"KỶ NIỆM ĐẸP VỚI VOVINAM CHỢ LỚN 1960"
VS.CAO VĂN CÁT




Ảnh : VS.Cao Văn Cát đang thực hiện "Đòn chân 12".

Năm 1960 - Võ phục của môn sinh VOVINAM là quần đùi và áo thun ba lổ. Hình cho thấy VS.CAO VĂN CÁT đang bay quặp cổ (đòn chân 12) VS.TRỊNH NGỌC MINH (Trịnh Văn Mão đứng dưới) tại sân tập ở Trung Tâm Huấn Luyện VOVINAM đường TRẦN HƯNG ĐẠO - CHỢ LỚN - SÀI GÒN.
Thành thật cám ơn VS.Huỳnh Khải Mông và VS.Thành đã cung cấp cho tôi bức ảnh sau hơn nữa thế kỷ tôi mới thấy lại.
CAO VĂN CÁT




ĐÔI DÒNG VỀ NHẠC SĨ - VS.CAO VĂN CÁT

Nhạc sĩ-Võ sư Cao Văn Cát, sinh ngày 03/01/1944 tại Sài Gòn.
Gia đình Thầy Cát chỉ còn có 3 người sau khi Ba Thầy qua đời, Mẹ Thầy phải buôn bán tảo tần ở chợ Bến Thành để nuôi 2 anh em Thầy. Mãi đến năm 1962, Mẹ Thầy bị bệnh nên Thầy phải vừa đi học, vừa đi dạy kèm để kiếm tiền nuôi gia đình...

