Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt Giết Phó Tổng Trấn Huỳnh Văn Lý


(Nguồn: Lịch sử VN - Tác giả: Không rõ )

Hoàn cảnh lịch sử

Lê Văn Duyệt là khai quốc công thần đã có công theo phò vua Gia Long từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô tại Phú Xuân (Huế), Lê Văn Duyệt đi theo Gia Long ra Bắc đánh dẹp, rồi được đưa về Huế lo bảo vệ kinh thành. Sau đó, ông được đưa vào làm Tổng Trấn Gia Định và được trao cho “Thượng phương kiếm” là kiếm của vua dùng và được quyền “tiền trảm hậu tấu” uy quyền như một vị phó vương (người Pháp thường gọi ông là Vice-Roi). Đến năm Bính Tý (1816), năm thứ 15 dưới thời Vua Gia Long, ông được gọi về Huế làm việc bên cạnh vua và rất được vua tin cậy. Chức Tổng Trấn Gia Định được trao cho Nguyễn Huỳnh Đức, và Trương Tấn Bửu làm Phó Tổng Trấn. Tháng Chín năm Bính Tý (10-1816), vua lại gọi Trương Tấn Bửu về kinh. Tháng Mười năm đó, Nguyễn Huỳnh Đức dâng sớ xin cử một vị Phó Tổng Trấn, vua cử Trịnh Hoài Đức vào làm Hiệp Tổng Trấn Gia Định. Mùa Thu năm Kỷ Mão (1819), Nguyễn Huỳnh Đức mất, vua cho Chưởng Hữu Quân Nguyễn Văn Nhân vào làm Tổng Trấn Gia Định. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ I kỷ, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1963, trang 270, 300 và 305, 390, 391). Trong hai năm 1818 và 1819, Lê Văn Duyệt được vua sai đi thanh tra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, làm lại sổ dân đinh, tổ chức lại công việc, ổn định tình hình. Nhân đó, Lê Văn Duyệt đã thu phục một số những người có tội, biết ăn năn hối cải... được gia nhập quân đội, cho lập công phục vụ đất nước. Tháng Mười năm 1819, Lê Văn Duyệt được triệu về kinh.


Bất đồng về việc chọn người kế vị vua Gia Long:


Khi vua Gia Long bị Tây Sơn đánh đuổi, cùng đường phải trốn ra đảo Phú Quốc, vua đã quyết định nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đi cầu viện người Pháp. Vua có ý định trao cho Giám Mục một người con trai đem đi theo để làm tin, và để người con trai trưởng là Nguyễn Phúc Cảnh lại, sau này nối dòng chính thống. Câu chuyện mà chúng tôi nghe được do những người dân sống ở đảo Phú Quốc lâu đời kể lại: “Vua đã chọn Hoàng Tử Hiệp - con trai duy nhất của bà Thứ Phi (Phi Yến). Bà Phi Yến không chịu và năn nỉ vua đừng làm việc đó. Vua ra lệnh giam bà vào một hang núi rồi mang Hoàng Tử Hiệp lên thuyền. Nhưng hoàng tử khóc không chịu đi. Trong lúc đang lo sợ quân Tây Sơn đuổi bắt, vua đã tức giận và ra lệnh ném cậu bé đó xuống biển. Dân chúng thương tình, đã vớt xác cậu, chôn cất đàng hoàng và gọi là Mả Cậu. Hoàng Tử Hiệp còn có biệt danh là Hoàng Tử Cải. Còn bà Phi Yến cũng có biệt danh là bà Phi Răm. Con chết, chồng lưu vong ra nước ngoài, bà phải chịu nhiều đau khổ, đến nỗi bị bọn người vô lại xúc phạm, phải tự tử để thủ tiết và giữ danh giá của mình. Bà đã được an táng cạnh mộ của con bà: Mả Cậu. Vì thế trong dân gian mới có câu hát:



Gió đưa cây Cải về trời,
Rau Răm ở lại, chịu lời đắng cay. (Chịu đời đắng cay)
(Câu chuyện này cũng đã được ông Nguyễn Phúc Liên Kỳ viết lại và được trích đăng vào tập san “Đồng Nai-Cửu Long” số 02 trang 321)

