Đòn chân kẹp cổ là một trong những đòn đánh rất đẹp mắt của môn võ Vovinam, các võ sĩ tung người lên cao kẹp cổ đối phương và bẻ gập xuống. Đây là đòn thế độc đáo và đặc trưng của môn võ này.

1. Mục đích đánh đòn chân:

Đòn chân là đòn quyết tử, khi sử dụng đòn chân là người đánh muốn kết thúc trận đấu, và đây cũng là đòn sinh tử. Tại sao gọi là đòn sinh tử? Vì khi ta đánh ra nếu đánh chính xác, trúng địch thủ là ta đánh thành công, địch thủ sẽ bị té nhào tùy đòn mà bị thương tích nặng hay nhẹ, nhẹ thì có thể bị thương, nặng thì có thể bị gãy cổ, bể đầu…



Nhưng nếu đánh không trúng, địch thủ né được và có thể phản công được thì người đánh sẽ bị thương trầm trọng… do đó không bao giờ dùng đòn chân tấn công khi đối phương ở thế thượng phong (tức là còn khoẻ, có sự chuẩn bị). Chúng ta chỉ dùng đòn chân khi đã dồn đối phương vào sự mệt mỏi không chú ý hoặc không thể đỡ đòn nổi nữa rồi bất kỳ xuất ý mới đánh đòn chân…

Đòn chân khi dùng để đánh đối phương là chúng ta đứng sát với đối thủ có xa thì chỉ 3 bước thôi chớ không phải từ xa chạy lại đánh như khi chúng ta tập. Do đó đòi hỏi người đánh đòn chân phải là người luyện tập nhuần nhuyễn và có sức bật bay cao tại chổ không cần lấy đà từ xa… vì khi ra đường giao đấu không ai đứng sẵn cho mình đánh cả.

2. Phương Pháp Tập Đòn Chân:

Khi tập đòn chân người chịu đòn lẩn người đánh đòn trước hết phải học cách té, té làm sao cho an toàn không bị thương tích, bể đầu sứt trán…

- Người chịu đòn phải là người gan dạ và đúng tấn cho cứng chắc, để chịu nổi sức nặng của người đánh, thậm chí có thể nắm giữ người đánh lại cho người đánh được an toàn rồi mới từ từ té xuống.



- Người đánh những đòn chân từ số 6, 7, 8… phải tập nhảy xung lực cho cao… phải tập ở ngoài trước, tập nhảy ngang qua sợi dây hay nhảy ngang qua người tối thiểu phải nhảy ngang qua khỏi ngực, rồi sau đó tập bay đạp vào một vật chắn, tập bay đạp từ thấp rồi dần dần bay lên cao, người tập phải tập lấy đà dậm 1 chân nhảy lên bay đạp và học cách rớt xuống cho an toàn bằng 2 chân.

- Từ những đòn số 9, 10 người đánh phải biết cách chống tay té sấp và lăng ngang cho sức té bớt trọng lực nhẹ đi tránh cách té nặng nề dễ gây thương tích.

- Những đòn từ số 11 trở lên bay kẹp cổ, người đánh cần phải tập cách để chân lên cổ như thế nào, người chịu đòn đứng thấp cho người tập gác chân lên cổ, rồi chống 2 tay xuống đất nhiều lần khi được rồi mới kẹp hẳn và bẻ lật ngang cho đối phương té xuống trước. Khi đã biết cách đánh rồi mới nâng lên tầm cao. Sau đó là đứng thẳng tập bay kẹp với sự trợ giúp của huấn luyện viên, khi được rồi mới đánh một mình.

Trên đây là phương pháp căn bản từng bước dùng cho người mới tập để bảo đảm an toàn cho người chịu đòn lẫn người đánh đòn, nếu chúng ta tự dưng nhảy vào đánh liền sẽ bị thương tích rồi sẽ bị nhát đòn, và từ đó sẽ không dám đánh nữa…

*. Khi đã thành thạo rồi mới bay đánh thật, người chịu đòn phải đứng tấn thật chắc và đứng yên không nên nhát đòn, đừng khi thấy bạn mình chạy tới đánh sợ đòn lùi ra, làm như vậy sẽ làm cho bạn mình bị té, bị tai nạn. Người chịu đòn khi thấy bạn mình bay tới đánh phải gồng người lên hít một hơi thật sâu đứng tấn cho vững, khi bạn mình đánh xong rồi mới thở ra và té xuống.

*. Còn người đánh đòn phải nhảy cho thật cao đúng vào tâm điểm kẹp cho dính tránh kẹp hụt bị rớt giữa chừng sẽ bị tại nạn. Khi lên trên không và đã kẹp cổ được rồi, dùng hai chân xiết chặt cổ đối phương bằng đùi rồi ưỡn mình để cả cơ thể căn cứng, ở vị trí này, hai chân chéo vào nhau, cơ thể căng cứng khiến cho “vòng thắt cổ ” xiết chặt lại. Trong bước này cả cơ thể chúng ta phải căng cứng để cho đối phương không thể thở được. Bước kế tiếp là vặn người xoay ngang để bẻ gập cổ đối phương kéo xuống, theo đà người đánh đưa 2 tay chống xuống đất cho an toàn rồi mới vặn ngang người bẻ cổ đối phương cho lộn ngang.