Người Chăm mở lễ hội Katê
(VietNamNet) - Katê, di sản văn cấp quốc gia vừa chính thức khai mạc, mở màn lễ hội văn hóa lớn nhất trong năm của người Chăm Ninh Thuận.


Lễ được bắt đầu bằng đám rước y trang hay còn gọi là lễ trình diện áo quần, nữ trang… của vua chúa và các vị thần mà dân tộc Raglai và Chăm Ahier còn cất giữ để đưa về 3 nơi tổ chức Katê cùng ngày, cùng giờ: Tháp Pô Klaong Garai ở thôn Đô Vĩnh, đền Pô Inưgar và Pô Ina Nagar ở Phước Hữu.

Tuần tự tiếp theo Katê được tiến hành thêm 3 lễ: Mở cửa tháp, mộc dục (tắm tượng thần Siva và tượng vua trong tháp) và lễ mặc y phục.

Katê được tổ chức trong 3 ngày nhưng thực tế nó thường được kéo dài cả tuần lễ để bà con người Chăm vui chơi giải trí và cầu cho một năm mùa màng tốt tươi.



Sau khi làm lễ ở đền tháp, Katê được đưa về gia đình để các gia đình, dòng tộc tổ chức lễ cúng. Mọi thành viên viên trong gia đình sum họp, ngồi quay quần bên hương hồn tổ tiên và chúc nhau những điều tốt lành.


Katê được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 Dương lịch), là một lễ hội đặc sắc nhất của cộng đồng Chăm. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ các vị Nam thần, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ tì cho con người. Qua một chặng dài lịch sử, Katê là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa Chăm đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trên dặm đường lịch sử của mình.

Lễ hội Katê mang nhiều yếu tố đối lập của cấu trúc lưỡng hợp: màu sắc, nghi lễ, hội hè... từ đực-cái, ngày – đêm, sáng – tối. Tất cả đều thể hiện ước vọng phồn thực trong sự liên kết lứa đôi, hầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi và mùa màng tươi tốt của cư dân nông nghiệp.

• Minh Cường