Vạn bất đắc dĩ, vua Gia Long mới cho Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh (con trai trưởng) đi theo Giám Mục Bá Đa Lộc. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ: Nguyễn Phúc Cảnh sinh Tháng Tư năm 1780. Vua Gia Long gặp Giám Mục vào Tháng Bảy năm Quý Mão (1783) lúc đó Nguyễn Phúc Cảnh chưa đầy 4 tuổi. Tháng Mười Hai năm Giáp Thìn (01-1785) Nguyễn Phúc Cảnh theo Giám Mục qua Pháp, lúc đó khoảng 5 tuổi; đến Pháp năm 1787, mới hơn 7 tuổi, trở về Việt Nam Tháng Sáu năm Canh Tuất (1790) được phong làm Anh Duệ Hoàng Thái Tử vào Tháng Ba năm Quý Sửu (1793) tại Gia Định, mới 13 tuổi (tính theo Việt Nam là 14 tuổi), thường gọi là Đông Cung Cảnh. Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được cử làm Đông Cung Thị Giảng để dạy cho Đông Cung học. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, bản dịch, Hà Nội, 1963, trang 58, 98, 165, 166). Tháng Tư năm Đinh Tỵ (1797) mới hơn 17 tuổi, Đông Cung Cảnh đã theo Gia Long ra đánh Quảng Nam. Tháng Năm năm đó (1797), vua sai Đông Cung đem tướng sĩ dinh Tả Quân đánh cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam), sau đó về giữ thành Diên Khánh (Nha Trang). Năm Tân Dậu (1801) trong khi vua Gia Long tiến quân ra Huế, Đông Cung trở về giữ thành Gia Định. Ông bị bệnh đậu mùa mất vào Tháng Ba năm 1801 (tức Tháng Hai năm Tân Dậu), mới 21 tuổi (tính theo VN là 22 tuổi), trước khi Gia Long tái chiếm Phú Xuân, đánh bại quân Tây Sơn, thống nhất đất nước.

Về cái chết của Nguyễn Phúc Cảnh, sử quan nhà Nguyễn ghi như sau:

“Năm Tân Dậu (1801), Tháng Hai, ngày Quý Sửu, Đông Cung Nguyên Súy Quận Công Cảnh mất. Trước kia, Đông Cung từ Tây Dương về, từng theo đánh giặc, đến nay lưu trấn Gia Định, bị bệnh đậu mùa mất, 22 tuổi (tính theo Việt Nam). Vua nghe tin rất thương xót. Sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu, hiệp cùng Bộ Lễ lo việc tang. Sắc cho Gia Định đình mọi việc cúng lễ lớn nhỏ cho đến ngày an táng mới thôi, Bình Khang, Bình Thuận thì đình 13 ngày. Việc giá thú thì Gia Định đình 60 ngày, Bình Khang, Bình Thuận đình 30 ngày. Năm Gia Long thứ 4, truy tặng thụy là Anh Duệ Hoàng Thái Tử, lập vườn tạm ở xã Vỹ Dạ. Sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu điều hành việc lưu trấn Gia Định”.
(Trích Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ I kỷ, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1963, trang 386)

Nguyễn Phúc Cảnh là người chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng và văn hóa Tây Phương trong những năm gần gũi với Giám Mục Bá Đa Lộc. Vua Gia Long cũng nhờ Giám Mục dạy cho Đông Cung học, tất nhiên Đông Cung biết tiếng Pháp và đã đọc nhiều sách Pháp, nhất là về khoa học kỹ thuật. Giám Mục Bá Đa Lộc qua đời vào Tháng Mười năm 1799 tại Gia Định, 2 năm trước khi Đông Cung Cảnh mất. Nếu Đông Cung Cảnh không mất sớm, thì Việt Nam sẽ có một nhà lãnh đạo đất nước chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa Đông và Tây, hy vọng ông sẽ có một đường lối chính sách cai trị tiến bộ và nước Việt Nam đã đi trước Nhật Bản hàng nửa thế kỷ “Duy Tân”...



