Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài

50 năm sống với nghề hát

Sau nhiều lần lỗi hẹn với khán giả vì lý do sức khỏe, đêm 2 và 11-1-2009, danh ca Tấn Tài sẽ tổ chức chương trình live show Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài – Đêm tri ân kỷ niệm 50 năm sống với nghề hát tại rạp Hưng Đạo



Doanh thu của hai đêm diễn sẽ dành xây dựng nhà tình thương và trao tặng nghệ sĩ nghèo neo đơn, tàn tật đón Xuân Kỷ Sửu 2009.

Từ sân khấu Bướm vàng đến Danh ca vọng cổ

Kể lại ngày mới vào nghề, nghệ sĩ Tấn Tài cười: “Tốt nghiệp tú tài, tôi giã từ mái trường Long Xuyên về dạy tiểu học tại Núi Sập, Châu Đốc, An Giang. Thời đó tôi muốn hoàn thành ý nguyện của gia đình là nối nghiệp nhà giáo. Bấy giờ, ở địa phương này có hai nhạc sĩ đờn ca tài tử trứ danh là anh Hai Tình và Út Thôi, cả hai anh rủ rê tôi ca và chỉ dẫn tôi ca theo nhịp.

Năm 1959, khi gánh hát Bướm Vàng về hát tại An Giang, tôi được mời lên ca hai bài vọng cổ: Sầu vương biên ải và Viếng mộ chinh phu. Thấy tôi ca được, ông bầu Tha của gánh Bướm Vàng mời tôi về đoàn hát. Máu giang hồ nổi lên, tôi khăn gói theo đoàn hát. Ba má tôi biết con trai mình bỏ dạy đi theo gánh hát đã nhiều lần tìm theo để lôi tôi về, nhưng rồi vài ba bữa tôi lại trốn đi... Cho đến năm 1963, khi tôi được trao HCV Thanh Tâm trên sân khấu Đoàn Thủ Đô, ba má tôi mới chính thức hết giận, vì cho rằng tôi đã không bỏ uổng nghề nhà giáo... Năm nay tôi đã 71 tuổi, nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thấy mình rất hạnh phúc, vì tôi vào nghề không gặp khó khăn, gian truân như các đồng nghiệp, chỉ có bước đầu làm quen với sân khấu hơi bị hụt hẫng vì sự thua kém người đi trước, còn về sau tôi đường hoàng là một kép chánh của nhiều đoàn hát. Cho tới hôm nay, công chúng còn thương tôi, tôi nguyện vẫn còn gắn với sự nghiệp”.

Chất giọng không “đụng hàng

Đối với giới mộ điệu sân khấu cải lương, khi nhắc đến những nét riêng trong việc góp phần tôn vinh bài vọng cổ, người ta vẫn thường nhắc đến danh ca Tấn Tài. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, từng nói: “Anh Tấn Tài xuất thân là một nhà giáo nên cách ca và luyến láy của anh đầy văn học. Chính anh đã góp phần làm sang trọng thêm bài vọng cổ. Về kỹ thuật ca, người trong nghề nói vui với nhau rằng Tấn Tài ca dường như muốn đùa giỡn với dàn đờn.

Bởi, người nghệ sĩ phải nắm vững niêm luật, cách chơi mới dám đùa giỡn với nhịp. Nghe anh Tấn Tài ca cứ tưởng anh sẽ bị rớt nhịp và dàn đờn sắp vớt anh, thế mà không bao giờ anh rớt. Nghe anh ca vọng cổ vì thế mà sướng trong sự cảm nhận, bởi chất nam tính trầm hùng, chất lãng mạn liêu trai như quyện chặt vào bài vọng cổ. Không chỉ là một danh ca có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, anh còn là một đồng nghiệp hòa mình với tất cả các thế hệ.

Chưa bao giờ tôi nghe một ai than phiền về anh, bởi anh sống dung dị, không thích làm mất lòng từ một diễn viên trẻ cho đến những “chiến hữu” đã từng sống với anh qua bao nỗi thăng trầm của sân khấu cải lương. Đứng về mặt người quản lý Hội Sân khấu TPHCM, tôi thấy mình như mắc nợ anh Tấn Tài, vì anh xứng đáng được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú rất lâu, nhưng vì một lý do nào đó mà đến nay vẫn chưa được xét phong tặng. Đối với tôi, anh xứng đáng là một nghệ sĩ nhân dân vì đã góp phần đưa bài vọng cổ với nét độc đáo lan truyền trong và ngoài nước”.

Ông “vua” vọng cổ Viễn Châu nói trong niềm xúc động: “Tấn Tài sống biết người, biết ta, nên bao giờ cũng để lại ấn tượng đẹp đối với những ai đã từng yêu mến giọng ca của anh. Thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, anh là người được báo giới Sài Gòn phong tặng danh hiệu Hoàng đế dĩa nhựa, vì thời đó dĩa của anh phát hành một ngày đã bán gần 1 triệu bản. Phong trào nghe máy hát ở Sài Gòn vào thời gian đó, thì không nhà nào không có dĩa Tấn Tài. Các vai diễn để đời của anh như: Hoàng Sương (Hắc Y nữ hiệp), Điệp Nhứt Lang (Cát Dung phương tử), Hoàng Hoa Lữ (Khói sóng tiêu tương), A Ly Khang (Bóng hồng sa mạc)... và các bài vọng cổ: Nữ sinh Đồng Khánh, Nữ sinh Gia Long, Ai ra xứ Huế, Bông ô môi, Áo em màu tím hoa cà... luôn được người ái mộ sưu tầm”.

Hậu duệ Tấn Beo-Tấn Bo



Trong hai đêm diễn của mình, nghệ sĩ Tấn Tài đã chọn hai con tham gia hai vai diễn cực kỳ duyên dáng bên cạnh cha. Anh cười nói: “Hiếm có gia đình nào ông Tổ lại ưu đãi như gia đình chúng tôi. Thuở tôi được xem là Hoàng đế dĩa nhựa, không có thời gian để đếm tiền vì liên tục giam mình trong phòng thu để đáp ứng lượng dĩa phát hành của hơn 10 hãng dĩa, lúc đó vợ tôi - đệ nhất đào diễn Như Ngọc đã tỏa sáng bên cạnh tôi.

Hai con tôi là Tấn Beo – Tấn Bo sau thời gian lận đận bên ngành diễn viên cải lương, đã chọn sở trường hài kịch để phấn đấu và hai cháu đã nhận được tình thương yêu của công chúng. Cả nhà tôi vì thế rất biết ơn khán giả”. Nghệ sĩ Tấn Beo bộc bạch suy nghĩ: “Ba má tôi thường ao ước có được một đêm diễn mà cả nhà cùng được đứng chung trên sân khấu, thế nhưng năm 2001 mẹ tôi đã qua đời. Ước mơ đó không thực hiện được, nhưng tôi tin rằng trong hai suất hát đêm 2 và 11-1-2009, hương hồn của má tôi sẽ ở đó để xem ba tôi, anh em tôi ca diễn trong tình thương mến của công chúng”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Trích báo người lao động