Trương Vĩnh Ký - Nhà bác học

(Tưởng nhớ ngày mất của Nhà bác học Trương Vĩnh Ký 1-9-1898)

Sinh thời, trước khi mất, Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) có để lại một bài thơ “Tuyệt mệnh” cho chúng ta thấy được ít nhiều tâm sự cuối đời của ông:

“Quanh quanh, quẩn quẩn lối đường quai.
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời!
Học thức gửi tên con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn lũ kiến men chân bước,
Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.



Trên nhà mồ của ông, ở một góc ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, quận 5 (Chợ Lớn), thành phố Hồ Chí Minh, ai qua đường nếu chú ý, còn thấy ghi một câu: “MISEREMINI MEI SALTEM VOS AMICI MEI” (Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi).

Điểm qua cuộc đời của Trương Vĩnh Ký, chắc ai cũng thừa nhận một số nét lớn: ông là người toàn tài, lúc nhỏ học đâu nhớ đó; ông có một năng khiếu ngoại ngữ gần như “siêu hạng”, không biết bao lâu chúng ta sẽ có được người giỏi ngoại ngữ như ông? Ông biết rất nhiều ngoại ngữ (con số không chính xác, nhưng được thống nhất thừa nhận khoảng 25, 26 ngoại ngữ, trong đó có 15 ngôn ngữ phương Tây; 11 ngôn ngữ phương Đông). Ông là người Việt giữ nhiều kỷ lục về “cái nhất, cái đầu tiên”, như: Chủ bút tờ “Gia Định báo”, Thầy “dạy ngoại ngữ cho các quan Tây”, “người có công đầu trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ”, “Người Việt duy nhất nằm trong nhóm “Thập bát anh hào” thế kỉ XIX”; “Thành viên Việt Nam của nhiều hội khoa học châu Âu thời bấy giờ”, sáng tác của ông cũng đáng được kính nể trên phương diện nhà “vô địch” (số lượng), còn lĩnh vực am hiểu thì hết sức “uyên bác”. Sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký đã góp công lớn cho sự phát triển văn hóa Việt Nam và thế giới...

Có một điều, người ta không thống nhất được với nhau: cộng tác với Tây thì tốt hay xấu? Đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, hợp tác làm việc với Tây là cần ở thời buổi ấy, hay chọn sự nghiệp đấu tranh, bất hợp tác là quan trọng hơn...

Hiện nay, tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đã có đường mang tên Trương Vĩnh Ký, và có một số ngôi trường được đặt tên Trương Vĩnh Ký. Tại quê hương ông ở Cái Mơn – Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, người dân còn để tượng thờ ông. Điều này, chứng tỏ lãnh đạo và người dân ở một số địa phương trên đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của Trương Vĩnh Ký trong đời sống xã hội.

120 tác phẩm của Trương Vĩnh Ký để lại đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nước nhà, trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898) hoạt động văn hóa của ông. Đó là một tài sản đồ sộ, vô giá (những hiểu biết về văn hóa, khoa học ở nhiều lĩnh vực) mà chúng ta không thể phủ nhận, hoặc chối bỏ công lao của Trương Vĩnh Ký được.

Sự nghiệp cầm bút của Trương Vĩnh Ký đồ sộ, phong phú, đa dạng, gồm nhiều địa hạt như: triết học, văn học, sử học, địa lý... Riêng về ngành ngôn ngữ học, ông đã viết nhiều sách dạy tiếng Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Ấn Độ... chứng tỏ ông là nhà thông thái hiếm có.

Điều mà mọi người có thể thống nhất được với nhau khi nhận định về Trương Vĩnh Ký: ông là một nhà văn hóa lớn không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn mang tầm vóc thế giới. Cuộc đời hoạt động khoa học, văn hóa của ông xứng đáng là tấm gương soi cho mọi người học tập.


Nhà tưởng niệm và là nơi an nghỉ của Trương Vĩnh Ký ở Quận 5 – TP Hồ Chí Minh.

Chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu mở đầu cho Hội thảo Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký trong công trình “Nam Bộ nhân vật chí - Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký” (Nhà xuất bản Trẻ và Tạp chí Xưa và Nay, năm 2002) khẳng định: “Cho tới nay, đã trên 100 năm trôi qua kể từ ngày Trương Vĩnh Ký nằm xuống, việc đánh giá về ông vẫn còn những khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Trách nhiệm này trước tiên, theo tôi có phần thuộc Hội khoa học Lịch sử Việt Nam chúng ta. Tôi nhất trí với ý kiến của Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong “Lời giới thiệu” cuốn “Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời” của Hoàng Lại Giang rằng: “Sở dĩ có tình hình đáng tiếc đó chính vì nhận định đánh giá một nhân vật lịch sử mà lại không gắn với thời đại lịch sử, trong đó người ấy sống và hành động, lại nặng nề suy diễn chủ quan một cách không thấu tình đạt lý”. (chỗ in đậm để nhấn mạnh)

Trương Vĩnh Ký là một người có tinh thần yêu nước, yêu quê hương thiết tha, lại có tinh thần dân tộc sâu sắc. Nói cách khác, tinh thần quốc gia, dân tộc vẫn luôn hiện diện trong ông và tinh thần này được thừa hưởng từ truyền thống giáo dục tốt đẹp của gia đình, dân tộc. Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Trương Vĩnh Ký – bi kịch muôn đời” như sau: “Tinh thần yêu nước của Trương Vĩnh Ký được thể hiện rõ rệt ở nguyên tắc “làm với Pháp mà không theo Pháp”, vẫn giữ tinh thần độc lập trong cách ứng xử với Pháp, trên cơ sở bám chắc những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như đoàn kết, yêu nước, chống xâm lăng, đã mạnh dạn tiếp nhận văn minh phương Tây vì nhận thấy tiến bộ hơn, có thế giúp đất nước, dân tộc chuyển mình vươn lên đế thoát khỏi nguy cơ mất nước ngày càng gần. Tinh thần yêu nước sáng suốt của Trương Vĩnh Ký còn thể hiện ở chỗ nắm chắc bản chất thực lợi của chủ nghĩa thực dân nói chung, của chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng, tuyệt đối không có ảo tưởng về lòng tốt, về “thiện chí” của bọn thực dân, tuy vẫn có sự phân biệt chính xác bạn thù trong hàng ngũ người Pháp, từ tên thực dân thực thụ đến vị thừa sai sùng tín, qua nhà khoa học chân chính”. (sđd, tr. 10).

Trong Hội thảo Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký cũng Giáo sư Đinh Xuân Lâm tiếp tục khẳng định: “Trương Vĩnh Ký trước sau vẫn là một người Việt Nam có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, có tinh thần tự trọng, làm theo ý mình, không vì cộng tác với Pháp mà khuất thân làm theo chỉ thị của Pháp”.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Hoàng Như Mai trong tham luận “Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hóa có công đối với đất nước”, đăng trong công trình đã dẫn, đánh giá cao về tinh thần dân tộc của Trương Vĩnh Ký: “Đặt mình vào tình thế ấy, ta thấy việc làm của Trương Vĩnh Ký rất đáng biểu dương. Và với việc làm ấy, Trương Vĩnh Ký tỏ ra là một người có tinh thần dân tộc sâu sắc và sáng suốt.

Tóm lại, nếu trả lời hai câu thơ tuyệt mệnh của Trương Vĩnh Ký:

Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai

Thì tôi thấy rằng, Trương Vĩnh Ký có công, có nhiều công và không thể phủ nhận những công lao ấy được”. (sđd, tr. 116).

Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu trong tham luận “Tìm hiểu thân thế và sự nghiệp văn hóa Trương Vĩnh Ký” cũng đánh giá cao về tình yêu nước, yêu quê hương sâu sắc ở Trương Vĩnh Ký. Đó chính là động lực thúc đẩy quá trình làm việc không mệt mỏi ở ông: “Điều nâng đỡ sự nghiệp và kiên trì cố gắng trong suốt đời Trương Vĩnh Ký đó là tình yêu quê hương, yêu đất Nam Kỳ mà Trương Vĩnh Ký thích thú gọi là mẹ hiền của tôi, nhưng tình yêu ấy không hề chia lìa với tình yêu các xứ khác của Việt Nam. Trương Vĩnh Ký đã hiến dâng cho xứ sở Nam Kỳ tất cả sức lực. Hoài bão cao nhất của Trương Vĩnh Ký là ca tụng quá khứ oai hùng của Nam Kỳ và ca tụng tất cả những ai làm vẻ vang cho Nam Kỳ bằng vũ khí hay bằng bút viết. Do đó, Trương Vĩnh Ký đã trở thành sử gia của Nam Kỳ, một sử gia mê say bảo vệ và tôn vinh, nhưng vẫn là một sử gia luôn tôn trọng sự thật”. (sđd, tr. 182).

Trương Vĩnh Ký là người làm việc cần mẫn, siêng năng. Sự hiểu biết và cung cách làm việc của ông thể hiện một năng lực phi thường mà ít ai có được. Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ biên quyển “Từ điển Văn học” bộ mới, Nhà xuất bản Thế giới, năm 2004, nói về tài năng và tinh thần làm việc của Trương Vĩnh Ký: “Đương thời, ông được giới học thuật châu Âu liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới, là người ham hiểu biết, đi đâu, đọc gì, thấy gì cũng hay ghi chép để làm tư liệu. Ông đã để lại 118 tác phẩm lớn nhỏ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, không kể những công trình còn dở dang... Ngoài những sách dạy người Pháp học tiếng Việt, dạy người Việt học tiếng Pháp được soạn rất nhiều, các tác phẩm của ông còn có thể chia thành 6 loại: 1. Nghiên cứu về lịch sử, địa lý; 2. Nghiên cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội; 3. Biên soạn từ điển; 4. Dịch sách chữ Hán; 5. Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam; 6. Sáng tác thơ văn, như bút ký, phú, thơ...

Các sáng tác của ông cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc...” (sđd, tr. 1865).

Trương Vĩnh Ký còn là một nhà giáo dục học, nhà sư phạm có tầm cỡ lúc bấy giờ. Kiến thức và phong cách làm việc của ông khiến cho nhiều người nước ngoài khâm phục xin theo học ông. Với phát biểu “Nhà giáo dục, Nhà sư phạm Trương Vĩnh Ký” của Gs. Vũ Ký trong công trình đã dẫn, cho ta thấy rõ tư thế người thầy ở Trương Vĩnh Ký: “Ở bậc danh nhân này, cả hai nhà giáo dục và nhà sư phạm là một và suốt đời của tiên sinh, với những sự tìm hiểu nghiên cứu bằng bao nhiêu tác phẩm quý giá, với bao nhiêu kinh nghiệm thỏa thích hoặc xót xa để phục vụ đất nước, cuộc đời con người ấy là một bài học sống động mà mọi người chúng ta cần suy gẫm. Chỉ mỗi cuộc đời ấy cũng đã là một công trình có ý hướng giáo dục cho tất cả các thế hệ rồi.

Đó là một tấm gương sáng của đức khiêm nhường, của lòng ngay thẳng, của lương tri và lý trí. Cái lương tri và lý trí minh mẫn ấy đã có lúc vạch ra cho người một lẽ xuất xử thật vinh diệu.

Nhưng bài giảng đẹp nhất, của đời người chính là bài học về tinh thần, lòng trung thành đất mẹ ẩn tiềm trong tất cả công nghiệp đồ sộ của người. Yêu nước thiết tha, đó phải là tình cảm nền tảng hướng dẫn mọi đóng góp của cụ vào nền văn chương, văn hóa và ngôn ngữ, văn tự của nước nhà. Điều đó hẳn làm cho cụ trở thành một ngôi sao sáng chói, trong nền văn hóa giáo dục và sư phạm đích thực của dân tộc. Phải có lòng yêu nước tột độ mới cần cù, tận tụy sưu tầm, biên soạn, chuyển dịch, nghiên cứu về tiếng mẹ, nền văn học của nước nhà suốt bao nhiêu năm trường... Chính vì quá yêu nước nên hết dạ trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với tiếng mẹ, với nền văn chương, văn học và ngôn ngữ, văn tự của dân tộc vậy”. (sđd, tr. 229).

