+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 7 trên 7

Ðề tài: Chữ Quốc ngữ

Hybrid View

  1. #1
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default Chữ Quốc ngữ

    LUẬT SỬ DỤNG "I" VÀ "Y"

    Nguyễn Phước Đáng

    Bây giờ tôi đọc "y" ra "Y gờ-réc" đàng hoàng, chớ hồi bé bỏng tiểu học tôi đọc nhại theo người lớn là "Y cà-rết".

    Ðọc theo chữ quốc ngữ, đó là "y dài", đối chọi lại với "i ngắn". Người mình quen thấy sao nói vậy, thấy nó dài thì gọi là dài, còn thấy nó ngắn thì gọi là ngắn để phân biệt 2 chữ cái đồng âm dị tự nầy. Người ta từng đặt tên "dê trên" cho "d" và "dê dưới" cho "gi", cũng theo cái thấy “d” viết cao lên trên, và "gi" viết kéo xuống dưới.

    Y dài, i ngắn gây tranh luận triền miên, cho đến nay vẫn chưa phân thắng bại. Phe tự coi là tiến bộ thì thích dùng i ngắn. Chỉ khi nào kẹt lắm mới dùng y dài. Gặp tên vua Bảo Ðại Vĩnh Thuỵ , gặp tên ca sĩ Thanh Thuý , gặp chức vụ Uỷ viên ... họ mới ráng xài y dài, nghĩa là khi nào kẹt gặp chữ có vần hoà âm họ mới lôi y dài ra chịu trận, còn không thì họ xài tuốt luốt i ngắn hết. Thế kỷ , nước Mỹ, ly tách... họ viết thế kỉ , nước Mĩ, li tách... và còn xác định thẳng rằng viết như vậy mới đúng nữa. Hai trường học ở Thị Xã Long Xuyên mang chung một tên, toạ lạc sát vách nhau, một trường tên là cấp 1 Mỹ Long, còn trường kia tên là cấp 2 Mĩ Long. Sau một thời gian, bị nhiều lời đàm tiếu, nói ra nói vào, những người "cấp tiến" sửa lại là "cấp 2 Mỹ Long".

    Như vậy, dùng y dài cũng được, mà dùng i ngắn cũng được!

    Theo tôi, không có luật sử dụng i và y , mà chỉ có một vài qui tắc sử dụng, tuỳ theo suy nghiệm của từng người.

    Một số nhà ngôn ngữ nói rằng "mỗi âm nên biểu thị bằng 1 ký hiệu (chữ cái) thôi". Vậy i và y đồng âm (phát ra tiếng giống nhau) vậy nên dùng i thôi, dùng chi y cho thêm rắc rối.

    Có vị còn phát biểu đến chỗ quá trớn, bảo rằng chữ mây viết mâi cũng đọc ra mây được (đúng với ngôn ngữ học).

    Thực tế thì không đơn giản như vậy. Bây giờ mà bỏ hẳn y thì chữ Việt sẽ rối loạn. Nói vậy, có nghĩa là không thể lấy i thay cho y được. Có nhiều trường hợp, âm i đứng một mình hay đứng cuối chữ thì viết y hay i đều phát âm giống nhau, vậy viết bằng i thì gọn hơn. Tuy nhiên, tính như vậy cũng chưa hẳn là hay, vì xét về ý nghĩa của từng chữ, thì 2 chữ đồng âm dị nghĩa mà có 2 dạng chữ khác nhau thì hay hơn là đồng âm, đồng tự mà dị nghĩa. Nói cách khác, 2 chữ viết khác nhau, có 2 nghĩa khác nhau hay hơn là 2 chữ giống nhau mà có 2 nghĩa khác nhau.

    Thí dụ: Viết lý trí và lí nhí. 2 chữ lý , lí (khác mặt chữ, khác nghĩa) thì hay hơn là viết lí trí và lí nhí (giống mặt chữ, khác nghĩa)

    Giáo Sư Nguyễn Ðình-Hoà không coi y dài là một nguyên âm trong hệ thống mẫu tự quốc ngữ. Có lẽ Gi/s coi y dài chỉ là biến thể của i ngắn.

