Tiếng hò reo, rồi lại vỗ tay, huýt sáo, những khán giả hôm ấy có lẽ chưa bao giờ phấn khích như thế bởi họ đang được mắt thấy tai nghe những “công phu” tưởng như không có thật. Ít ai biết đó chỉ là một vài trong cả kho tàng khí công mà Lâm Sơn Động sở hữu.


Võ sư Nguyễn Ngọc Long, biểu diễn Kungfu “Kình phúc công”.

Khoác lên mình bộ võ phục, võ sư Nguyễn Ngọc Hải, chưởng môn phái Lâm Sơn Động chùng chân xuống, ánh mắt rực lên sáng quắc, một tiếng thét vang dội, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì thanh gang trên tay võ sư Hải đã vỡ làm ba mảnh rơi lả tả từ trên đầu xuống. Hóa ra võ sư vừa trình diễn cho chúng tôi xem công phu Thiết đầu công.


Hai võ sinh Nguyễn Văn Tuấn và Vương Quốc Trịnh biểu diễn Kungfu “Thích đoản tỳ”.


Võ sư Nguyễn Ngọc Hải biểu diễn Kungfu “Giáp pháp công”.

Cũng nhanh gọn như lần trước, sau tiếng hét, võ sư dùng đôi mí mắt được nhét hai đồng xu buộc dây dù nối sẵn với hai xô nước nhấc bổng hai xô nước lên, mí mắt, hốc mắt lồi ra tưởng như không chịu nổi. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Quay một vòng theo lực ly tâm rồi vị võ sư lại nhẹ nhàng đặt xô nước xuống, gỡ đồng xu ra khỏi mắt. Cũng như lần trước, không hề có biểu hiện trầy xước hay đau đớn gì cả.


Võ sư Ngọc Hải biểu diễn Kungfu “Nhãn bì khiêu thủy”.

Những môn sinh của Nguyễn Ngọc Hải cũng lần lượt đứng vào vị trí, những công phu tuyệt kỹ lần lượt được trình diễn đã làm bao khán giả phải trầm trồ. “Khí công có tĩnh công và động công. Tĩnh để luyện thần, động nhằm rèn luyện sức khỏe và khám phá những khả năng tiềm tàng trong cơ thể” – võ sư Hải nói “Phải mất cả chục năm trình độ khí công mới cơ bản hoàn thành. Dùng thần để dẫn khí, phải tĩnh mới có thần – đó là điều cơ bản. Năm mươi hai ứng cử lập và phá kỷ lục Guiness thế giới mà Lâm Sơn Động đăng ký không phải là cái đích của người học võ nhắm tới. Kẻ nào chỉ mong có được những kỷ lục mà nôn nóng ắt sẽ chuốc lấy thất bại. Đó chỉ là kết quả mà người luyện võ có được trên bước đường đi tìm đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ”.




Võ sinh Lưu Quang Tiệp biểu diễn Kungfu “Ngũ thương đâm”.

Hiện nay môn phái Lâm Sơn Động có gần bốn nghìn môn sinh đang miệt mài luyện tập ở cả trăm câu lạc bộ ở Sơn Tây, Ba Vì, Xuân Mai, Chương Mỹ, Miếu Môn... và nếu tính những người đã từng thụ giáo tại môn phái lấy núi rừng làm triết lý này thì con số phải lên đến hàng vạn. Sự lớn mạnh ấy có lẽ ngay cả chưởng môn phái Nguyễn Ngọc Hải cũng chẳng tưởng tượng ra khi cùng anh trai, võ sư Lương Văn Huỳnh thắp nén hương, cúi đầu trước các bậc sư tổ chính thức khai sinh môn phái 15 năm về trước. Võ sư Nguyễn Ngọc Hải mong ước rồi mai đây cùng những võ sư tài năng khác được đem những tuyệt kỹ của mình đi biểu diễn trên khắp thế giới để rồi môn võ dân tộc của Việt Nam đến một ngày sẽ được đưa vào hệ thống thi đấu đỉnh cao thế giới như bao môn khác.

Bài: Dương Trung Kiên
Ảnh: Trọng Chính
Nguồn báo ảnh Việt Nam