Vài cảm nghĩ sau khi dự lễ

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN

Tôi vội vã đáp chuyến bay AIRFRANCE từ Hamburg đi Paris để kịp đưa tiễn người huynh đệ lần cuối. Trời Paris lúc nắng, lúc âm u, gió thổi từng cơn làm se lạnh đoàn người đang qui tụ về đây...Thầy khóc trò, huynh đệ khóc nhau, vợ khóc chồng, conkhóc cha... Tôi cũng đã không dằn được cảm xúc, nước mắt cố dồn nén cứ dâng lên theo từng diễn biến... Ôi! Đời người thật ngắn ngũi, mới đó mà đã ra người thiên cổ, mới đó mà đã phải trở về với cát bụi trần gian...

Được võ sư Trần Thái Quí ra đón tận phi trường, tôi tháp tùng cùng gia đình cô Quỳnh và thím Đường đến từ Hamburg sau một chuyến đi chớp nhoáng đã về đến tư gia của người quá cố. Ngoài tang quyến vs Trang Phước Đức, vợ và ba con còn có sự hiện diện của vs Trần Phước Thiện đến từ Frankfurt-Đức, vs Trần thái quí đến từ Thụy sĩ, ms Nguyễn Thị My đến từ Darmstadt-Đức, vs Cẩm Bình đến từ USA, vs Nguyễn Trung Cang và huynh Lưu Phát Tấn đến từ Hòa Lan... Mặc dầu sau bao ngày xa cách tay bắt mặt mừng nhưng không ai dấu được nỗi buồn hiện tại đang đè nặng lên tâm tư mỗi người.

Đến trưa thì lần lượt phái đoàn Bỉ do vs Võ Tân Tiến, Patricia và Tiến Sơn, phái đoàn Thụy Sĩ môn sinh Võ tuấn Hùng, ms Lê Văn Hùng, ms Lộc, ms Ái Diễm, phái đoàn Đức thuộc Đại Gia Đình VoViNam Việt Võ Đạo Hùng Vương Darmstadt gồm có vs Nguyễn Văn Nhàn, vs Vân, ms Nguyễn Thị Viện, ms Châu Bảo Lộc, ms Nguyễn Văn Ngàn, HLV Lê Quốc Bảo, phái đoàn Hoà Lan huynh Cường và huynh Bích.

Sau khi chia buồn cùng tang quyến, thắp nhang, nghiêm lễ, chụp hình lưu niệm trước bàn thờ, mọi người đã lần lượt tranh thủ qua nhà quàng xác gần đó để nhìn mặt vs Trang Phước Đức lần cuối!
Trước cổng nhà quàng, một số môn sinh Pháp đã tụ về, chúng tôi được vs Thiện và vs Quí ra đón chào. Lợi dụng lúc mọi người còn đang chào hỏi nhau, tôi đến gần quan tài để nói lời vĩnh biệt... Huynh nằm đó, khuôn mặt đăm chiêu, thiếu nụ cười... tôi có cảm giác hình như huynh còn muốn trăn trỡ điều gì đó... tôi còn đang suy nghĩ thì dòng người thăm viếng kéo vào.. tôi cố nán lại giây phút nhìn huynh thật lâu, một khoảng trống hiếm hoi khó tả cho lần gặp gỡ cuối cùng nầy! Bởi vì, tôi với huynh không có duyên tiền định „ăn đời ở kiếp với nhau“, mỗi lần gặp nhau là mỗi hoàn cảnh khác nhau, mặc dầu cùng xuất thân khoá Miền Tây năm 1969, 1970: Người Rạch Giá, kẻ Long Xuyên nhưng mãi đến năm 1984 mới có dịp làm quen chuyện trò ở Hamburg, Tây Đức...mãi nữa bên kia vòng trái đất, sau đó thì chia tay ở Thụy Sĩ và hôm nay đây gặp lại trong hoàn cảnh nầy ở Paris!

