Đoàn lân Phù Đổng thành lập đến nay đã được 19 năm. Những thành viên đầu tiên của đoàn mặc dù còn rất trẻ đều là các đàn anh, đàn chị khét tiếng ở khu vực quận 6 lúc bấy giờ. Đến nay, các võ sinh đang tập luyện và biểu diễn cho đoàn lân cũng là những trường hợp tương tự.

Các bạn sinh hoạt tại đây đều là những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nghỉ học để bươn chải phụ giúp gia đình, hoặc bản thân các bạn cũng đã từng rất “hư hỏng” với bảng dày thành tích tụ tập ăn chơi, gây gổ, đánh nhau. Thế nhưng khi đến với đoàn lân Phù Đổng, sau một thời gian học võ, tập lân dưới sự dìu dắt của anh Phước cùng các anh đi trước, bạn nào cũng tiến bộ một cách rõ rệt và đáng ngạc nhiên.

Các bạn nam ngồi làm lân

Biểu diễn nội công: lăn quả cầu bê tông qua 2 người nằm trên bàn chông của 2 bạn sinh năm 1992

Bạn lớn nhất trong đoàn lân bây giờ là Bùi Chí Trường chỉ mới sinh năm 1988 thôi (choáng nhỉ!), còn lại đều là các bạn sinh từ năm 1990-1992.

Trường là con trai út của Bùi Chí Thành (tự Năm Trừ) là một “đàn anh” khét tiếng một thời của Sài Gòn.Lên 12, 13 tuổi, Trường cũng đã nổi danh như cha với tài đua xe, tụ tập băng nhóm, sẵn sàng lao vào đánh đấm không thương tiếc ai.

Nhưng ba Trường đã quyết tâm gởi gắm Trường vào đoàn lân Phù Đổng với mục đích cho Trường theo con đường võ nghiệp chính đạo, để Trường không phải giống cha.

Được anh Phước chỉ bảo, uốn nắn, dạy cho từng thế võ hay, từng đường quyền đẹp, Trường đã dần dần mê võ hơn đám bạn hư, từ bỏ hết những tật xấu để đi theo đoàn lân. Đến nay là đã 6 năm Trường đi theo đoàn Phù Đổng, và bạn ấy đang là Phó đoàn rồi đó.

Vinh (1991) đã nghỉ học từ năm lớp 8, chỉ vì gia đình khó khăn, không thể theo đuổi việc học. Ngày trước, Vinh đi bán vé số kiếm từng đồng phụ cha mẹ, nhưng khi vào đoàn lân, anh Phước đã giúp đỡ cho Vinh tìm được một công việc mới.Hiện nay Vinh đang làm công nhân tại một xưởng sản xuất đồ nhôm, lương không cao lắm, nhưng cũng đủ cho Vinh trang trải cho cuộc sống tự lập và giúp đỡ gia đình.

Tùng (1992) là một ví dụ khác. Khoảng 5 năm trước, Tùng đã từng làm gia đình đau lòng biết bao khi bỏ học theo bạn học đòi ăn chơi, phá phách, đánh nhau. Nhưng từ khi theo anh Phước học võ, rồi dần dà lên đai, được cho vào đội lân, Tùng đã chuyển đổi hẳn tính nết. Đoạn tuyệt với đám bạn hư hỏng, Tùng bắt đầu làm lại cuộc đời bằng cách quyết tâm tiếp tục hoàn thành việc học. Hiện nay, Tùng chỉ mới đang học tiếp lớp 6 ở trung tâm giáo dục thường xuyên Chi Lăng( Q.6), khi được hỏi đến thì “anh chàng” cũng khá ngượng ngùng vì học trễ đó! Tuy khá muộn để bắt đầu lại, nhưng với ý chí và sự chuyển biến đáng khen ngợi ở Tùng, tin chắc rằng bạn ấy sẽ có một tương lai thật tươi sáng, đúng không?


Múa lân – khó hay dễ?


Đừng nghĩ ai muốn vào đoàn lân cũng được nha! Nghe những quy định của anh Lê Đình Phước – trưởng đoàn lân mà choáng váng luôn đó.

Đầu tiên, bạn phải học VoViNam (Việt Võ Đạo) để có được những bước căn bản nhất về sức khỏe, về các thế võ mà đoàn lân sử dụng. Ngoài ra, bạn còn phải học kèn, học trống để có thể biết nhịp đi, múa của lân, của rồng.

Học võ và kèn ít nhất là 2 năm, nếu đạt được tiêu chuẩn nhất định do Đoàn lân đưa ra thì bạn sẽ được vào đoàn lân, kèm theo điều kiện là gia đình đồng ý và viết bảo lãnh cho bạn.

Chưa hết nha, nếu đã ở trong đoàn lân rồi, thì các buổi tối trong tuần , trừ chủ nhật ra, bất kể trời nắng hay mưa, bạn đều phải đến đoàn lân để tập võ, tập múa. Nắng thì tập ngoài trời, mưa thì tập trong nhà, đều đặn 6 buổi/tuần.