    Có người còn "lạc đề" khi tham chiếu văn phạm Anh ngữ, coi y là phụ âm. Tôi nói đó là lạc đề, vì nghiên cứu chữ Việt mà lấy chữ Anh vào, để buộc chữ Việt phải như chữ Anh. Những vị nầy nghiên cứu chữ Việt mà lệ thuộc, chịu ảnh hương chữ Anh thậm tệ.
    Tôi để ý thấy có 4 trường hợp y dài thay thế i ngắn:

    1) Thay i ngắn trong chữ có vần hoà âm. (Bắt buộc phải dùng y dài)

    Thí dụ: thuỳ (mị), Tuy (nhiên), suy (nghĩ)... (thu+ỳ , tu+y , su+y ...)

    2) Thay i ngắn khi bán nguyên âm iê đứng đầu chữ.


    Thí dụ: yết (kiến), yến (tiệc), yên (ổn)... Ta viết iết, iến, iên thì phát âm đã đúng với tiếng nói rồi, nhưng qui tắc quốc ngữ buộc khi bán nguyên âm iê đứng đầu chữ thì i phải thay bằng y.

    3) thay i ngắn khi vần xuôi có u ráp với vần ngược hoặc vần hợp âm có i.


    Thí dụ: xuýt (xoa), (họ) huỳnh , (đêm) khuya , khuỷu (tay). Chữ Việt không có vần yt, ynh, ya, yu ..., mà chỉ có vần it, inh, ia, iu ... Khi các vần nầy ráp với vần xuôi có u như xu, hu, khu ... thì i được thay bằng y (xu+ýt , hu+ỳnh , khu+ya , khu+ỷu).

    4) thay i ngắn khi vần xuôi có u ráp với vần ngược có iê.

    Thí dụ: tuyết (trắng), (họ) Nguyễn , thuyên chuyển ... Cũng vậy, chữ Việt không có vần yêt, yên ..., mà chỉ có vần iêt , iên ... khi các vần nầy ráp với vần xuôi có u như tu, ngu, thu, chu ... thì i được thay bằng y (tu+yết , Ngu+yễn, thu+yên, chu+yển...)

    Bây giờ xét qua công dụng của y dài trong việc hình thành chữ viết quốc ngữ đang dùng hiện nay. Nói cách khác, xét về vị trí của y dài trong chữ quốc ngữ, thì y dài có đủ 4 công dụng của 1 nguyên âm:

    1) Y dài đứng một mình tạo được 1 chữ, ghi được 1 lời nói.

    Thí dụ: (Sao) y , ý (kiến)...

    2) Y dài đứng đầu chữ tạo được 1 chữ, ghi được 1 lời nói.

    Thí dụ: (Thương) yêu, (chim) yến...

    3) Y dài đứng giữa chữ, tạo được 1 chữ, ghi được 1 lời nói.

    Thí dụ: (hoa) Quỳnh, (diễn) thuyết, luyện (tập), (họ) Nguyễn...

    4) Y dài đứng cuối chữ tạo được 1 chữ ghi được 1 lời nói.

    Thí dụ: ký (sự), (thủ) quỹ , thuỷ (thủ)...

    Thật là khó khi tranh luận về y dài, i ngắn.

    Lý giải như cách thứ nhì, phân tích thẳng vào thực tế chữ quốc ngữ đang dùng, thì y dài có 4 công dụng y như các nguyên âm a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư , thì nó phải là nguyên âm.

    Lý giải như cách thứ nhứt, xét đến các qui tắc quốc ngữ trước, để chỉ ra rằng có rất nhiều trường hợp y dài chỉ giữ vai trò thay thế i ngắn mà thôi. Các qui tắc đó có thật, mặc dù hầu hết chúng ta không đọc thấy trong văn kiện hay tài liệu nào. Ta biết theo suy luận hợp lý mà thôi.

    Dù quả thật như vậy đi nữa, chúng ta cũng không loại hẳn y dài ra khỏi hệ thống mẫu tự quốc ngữ được:

    1. Không thể lấy i ngắn thay y dài trong các chữ có vần hoà âm được.

    Thí dụ: Tuy (nhiên), khuy (áo)...

    2. Không thể lấy i ngắn thay y dài ráp thành vần hợp âm với bán nguyên âm â được.

    Thí dụ: Ấy (là)..., (hướng) Tây , (đám) mây, thầy (giáo)...

    3. Không thể lấy i ngắn thay y dài ráp với nguyên âm a để tạo thành 1 vần nghiêng qua âm â.

    Thí dụ: dạy (học), (bái) lạy , hay (giỏi), (số) bảy ...