Vua Gia Long đã không chọn cháu đích tôn (con trưởng Đông Cung Cảnh) nối ngôi:

Nguyễn Phúc Cảnh có hai người con trai là Nguyễn Phúc Mỹ Đường và Nguyễn Phúc Mỹ Thùy. Theo truyền thống Á Đông, khi con trai trưởng qua đời thì cháu đích tôn (cháu nội trưởng) là Nguyễn Phúc Mỹ Đường sẽ lên nối ngôi. Nhưng khi còn tại vị, Gia Long vẫn không chọn cháu nội để lập làm Hoàng Tôn, cho nối ngôi sau này. Lê Văn Duyệt là người đã từng theo Gia Long từ trong cơn hoạn nạn, vào sinh ra tử, và đã cùng Đông Cung Cảnh chia sẻ những nỗi gian lao trong chiến đấu cũng như trong những ngày chạy loạn, đói khổ. Sau khi Đông Cung Cảnh qua đời, Lê Văn Duyệt đã từng khuyên vua Gia Long nên chọn cháu nội (là Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con của Đông Cung Cảnh) cho nối ngôi theo truyền thống dòng trưởng (chính thống) nối ngôi. Truyện "Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt Giết Phó Tổng Trấn Huỳnh Văn Lý " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

Xin nhắc lại một kinh nghiệm xương máu: người cha của Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) là Nguyễn Phúc Luân đã được chọn làm Thế Tử (để nối ngôi chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát). Nhưng sau khi Nguyễn Phúc Khoát mất (1765), quyền thần là Trương Phúc Loan hủy bỏ di chiếu, truất phế Nguyễn Phúc Luân và đưa Nguyễn Phúc Thuần (16 tuổi) lên làm chúa. Loan đã nắm hết mọi quyền hành. Trong hoàn cảnh đó, Tây Sơn đã nổi lên chiếm Quy Nhơn và tiến chiếm Quảng Nam uy hiếp Phú Xuân; đồng thời quân Trịnh đã vượt sông Gianh, đánh chiếm Thuận Hóa... Chúa Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân, đem theo người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định, về sau Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn giết... Nguyễn Phúc Ánh phải tranh đấu suốt 24 năm trời mới lấy lại được giang sơn của tổ tiên.

Lúc bấy giờ Nguyễn Phúc Mỹ Đường còn nhỏ tuổi nên Gia Long không muốn trao đất nước cho một người chưa đủ khôn ngoan và kinh nghiệm. Việc Gia Long có chủ ý chọn vua Hoàng tử thứ tư để cho nối ngôi sau nầy đã được nhà vua thực hiện từng bước theo một kế hoạch quy mô. Sau khi Hoàng trưởng tử là Đông cung Cảnh chết, hoàng tử thứ hai là Hy, hoàng tử thứ ba là Tuấn cũng nối nhau qua đời. Bà Hoàng hậu họ Tống (mẹ Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh) không còn người con trai nào, tất nhiên người nối ngôi phải là con trưởng của Đông cung Cảnh, tên Nguyễn Phúc Mỹ Đường (cháu đích tôn của vua Gia Long, thường gọi là Hoàng tôn Đán). Nhưng Gia Long đã có chủ trương chọn Hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm cho làm con của Hoàng hậu họ Tống, để nối ngôi sau nầy.

Ngày Ất Mùi, tháng 2 năm Giáp Tuất (1814), bà Hoàng hậu họ Tống mất, thọ 54 tuổi. Lúc bấy giờ Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, con nuôi của bà đã 23, 24 tuổi rồi. Khi sắp đặt các nghi lễ theo phong tục, các đại thần đã trình lên vua để chọn Hoàng tôn Đán (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường) đứng chánh tế vì là cháu đích tôn. Nhưng vua Gia Long không chịu vì vua muốn Hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm, con nuôi của Hoàng hậu họ Tống đứng vai chánh tế để đọc điếu văn (chủ tự). Vua nói “Hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm đã được chọn làm con nuôi của Hoàng hậu, có giấy tờ rõ ràng, nay phải để Hoàng tử đóng vai trưởng nam, đừng câu nệ “đích tôn thừa trọng”. Nguyễn Văn Thành nói rằng “Như thế thì khó dùng danh xưng cho đúng với tư cách của Hoàng tử trong văn tế” (là con nuôi chứ không phải con ruột) trong khi Hoàng hậu hãy còn có Hoàng tôn (cháu đích tôn) là Nguyễn Phúc Mỹ Đường. Những thắc mắc đó đã khiến cho vua Gia Long không bằng lòng, vua đã nói một cách dứt khoát:“ Con theo mệnh cha để tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Để hiểu rõ tính cách quan trọng của sự việc, chúng tôi xin trích lại nguyên văn sử liệu nầy :

