Đường Tới Mê Linh

(Kịch Thơ một màn, một cảnh)

(Soạn để trình diễn trong ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng với sự trợ giúp của Ngọc Loan và góp ý của Nghệ sĩ Mai Khanh).


BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Thái thú Tô Định dưới thời Đông Hán, độc ác tham tàn, dung túng quân lính tàn sát dân
Giao Chỉ, bắt người lên rừng tìm sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai, khiến nhiều gia đình phải điêu linh, ly tán. Sau khi Tô Định bắt giết Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị trương cờ khởi nghĩa, đánh chiếm thành Liên Lâu là nơi Tô Định trÃn đóng (1), khiến Tô Định thua chạy về Nam Hải. Nhờ chiến công này, dân chúng các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng hưởng ứng theo Hai Bà chống lại quân Đông Hán, giải phóng dân Giao Chỉ thoát khỏi ách thống trị của Tàu.

SƠ LƯỢC CỐT CHUYỆN

Chuyện xẩy ra vào khoảng năm 40 sau T.L. tại bờ sông một làng chài lưới gần thành Liên Lâu, Quận Giao Chỉ là nơi thái thú Tô Định trấn đóng. Bên kia sông là huyện Mê Linh nơi Hai Bà Trưng khởi nghĩa.

Trong thời gian này, quân lính của Tô Định thường cướp phá các làng chài ven sông, khiến nhiều gia đình phải ly tán, bỏ chạy sang bên kia sông theo quân khởi nghĩa.
Ở gần bờ sông, gia đình quan Lạc Tướng dòng dõi quí tộc gồm ba người là Tráng sĩ Hoàng Tâm, vợ tên Lan Nương và mẹ già Lão Bà. Vì chán ghét chế độ cai trị tàn ác của thái thú Tô Định, Hoàng Tâm không chịu ra làm quan, và sống đời ẩn dật, ngày ngày cùng vợ ôn luyện kiếm cung, săn bắn và phụng dưỡûng mẹ già.

Khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Đông Hán, Vợ chồng Hoàng Tâm đã
nhiều lần định bỏ làng đi theo, nhưng ngặt vì còn mẹ già cần phải phụng dưỡng nên chưa
thể dứt áo ra đi.

Một hôm, quân Tô Định đến đánh phá làng chài, khiến mọi người phải bỏ chạy qua bên kia sông. Vì phải dìu mẹ già chậm chạp, vợ chồng Hoàng Tâm ra tới bờ sông thì không còn ai nữa. Bao nhiêu thuyền bè đều được dân chài chèo đi. Chỉ còn lại cảnh bến vắng, đồng không giữa màn sương mờ nhạt.

Rất may, Lan Nương đã tìm thấy một chiếc thuyền nan nhỏ bỏ sót lại ở cuối ghềnh đá.
Nhưng con thuyền nhỏ thuộc loại thuyền thúng chèo trong mương rạch, chỉ đủ chở 2 người!
Đứng trước dòng sông bát ngát, sóng nước mênh mông, gia đình Hoàng Tâm đã nhường
nhịn nhau để qua sông trước, một người sẽ hy sinh ở lại ngăn chặn quân thù trong cảnh chia ly vô cùng thương tâm.

Hoàng Tâm xin ở lại chặn giặc, lấy cớ có sức khỏe trai tráng, nhường mẹ và vợ sang sông trước.

Lan Nương lý luận: Cô tuy là gái, nhưng “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, xin được ở lại ngăn quân giặc để chồng và mẹ qua sông theo phò Hai Bà Trưng, như vậy chàng sẽ được toàn vẹn cả Hiếu lẫn Trung.

Lão Bà không đồng ý, cho rằng mình tuy tuổi đã già yếu chậm chạp, nhưng có kinh nghiệm xưa kia theo chồng chiến đấu nhiều phen, hơn nữa bà không thể bỏ mồ mả Ông Bà Tổ Tiên ra đi, "sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm".

Cảnh giằng co kéo dài, trong khi quân giặc sắp đuổi đến khiến vợ chồng Hoàng Tâm phải
hẹn nhau so tài đấu kiếm, ai thắng thì được ở lại chặn giặc, ai thua phải đưa mẹ qua sông...
Nhìn cuộc so gươm của hai con, Lão Bà vừa cảm động vừa đau lòng, đã bắt hai con cùng quì xuống, nghe lời giáo huấn của bà.