    Vậy ta có lối thoát nào cho vấn đề y-dài-i-ngắn được êm dịu không? Nghĩa là có biện luận nào hy vọng thuyết phục được cả đôi bên không?

    Tôi xin mạo muội nêu ra sau đây đôi điều biện luận về vị trí hay công dụng thực sự của y dài trong chữ quốc ngữ.

    Ðiều quan trọng bậc nhất là: "Y dài không có chức năng tạo vần ngược, cũng như không có chức năng tạo vần hợp âm".

    Tất cả các nguyên âm a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư và bán nguyên âm ă, â, iê, uô, ươ đều ráp được với phần lớn phụ âm để tạo thành vần ngược. Riêng y dài thì không. Chúng ta đâu từng thấy vần ngược yt, yc, yn, ym, ych, ynh, yp ...

    Các nguyên âm a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư đều tạo được vần hợp âm. Riêng y dài thì không. Chúng ta đâu từng thấy vần hợp âm ya, yu.

    Do vậy, ta có 2 hệ quả sau đây:

    1) Y dài không có công dụng đứng đầu chữ:

    (Không tạo ra được vần ngược hay vần hợp âm thì làm sao đứng đầu chữ được?)

    2) Y dài không có công dụng đứng giữa chữ:

    (Không tạo ra vần ngược hay vần hợp âm được thì lấy gì để ráp với các phụ âm phía trước để được đứng giữa?)

    Tuy nhiên, nhóm người sáng tạo chữ quốc ngữ lại đưa ra 2 qui tắc làm cho y dài có cơ hội có được chức năng đứng đầu chữ và đứng giữa chữ. Hai qui tắc đó là:

    1./ Bán nguyên âm iê khi đứng đầu chữ, thì i ngắn phải được thay thế bằng y dài.

    Thí dụ: Ðáng lẽ phải viết iết kiến, iến anh, iên ổn... nhưng ta bị qui tắc trên khống chế, nên phải viết yết kiến, yến anh, yên ổn. Trong trường hợp nầy, nếu không có qui tắc trên, ta viết với i ngắn, khi phát âm, các chữ đó cũng cho ra tiếng nói giống hệt như ta viết với y dài, như hiện nay.

    2./ Vần ngược hay vần hợp âm có i ngắn và vần ngược có bán nguyên âm iê khi ráp với u hay vần xuôi có u thì i ngắn phải được thay thế bằng y dài.

    Thí dụ: Ðáng lẽ ta phải viết: Uình uịch (u+ình, u+ịch) , họ Huình (hu+ình) , họ Nguiễn (Ngu+iễn ), canh khuia (Khu+ia), khuỉu (khu+ỉu) tay... nhưng ta bị qui tắc trên khống chế, nên phải viết: Uỳnh uỵch, họ Huỳnh, họ Nguyễn, canh khuya, khuỷu tay.

    Thật ra quốc ngữ đâu có vần ngược ynh, ych, mà chỉ có inh, ich . Quốc ngữ cũng không có vần ngược yên: Nếu có vần yên , thì ta có thể ráp với các phụ âm khác như vầy sao để thành tạo các chữ: tyên (t + yên) , thyên (th + yên), myên (m + yên) ...? Quốc ngữ cũng không có vần hợp âm ya, yu . Nếu có thì ta có thể viết như vầy sao týa (má), (cây) mýa, (cái) dỹa, (xá)-xýu, nýu (kéo)...? Trong trường hợp nầy, nếu không có qui tắc trên, ta viết với i ngắn, khi phát âm, các chữ đó cũng cho ra tiếng nói giống hệt như ta viết với y dài, như hiện nay.

    Vậy thì, nếu ta vẫn còn công nhận 2 qui tắc trên trong việc sử dụng y dài đứng đầu chữ và đứng giữa chữ, thì y dài có đủ tiêu chuẩn (có 4 chức năng để thành tạo chữ như kể ở trên) để được coi là nguyên âm như những nguyên âm khác.

    Theo tôi, 2 qui tắc trên không cần thiết, nó chỉ tạo thêm ngoại lệ vô ích, vì không cần lấy y dài thay i ngắn, mà chữ viết với i ngắn, khi phát âm cũng chẳng khác biệt với chữ viết với y dài.