Thuở nhỏ, Thầy rất mê âm nhạc. Bởi vậy năm 1956, Thầy thi vào Trường Âm Nhạc Sài Gòn (Nhạc viện TP.HCM ngày nay). Sau 4 năm học tập đến khi tốt nghiệp ra Trường, Thầy thường đi chơi nhạc theo nhóm và bắt đầu sáng tác.
Cũng nhờ duyên may đến với VOVINAM, nhờ sự khai tâm, khởi xướng của Thầy Chưởng Môn Lê Sáng. Vào năm 1960, Thầy Cát đã sáng tác ra bản nhạc đầu tay là "Việt Võ Sĩ hành khúc" (Vovinam hành khúc, ngày nay) – Lời : Huy Vũ. Tiếp theo đó là các bản nhạc :
- Hồi tưởng – 1962 (Lời: Huy Vũ). - Tình mẹ con – 1962 (Lời : Quang Vũ). - Nhớ xưa – 1967 (Lời: Huy Vũ). - Đạo sống khai nguyên – 1970 (Lời : Lê Sáng). - Tuổi thanh xuân (Khúc nhạc thanh xuân) – 1970 (Lời : Lê Sáng).Thầy Cát nhập môn VOVINAM sau Thầy Trần Huy Phong một lớp, qua nhiều địa điểm tập khác nhau. Phòng tập VOVINAM đầu tiên ở đường Thủ Khoa Huân (Avigateur Garros), cửa Bắc chợ Bến Thành - Sài Gòn. Đến đầu năm 1956 thì dời về đường Nguyễn Khắc Nhu - Q1. Đầu năm 1957 lại dời qua đường Trần Khánh Dư (gần chợ Tân Định), chính là năm mà Thầy Cát vinh hạnh được Thầy Sáng Tổ Nguyễn Lộc trực tiếp huấn luyện được vài tháng. Thầy Sáng Tổ lúc đó dáng cao gầy, nhưng ra đòn rất ’’UY LỰC’’ và ’’THẦN TỐC’’, bàn tay của Thầy có thể thọc lủng sâu vào thân cây chuối… Một kỷ niệm nhớ mãi là hồi đó Thầy Cát trụ đòn rất chắc, ít có ai chém quét ngã được đòn phản ’’Đấm thẳng tay trái’’. Khi ấy, Thầy Sáng Tổ lại bảo : Cát ra đòn cho Thầy xem. Thầy Cát mới tung cú đấm, thì trong tíc tắc đã bị ngã chỏng gọng, còn chưa kịp hoàn hồn là vì sao mình bị ngã nhanh thế !!!
Một thời gian sau, Thầy Sáng Tổ lâm trọng bệnh nên phải ngưng huấn luyện. Thầy Cát được chuyển sang thụ giáo với Thầy Chưởng Môn Lê Sáng. Ngoài đời, Thầy Chưởng Môn rất giản dị, hòa ái và cao thượng…
’’Còn nhớ mãi giai đoạn năm 1958, Thầy Cát bị bệnh nặng cả tuần không đi tập được, Thầy Chưởng Môn biết chuyện tìm đến tận nhà thăm hỏi, thấy gia cảnh Thầy Cát nghèo nên cho 5.000đ (hồi đó rất lớn), khi ra về Thầy Chưởng Môn còn không quên dặn dò : Cát nhớ hết bệnh, đi tập lại nhe !‘‘.
Nhưng khi đứng lớp thì Thầy Chưởng Môn dạy rất kỹ ’’nhuần nhuyễn đòn cũ rồi mới dạy đòn mới‘‘, rất nghiêm khắc và kỷ luật ’’Tôn ti trật tự’’…
Từ lúc bắt đầu học VOVINAM, Thầy Cát phải học đánh cặp với nhiều người. Đến năm 1958, phòng tập được dời lên trên lầu của ’’Nhà hàng Hai Cua’’. Lúc này, Thầy Trịnh Ngọc Minh (thường gọi là Trịnh Văn Mão) vào học, thì Thầy Chưởng Môn mới xếp cho Thầy Cát và Thầy Minh đánh cặp với nhau. Kể từ đó, chỗ nào có biểu diễn VOVINAM là có 2 Thầy biễu diễn. Thầy Cát và Thầy Minh chuyên biểu diễn các bài vật. Riêng Thầy Cát thì biễu diễn thêm các bài đánh đông người và đòn chân tấn công. Các nơi Thầy Cát thường đi biễu diễn là : Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Rạp hát Olympic, Nhà thờ Chân Phước Liêm, Hội Lion ở Nhà hàng Đồng Khánh. Sân Tinh Võ – Chợ Lớn mời Thầy Cát biễu diễn thường xuyên vì được sự yểm trợ của Thầy Chưởng Môn, lúc đó giữ chức Tổng thư ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Miền Nam – Việt Nam và Tổng thủ quỹ Ủy Hội Olympic Miền Nam – Việt Nam. Ngoài ra, Thầy Cát còn đi biễu diễn tận Sân bay Biên Hòa, riêng Phan Thiết và Nha Trang do Võ sư Mạnh Hoàng dẫn dắt.
Năm 1960, Thầy Cát thi Chuẩn Hồng Đai và được Thầy Chưởng Môn cấp Bằng và Thẻ đẳng cấp.
Năm 1961, Thầy Cát thi vào Trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa học cấp tốc 2 năm đến năm 1963 ra Trường.
Mãi đến năm 1964, phòng tập lại được dời về đường Vĩnh Viễn - Q.10, gần Ngãy 7 Lý Thái Tổ ngày nay.
Chuyên cần khổ luyện đến năm 1966, Thầy Cát xin phép Thầy Chưởng Môn tạm ngưng luyện võ, vì được phân công đi dạy học văn hóa ở Vũng Tàu (giáo viên Toán Trường THPT) …
Qua bao thăng trầm của cuộc đời, Thầy Cát cũng đành gián đoạn nghiệp võ để mưu sinh, cho đến ngày bị bệnh tai biến ’’thoát khỏi cửa ải tử thần‘‘ thì ngưng sinh hoạt hẳn cho đến nay.
Những năm gần đây khi sức khỏe khá hơn, Thầy Cát đều tham gia vào những dịp họp mặt truyền thống của Môn phái hoặc ’’Lễ tưởng niệm Sáng Tổ và Chưởng Môn‘‘ tại Tổ Đường. Nếu không tự đi dự được thì Thầy Cát mới nhờ tới một số đồng môn như : Môn đồ.Trần Thế Hùng, VS.Nguyễn Thanh Hương, HLV.Cao Văn Nam (Vovinam Quận 12)...
Hiện nay, Thầy Cát sống đạm bạc như một ’’nghệ sĩ nghèo‘‘ chân chính, đơn thân trong căn nhà rách nát (nhà này do Mẹ và em Thầy Cát để lại) tại con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận – TP.HCM.
Lê Hùng
Viết lại theo lời kể của Thầy Cao Văn Cát.