Lý do cho chế độ luyện tập khắt khe này, theo anh Phước là: “Các em trong đoàn lân có hòan cảnh xuất thân rất đặc biệt, nếu không nghiêm khắc, kỷ cương, các em dễ sa vào chốn ăn chơi, rồi lại hư hỏng cuộc đời. Các buổi tối anh đều cho các bạn tập võ, tập lân đến gần 10h mới về, tập cả buổi tối thấm mệt, ra về là chỉ muốn lên giường nằm ngủ, đâu còn sức đâu mà tụ tập với nhau phá phách!”

“Đám ma mời, anh cũng cho các bạn đi”


Đoàn lân Phù Đổng không giống những đoàn lân khác, vì hoàn toàn không có nhà tài trợ, cả đoàn lăn xả hoạt động để có thể duy trì được chính đoàn lân của mình. Ngoài múa lân, rồng, những bài thi triển nội công như đập khối gạch, đi trên bàn chông..của các bạn đã kéo người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Bạn Tính( đai vàng) đang hướng dẫn cho các “học trò” của mình môn đối kháng
Nhưng cũng rất ít người biết rằng chính những cậu nhóc 15,16 tuổi đầy sức khỏe và võ nghệ đó sau khi biểu diễn xong lại khoác lên mình bộ đồng phục của đội kèn để đi…thổi kèn cho cả đám ma kiếm thêm thu nhập cho đoàn lân.

Anh Phước kể: “Đội trống, kèn đã đi biểu diễn khá nhiều nơi, ngay cả trong SeaGames 22 cũng tham gia đón tiếp Đoàn nước ngòai, đạt nhiều giải cao ở các cuộc thi. Nhưng để có thể duy trì được nguồn kinh phí hoạt động cho cả Đoàn lân, thì đám ma mời anh cũng cho các bạn đi. Mình làm việc đàng hoàng, đạo đức, mấy đứa nhỏ ăn mặc chỉnh tề, lại hiền lành, bà con ai cũng thương, mắc gì mà nề hà!”.

Vừa để tiết kiệm chi phí, lại vừa tạo việc làm cho các bạn, đoàn lân còn nhận gia công làm lân – rồng để bán. Những ngày nghỉ, các bạn tụ tập nhau lại để vót tre, uốn đầu lân, rồi đắp giấy, tô vẽ, gắn lông… Nhìn những đầu lân to, đẹp thế này, bạn có nghĩ bàn tay làm nên nó là của những nam võ sinh không?

Thầy giáo tuổi teen!


Các bạn trong Đoàn lân còn là những thầy dạy võ rất oai nữa đó nha. Lớp học VoViNam của đoàn bắt đầu vào lúc 6h chiều, môn sinh thì các bé nhi đồng cũng có, các bạn học sinh, sinh viên cũng có, mà các bác lớn tuổi cũng có luôn. Mấy bé từ 5- 10 tuổi là khó dạy nhấtvì còn nhỏ nên không hiểu hết bài giảng, chân tay cứ đá đấm lung tung.

Trong giờ giải lao cũng nhí nhảnh và tinh nghịch như bao bạn teen khác!
Vậy mà mấy bé được cưng lắm, thầy cột đai cho đúng, cho đẹp dùm nè, học trò mà té đau thì thầy xuýt xoa hoài thôi, học xong mệt quá, mấy thầy thay nhau cõng các bé xuống hết 3 tầng cầu thang, khi nào lỡ miệng la to quá bé mếu là lập tức tới dỗ liền, cứ như bảo mẫu thứ thiệt vậy đó!

Việt Long (1991) chia sẻ: “Mỗi lần làm gì sai, anh Phước giận, mắng rồi phạt không cho dạy nữa. Nhìn học trò nhí của mình bị chuyển sang lớp khác hết cho người khác dạy, mình chỉ được đứng trong ngó ra, thấy khó chịu sao sao đó. Mà nhớ mấy đứa nhỏ nữa! Nên ít ai dám phạm lỗi lắm, tại sợ…không được dạy võ!”.

Tập lân, tập múa rồng, chấn thương là điều không tránh khỏi. Vinh cho biết trường hợp bị nhiều nhất là trật gân tay, chân, đều được chính tay anh Phước chữa trị, xoa bóp, còn nếu bầm tay tím chân thì nhiều không kể hết. Nặng hơn là gãy xương, và có cả đổ máu khi rơi trên dàn trụ nữa, các bạn đều phải vào bệnh viện để băng bó, chữa trị.

Thế nhưng không có một đau đớn nào ngăn được lòng đam mê của các chàng trai “Phù Đổng”, bị đau không được tập vài ba hôm là thấy ngứa ngáy chân tay, bứt rứt không yên, bởi lẽ “ tập lân hoài là bị ghiền luôn, ngồi yên thấy khó chịu lắm!” .

Bây giờ, đoàn lân sư Phù Đổng đang rất bận rộn với lịch diễn dày đặc trong dịp trung thu tại các khu vui chơi giải trí, các đêm văn nghệ trung thu ở các khu phố. Các bạn nếu thấy một đoàn lân nào toàn các bạn teen và biểu diễn thật cừ, thì đó chính là đoàn Lân sư Phù Đổng đó.


Link nguồn : http://kenh14.vn/home/20080912053911...-tuoi-teen.chn