    Còn nếu ta gạt bỏ 2 qui tắc trên, thì y dài chỉ còn có 2 công dụng trong việc thành tạo chữ: đứng một mình và đứng sau cùng để thành tạo chữ. Theo tôi, chỉ 1 công dụng "đứng một mình" mà thành tạo được một chữ ghi được một lời nói thôi cũng đủ để y dài được coi là nguyên âm rồi. Các bán nguyên âm ă, â, iê, uô, ươ không có chức năng tiên quyết nầy.

    Bỏ 2 qui tắc trên, ta xoá bớt được ngoại lệ cho i ngắn, y dài. Mà cái gì "ít ngoại lệ chừng nào thì lại hay và tốt chừng nấy" .

    Người xưa ỡm ờ, vừa bóp xiết, giới hạn chức năng của y , lại vừa mở cửa ngách cho y thoát ra, nên gây phiền phức, gây tranh luận trong đám con cháu về chuyện y-dài-i-ngắn triền miên, chưa biết đến bao giờ mới dứt.

    Cho đến nay chưa có cơ quan hay cá nhân nào đủ uy tín định đặt được qui tắc sử dụng "i" ngắn, "y" dài. Phần lớn đang sử dụng theo nếp cũ, coi y dài có 4 công dụng tạo chữ như các nguyên âm khác. Họ dùng y dài nhiều bình thường. Một số khác, được đào tạo từ miền Bắc, và một số ít theo thời, ở miền Nam, lại sử dụng rất ít y dài. Lúc nào kẹt lắm, khi dùng i ngắn mà không thể phát âm ra đúng tiếng nói, thì họ mới dùng đến y dài. Ngoài những chữ có vần hoà âm cần y dài, họ cũng không thể dùng i ngắn trong các chữ có vần ay hay ây. Câu nói:

    - "Miền Tây, dân cày cấy mà hát hò rất hay", đâu có ai viết là "Miền Tâi , dân cài cấi mà hát hò rất hai".

  2. #2
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    LUẬT HỎI NGÃ

    Trong tiếng Việt chúng ta xử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả.

    I. Từ láy và từ có dạng láy:

    • Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nẩy, vất vả...

    • Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã, ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...

    Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:

    ã: - ầm ã, ồn ã
    sã : - suồng sã
    thãi : - thưà thãi
    vãnh: - vặt vãnh
    đẵng : - đằng đẵng
    ẫm : - ẫm ờ
    dẫm : - dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm
    gẫm: - gạ gẫm
    rẫm: - rờ rẫm
    đẫn : - đờ đẫn
    thẫn: - thờ thẫn
    đẽ : - đẹp đẽ
    ghẽ: - gọn ghẽ
    quẽ: - quạnh quẽ
    kẽo : - kẽo kẹt
    nghẽo: - ngặt nghẽo ??
    nghễ: - ngạo nghễ
    nhễ: - nhễ nhại
    chễm : - chiễm chệ
    khễng: - khập khễng
    tễng: - tập tễnh
    nghễu : - nghễu nghện
    hĩ : - hậu hĩ
    ĩ : - ầm ĩ
    rĩ : - rầu rĩ, rầm rĩ
    hĩnh: - hậu hĩnh, hợm hĩnh
    nghĩnh: - ngộ nghĩnh
    trĩnh: - tròn trĩnh
    xĩnh: - xoàng xĩnh
    kĩu: - kĩu kịt
    tĩu : - tục tĩu
    nhõm: - nhẹ nhõm
    lõng: - lạc lõng
    õng : - õng ẹo
    ngỗ :- ngỗ nghịch, ngỗ ngược
    sỗ : - sỗ sàng
    chỗm: - chồm chỗm
    sỡ : - sặc sỡ, sàm sỡ
    cỡm :- kệch cỡm
    ỡm : - ỡm ờ
    phỡn : - phè phỡn
    phũ : - phũ phàng
    gũi : - gần gũi
    hững:- hờ hững

    (Hoàng Phê, 2).


    Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng láy ví dụ như:

    cãi cọ
    giãy giụa
    sẵn sàng
    nẫu nà
    đẫy đà
    vẫy vùng
    bẽ bàng
    dễ dàng
    nghĩ ngợi
    khập khiễng
    rõ ràng
    nõn nà
    thõng thượt
    ngỡ ngàng
    cũ kỹ
    nũng nịu
    sững sờ
    sừng sững
    vững vàng
    ưỡn ẹo


    Cần phải nhớ cãi cọ khác với củ cải, nghĩ ngợi khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.

    Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã. Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:

    Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm (giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ (lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu, hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng, ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn, nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi, lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn, phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu (Hoàng Phê, 3).

    Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn (vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam), hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng.


    Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:

    1. Dấu ngã: đối đãi (từ Hán Việt), sư sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hàn (từ Hán Việt), than vãn, ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ (so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi, ủ rũ . . .

    2. Dấu hỏi: sàng sảy (từ ghép), lẳng lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm hổm, niềm nở, hồ hởi . . . (Hoàng Phê, 4).


    II. Từ Hán Việt:

    a) Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:

    • Ch-: chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
    • Gi-: giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
    • Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển, khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.
    • Và các từ không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

    b) Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là:

    • D-: dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ, dưỡng.
    • L-: lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa, lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
    • M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
    • N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm, ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ, nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
    • V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.

    c) 33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ (đối chiếu với bản dấu hỏi bên cạnh):

    Bãi: - bãi công, bãi miễn.
    Bảo: - bảo quản, bảo thủ. Bão: hoài bão, bão ho
    Bỉ: - bỉ ổi, thô bỉ Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai
    Cưỡng: - cưỡng bức, miễn cưỡng
    Cửu: - cửu trùnh, vĩnh cửu Cữu: linh cữu
    Đãi: - đối đãi, đãi ngộ
    Đảng: - đảng phái Đãng: quang đãng, dâm đãng
    Để: - đại để, đáo để, triệt để Đễ: hiếu đễ
    Đỗ: đỗ quyên
    Hải: - hải cảng, hàng hải Hãi: kinh hãi
    Hãm: - kìm hãm, hãm hại
    Hãn: - hãn hữu, hung hãn
    Hãnh: - hãnh diện, kiêu hãnh
    Hoãn: - hoãn binh, hoà hoãn
    Hổ: - hổ cốt, hổ phách Hỗ: hỗ trợ
    Hỗn: - hỗn hợp, hỗn độn
    Huyễn: - huyễn hoặc
    Hữu: - tả hữu, hữu ích
    Kỷ:- kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ
    Phẫn: - phẫn nộ
    Phẫu: - giải phẫu
    Quẫn: - quẫn bách, quẫn trí
    Quỷ: - quỷ quái, quỷ quyệt Quỹ: công quỹ, quỹ đạo
    Sỉ: - sỉ nhục, liêm sỉ Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ
    Tể: - tể tướng, chúa tể, đồ tể Tễ: dịch tễ
    Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẩn
    Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn
    Tiểu: tiểu đội, tiểu học Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ
    Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh
    Trĩ: ấu trĩ
    Trữ: tích trữ, trữ tình
    Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết
    Xả: xả thân Xã: xã hội, xã giao, thị xã

    (Hoàng Phê, 6-7).


    III. Tóm lại:

    1. Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi. Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã. Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn trong hai câu thơ sau:

    Chị Huyền vác nặng ngã đau
    Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng Anh Tuấn).

    2. Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã, chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).

    • Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

    • Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V, L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên Viết Là Dãu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).

    Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1).


    Tài liệu tham khảo:
    (1) Hoàng Anh Tuấn
    (2) Hoàng Phê, Dấu hỏi hay dấu ngã Trung tâm tự điển học. Tháng 1 năm 1996
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  3. #3
    Tham gia ngày
    Feb 2009
    Đến từ
    Biên Hòa Đồng Nai
    Tuổi
    29
    Bài gởi
    225
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Sao

    Nếu thay chữ y "dài" thành chữ i "ngắn" thì những ai tên Thúy có phần hơi bức xúc.......

  4. #4
    Tham gia ngày
    Nov 2009
    Đến từ
    Gần chợ Hà Đông
    Tuổi
    33
    Bài gởi
    349
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi HảiBình View Post
    Nếu thay chữ y "dài" thành chữ i "ngắn" thì những ai tên Thúy có phần hơi bức xúc.......
    Hiiiii bạn lo xa quá
    Không có gì là khó tưởng tượng !!!
    Để tiếng Việt đẹp muôn đời
    Những ngôn ngữ chat xin mời bỏ qua !!!

  5. #5
    Tham gia ngày
    Oct 2009
    Đến từ
    …NTU…√ø√ïñ@m…ÇLµß…
    Tuổi
    32
    Bài gởi
    3,724
    Thanks
    0
    Thanked 4 Times in 4 Posts

    Default

    Một phần khác trong Tiếng Việt nữa..

