Lấy chồng từ tuổi... 13

Tục "cướp vợ" của đồng bào Mông ở Sơn La khiến không ít cô bé mới 13-14 tuổi đã bị ép làm vợ, làm mẹ và trở thành lao động chính trong gia đình. Nhiều đôi lấy nhau rồi vẫn "chưa biết làm gì".

Ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên 80% dân số là đồng bào Mông, nạn tảo hôn còn hằn đậm. Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Giàng A Tù (người dân tộc Mông) cũng là "người trong cuộc" của hủ tục này.

Anh Tù kể, là con trai lớn, dưới còn 5 em nhưng lại đông con gái. Năm anh Tù 14 tuổi, bố mẹ cùng nhiều người lớn trong họ đã dẫn anh đi "cướp vợ" về để nhà có thêm người làm. Vợ anh Tù hơn anh 1 tuổi.

Hai năm sau, anh chị sinh con. Chỉ trong vòng 8 năm vợ chồng anh Tù đã có 5 đứa con. Sống với nhau chẵn 10 năm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại lao động vất vả, con cái nheo nhóc, vợ anh Tù đã đổ bệnh qua đời.

Năm 27 tuổi, anh Tù cưới vợ lần thứ hai. Người vợ này lại sinh cho anh thêm 2 đứa con. Năm nay, anh Tù mới 37 tuổi nhưng có 7 đứa con và đã lên chức ông ngoại. Trong đó, tuổi của cháu ngoại anh Tù chỉ kém cậu nó vài tháng.

Anh Tù kể, con gái thứ của anh, cháu Giàng Thị Chả, năm 2002, mới đang học lớp 5 vì đi học muộn (13 tuổi) đã bị "nhà người ta" ở bản Lũng Tan bắt về làm vợ. Năm nay, cháu 17 tuổi, nhưng đã là mẹ của hai đứa con.


Chị Hạn Thị Dua lên chức bà khi mới 35 tuổi. Ảnh: An ninh Thế giới.
Tại bản Mới, vợ chồng Hạn Thị Dua và Mùa A Phình cũng lấy nhau từ năm 14 tuổi. Năm nay, mới 35 tuổi, nhưng họ có 6 người con và đã lên chức ông, bà nội.

Phó chủ tịch HĐND xã Hồng Ngài Giàng A Tủa cho biết, vào mùa "cướp vợ" vừa rồi (thường diễn ra vào dịp Tết âm lịch của người Kinh), xã Hồng Ngài đã chứng kiến 10 cặp vợ chồng tổ chức đám cưới khi đang ở độ tuổi vị thành niên.

Đó là trường hợp của Giàng Ca Xu (14 tuổi) ở bản Hồng Ngài đã được các anh "dìu" đi "cướp" cô gái hơn mình 2 tuổi là Mùa Thị Chua về làm vợ. Đặc biệt là trường hợp của Giàng A Ký (12 tuổi) cũng ở bản Hồng Ngài, vì nhà nghèo, bố mẹ đều ốm nên đã được các bác đưa đến "cướp" cô Thào Thị Khoa hơn tới 6 tuổi về làm "vợ" và làm nương rẫy.

Còn cặp vợ chồng Giàng A Khoa (12 tuổi) và Sùng Thị Dua (14 tuổi) lấy nhau rồi vẫn "chưa biết làm gì". Anh Giàng A Tủa cho biết, tuần trước, anh vẫn còn trông thấy A Khoa đi chăn trâu với đám trẻ, đêm về A Khoa lại ngủ với mẹ, còn Dua theo bố mẹ chồng đi làm nương...

Theo thống kê của Sở Tư pháp Sơn La, trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, tại 10 huyện miền núi của tỉnh, đã có hơn 500 trường hợp vi phạm Luật hôn nhân gia đình, kết hôn chưa đủ tuổi. Riêng ở huyện Bắc Yên, với 60% dân số là người Mông, nạn tảo hôn còn rất nặng nề. Hủ tục này còn ăn sâu bám rễ đến ngày nay vì nó bắt nguồn từ tập tục làm nương của đồng bào Mông.

Với kiểu canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu trồng trọt trên các triền núi cao nên từ lâu phụ nữ Mông trở thành lao động chính trong gia đình. Gia đình người Mông nào có đông người làm có nghĩa là sẽ có nhiều của ăn, của để. Từ suy nghĩ đó, họ rất muốn con trai mình lấy vợ sớm để có thêm người làm, vừa sớm sinh con đẻ cái, có thêm nhiều lao động.

Ngoài ra, quan niệm "trọng nam, khinh nữ" cũng còn rất rõ ở đây. Lấy vợ về là để phục vụ. Người chồng có thể lấy vợ sớm vì có quyền năm thê, bảy thiếp.


Tục cướp vợ của đồng bào Mông. Ảnh: An ninh Thế giới.

Hiện tại một số xã của Bắc Yên, người Mông vẫn duy trì một số tập tục sinh hoạt như vợ không bao giờ được ngồi cùng mâm với chồng. Nếu gia đình nhà chồng có khách, người vợ ấy phải phục vụ thâu đêm, suốt sáng cho đến khi tiễn khách ra về. Họ chỉ được ăn những đồ còn sót lại.

Anh Giàng A Tủa, Phó chủ tịch HĐND xã Hồng Ngài kể, xuất phát từ hủ tục "cướp vợ", nhiều gia đình cô gái cho rằng bị mất con. Đặc biệt, khi về nhà chồng, các cô gái phải lao động vất vả, lại không được đối xử tử tế nên đã có nhiều gia đình đến tận nhà thông gia "kéo" con gái mình về. Kết quả là gây ra mâu thuẫn giữa hai gia đình, hai dòng họ, gây mất trật tự thôn, bản.

Tại xã Hồng Ngài, đã có những cặp vợ chồng "trẻ con" thường hay cãi nhau vì chuyện... con trẻ. Bố mẹ chồng thì lại hay bênh con đẻ của mình nên cô gái uất ức quá tìm lá ngón... tự tử.

(Theo An ninh thế giới)