Kẻ Không Nhà

Lê Bình

Cali Today News - Vào những buổi chiều tối trước các vỉa hè các quán ăn Việt trong khu phố Việt có thể người ta nhìn thấy một vài thanh niên, quần áo xốc xếch, dơ bẩn ngồi bó gối, hoặc đứng lang thang đâu đó đợi người đi qua và đưa tay xin tiền. Đó là những người vô gia cư, homless. Họ là người Việt.

Cuộc sống tha phương của người Việt sau 33 năm thành công rất nhiều; người Việt thành đạt trên nhiều lãnh vực từ học đường đến thương trường và chính trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhìn thấy có không ít những người thất bại, và thậm chí có những kẻ không nhà. Không có thống kê nào ghi nhận con số người Việt vô gia cư, nhưng thực tế là có.

Họ sống như thế nào? Ăn và ở đâu? Đố ai biết.

Cách đây hơn 10 năm, con suối Coyote dọc theo đường Senter Rd từng là nơi trú ngụ của ít nhất là 10 người vô gia cư. Họ sống dưới những mái lều camping tents, hoặc sống trong hốc cây, bụi rậm với vài miếng giấy bìa cứng làm nhà bên cạnh những chiếc shopping cart chứa đựng “gia tài” của họ.

Ban ngày họ lang thang đi xin ăn, và ban đêm trở về nơi “tổ ấm”.

Làm sao họ trở nên một kẻ không nhà? Nhiều lý do, trong số này, có người bị bệnh tâm thần, có người bỏ nhà ra đi để khỏi bị đánh đập, có người vì hoàn cảnh không may, hoặc gia đình ly tán, hoặc phạm tội bị tù, ra khỏi tù là mất luôn nơi trú ngụ….. Điều ngạc nhiên là tuổi đời của họ còn rất trẻ, có sức khỏe…nhưng họ không có việc làm.

Cái vòng lần quẫn như thế nầy đã xảy ra: Muốn có việc phải có chỗ ở, có số điện thoại và điạ chỉ…không có những chi tiết này là không thể xin việc làm…và nếu không có việc làm thì làm sao có nơi ở, có điện thoại, có xe…v.v. Cứ thế họ đã lún sâu vào con đường “vô gia cư”.

Một người sống lang thang trên lề đường mơ ước điều gì? Như tất cả mọi người bình thường khác; họ mơ ước một mái nhà? Nhưng xa vời quá. Một cái giường êm ấm? Vẫn còn xa. Và bây giờ cái gì với họ cũng là mơ ước... Nhưng trước hết, thiết thực nhất là chén cơm, manh áo, một chỗ để tắm giặt. Làm sao có khi cái vòng lẩn quần: Nhà, việc và việc, nhà; cái nầy liên đới và sanh ra cái kia?
Ở đâu trên nước Mỹ này có một chỗ chuyên lo những điều như vậy cho những kẻ không nhà? Thưa có. Sở xã hội lo cho họ. Có những shelter, những nhà ăn miễn phí…Nhưng lo làm sao cho hết, và có chắc gì những kẻ không nhà gốc Việt biết thủ tục, đủ ngôn ngữ để vào? Và cũng còn nhiều lý do ẩn khuất khó biết.

Những câu chuyện của họ kể không biết thế nào. Một người thanh niên ở góc đường Levis-Senter bước đến gần một người đàn ông đang hút thuốc ngữa tay:
- “Anh có tiền cho em mấy đồng?’

Người đàn ông im lặng bỏ đi, người thanh niên tẻn tò lảng đi nơi khác. Hỏi anh ta thì anh ta kể (đại khái là) :
- Em có nhà, có việc làm nhưng con vợ em nó có bồ khác nó đòi ly dị và em buồn đi cờ bạc, uống rượu bị bắt và em mới ra tù…em mất nhà…

Hỏi có con chưa? Có, có 2 con. Có về thăm con không? Thỉnh thoảng. Hỏi bây giờ làm nghề gì, ở đâu. Chàng thanh niên cười buồn bả bỏ đi chỗ khác.

Một thanh niên khác, trẻ tuổi, đứng ở góc đường Tully-King hay xin tiền những khách hàng Việt ra vào khu vục nầy. Ít nói, hay cúi gầm mặt xuống, hoặc ngồi co ro bó gối trên vỉa hè trong khu shopping hỏi không trả lời. Một thanh niên khác có mặt trong bữa ăn “những kẻ không nhà” tại nhà ăn xã hội trên đường Mongomery thì kể câu chuyện khác.

Có rất nhiều câu chuyện, nhiều nguyên nhân đưa đến kiếp sống không nhà. Có người cũng “lạc quan” lắm:
- “Sống nay đây mai đó, vui thì ở đây buồn thì đi…”

Đi đâu? Cũng chẳng biết, đã là kẻ không nhà thì còn cần gì tương lai. Có người còn lo sợ có người đến hỏi han, họ lo sợ bị bắt vào shelter.

“Với người vô gia cư thì đâu cũng quen mà đâu cũng lạ. Chỗ nào cũng có thể thành nhà, chỗ nào cũng có thể bị xua đuổi. Ai cũng có thể giúp đỡ, ai cũng có thể đe dọa... “ Một người nói như vậy.

