Nữ võ sư tuổi... thất thập
Đôi chân tập tễnh yếu ớt, đám trẻ khuyết tật vẻ mặt sợ sệt không dám bước lên võ đài, bà võ sư tóc bạc vui vẻ đưa tay động viên "cố lên các con", thế là các võ sĩ nhí lại gồng sức, bặm môi, nheo mắt chầm chậm bắt chước từng động tác của bà.

Trong căn phòng dạy võ đơn sơ dành cho trẻ khuyết tật ở nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (TP HCM), nữ võ sư 65 tuổi kiên nhẫn cầm tay chỉ các động tác cho từng đứa trẻ bị Down hay khiếm thị của câu lạc bộ "Akido Thế giới là yêu thương" do chính bà sáng lập. Lũ trẻ cười khúc khích mỗi khi làm đúng bài và được cô vỗ tay khen.

Vì các học trò khuyết tật tiếp thu chậm nên từng động tác cô Loan phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để các em bắt chước làm theo. Ảnh: NN.

Nhìn các học trò vốn bị khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật, Down...nay có thể thực hiện những màn nhào lộn, đấm, vật không thua gì trẻ em bình thường, võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan cười hiền bảo: "Tôi cũng bất ngờ khi thấy các em tiến bộ như thế. Ban đầu chỉ đặt mục tiêu làm sao giúp học trò có sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống là được rồi, nhưng đến giờ các em đã đứng được trên đôi chân của mình và thực hiện những đòn võ tròn trịa nên tôi vui lắm".

Theo đuổi võ thuật từ bé, năm 20 tuổi, võ sư Thanh Loan vinh dự trở thành một trong hai phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đạt tới đẳng Shodan được cấp bằng quốc tế. Đến nay, sau 44 năm gắn bó với nghề dạy võ cho trẻ, bà bộc bạch: "Niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy các em khỏe mạnh, trưởng thành và sống có ích cho gia đình, xã hội".

* Giờ học võ Aikido của trẻ khuyết tật

Gần 10 năm về trước, Hội võ thuật người khiếm thị TP HCM thành lập, bà Thanh Loan là võ sư đầu tiên được mời phụ trách bộ môn Aikido cho khoảng 20 trẻ khiếm thị. Nhiều thế hệ học trò của bà nay đã thành đạt, người ra trường đi làm, người đang học đại học hoặc các trường nghề.

Bà hồ hởi kể lại: "Lúc mới nhận trọng trách tôi lo lắm không biết mình có hoàn thành được không bởi trước giờ toàn dạy cho trẻ sáng còn khó, huống hồ các em này lại không thấy đường. Nhớ hồi đầu mở lớp, các em cứ dùng dằng nhất định không chịu vào sân tập, vậy mà bây giờ nhiều em đạt tới đai nâu rồi đấy!".

Lớp học buổi sáng tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (quận 3, TP HCM). Ảnh: NN.

Đặc điểm của trẻ khuyết tật tiếp thu chậm nên đòi hỏi võ sư phải tập đi tập lại nhiều lần, có khi học xong mà ôn lại cứ như mới. Nhất là đối với những thế võ khó, cô giáo phải sáng tác những bài hát miêu tả để bọn trẻ ghi nhớ.

Thường xuyên tiếp xúc với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên bà giáo già cũng rất hiểu tâm tính của các em, mỗi khi có đứa giận hờn hay lười không chịu học, bà lại nhẹ nhàng dỗ bằng những lời động viên, chiều chuộng. Cũng trong mỗi buổi học võ như thế, bà còn lồng vào những bài học về lễ nghĩa, lối sống, cách chào hỏi, cư xử với người khác để hướng cho các em đến những giá trị sống tốt đẹp.

Đang theo học lớp Aikido vỡ lòng buổi sáng, Hà Thanh, 21 tuổi bị bệnh Down bẩm sinh nhưng đàn, hát rất hay và đặc biệt mê học võ đến nỗi hễ có ai nói đùa ngày mai cho nghỉ học võ ở nhà là cô bé lại giãy nảy: "Con không chịu đâu, con thích đi học cơ".

Bà Thu Hà, mẹ của Thanh cho biết, từ ngày đi học võ ở đây về, thấy em có vẻ nhanh nhẹn và vui vẻ hơn, đặc biệt về nhà biết khoanh tay cúi đầu chào hỏi mọi người rất lễ phép. "Cháu tâm sự với mẹ là đi học ở đây vui lắm vì được nói chuyện với nhiều bạn. Vì thế mỗi lần có đồ ăn gì ngon lại nằng nặc đòi mẹ để dành mang lên lớp cho các bạn ăn cùng. Tôi chỉ mong như thế chứ cũng chẳng dám hy vọng gì nhiều hơn", bà Hà phấn khởi chia sẻ.

Không chỉ dành phần lớn thời gian để dạy võ miễn phí cho trẻ khuyết tật, võ sư Thanh Loan còn chi tiền cộng tác với những mái ấm, những cơ sở từ thiện thuê xe cho các em ở khắp nơi đến đây học võ, "cốt là để cho các em có được sức khỏe, niềm tin yêu cuộc sống và biết tự bảo vệ mình trong những tình cảnh bị người xấu tấn công", bà nói.

Đối với học trò khiếm thị, cô giáo phải cầm tay tỉ mỉ dạy từng động tác. Ảnh: NN.

"Cũng may cả gia đình tôi đều là võ sư Aikido nên mọi người hiểu và vui vẻ ủng hộ. Nhờ vậy mà tôi yên tâm dốc toàn thời gian lo cho các em", võ sư Thanh Loan hạnh phúc bày tỏ.

Mặc dù đã cố gắng hết mình, song điều mà bà lo lắng nhất hiện nay là lớp võ dành cho học sinh khiếm thính ở chùa Linh Quang (quận 4) có nguy cơ phải giải thể vì nhà chùa không còn đủ kinh phí để lo khoản thuê xe cho các em đến trung tâm này học. Cô trăn trở: "Các em này đang bắt đầu thuần thục lại phải bỏ giữa chừng thì tiếc lắm. Tôi vẫn đang cố gắng tìm mọi cách để giúp các em được tiếp tục học".

Mang trong mình tinh thần võ sĩ đạo Aikido lấy tình thương và hòa bình làm phương châm vào đời, võ sư Thanh Loan cho biết, hiện nay mong muốn lớn nhất của bà là mở thêm các lớp dạy võ kết hợp với dạy chữ và kỹ năng sống cho các đối tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ để giúp các em hòa nhập với cộng đồng, có kiến thức, nghề nghiệp ổn định để cuộc sống của chúng đỡ khổ hơn.

Cô bảo: "Cuộc đời này chỉ cần mỗi người góp một tiếng cười thì thế giới sẽ bớt đau buồn nên thấy các học trò của mình vui vẻ, yêu đời và tự tin hòa nhập vào cộng đồng là tôi hạnh phúc rồi".

Ngoan Ngoan