PHÉP BỎ DẤU HỎI-NGÃ TRONG TIẾNG VIỆT &
VIỆT NGỮ HỎI NGÃ TỰ VỊ


ĐINH SĨ TRANG

TÁI BẢN NĂM 2003

LỜI NÓI ĐẦU


Người Việt Nam chúng ta, mỗi khi có dịp so sánh tiếng Việt với một ngôn ngữ khác, thường tự hào về ngôn ngữ của mình vì nhiều lý lẽ:

1. Tiếng Việt phong phú, dồi dào.

2. Nhờ tiếng Việt viết theo lối chữ La Mã (a, b, c) nên có thể xử dụng những kỹ thuật tối tân của ngành điện tín và truyền thông mà các nước văn minh tân tiến đang có sẵn, trong khi các quốc gia có chữ viết khác hơn chữ La Mã như Trung-Hoa, Ấn-Độ, Nhật-Bản, Đại-Hàn và các quốc gia thuộc khối Ả-Rập, không được sự tiện lợi nói trên.

3. Văn phạm của tiếng Việt tương đối đơn giản hơn văn phạm của nhiều ngôn ngữ khác.

4. Chánh tả của Việt ngữ không thay đổi, không tùy thuộc vào những chữ đứng cạnh, cho nên không cần phải viết khác đi mỗi khi gặp số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, như Pháp ngữ hay Anh ngữ.

5. Phương pháp phát âm của tiếng Việt đơn giản và nhất định, không có nhiều ngoại lệ, không viết một đàng đọc một nẻo như một số ngôn ngữ tây phương. Cho nên bất cứ ai biết đánh vần Việt ngữ, là đọc được tiếng Việt, không sai trật.

Phần đông người Việt chúng ta rất hãnh diện về ngôn ngữ của mình, có lẽ tại vì đó là tiếng mẹ đẻ, nói ra là hiểu liền, nên cảm thấy tiếng Việt sao mà dễ quá, rõ ràng quá, hay quá!

Và cũng vì lạc quan như thế, nên ít người chịu để ý đến những qui lệ căn bản về sự kết cấu của các âm thể, về cách biến đổi của tiếng Việt theo một tiến trình mạch lạc - mà suy cho cùng - không hẳn là đơn giản như nhiều người đã tưởng.

Đối với các nguyên tắc và qui lệ căn bản nói trên, thông thường chỉ các nhà văn, nhà giáo, các học giả, hoặc những người nghiên cứu Ngữ-học mới lưu tâm đến mà thôi, còn phần đông quần chúng thì tự thấy không có nhu cầu tìm hiểu hay phải học những nguyên tắc nầy.

Đó cũng là lý do mà sách vở và tài liệu có liên quan đến vấn đề CHÁNH TẢ VIỆT NGỮ không thấy có nhiều trên thị trường sách báo Việt nam.

Ngay như chúng tôi, khi muốn học viết cho đúng dấu Hỏi Ngã, đã nhận thấy sách dạy Cách Bỏ Dấu Hỏi Ngã rất hiếm trên thị trường hiện tại là một điều trở ngại, nên đã tận lực tìm kiếm tài liệu để học hỏi hầu bổ cái sở khuyết của mình. Nhân đó, chúng tôi mới nghĩ đến việc đem những điều mình đã nghiên cứu và học được mà cống hiến cho đồng bào, chỉ ước mong có thể giúp được những người đã từng cảm qua cái nỗi khó khăn như mình, và tiếp tay quý vị giáo viên để giảng dạy cho học sinh, đồng thời cũng giúp được những bậc phụ huynh hằng lưu tâm đến vấn đề trau giồi tiếng Việt cho chính mình cũng như cho con cháu mình.

Mặc dù không phải là một nhà Ngữ-học chuyên môn, nhưng vì nhiệt tâm nên chúng tôi mạo muội soạn quyển sách nhỏ nầy, chắc không khỏi còn có chỗ thiếu sót hoặc sai lầm, mong quý vị độc giả vui lòng thể lượng cho và bổ khuyết giùm, chúng tôi thật là vạn hạnh.

Brisbane, Úc Châu,
Xuân Quý Dậu, 1993.
L.s. Đinh-sĩ-Trang

-ooOoo-