Lão Bà kể về thân thế dòng họ và lịch sử dân tộc Lạc Việt oai phong từ thời Hùng Vương, nay chẳng may phải bị lệ thuộc nước Tàu, dưới sự cai trị hà khắc của các thái thú, nhất là thái thú Tô Định.

Trong cơn xúc động tột đỉnh, tình yêu nước dâng cao, Lão Bà thừa cơ hai con mải nhìn
sang sông đã dùng dao đâm cổ tự vẫn, với mục đích khích lệ hai con lên đường theo đoàn quân khởi nghĩa.

Thấy mẹ chết một cách bi thương, Hoàng Tâm và Lan Nương đau đớn vô cùng. Lửa hận
thù quân Đông Hán bốc lên cao ngất, hai người con cúi đầu chịu tang mẹ và thề quyết ra đi theo đoàn quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ngày nào quét sạch quân thù mới trở về khói nhang thờ mẹ.

Nhân vật:

1 - Tráng sĩ Hoàng Tâm: Tuổi trạc 30 , vẻ mặt khôi ngô nho nhã, nhưng khí phách hiên
ngang, đôi mắt tỏa hào quang sáng quắc. Chàng mặc võ phục, trên lưng ngoài bọc hành lý
nhỏ, còn mang kiếm cung oai phong lẫm liệt của con nhà võ.
2 - Lan Nương: vợ Hoàng Tâm, tuổi trạc 25, vẻ đẹp thùy mị nhưng lanh lẹ, sắc sảo như một
nữ tướng quân. Nàng cũng mặc võ phục, lưng đeo kiếm.
3 - Lão Bà: mẹ của Hoàng Tâm, tuổi ngoài 70 nhưng sắc mặt còn tinh anh, nhất là đôi mắt
thật cương nghị, quyết liệt như chẳng hề sợ điều gì trên cõi đời này. Lão Bà đi đứng chậm
chạp vì đôi chân đã yếu. Lão Bà cũng mang theo dao tự vệ.
4 - Những Dân chài: Trong cảnh chạy loạn, một số mang vũ khí dao gậy.

Ánh sáng: Ánh sáng mờ nhạt trời sắp sáng.

Quang Cảnh:

Cảnh một dòng sông rộng, bên kia sông thấp thoáng bóng cờ bay và tiếng
trống tập trận. Bên này sông, cảnh người chạy loạn, trai tráng mang vũ khí cùng đi về phía bờ sông. Một con thuyền nhỏ nằm kẹt ở ghềnh đá. Có tiếng quân Tàu đuổi theo đoàn người chạy loạn.
Thời Gian: Buổi sáng sớm tinh sương.

Mở Màn

(cảnh người chạy loạn nhốn nháo, mẹ con tráng sĩ Hoàng Tâm đi lùi lại phía sau).
Hoàng Tâm (vừa dìu mẹ, vừa chỉ tay về phía trước):

- Thưa mẹ, ráng đi mau chút nữa!
Kẻo nắng lên, giặc đuổi tới nơi đây.
Bên kia sông thấp thoáng bóng cờ bay,
Quân ta đó, theo Hai Bà khởi nghĩa!

Lão Bà (mệt mỏi, chùi mồ hôi trên trán):

- Hai con đi trước đi kẻo trễ,
Mẹ theo sau chặn hậu, không sao.
Thân già này dù tuổi hạc đã cao,
Cũng không ngán lũ tham tàn Đông Hán!
Để mặc ta...

Lan Nương (đi phía sau, vượt lên ngang mẹ):

- Thưa mẹ, giặc đuổi theo đông lắm,
Tiếng kêu la nghe dễ sợ làm sao!
(đưa tay lên tai lắng nghe)
Ô xa xa có tiếng nước dạt dào,
Mẹ ráng lên đi, sắp tới bờ sông đó!

Hoàng Tâm (bỗng reo lên mừng rỡ, chỉ tay về phía sông):

- Kìa lau sậy, một vùng trời rộng mở,
Qua bãi lầy sẽ tới bến đò ngang.
Người người sang sông lớp lớp hàng hàng...
Ta đi mau mau, kẻo không còn cơ hội!

Lão Bà (chùn chân, muốn nghỉ mệt):

- Mẹ mệt lắm rồi, các con đừng nghĩ ngợi.
Mau mau lên đường vì sự nghiệp tiền nhân...
Phận làm trai phải nghĩ đến giang san,
Thân con gái, vẹn chữ tòng muôn thuở.