Chỉ sau nầy cùng đi sinh hoạt trong Đại Phong Trào VoVinam Việt Võ Đạo Âu Châu, tôi với huynh mới thật sự gắn bó, quen thân nhau trong tình nghĩa đồng môn, đồng chí và đồnghành.Trong hàng ngũ chư huynh: Chúng tôi hay gọi đùa huynh là Anh Ba vì về sau vs Trần Phước Thiện. Vs Nguyễn Trung Cang được tôn làm anh Tư, Huynh Châu Bảo Lộc làm anh Năm, Huynh Mã Văn Tấn làm anh Sáu... còn tôi vì nặng nợ đèn sách về sau cùng nên cũng chưa biết sắp xếp vào vai vế nào... làm em Út chăng?! Đối với tôi thì chuyện đó không thành vấn đề vì các chư huynh vẫn đối xử với tôi bình đẳng, chỉ có một đều mặc dầu mang tiếng là con nhà võ nhưng dáng dấp tôi trông lúc nào cũng giống như một thư sinh „trói gà không chặt“ không vai u, thịt bắp (thế mà một lần ở quê nhà bị 5 người đánh bề hội đồng tôi đã hạ gục được 3 sau đó thì bị lãnh một thanh sắt vào đầu!), lại không thích chen lấn, tranh dành ảnh hưởng, lúc nào cũng đi vòng ngoài... (lời huynh thiện và huynh Cang), không ai biết tôi nghĩ gì trong đầu... có lẻ vì thế mà chẳng ai tin dùng?! Sau đó còn có Huynh Võ Tân Tiến ở Bỉ lụt tục xin về, nghe nói trước đó còn có huynh Nguyễn Thành Xê và một vài huynh đệ nữa nhưng vì „thiên cơ bất khả lậu“ nên tôi cũng không tò mò hỏi để ghi chép thêm!

Khác với anh hai lúc nào cũng đạo mạo, từ từ... anh ba rất xông xáo „rành sáu câu“ và là cánh tay phải đắc lực của Võ Sư Trưởng Đại Phong Trào... từ điều hành, tổ chức, chỉ huy, lễ nghi, võ thuật, võ đạo và lại rất hạp ý với anh tư, người coi khề khà nhưng ứng xử nhanh và có nhiều sáng kiến táo bạo! Anh Năm thì dễ tính, lại có máu văn nghệ đầy mình nên được Thầy cho ôm đàn suốt năm nhờ vậy mà không khí sinh hoạt vui hẳn lên... Anh Sáu thì ngược lại cộc nhưng hiền, ai nói gì thì nói, cười trước đã nhưng làm tới là có chuyện...to! Riêng tôi, không nặng nợ giang hồ nên lúc nào cũng tà tà đi vòng ngoài, ai nhờ gì thì làm và lúc nào cũng thích lẫn tránh trong hàng ngũ em cháu, ít khi ngồi chung bàn cùng thầy, ít khi ngồi chung bàn cùng hàng ngũ chư huynh, ít khi xuất đầu lộ diện, đứng mủi chịu sào ngoại trừ trường hợp khẩn cấp làm Hội sau nầy! Vì như ông bà mình thường nói: „biết người biết ta, trăm trận trăm thắng“ nhất là trong hoàn cảnh Đại Phong Trào lúc bấy giờ „thế đạo, lòng người“ còn đang ly tán, công việc lại đa đoan, thiếu nhân sự nồng cốt nên mỗi lần sinh hoạt là chư huynh đầu tấp, mặt tối, ít ai để ý đến chuyện tối lữa, tắt đèn, an ninh nội tình, tâm lý, tâm tình hàng ngũ em cháu.. Tôi có trao đổi ý kiến nầy với anh Hai một lần trên đường đi sinh hoạt ở Hoà Lan, được sự đồng ý ngầm chung nên từ đó tôi đương nhiên được „miễn dịch vì lý do gia cảnh“ không phải nhận công tác như các hàng ngũ chư huynh khác mà chỉ đặc biệt đi vòng ngoài, lo quan sát chiến trường, tuỳ nơi tiếp ứng... công việc đối với tôi thật thích hợp và nhàn hạ cho đến khi Đại Phong Trào VoViNam Việt Võ Đạo Âu Châu giải tán!