Ngoài sự đóng góp lớn lao của Trương Vĩnh Ký trên bình diện văn hóa, giáo dục, xét ở bình diện chữ Quốc ngữ, ông cũng là người có công đầu trong sự nghiệp truyền bá và phổ biến chữ Quốc ngữ, để hình thức văn tự này sớm trở thành chữ viết của quốc gia, dân tộc. Ông là người Việt Nam đầu tiên làm chủ bút của tờ “Gia Định báo”. Điều ấy đủ nói lên vai trò tiên phong của ông trong sự nghiệp phát triển chữ Quốc ngữ.

Ở bình diện Ngữ học, Trương Vĩnh Ký còn là nhà khoa học lớn với tầm hiểu biết và năng lực khoa học đã khiến Giáo sư ngữ học Cao Xuân Hạo, một nhà ngữ học có uy tín đương đại không tiếc lời ca ngợi ông. Trong công trình “Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa”(Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1998) Giáo sư Cao Xuân Hạo viết như sau: “Quả tình, cũng như tất cả các nhà ngữ học đã từng viết về tiếng Việt từ trước tới nay, Trương Vĩnh Ký không thoát khỏi các định kiến dĩ Âu vi trung. Nhưng cái trí tuệ sắc sảo và cách làm việc cần cù, thận trọng và thông minh của ông đã giúp ông tránh được những sự lầm lẫn thô bạo mà ở thế kỷ sau rất nhiều đồng nghiệp hậu sinh của ông đã mắc phải. Khuôn khổ của bài này chỉ cho phép tôi minh họa điều vừa nói bằng vài ba dẫn chứng tiêu biểu, trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về tư tưởng ngữ học của nhà bác học lỗi lạc nhất của chúng ta trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX”. (sđd, tr. 438).

Nói về nhân cách, đạo đức của Trương Vĩnh Ký. Cần thấy ở ông là người có tư tưởng cởi mở, tiến bộ. Ông luôn nhìn nhận sự việc có lý, có tình, có cơ sở khách quan của nó. Điều này nói lên phẩm chất con người của ông.

* *

Điểm gây ra hai hướng nhìn khác nhau về Trương Vĩnh Ký là khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông làm thông dịch cho triều đình Pháp. Nhưng trong việc làm của ông, ông hướng tới việc làm cho hai dân tộc hiểu nhau hơn là chạy theo chân thực dân Pháp để gây hại cho dân tộc. Đến giờ vẫn không có tài liệu nào chỉ ra một hành động nào gọi là nối giáo cho giặc của Trương Vĩnh Ký. Trong thực tế, ông chưa bao giờ nhận lời làm thông dịch cho các đợt hỏi cung người Việt của thực dân Pháp. Mặt khác, theo quan điểm của ông, ông làm việc vì mục đích như đã nói trên, nên ông không bao giờ theo Tây. Trong cách ăn mặc của ông lúc nào ông cũng giữ cốt cách của người Việt Nam. Ông không nhập quốc tịch Tây mặc dù thực dân Pháp rất muốn ông thành người của chúng. Điều này cũng nói lên được tính độc lập của ông. Bởi việc làm phiên dịch của Trương Vĩnh Ký mà nhiều người có những phê phán gay gắt về ông.

Trương Vĩnh Ký là một danh nhân văn hóa. Đã là người thì “nhân vô thập toàn”, không ai có thể nói mình vô tội, trong sạch từ lúc sinh ra cho đến khi nằm xuống. Nên nếu nói giữa công và tội, cá nhân tôi vẫn kính trọng công lao to lớn của Trương Vĩnh Ký và những gì ông đã để lại cho nhân loại, cho người Việt Nam chúng ta. Còn lỗi lầm ông, nếu có, chắc nhiều người đời sau cũng sẵn sàng “thông cảm” .

HUỲNH CÔNG TÍN

(Trích báo Cần Thơ)