(khi ba người dìu nhau tới được bờ sông thì không còn ai nữa. Thuyền bè cũng đã biến mất, chỉ còn lại cảnh bến vắng, lau sậy đìu hiu).

Lan Nương (hốt hoảng, kêu lên sợ hãi):

- Dạ thưa mẹ, không còn ai hết cả,
Bao nhiêu thuyền bè, đều đã sang sông.
Chỉ còn chúng ta, với bãi trống đồng không!

(Hoàng Tâm cũng hốt hoảng, chạy tới chạy lui, trong khi Lão Bà ngẩng mặt nhìn trời)

Lão Bà:

- Bãi trống đồng không!
Làm sao ta qua sông?
Phía trước là sóng nước,
Phía sau giặc tràn đồng.
Không lẽ bó tay đành chịu chết?
Để mặc quân thù dày xéo quê hương...

Lan Nương (bỗng phát hiện một chiếc thuyền nan nhỏ kẹt ở cuối ghềnh đá):

- Kìa ...một chiếc thuyền con
Bên ghềnh đá cuối dòng.
Nhưng... con thuyền nhỏ quá,
Đủ hai người qua sông.

Hoàng Tâm (bước tới gần thuyền xem xét, xong trở lại nắm tay Lan Nương)

- Đúng là chiếc thuyền con,
Nhưng có còn hơn không.
Thôi, nàng hãy dìu mẹ
Xuống thuyền mau qua sông.

Hoàng Tâm (tuốt gươm ra, giọng khẳng khái):

- Ta tráng sĩ, hề một gươm liều với giặc,
Đứng trong trời đất, hề không thẹn với non sông!
Mang tâm huyết, phá xích xiềng nô lệ,
Noi gương Hai Bà, giành Độc Lập quê hương!

Lão Bà (đứng dậy lảo đảo, xua tay)

- Không...ta ở lại là hơn!
Tuổi già gần đất có còn bao xa...
Nơi đây, mồ mả Ông Bà,
Ta đâu nỡ bỏ, xót xa cõi lòng.
Hai con hãy mau qua sông
Theo quân khởi nghĩa, dốc lòng vì dân!

Lan Nương (đưa tay chùi nước mắt):

- Xin mẹ đừng phân vân
Mau cùng chàng lên đường.
Để yên lòng tráng sĩ,
Vẹn đôi bề Hiếu, Trung.

(hướng về Hoàng Tâm)

Thương ôi! phận mỏng má hồng,
Thiếp đành lỗi đạo chữ tòng từ đây...!

Hoàng Tâm (tiến về phía vợ an ủi):

- Nàng chớ quá bi ai,
Cũng đừng nên ủy mị.
Toàn dân đang lên đường,
Ngút trời dâng hào khí.
Ta, đấng nam nhi,
Tất nhiên lợi thế
Ở lại đây ngăn chặn quân Tàu.
Nàng và mẹ đi đi,
Ta sẽ sang sau.
Ngày Hội Ngộ, hẹn nhau bên chiến tuyến!

Lan Nương (giọng cương quyết):

- Thiếp không chịu!
Bởi chàng là tráng sĩ...
Đưa mẹ qua sông, phò giúp Hai Bà.
Có ích hơn khi chiến đấu xông pha,
Thiếp ở lại ngăn quân thù, chẳng sợ!

Hoàng Tâm (ngẫm nghĩ, chợt hăng hái):

- Ý nàng đã rõ,
Ta đâu dám ngăn.
Chí nàng đã quyết,
Ai mà dám can!
Hay ta chọn vài đường gươm tỉ thí?

Lan Nương (nhanh nhẩu hưởng ứng):

- Tỉ thí? Hay! Thiếp xin đồng ý.
Hẹn ai thua sẽ đưa mẹ lên đường...
Người thắng cuộc được vinh danh chặn hậu.
Vậy xin chàng cẩn thận,
Đón đường gươm của dòng họ Lan Nương...!

(hai người đấu gươm dành phần thắng. Lão Bà bỗng đứng ra ngăn cản)

Lão Bà (quát vang):

- Các con hãy dừng tay!
Chưa phải lúc so tài.
Giặc thù đang đuổi gấp,
Mau tìm cách đi ngay...!
Ta tức chết,
Hỡi ông Trời oan nghiệt!
Một thuở tung hoành...
Nay phải bó tay.
Các con!
Hãy cùng nhau quì xuống
Nghe lời mẹ dạy đây.