Sau đó bẵng đi vài năm tôi có sang Paris thăm huynh, thấy tôi còn mang lè tè hoàng đai nhất của mấy chục năm về trước, huynh bắt tôi lên một cấp để nở mặt, nở mày với thiên hạ! Đểvui lòng huynh tôi vẫn nhận mà không có một chút mải mai vui sướng gì. Chính huynh khi xưa còn sinh hoạt trong phong trào đồ đen của võ sư Phan Hoàng, nghe nói đã mang đai đen ba bốn cấp gì đó thế mà khi trở về đồ xanh sinh hoạt lại với võ sư Nguyễn Văn Nhàn, huynh đã khí khái trả lại đai võ sư và mang lại đai hoàng đai nhất cấp từ trong nước. Trong sinh hoạt Phong Trào VoViNam Việt Võ Đạo sau nầy đổi thành Đại Phong Trào VoViNam Việt Võ Đạo Âu Châu, thầy trò huynh đệ chúng tôi không ai chú ý đến vấn đề đai đẳng, bằng cấp mà chỉ dốc toàn tâm, toàn lực lo cho tiền đồ sư môn dân tộc trong cảnh quốc phá, môn suy nầy. Mặc dầu lúc đó chúng tôi luyện tập ngày đêm lại còn sức trai trẻ nên nếu so với các hàng ngũ võ sư cùng thời khác ở Mỹ Châu hay Úc Châu chúng tôi dư sức đạt tiêu chuẩn lên đai. Nhớ một lần sinh hoạt trại Đông Nhóm Lữa ở Thụy Sĩ, hàng ngũ chư huynh sáng nào cũng dậy 5 giờ chạy thể lực theo đường núi đến chỗ luyện tập, sau đó được Thầy hướng dẫn trực tiếp đến 12 giờ trưa, chiều tập đứng hướng dẫn lớp, tối viết bài kiểm thảo đến 22 giờ đêm, sau đó còn tâm tình cho đến khuya... liên tiếp hai tuần lễ mà chẳng thấy ai than thở gì cả.

Năm 1989 tôi lập gia đình, nhân dịp họp trại hè Hưng Nam ở Hoà Lan, Thầy đã đứng ra làm chủ hôn theo nghi thức môn phái và huynh lại làm chủ tế lo trong, lo ngoài. Đây là lần đầu tiên Đại Phong Trào làm lễ cưới nên từ Hamburg sang, tôi đã thấy không khí trại tưng bừng và nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi người mỗi việc, nấu nướng, dọn dẹp, trang trí, tập dợt chuẩn bị cho màn hoạt cảnh Duyên Quê... Tôi bị bắt mặc áo dài khăn đóng, huynh Cang làm ông mai, các em cháu thì đóng vai phụ dâu, phụ rễ... Sau khi tế lạy bàn thờ Sáng Tổ, màn hoạt cảnh đã làm cho khán giả hoan hô hưởng ứng nồng nhiệt, với đầy đủ nghi thức rước dâu, cờ xí, chiên trống và nhất là sau đó cả gia đình được thưởng thức một bửa tiệc cưới thật ngon và no bụng..
Một tối ở nhà huynh Cang bên Hoà Lan, đang đói bụng tôi đề nghị chư huynh đi sang Paris ăn phở 13... Thời bấy giờ mới qua chưa nhà nào biết nấu phở nên mỗi lần thèm là chỉ có nước chạy sang khu người Việt ở quận 13 Paris... Tôi nói chơi, huynh Cang làm thiệt, mấy huynh đệ kéo ra xe huynh Cang trực chỉ hướng về Paris, đến biên giới cảnh sát hỏi giấy tờ, tôi mới bật ngữa vì cứ ngỡ huynh chạy đâu đó trong thành phố kiếm ăn nên không đem theo giấy tờ tùy thân. Thế là cả bọn để bụng đói quay về, huynh Cang cứ cằn nhằn mãi cho đến bây giờ! Hôm ở Paris sau khi chôn cất xong huynh còn nhắc lại chuyện nầy.

