loi, sẽ bị siêu bạt trong cái mớ quần chúng vô dạng (amorphe masse) và như vậy sẽ không tránh nổi làm mồi ngon cho bất cứ trào lưu nào cũng có thể cưỡng ép lôi đi.

Bạn sẽ hỏi liệu còn tìm được đủ số người nhiệt thành để làm thành một lực lượng chăng ? Muốn trả lời điểm này, cần phải có một bộ máy dò mìn để tìm ra những quả mìn là các tâm hồn nhiệt huyết với dân tộc. Máy dò đó là gì nếu không là một tổ chức, tuy rất lỏng lẻo nhưng cũng là một tổ chức ít nhất để tìm ra người đồng thanh đồng khí. Riêng chúng tôi cũng biết được một số tuy nhỏ nhưng cũng đủ để có lý tin rằng nếu có phương tiện tìm kiếm thì số đó còn nhiều, ít ra đủ để làm thành một nhóm.

Chúng tôi dám tin như thế vì số người chúng tôi biết chỉ là tình cờ tuyệt nhiên bên ngoài sự tìm bạn. Vậy mà cũng thấy được một số khá đông đủ cho phép tin rằng dòng máu văn hiến của Lạc Việt chưa ngưng chảy trong người Việt Nam, và dầu trong hiện trạng đầy thối nát cũng vẫn còn thể tìm ra những tâm hồn cao khiết đại diện cho hồn thiêng của muôn thế hệ tiên tổ đã dựng nên nước Việt Nam này và bao lần đã cứu nó khỏi tiêu diệt. Hồn thiêng đó vẫn còn phảng phất trên giải non sông này, vì thế tôi cho là đã đến lúc các người đó phải tạm thời bỏ giai đoạn ẩn náu, phải vượt qua những dè dặt e ngại để đứng vào một thứ liên lạc nào đó để gây lại tinh thần. Tinh thần đó trong trường hợp hiện đại của nước nhà không là chi khác hơn hồn văn hóa dân tộc, mà các cụ xưa cũng gọi là Đạo, và các cụ đã nói câu chí lý : "Đạo mất trước Nước mất sau". Chúng ta có thể tiếp : vậy muốn Nước còn thì cần Đạo còn. Nên trong các việc làm để cứu quốc thì cứu Đạo là việc tiên quyết.


TÁI BÚT 1979

Trên kia khi nói những người có tâm hồn triết là có ý tránh tiếng triết học là điều ít người học và hơn nữa rất hiếm người thích, mà giả có thích thì cũng vô bổ vì các triết học đó xây trên những nguyên lý nền tảng của chuyên chế. Còn chữ tâm hồn triết nói ở đây thì thực ra chỉ là một hướng vọng lên cao là tâm trạng gặp được rất nhiều trong con người Việt Nam. Đó là những người dù chưa học triết, hay văn chương, hay không biết đọc biết viết đi nữa, cũng vẫn có tâm hồn triết, đó là những người mà một số học giả Tây phương như linh mục Cadière, hay Paul Mus gọi là triết nhân. Họ bảo Việt Nam là nước giàu triết nhân hơn hết, càng đi sâu vào vùng quê càng gặp nhiều. Và hiện nay có thể nói hầu hết người Việt đã nhận ra sự cần thiết của một thứ triết nào đó, mà nếu vì ảnh hưởng Tây Phương mà sợ tiếng triết thì nên gọi là Đạo, hay là Văn Hóa Dân Tộc. Chúng tôi được nhiều tin do những sinh viên mới thoát ra đầu năm 1978 cho biết nhiều người trước kia không ngó ngàng chi tới bộ Triết lý An-Vi thế mà nay lại mê mải đọ, trong số đó có nhiều sinh viên kỹ thuật. Chúng tôi tin rằng thảm họa 1975 đã làm cho tâm hồn người Việt trở nên chín mùi hơn rất nhiều và đã thấy không thể tránh được triết vì triết chẳng qua là hệ thống những tư tưởng, mà tư tưởng dẫn đạo quốc gia, dẫn đưa thế giới, nên vấn đề lúc này là không được né tránh triết. Đó chỉ là lối đà điểu vùi đầu vào cát để khỏi thấy tai họa. Muốn tránh được tai họa, tránh được việc triết thuyết ngoại lai vào làm chủ đất nước, tàn sát dân tộc thì chúng ta cần phải có thái độ tích cực : cần xem rõ để phân biệt thứ triết độc phải tránh, thứ triết lành mạnh phải vun tưới phát triển.

Tâm hồn con người không thể để trống. Để trống thì quân thù sẽ có đất gieo tà thuyết. Vậy cần phải trồng cây triết nào đã chứng tỏ ơn ích được nhiều ngàn năm. Vậy đối với người Việt Nam thì không còn lối khác hơn là triết lý Việt Nho, vì nó đã được đặt nền từ ngày khai quốc, và đã tô tạo cho đất nước, quê hương tới tận nay.
Vì thế chúng tôi cầu mong nhiều người Việt chú ý đến nền triết dân tộc này để học hỏi, tài bồi, phát triển ngõ hầu chúng ta có được một nền tảng triết lý vững vàng cho việc duy trì tinh hoa nước Việt và nhất là từ đó đóng góp mạnh mẽ cho công cuộc phục quốc mai ngày sớm thành tựu.


(Kim-Định)