(Hoàng Tâm và Lan Nương vội vàng tra kiếm vào vỏ, quì xuống)

Hoàng Tâm:

- Chúng con thật đắc tội,
Bởi tuổi trẻ hăng say.
Ai cũng mong đánh giặc,
Nên tỉ đấu...

Lão Bà (nói dõng dạc):

- Nghe đây!
Tổ Tiên ta vốn dòng Lạc Tướng,
Phò vua Hùng ra trấn phương Nam.
Đánh Đông dẹp Bắc an dân,
Làm cho khiếp vía ngoại xâm một thời.
Cực chẳng đã, mệnh trời ép buộc,
Nước ta đành Bắc thuộc nhiều năm.
Những tên thái thú sài lang,
Tỉ như Tô Định, tham tàn bất nhân!

Hoàng Tâm (nghiến răng chỉ tay lên trời):

- Dạ thưa mẹ!
Bởi thế, người người đều oán ghét,
Ai ai cũng hờn căm!
Chúng bắt dân lên rừng săn giác,
Xương trắng phơi rải rác rừng sâu.
Bắt dân xuống biển mò châu,
Làm mồi bụng cá...

Lan Nương (mủi lòng):

- Nỗi đau nào tầy!
Chúng còn bắt giết ngài Thi Sách.
Ai không hàng, chém sạch chẳng tha!
Khơi thêm lửa hận...
Hai Bà
Quyết vì nợ nước, thù nhà vùng lên.

(có tiếng quân Nam reo hò vang vọng xa xa bên kia sông)

Lão Bà (nghiêm giọng):

- Con có biết
Mẹ vốn dòng oanh liệt?
Đã cùng cha con
Cung kiếm giữ quê nhà.
(thở dài, ngậm ngùi)
Con còn nhớ
Trước giờ cha sắp mất
Đã trối trăng...

Hoàng Tâm (chắp hai tay đưa lên ngang trán, cung kính):

- Dạ thưa mẹ
“Làm con phải biết Đạo Thánh Hiền”
“Người quân tử tận trung là tận hiếu”
“Tình huống nào, Tổ quốc cũng lên trên”.
(giọng ngập ngừng)
Nhưng thưa mẹ...

Lão Bà (dằn giọng ):

- Không nhưng gì cả...
Nhớ lời cha, hãy báo hiếu cho ta!
Xá chi một tấm thân già,
Tông đường nối dõi, con là đích tôn.

Lan Nương (chắp hai tay cầu xin):

- Xin mẹ cho...

Lão Bà (cương quyết):

- Đây là mệnh lệnh!
Thay lời cha,
Lúc biến phải tòng quyền.

(chỉ vào hai con, dõng dạc)

Nương cờ khởi nghĩa...Đứng lên!

(Hoàng Tâm và Lan Nương cùng đứng dậy nhìn theo tay mẹ chỉ sang bên kia sông.)

Theo Hai Bà...
Hỡi toàn dân diệt thù!

(Trong lúc Hoàng Tâm và Lan Nương đang hướng mặt về phía sông, Lão Bà rút dao tự tử)

Tiếng ngâm hậu trường:
“Hồn nương ngọn gió tàn thu”
“Giúp hai con diệt quân thù từ đây...”

Hoàng Tâm và Lan Nương (cùng quay lại, thấy thế bèn la to sợ hãi ôm xác mẹ):

- Mẹ...Mẹ...Mẹ...!

Hoàng Tâm (đứng vụt dậy):

- Ôi thương thay!
Trung trinh và quyết liệt,
Sinh ly này...tử biệt, sắc là không...
Chúng con xin dốc một lòng
Noi gương nghĩa khí, núi sông dâng mình...!

Lan Nương (gạt lệ đứng lên theo chồng, giọng thờ thẫn):

- Chàng có thấy hiển linh bóng mẹ
Nương cỏ cây khe khẽ gọi mình...

(tiếng Lão Bà vọng lại trong gió)

“Mau lên...đường tới Mê Linh,
Góp công cứu nước, tòng chinh diệt thù!”

Hoàng Tâm (và vợ cùng cúi xuống lạy hai lạy, sau đó kéo vội xác mẹ dấu trong hốc đá):

- Lạy mẹ, chúng con đi...

(bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập nổi lên, tiếng la hét của quân Tàu đuổi tới...)

Lan Nương (hốt hoảng):

- Giặc đã gần kề,
Ta đi kẻo trễ...!

(tiếng ngâm vọng hậu trường)

Ra đi...bái biệt mẹ già,
Bao giờ hết giặc, về nhà khói hương...!

Màn Hạ