Cũng một lần sau khi trình diễn xong cả bọn kéo về nhà huynh Cang, đêm đã khuya ai cũng mệt và đói... Vô nhà lục cơm nguội chẳng còn gì ăn! Huynh Tấn (tiếc thay huynh Tấn cũng đã mất sớm và để lại một vợ, hai con ở Hamburg) mạnh dạn xung phong xuống bếp nấu cho trên 15 người ăn! Hỏi huynh nấu món gì: huynh bảo nấu món Quảng (Quảng Đông là một tỉnh bên Tàu), huynh gốc tàu nên tôi cứ thế mà tin sẽ có món ngon, vật lạ vì tôirất thích ăn cơm tàu, sau đó nhà bếp bưng lên chẳng món nào ra món nào nhưng được cái nóng hổi và không còn gì lựa chọn nên ai cũng chiếu cố tận tình! Tôi trách huynh, huynh bảo: „Món Hoảng chứ không phải món Quảng.... hoảng tức là hoảng hồn, hoảng vía nấu đại!“ Tôi phì cười vì huynh ít nói, không rành tiếng việt, đi theo hàng ngũ chư huynh giỡn nhau riết rồi cũng lanh ra phết!

Một lần mới về sinh hoạt lại ở Hamburg, thấy đêm nào chư huynh cũng chụm đầu vào uống trà tâm sự già mỗi đêm. Tôi đề nghị đổi chiến thuật uống bia giải sầu... thế là tôi bị một đêm thức trắng cùng thầy... ngắm trăng. Nhưng sau đó chúng tôi được phép nhâm nhi men đắng cuộc đời mỗi độ khuya về khi các em cháu yên giấc và mãi về sau nầy khi sinh hoạt lại trong Đại Gia Đình VoVinam việt Võ Đạo Hùng Vương tôi vẫn được thầy ưu đãi cho điều khoản nầy.... Đôi khi Thầy còn đích thân mua bia cho tôi uống, nhưng men rượu đã bớt nồng vì thiếu hàng ngũ gan ruột, mất huynh Tấn vĩnh viễn giờ lại thêm huynh Đức, rồi đây sẽ còn mất nhau dài dài... Như một lần họp mặt cuối cùng ở Thuỵ Sĩ, đêm đó tưởng đâu huynh đệ mình xô xát với nhau cũng vì đại nghĩa. Đó cũng là một trong những kỉ niệm êm đẹp khó quên trong thời gian hoạt động trong Đại Phong Trào!
Sau nghi thức phật giáo, nhìn mặt lần cuối... nấp áo quan vừa đóng lại thì trời đang quang đãng bỗng nhiên đỗ mưa tầm tả... Như vậy là tôi nghĩ đúng, huynh vẫn còn vấn vương với những gì bỏ lại: gia đình, môn phái, đồng môn, bạn bè...nhất là cô con gái Út mà huynh đã luôn nuông chìu trong khi còn tại thế! Nhìn 3 cháu mà tôi cũng không cầm được nước mắt vì cùng hoàn cảnh như huynh, lập gia đình trễ, tôi có 2 cháu cũng bị mang tiếng là hết sức nuông chìu. Nhưng ai nói gì thì nói, với tôi (chắc huynh cũng vậy) gia đình là cái gì trên hết hơn cả sự nghiệp, công danh và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để cho các con được vuông tròn (chắc huynh cũng vậy)! Còn huynh luyến tiếc công việc môn phái ư?! Để làm gì khi huynh mất tôi chỉ thấy Thầy cũ về khóc trò, chư huynh cũ về khóc huynh, học trò huynh về quyến luyến, còn hai cơ quan tạm thời đại diện điều hành môn phái trong cũng như ngoài nước thì không thấy cử ai đại diện đến vấn an... ngoài cái tấm thẻ bài vinh thăng?! Như vậy thì huynh còn quyến luyến làm gì... Không tình, không nghĩa... chỉ qua lại bề ngoài thì không bền vững được. May mà ngày xưa huynh đã kịp thời cởi bỏ đồ đen, đai võ sư để trở về với nguồn cội, mặc lại bộ đồ xanh nguyên thủy, mang lại hoàng đai nhất, dấn thân cùng thầy, chư huynh xây dựng lại thế nước, lòng dân... Chúng ta cùng nhau một thời đã thể hiện được tấc lòng con hiếu, trò hiền, dân quí... đã đem lại sự nể vì từ các phía chính giới, cộng đồng, đảng phái... đã nêu cao được chính nghĩa của dân tộc và truyền thống hào hùng bất khuất của cha ông trong đó có tinh thần Việt Võ Sĩ Đạo... không khuất phục cường quyền và bạo lực...mà công đức đó có được là chúng ta phải cảm ơn Thầy, đã dìu dắt và hướng nẽo soi đường trong giaiđoạn đầu chân ướt, chân ráo trên xứ lạ, quê người! Còn nếu không, không biết số phận huynh đệ mình sẽ trôi dạt về đâu?! Đừng quyến luyến nữa huynh ạ! Tre già thì măng mọc, trời sinh voi, thì phải sinh cỏ... không ai sống đời để bao bọc, chở che hết mọi việc! Hãy thanh thảng ra đi về bên Tổ, Thầy, công việc còn lại hãy để cho người sau tiếp nối, thời gian luôn là liều thuốc hoá giải mọi việc!

