Cảm nghĩ từ chuyến đi đến Tổ Đình

Trước hết phải nói đây chưa phải là Tổ Đình, theo nguyên nghĩa của nó, mà chỉ là khu đất lúc sinh thời thầy Chưởng môn có ý định làm Tổ Đình – nơi thờ tự thầy Sáng tổ cùng các võ sư tiền bối quá vãng, cũng là nơi sinh hoạt, tập luyện của môn sinh Vovinam, đồng thời là nơi tịnh dưỡng của thầy Chưởng môn. Tại khu đất này vào đầu năm 1998 thầy Chưởng môn cho xây dựng tòa nhà thép tiền chế có diện tích 360 mét vuông (12m x 30m), nền lát gạch Tàu, dùng làm nơi tập luyện.

Nhớ lại chuyến hành trình năm 1998. Lúc này ngôi nhà tập luyện mới xây xong, thi thoảng cuối tuần thầy Chưởng môn và thầy Sen xuống khu vực này thăm nom, vãng cảnh. Một dịp cuối tuần, thầy Sen tổ chức cho các anh em ở Tổ Đường (anh Trần Minh Hoàng, Diệp Thanh Long, Vưu Đăng Vinh, Tố Nga, anh Trung,…) xuống tham quan khu vực Tổ Đình. Cùng đi chuyến ấy còn có thầy Vang, thầy Nguyễn Anh Dũng,… Thầy Sen dẫn đường cho chúng tôi leo núi thăm đất của môn phái, mà dự kiến sẽ là nơi xây am lập cốc tĩnh luyện. Chuyến đi này đầy hào hứng và mở ra cho anh em trong đoàn nhiều mộng tưởng. Cứ nghĩ rằng vài ba năm sau nơi đây sẽ biến thành một trung tâm huấn luyện của Môn phái. Vậy nhưng, kế hoạch thiết kế, xây dựng Tổ Đình ngày một cuốn theo ngày tháng vô định dù thi thoảng có được nghe nhắc tới. Thời gian trôi đi, bao vật đổi sao dời. Nhìn lại ai có mặt trong đoàn đi năm ấy giờ muốn già hết rồi! Anh Trần Minh Hoàng (hiện ở Hoa Kỳ) gần 60 xuân xanh, anh Diệp Thanh Long giờ nhìn quá khác xưa - trên 50… Sau khi thăm Tổ Đình, chúng tôi di chuyển xuống Vũng Tàu tắm biển. Bao mộng ước nổi niềm kỳ vọng về một ngôi Tổ Đình tráng lệ được thầy trò trao đổi tâm tình. Chuyện dong dài trước sóng biển chập chùng, cùng chút rượu cay cay, tôi còn nhớ thầy Nguyễn Anh Dũng bình về nghĩa câu nói của Ngô Thì Nhậm: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế; thế thời phải thế!”…

Sau chuyến đi năm 1998, tôi không có dịp ghé đến đất Tổ Đình nữa. Mấy năm gần đây, thi thoảng tổ chức cho anh em huấn luyện viên, môn sinh quận 9 đi Vũng Tàu chơi, cũng muốn ghé qua thăm lại Tổ Đình, nhưng khổ nổi, hỏi mấy chiến hữu đồng môn chẳng ai chỉ cho rõ con đường vào. Xe thì lớn (47 chỗ) mà chạy lòng vòng tìm đường, không khéo tài xế cự cho thì quê … ông thầy quá! Hôm rồi lấy thông tin từ anh DTL, đi xe 16 chỗ chúng tôi mới tìm về chốn cũ. 16 năm còn gì!

Nhìn khu đất mà thầy Chưởng môn lập nhà tập luyện, tôi thật sự ái ngại. Tòa nhà 360 mét vuông, ngày trước còn lát gạch Tàu, giờ trơ nền không. Trên nền nhà có đặt vài ghế đá của mấy võ sư tặng, như thế cũng đỡ lạnh lẻo vì có ghi dòng chữ Vovinam Việt Võ Đạo trên tựa ghế! Chút tiếc nuối, bùi ngùi diễn ra trong lòng anh em Vovinam quận 9. Một cơ ngơi quá tuyệt vời, lại ở chốn “Bồng Lai”. Vậy mà… Tiếc quá!