    Khi nào thì dùng từ DÀNH và khi nào thì dùng GIÀNH !!

    Từ SÁNG LẠNG hay là XÁN LẠN đúng ??
    Tương lai sáng lạng hay là tương lai xán lạn, câu này không nhiều người hiểu đâu nhé !!
    .

    .

    °¨¨°º"°¨¨°(_.•´¯`•«¤° (¯`♥.N•T•U.♥´¯) °¤»•´¯`•._)°¨¨°"º°¨¨°

    CLB Vovinam ĐH Nha Trang

    ๑۩۞۩๑[♥๑۩۞۩๑ (¯`•♥Mr.Kjm♥•´¯) ๑۩۞۩๑]♥๑۩۞۩๑

    ღღღ____†____*_* ♥ *_*____†____ღღღ




  6. #6
    Tham gia ngày
    Oct 2009
    Đến từ
    Nơi đàn chim én bay ...
    Tuổi
    32
    Bài gởi
    276
    Thanks
    0
    Thanked 2 Times in 1 Post

    Default

    sáng lạn thì phải
    tui toàn viết vậy :D

    còn Y và I tui chỉ chắc 1 điều
    ko có I đứng một mình mà chỉ có Y thôi ( ví dụ: y học)
    còn lại thì ... chịu !!
    em ngược đường ngược nắng để yêu anh
    ngươc phố tan tầm ngược chiều gió thổi
    ngược lòng mình tìm về nông nổi
    phiêu du trôi vô định cánh chim trời...

  7. #7
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default Ðề: Luật Sử Dụng i - y & Hỏi - Ngã

    Sự ra đời của chữ Quốc ngữ




    Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh



    Alexandre de Rhodes
    (1591 - 1660)

    Nguyễn Văn Vĩnh
    (1882 - 1936)

    Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm mãi đến tận đầu thế kỷ thứ 20.

    Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630).

    Ông là người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt
    (nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu tự chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh).


    Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản “Bài giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.

    *** Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta ngày nay gọi là “chữ quốc ngữ” (chữ viết của quốc gia)***

    Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Hà Nội – cái năm thành Hà Nội thất thủ vào tay quân Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn.

    Gia đình Nguyễn Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học.
    Lên tám tuổi, cậu Vĩnh đã phải đi làm để kiếm sống.

    Công việc của cậu lúc đó là làm thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở đình Yên phụ - Hà Nội.

    Vừa kéo quạt, cậu vừa nghe lỏm bài giảng.
    Cậu ghi nhớ mọi thứ rất nhanh và còn trả lời được các câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn đương lúng túng.

    Thầy giáo người Pháp thấy vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền cho cậu vào học chính thức. Năm 14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học, và trở thành một thông dịch viên xuất sắc. Sau đó ông được bổ làm trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh.

    Năm 1906, lúc ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi sang dự triển lãm tại Marseilles. Tại đây, ông được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí.
    Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp.

    Trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự do. Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội, và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Năm 1913 ông xuất bản tờ Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ.

    Ông là người đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩmcủa các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là người đầu tiên dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Pháp. Bản dịch “Kiều” của ông Vĩnh rất đặc sắc vì ông không chỉ dịch cả câu, mà còn dịch nghĩa từng chữ và kể rõ các tích cổ gắn với nghĩa đó - một điều chỉ có những ai am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ Nôm), Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm được.

    Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của ông Vĩnh, đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ quốc ngữ.

    Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ.
    Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ, và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt.

    Ngày 18 tháng 9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc Ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học.

    Như vậy là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.

    Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

    Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình. Ông là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Vì thế chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông.

    Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét.

    Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole. Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và một quyển sổ ghi chép:
    Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp “Một tháng với những người tìm vàng”.

    Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông; con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình, đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt.

    ------ Tôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.

    ------ Lời cảm ơn:
    Tác giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình - nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người đầu tiên kể cho tác giả về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo khoa chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là “gián điệp”, còn Nguyễn Văn Vĩnh là “bồi bút” của Pháp.

    *** Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh, vì những câu chuyện xúc động về cuộc sống và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng như của gia tộc cụ.

    *** Tác giả xin cảm ơn thày Trí - cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh , đồng thời từng là thày dạy toán của tác giả, khi tác giả là học sinh trung học.

    Nguyễn Đình Đăng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts