Ăn mè thay cơm được không

Một số người bệnh huyết áp, tiểu đường, tim mạch… đang thực hành chế độ dinh dưỡng hàng tuần bằng cách xen vào giữa những ngày ăn uống bình thường vài ngày ăn mè rang thay cơm, với niềm tin mè nhiều dưỡng chất hơn gạo và có tác dụng hỗ trợ trị bệnh. Điều này có đúng không?
Thành phần dưỡng chất trong mè
Cây mè (vừng) có tên khoa học là Sesamum indicum L., họ Pedaliaceae. Dựa vào màu sắc hạt mè mà gọi tên mè trắng, mè vàng, mè đen. Thành phần chủ yếu của hạt mè là: chất béo, trong đó có khoảng 40% chất béo không bão hoà đa nối đôi, 40% chất béo không bão hoà một nối đôi và chỉ có 18% axít béo bão hoà; omega 3 và omega 6, những axít béo thiết yếu mà cơ thể không tạo ra được, có tác dụng như tạo năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, đồng thời giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K...). Chất béo trong mè chủ yếu là các chất béo chưa bão hoà có khả năng bảo vệ tim mạch trước nguy cơ tổn thương do lão hoá, giảm xơ vữa mạch máu và thiếu máu cơ tim. Do chứa ít axít béo bão hoà nên dầu mè có giá trị dinh dưỡng cao hơn dầu dừa, dầu cọ và bảo quản được lâu hơn. Mè còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin quan trọng như canxi, sắt, magne, mangan, đồng, vitamin B1, vitamin E…
Bên cạnh những lợi thế dinh dưỡng thì mè cũng có bất lợi. Trong hạt mè có khoảng 5,36% axít phytic, là chất không có giá trị dinh dưỡng, làm giảm hấp thu một số khoáng chất quan trọng như canxi, magne, sắt, kẽm. Vì thế, dùng quá nhiều mè sẽ không có lợi cho sức khoẻ.
Đông y chỉ dùng mè đen
Mặc dù về mặt phân tích hoá học không thấy sự khác biệt thành phần giữa các loại mè, nhưng đông y chỉ sử dụng mè đen để làm thuốc với tên gọi: hắc chi ma, hồ ma nhân. Thảo dược này có vị ngọt, tính bình, không độc, quy kinh can, thận. Tác dụng chính là bổ ích can thận, dưỡng huyết, khu phong, nhuận tràng, bổ ngũ tạng, tăng khí lực, làm sáng mắt, phát triển bắp thịt, bổ ích tinh tuỷ.
Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy mè có tác dụng kháng viêm, giảm đau khi bôi lên niêm mạc, dùng uống làm giảm cholesterol máu (do thành phần phytosterol trong dầu mè), nhuận tràng. Hợp chất lignan, có tên sesamin (29 mg%), là một estrogen thực vật có tác dụng chống oxy hoá và chống ung thư. Với hàm lượng canxi khá cao (131 mg%), mè còn là một thực phẩm cần thiết cho trẻ nhỏ bị còi xương. Những kết quả nghiên cứu về hoá học và dược lý đương đại đã làm sáng tỏ nguyên nhân khiến các phụ nữ Babylon cổ xưa thường ăn món halva (mứt trộn mật ong với mè) để kéo dài nhan sắc và tuổi trẻ, còn các chiến binh La Mã lại sử dụng mè để tăng cường sức khoẻ.
Không nên sử dụng mè thay gạo
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khuyến nghị phải hạn chế chất béo bão hoà (mỡ động vật) dưới 30%. Còn các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên tăng cường tiêu thụ axít béo không bão hoà, nhất là các omega 3, nhưng phải bảo đảm không có sự hiện diện của chất béo đã hydro hoá (chất béo trans). Mè là thực phẩm giàu chất béo lý tưởng đáp ứng đủ các điều kiện này.
Năng lượng tạo ra khi ăn mè cao gần gấp hai lần so với cơm. 100g mè cung cấp khoảng 570kCal, trong khi 100g gạo chỉ cung cấp 365kCal, nhưng chất dinh dưỡng trong mè không đầy đủ cân đối. Trong mè, thành phần bột đường chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B4, B5, B6, B9) lại không phong phú như trong gạo. Ngay trong các bài thuốc bổ đông y cũng thường phối hợp mè đen với gạo, khoai hoặc bột sắn dây, các thực phẩm thuộc nhóm bột đường, để có các món ăn bài thuốc đơn giản mà bổ dưỡng.

Dù là người bình thường hay phải ăn kiêng để kết hợp điều trị bệnh (đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch...) thì chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng phải đảm bảo cung cấp các nhóm thực phẩm cơ bản: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, nước, chất xơ... Phải bảo đảm tỷ lệ chất đạm: chất béo: chất bột đường là 15 – 20% / 15 – 18% / 55 – 65% (trong tổng số năng lượng). Gạo là thực phẩm thuộc nhóm bột đường, nhóm dưỡng chất cơ thể cần với tỷ lệ cao nhất. Vì thế, cho dù mè có nhiều đặc tính nổi bật nhưng cũng không thể thay thế cơm trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Trong khẩu phần thông thường, mè chỉ là một thực phẩm cung cấp chất béo, tăng thêm hương vị cho bữa ăn mà thôi.
  • (Theo SGTT - TS)