Khu đất của môn phái nằm ở vùng tĩnh địa. Xung quanh mênh mông là chùa, am, cốc. Những ngôi chùa ở đây không thuộc dạng “nhập thế”, tu sĩ họ tới đây lập chùa, am, cốc phần lớn là để tĩnh tu chứ không để hoằng pháp, dạy đạo cho quý Phật tử quanh vùng. Vậy nên vùng này có tên Bồng Lai là thế! Thầy Chưởng môn mua 1 khu đất rộng 6.000 mét vuông ngay phái dưới chân núi (là nơi xây nhà tập luyện). Cách đó khoảng 30 phút đi bộ + leo núi, môn phái có thêm một miếng đất rộng chừng 10.400 mét vuông. Leo lên cũng khá mệt! Trong khuôn viên trên núi, có một vài am tu ( không biết Môn phái có cho xây không? Nếu họ tự xây, sau này khá phức tạp khi mời họ đi!!!), họ đặt ống dẫn nước suối xuống để sinh hoạt. Leo núi mệt, nước suối mát, nếu không ngại chúng ta có thể uống trực tiếp. Nếu ngại không uống thì nguồn nước suối cho chúng ta rửa mặt, tuyệt vời là mát.

Đến Tổ Đình vào dịp tháng 3, cây trái xung quanh bắt đầu cho quả lớn. Chủ yếu là xoài, mận. Đường dẫn lên núi, đôi chỗ bắt gặp những khu nhà rất đẹp, xung quanh cây nặng trĩu quả. Chúng tôi lãng du trong vùng đất này khoảng 2 giờ rồi quay ra, lòng không khỏi vấn vương xen chút hụt hẫng, bâng khuâng!

Phải chi ….

Nếu được: chúng ta có thể đặt một tấm bảng chỉ đường ngay bên phải cổng chùa Kim Liên II. Đồng thời đặt một tấm bảng lớn trước ngôi nhà tập luyện, chỉ cần dòng chữ “ Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo”. Thiết nghĩ, có như thế căn nhà bớt lạnh lẽo đìu hiu, có như thế môn sinh khi ghé qua cũng biết chắc đó là địa điểm mình cần đến. Nhẫm tính, kinh phí không bao nhiêu, khoảng 3- 4 triệu là cùng.

Nếu khu nhà này cho sửa lại, lát gạch như trước đây thì khu đất khá lý tưởng cho “luyện quân”. Nhà rộng tha hồ tập, binh khí không sợ đụng tường, không sợ đi chưa hết thế phải lùi lại! Nói tới đây tôi sực nhớ. Ngày xưa võ sư Oyama Masutatsu củaKaratedo đã lên núi khổ luyện, sau này ông nổi tiếng với những cú chặt gãy sừng không biết của bao nhiêu con bò tót. Đất của môn phái có địa thế khá thuận lợi để môn sinh luyện võ.

Những việc như: đặt bảng, lát gạch, mua thảm, dụng cụ tập luyện, xây nhà tắm, nhà vệ sinh, bố trí người trong coi không quá to tát với điều kiện và tiềm lực hiện thời của môn sinh. Việc khó nhất là người trong coi cơ sở vật chất, hiện nay đã có con và cháu của võ sư Trình đảm trách. Bước đầu chỉ cần 200 – 300 triệu là có thể biến nơi đây thành chỗ sinh hoạt, một chốn đi – về của môn sinh.

Tôi mạo muội cầm đèn chạy trước ô tô, tạm tính:

- Xây nhà tắm + nhà vệ sinh: 50 triệu
- Lát gạch Tàu: 75 ngàn/mét vuông, 360 mét vuông: 75 ngàn x 360 mv = 27 triệu
- Công + vật liệu để lát gạch: 60 ngàn x 360 mv = 21,6 triệu.
- Dụng cụ tập luyện (bao cát, vợt đá, binh khí,…): 20 triệu.
- Thảm: 50 tấm x 250 ngàn = 12,5 triệu.
- Đặt bảng hiệu: 4 triệu.

+ Tổng: (50 + 27 + 21,6 + 20 + 12,5 + 4) = 135,1 triệu + 50 triệu (phát sinh) = 185,1 triệu!

Nếu Hội đồng chưởng quản cho phép và phân công người đảm trách việc vận động kinh phí, chúng tôi nghĩ sẽ không quá khó. Ví dụ, chúng ta vận động và phân bổ như sau:

1. TP HCM:
- 24 quận, huyện + 10 tổ chức VVN trực thuộc = 34 đơn vị
- 3 triệu x 34 đơn vị = 102 triệu.
2. Đồng Nai, Vũng Tàu (vì gần Tổ Đình): mỗi tỉnh 20 chục triệu
3. Mạnh thường quân: 50 triệu
Tổng số: 192 triệu. Tạm đủ làm!

Phóng bút mơ tưởng, mong quý thầy và đồng môn đừng phiền trách!

Sài Gòn, 10/3/2014
Tuệ Minh