“Tháng hai, ngày ất mùi, Hoàng hậu Tống thị băng, thọ 54 tuổi. Đặt quan tài ở điện Khôn nguyên. Vua thương tiếc không nguôi, đội khăn đen, mặc áo trắng, ngự ở nhà mật nghị, vời bầy tôi, dụ rằng:“ Vua để tang Hoàng hậu một năm là rất chính. Trẫm ở trong cung để tang một năm. Còn từ hoàng tử trở xuống thì bàn định phép để tang theo thứ bực”.......................

“Ngày canh tuất, lễ thành phục. Vua mặc áo vén gấu đến lạy hai lạy. Sai Hoàng tử dâng cơm tế điện. Trước kia Hoàng tử thứ tư mới lên 3 tuổi, vua cho Hoàng hậu nuôi làm con mình. Hoàng hậu đòi làm giấy khoán (theo thế tục, phàm nuôi con người làm con mình thì phải có khế khoán quá phòng). Vua sai Lê Văn Duyệt viết giấy đưa cho. Hậu giao cho cung tỳ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đấy Hoàng tử thứ tư thường vào chầu ở đại nội, làm con của Hoàng hậu, thường gọi là mẹ. Đến khi hoàng cả là Cảnh, hoàng hai là Hy, hoàng ba là Tuấn nối nhau mất, hoàng tư lấy thứ bực là lớn nhất, duy đời trước phái trưởng phần nhiều khó nuôi cho nên không muốn gọi là trưởng. Đến nay làm lễ tang Hoàng hậu, bầy tôi có người bàn lấy Hoàng tôn Đán (con Hoàng tử Cảnh, tức là Mỹ Đường) làm chủ tự. Vua dụ rằng “Hoàng tử từng làm con của Hoàng hậu, đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường”. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: “Con theo mệnh cha để tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Bấy giờ việc bàn mới định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng”.
(Trích Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, bản Hán văn do Quốc Sử quán nhà Nguyễn biên soạn, bản dịch của Viện Sử học Hà Nội, 1963, trang 213, 214)

Năm Gia Long thứ 15, Mùa Hạ, Tháng Sáu ngày Kỷ Mùi năm Bính Tý (1816), Nguyễn Phúc Đảm được sách phong lập Hoàng Thái Tử, và cho ở điện Thanh Hòa. Nguyễn Phúc Đảm sinh năm Tân Hợi (1791) lúc đó đã 25 tuổi (26 tuổi tính theo Việt Nam) và khi lên ngôi, lấy niên hiệu Minh Mạng cũng đã gần 30 tuổi Việt Nam.

Mặc dù có sự bất đồng giữa Lê Văn Duyệt và Gia Long về việc chọn người kế vị... nhưng Lê Văn Duyệt vẫn một lòng trung thành phục vụ nhà Nguyễn. Năm Bính Tý (1816), trong lúc Lê Văn Duyệt đang thành công tại Gia Định (miền Nam) thì ông được lệnh trở về kinh đô Phú Xuân (Huế) để làm việc bên cạnh vua Gia Long và được vua sai đi thanh tra và củng cố lại chính quyền cũng như quân đội tại hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Lê Văn Duyệt đã thành công trong sứ mạng nhà vua giao phó. Vào giây phút quan trọng nhất, trước khi lìa đời, để truyền ngôi cho con, vua đã gọi hai người có thế lực nhất trong triều đình và cũng là hai người được vua tin cậy nhất: một vị đứng đầu các quan võ là Lê Văn Duyệt và một vị đứng đầu các quan văn là Phạm Đăng Hưng. Vua đã trao phó Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm cho hai vị này bảo vệ. Lời trối trăn cuối cùng cũng như di chiếu của vua trao cho Hoàng Thái Tử đã diễn ra trước sự chứng kiến của hai vị khai quốc công thần này.