Đến nghĩa trang, trời trong, mây tạnh, nắng chiều Paris chói rực lòng người, lòng tôi... Vì tôi biết huynh đã cảm nhận và chấp thuận ra đi. Chỉ thương cho 3 cháu muốn nhắn nhũ lần cuối mà không thốt nên lời, Vợ huynh chỉ nhắn mấy hàng nhắc lại chuyện cũ xưa, Thầy nói đôi câu từ giã... riêng tôi thì không ngăn được dòng lệ tuôn trào và chút tiếc nuối vì không đọc được bài điếu văn soạn sẵn tiễn đưa huynh để đáp lại một phần nào ân nghĩa lúc huynh làm chủ tế cho đám cưới tôi.. Như vậy là tôi còn nợ huynh, thôi thì để tôi đốt nó gửi xuống tuyền đài cho huynh xem, như vậy là huề, không ai nợ ai huynh nhé!
Nhìn ngôi mộ vừa được lấp kín, phủ đầy hoa luyến thương, tình nghĩa... tôi nghĩ huynh cũng sẽ ấm lòng. Dòng người cứ thế đến bên mộ chia tay, lòng người cứ bối rối không muốn lìa xa, nấn ná cho đến giây phút cuối. Như vậy cũng đẹp mặt một phần cho những người ở lại, con người ta thành công hay thất bại là xét vào lúc lâm chung: Ai đưa, ai tiễn, ai khóc, ai sầu, ai than... nhưng đôi khi để làm gì, khi người chết là hết?!

Phái đoàn Đại Gia Đình VoViNam Việt Võ Đạo Hùng Vương Đức và Thụy Sĩ vì đường xá xa xôi đã lần lượt lên đường về nơi xuất phát. Riêng tôi, vs Cẩm Bình, vs Thiện, vs Cang, huynh Tấn, huynh Cường, huynh Bích cùng gia đình trong đó có vs Nguyên Đạo kéo sang hội trường kế tiếp để hàn quyên, tâm sự... Tội nghiệp học trò người Tây cũng hết lòng lo cho hậu sự của Thầy, mướn phòng, lo thức ăn, thức uống khoản đãi. Ngoài phần chiếu phim ôn lại ít hình ảnh hoạt động lúc sinh tiền của võ sư Trang Phước Đức, võ sư Cẩm Bình cũng nhân dịp nầy đọc bài Điếu Văn do tôi soạn thảo, một huynh đệ đã dịch ra tiếng Pháp... Tôi lại không cầm được cảm xúc mặc dầu trong lúc viết tôi đã sục sùi nhiều lần... Phải chăng, khi vào tuổi xế chiều con người dễ rơi nước mắt hơn là khi còn trai tráng?!
Buổi chiều, trong không khí gia đình chỉ còn lại tôi, huynh Thiện, huynh Cang, huynh Tấn, cô Cẩm Bình, cô Dao... chúng tôi cũng trao đổi, tâm sự cùng nhau về tương lai của gia đình huynh Đức, về tương lai của Phong Trào sau nầy... ai sẽ là người ra gánh vác... Đêm đã khuya, tôi thấy đầu óc lùng bùng vì những toan tính trong cuộc sống, gần đây tôi có cảm giác, môn phái mình đã trở thành cái bánh, mạnh ai nấy cắt, xí phần... cho mình, cho gia đình, cho phe nhóm... làm mất đi mục tiêu và lý tưởng ban đầu?!
Cũng may mà trước đó huynh Tấn, cô Cẩm Bình, huynh Cang vẫn lấy tôi làm đề tài xúm nhau chọc ghẹo nên đó cũng là niềm vui quên hết sự đời!

Buổi sáng, huynh Thiện ra xe về trước, tôi ở lại tâm sự cùng cô Dao, huynh Tấn, huynh Cang, cô Cẩm Bình. Sau đó tôi rũ huynh Tấn cùng đi dạo cảnh đồng quê ở Paris (mang tiếng đi Paris mà chỉ biết có một gốc nhà thì cũng uổng!) không khí mát mẻ, tôi kể chuyện đời xưa cho huynh nghe thật nhiều nhưng không biết huynh có giữ kín cho không! Buổi trưa thì có huynh Châu Minh Nhật đến thăm gia đình. Được biết huynh Nhật là dân tài xế taxis của Paris nên sau khi dùng cơm trưa xong, tôi nhờ huynh đưa ra phi trường để kịp đáp chuyến bay về lại Hamburg.(Cám ơn huynh Nhật, người mới quen mà đã nhờ cậy, mong huynh gắng giúp gia đình huynh Đức qua cơn sóng gió nầy!). Huynh Cang, huynh Tấn và cô Cẩm Bình thì theo hai cháu Trang Đức Vinh và Trang Đức Huy sang lớp tập gần nhà thăm viếng!
Lên phi cơ bỏ lại sau lưng thành phố Paris tráng lệ, những kỉ niệm vui buồn một thời, những toan tính đắn đo trong cuộc sống, tôi thiếp đi trong giấc ngủ muộn màng. Ôi! Thành, bại, phải, quấy, đúng, sai, ai còn, ai mất, ai được, ai hơn... Đời người rồi sẽ qua, sự đời dù có khen chê hay ganh tị rồi cũng chấm dứt! Hy vọng rằng, huynh ở nơi nào đó trên cao hãy mỉm cười tha thứ hết và tiếp tục độ trì cho những kẻ đi sau đi đúng con đường mà Tổ, Thầy đã vạch ra!
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường!

Viết để tiễn đưa, viết để nhớ lại một người bạn một thời dãi nắng dầm sương!

Hamburg, ngày 01 tháng 5 năm 2016

MÔN SINH TRUNG TRƯỜNG