Người vô gia cư bản địa (nghĩa là người Mỹ) thì “sang trọng” hơn. Họ đứng ở các ngã tư đuờng, những nơi ra vào xa lộ và cầm miếng bảng bằng giấy cứng trên ghi dòng chữ “Homless, need help” hoặc có những dòng chữ khá độc đáo“I don’t lie, I want beer”. Có những người còn nuôi cả chó, hoặc dắt cả gia đình vợ con nheo nhóc ra đường cầm bảng.

Trong các câu chuyện về những kẻ không nhà, lý do không nhà có câu chuyện của ông Ted Ngoy là nổi tiếng hơn cả. Đó là nhà triệu phú, mê cờ bạc biến thành kẻ không nhà. Ông Ted có câu chuyện tình rất diễm lệ và rất “Trương Chi”.

Sự nghiệp và chuyện tình ái của ông là một chuyện tình diễm lệ không có hậu. Nhân đây kể lại để biết con người ta có số.

Tên ông là Bun Ted Ngoy. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo tại một làng quê, gần biên giới Miên - Thái Lan. Ông được gửi đi học ở thủ đô Phnom Penh, ông yêu say đắm một cô gái xinh đẹp, tên Suganthini Khoeun, trong một gia đình hoàng tộc Miên. Ông Ted trọ trên một căn gác cách nhà cô không xa, Ted Ngoy tuyệt vọng trong mối tình đơn phương. Một đêm nọ, anh ta nghĩ ra một cách là trèo lên nóc nhà ngồi thổi sáo (Chắc Trương Chi tái sanh?) nhiều đêm như vậy trôi qua hi vọng một ngày nào đó cô gái sẽ để ý. Một ngày nọ (Chắc chịu hết nổi) anh làm liều viết lá thư nhờ gia nhân của cô làm chim xanh. Chó ngáp nhằm ruồi, có thư trả lời. Từ đó hai người bí mật trao đổi thư từ cho nhau.

Vào một đêm mưa tầm tã, Ted Ngoy trèo lên cây sát bờ tường nhà cô gái (như Romio- Juliet) nhảy vào. Anh ta tìm được phòng cô, cô gái mở cửa, và họ ở đó 45 ngày. Ban đêm anh ta lại cõng cô gái trèo tường xuống đường, hai người dạo phố Nam Vang cho đến gần sáng mới trở về. Một đêm nọ, họ quì bên nhau cầu nguyện trời cao chứng giám. Hai người cắt tay nhỏ máu ăn thề mãi mãi yêu nhau.

Rồi một ngày mối tình vụng trộm của họ bị phát giác, anh rút dao tự sát, còn cô gái uống thuốc tự tử. Xúc động trước mối tình của họ, cha mẹ cô gái đã chấp thuận cho họ thành hôn.

Năm 1975, Ted đưa vợ và ba đứa con sang Mỹ. Ông Ted làm Janitor trong một nhà thờ tại Tustin, nam Cali. Sau nhiều năm quần quật ông ta mua lại tiệm Christy's Doughnuts và đi lên không ngừng. Ông mở thêm nhiều tiệm và nhanh chóng lan rộng khắp nơi thành 60 tiệm hoặc hơn. Giữa thập niên 1980, ông đã trở thành triệu phú. Ông tham gia Đảng Cộng hòa và vận động cho cựu tổng thống George H. Bush khi ra tranh cử. Ông giao tình mật thiết với cựu tổng thống Reagan và Nixon.

Sau đó ông đam mê cờ bạc, bán sạch cửa nhà. Năm 1990 ông lên Washington DC và vào chùa đi tu. Cạo đầu, mặc áo cà sa. Sau đó đến Thái Lan tu ở một ngôi chùa nhỏ ở miền quê, ôm bình bát đi khất thực với những nhà sư khác.

Nhưng ánh đèn ở Las Vegas réo gọi. Ông bỏ tu trở lại nam Cali. Tài sản của ông lúc đó gần như tiêu tan. Ông tham gia chính trị, trở về Miên lập Đảng Cộng hòa. Đảng của ông thất bại cả hai cuộc bầu cử vào quốc hội năm 1993 và 1998, nhưng Thủ tướng Hun Sen vẫn mời ông làm cố vấn về thương mại và nông nghiệp. Do thân cận với Đảng Cộng hòa Mỹ, ông ảnh hưởng trong việc vận động Hoa Kỳ trao qui chế tối huệ quốc cho Miên vào năm 1995.

Năm 1999, ông có bồ nhí, vợ ông ly dị. Năm 2002 thất bại trên chính trường, Ted trở lại Los Angeles, bỏ lại bà vợ mới và hai đứa con thơ.

Ông trở thành homeless, may nhờ có một tín hữu Tin lành cho ông tá túc ở mái hiên bên ngoài mobile home của bà. Gia tài của ông là mấy cái áo và vài cái quần.” Câu chuyện của Ted được báo chí Mỹ đăng tải một thời.

Âu cũng là cái số. Cứ cho như vậy đi.

Dù bất cứ lý do gì để trở thành homless, kể cả lý do lười biếng…người không nhà đều đáng thương.

Tất cả con người khi sanh ra trên đời đều mong ước được hạnh phúc. Thất cơ lỡ vận lâm vào cảnh nghèo túng, thậm chí là kẻ không nhà…Thì cũng là con người mà thôi. Nếu tin có số, có nhân quả, có tội tổ tông truyền. Hãy cứu kẻ nghèo đói, cho kẻ khát uống cho kẻ đói ăn…là đều nên làm.

Tháng này là Tết Trung Thu, vừa qua tháng 7 Vu Lan báo hiếu. Mong cho mọi người dều hạnh phúc.

Lê Bình