Chúng ta có thể nghĩ rằng vua Gia Long đã chuẩn bị giờ phút này từ năm Giáp Tuất (1814) khi Hoàng hậu họ Tống qua đời, và nhất là từ năm Bính Tý (1816) khi đưa Lê Văn Duyệt từ Gia Định về Huế làm việc bên cạnh vua. Vua muốn tự mình xác định lòng trung thành của Lê Văn Duyệt trước khi trao cho ông sứ mạng bảo vệ Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm. Hơn 3 năm sau, vào Tháng Mười Một năm Kỷ Mão (1819) vua Gia Long đau nặng. Một tháng trước khi băng hà, vua đã ra lệnh cho Hoàng Thái Tử trực tiếp lãnh đạo đất nước:

“Tháng Mười Một năm Kỷ Mão (1819), ngày Bính Tý, vua không được khỏe. Hoàng Thái Tử vào hầu... Vua hạ chiếu rằng: “Mọi việc quân, việc nước đều phải tâu lên cho Hoàng Thái Tử quyết đoán trước, rồi sau mới tâu vua”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ I kỷ, tập III, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1963, trang. 394)

Sau đó, chừng một tháng, vua lại triệu Hoàng Thái Tử và hai vị đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng đến để nhận di chiếu truyền ngôi:

“Ngày Kỷ Hợi, 11 Tháng Chạp năm Kỷ Mão (26 Tháng Giêng năm 1820), vua đau nặng, triệu Hoàng Thái Tử và các Hoàng Tử, tước công cùng các đại thần là Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng vào nhận di chiếu. Lê Văn Duyệt được chỉ huy 5 đội quân Thần Sách”...
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ I kỷ, sđd, bản dịch, trang 398)

Một tuần sau đó, vua băng hà:

“Ngày Đinh Mùi, 19 Tháng Chạp năm Kỷ Mão (03 Tháng Hai, 1820) vua băng hà ở điện Trung Hòa, thọ 58 tuổi (Việt Nam)”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ I kỷ, sđd, bản dịch, trang 398)

Ngay sau khi vua Gia Long mất, Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm, người kế vị, đã ban hành một thông báo cho hoàng gia, triều đình và toàn dân, nội dung như sau:

“Tháng Mười Một năm nay (Kỷ Mão), Đại Hành Hoàng Đế không được khỏe; ngày 11 Tháng Mười Hai vua ốm nặng, ngày ấy triệu ta (Nguyễn Phúc Đảm) cùng văn võ đại thần cùng nhận di chiếu. Ngày 19, Đại Hành Hoàng Đế bỏ cả thiên hạ, ta thương xót như xé ruột gan, kính theo lời dạy thánh hiền, để tang ba năm. Vậy định chế cho trong ngoài theo thứ bực...” (sđd, trang 398)

(Thông cáo này ấn định thể thức để tang cho vua tùy theo thứ bậc từ hoàng tử, hoàng tôn, cung tần... các người trong họ nhà vua cũng như các quan trong triều và các tỉnh)

Ngày Quý Sửu (20 Tháng Chạp năm Kỷ Mão) lễ thành phục (mặc áo tang). Ngày Bính Thìn (23 Tháng Chạp năm Kỷ Mão), Hoàng Thái Tử đến điện Hoàng Nhân lạy nhận di chiếu, và chọn ngày Mồng Một Tháng Giêng năm Canh Thìn (14 Tháng Hai năm 1820) tức ngày Tết Nguyên Đán để lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Minh Mạng. (sđd, trang 399)

Hai vị phụ chính đã được vua Gia Long tin cậy và giáo phó trách nhiệm giúp vị tân quân trong việc trị nước an dân: Lê Văn Duyệt (1764-1832) là khai quốc công thần theo vua Gia Long từ thuở hoạn nạn, lập được chiến công hàng dầu diệt Tây Sơn phò nhà Nguyễn. Phạm Đăng Hưng (1765-1825), quê Gò Công là Thượng Thư Bộ Lễ, kiêm Bộ Lại, có công phò Gia Long và cũng được đứng vào hàng khai quốc công thần...