Masatoshi Nakayama - 10đẳng.



Chủ Tịch đời thứ 2 của Hiệp Hội Karatedo Shotokan Nhật Bản.

- Masatoshi Nakayama
- Sinh năm 1913 tại Yamaguchi Japan. Mất năm 1987
- Đẳng cấp/tước vị: Shihan 10 đẳng
- HLV cao cấp nhất của JKA, JSKA và thế giới
- Thầy dạy: Tổ Sư G.Funakoshi
Ðại sư Nakayama sinh ngày 13/4/1913 tại thành phố Yamaguchi (Nhật) nhưng cùng cha mẹ sang cư ngụ tại Ðài Loan. Lúc cùng gia đình trở về Nhật và học đại học, ông chỉ chơi vài môn thể thao chứ chưa biết gì về võ thuật. Nhờ có bố là một kiếm sĩ hạng nhất trong quân đội, Nakayama đã được học căn bản về kiếm đạo và ông đã chọn kiếm đạo làm môn ngoại khóa ở trường đại học Takushoku.

Thế nhưng định mệnh đã đẩy Nakayama rẽ sang một lối khác khi ông vô tình đi lộn vào phòng tập một thứ võ mà ông chưa hề biết: các thanh thiếu niên mặc võ phục trắng, mang đai đủ màu với các động tác tay chân như vờn, múa. Ðó là giây phút quyết định nghiệp võ của Nakayama, vì ông đã gặp chính đại sư Gichin Funakoshi. Những đòn tuyệt kỹ và nhân cách của vị đại sư đã chinh phục hoàn toàn Nakayama nên ông từ bỏ kiếm đạo để theo học Karatedo. Funakoshi đã nhận thấy chàng trai nghị lực, nhiều hoài bão Nakayama có tài năng tiềm ẩn nên đã tận tình truyền dạy cho ông. Năm 1937, Nakayama sang Trung Hoa với một hoài bão lớn: tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi lịch sử, văn hóa, xã hội và đặc biệt là võ thuật của nước này. Suốt mười năm, ông tập trung nghiên cứu, tập luyện võ thuật Trung Hoa mà Thiếu Lâm là võ phái ông chú tâm nhất. Ông đã được một lão võ sư 80 tuổi dạy những tuyệt kỹ về cước pháp. Ông cũng đã thực hiện một cuộc hành trình đầy kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, một mình đi bộ vào vùng thảo nguyên mênh mông xuyên Trung Quốc đến Mông Cổ để học hỏi những điều hay lạ, trong đó có võ thuật bí hiểm Mông Cổ.

Năm 1947, Nakayama trở về, chứng kiến những cảnh tàn phá thảm khốc của chiến tranh trên đất Nhật: các thành phố và võ đường của Funakoshi bị đổ nát, một số bạn đồng môn thiệt mạng. Nhật bị bại trận đã bị Mỹ khống chế nhiều quyền hạn, trong đó các hoạt động võ thuật bị cấm đoán một cách vô lý. Nakayama đã vận động với Bộ Giáo dục Nhật để Karatedo được phép dạy trở lại. Năm 1948, hai Thầy trò - Funakoshi và Nakayama được mời đến căn cứ không quân Mỹ ở Tachikawa để dạy Karatedo cho binh lính Mỹ. Ðây là bước mở đầu căn bản cho việc Karatedo lan tỏa khắp nước Mỹ và thế giới sau này.

Nakayama đã viết quyển Karatedo Shinkyotei (phương pháp mới Karatedo) lần đầu tiên nói về lý thuyết và đòn thế Karatedo. Sách được dịch sang tiếng Anh với nhan đề Dynamic Karate (Karate năng động) và được dùng để dạy Karatedo ở nhiều nước trên thế giới.

Năm 1949, Nakayama được giao trọng trách cố vấn trưởng kỹ thuật của Hiệp hội Karate Nhật Bản do Gichin Funakoshi làm Chủ Tịch. Sau đó ông được bầu làm Chủ Tịch sau khi người Thầy - Funakoshi của mình qua đời năm 1957.

Không còn ý kiến phản bác của ân sư, để đưa ra những cuộc thi đấu Karatedo, Nakayama đã soạn thảo luật thi đấu với những điều quy định chặt chẽ nhằm tránh sát thương cho môn sinh khi tranh giải. Năm 1957, ông tổ chức giải vô địch Karatedo toàn Nhật đầu tiên ở Tokyo và cũng là giải đầu tiên trên thế giới.

Nếu đại sư Funakoshi với những điều dạy về tinh thần như: “Karatedo không có kỹ thuật tấn công trước”, “Tâm lặng như mặt nước hồ thu, tâm sáng như trăng rằm”, “Lấy bất biến ứng vạn biến” v.v... đã nâng Karatedo lên thành một thứ đạo, một triết lý sống, một phong cách đối nhân xử thế, thì Masatoshi Nakayama với điều luật thi đấu đã biến Karatedo thành môn thể thao đầy hấp dẫn mà tất cả đều có thể tham gia. Ðiều này làm Karatedo dễ dàng lan tỏa nhanh chóng khắp toàn cầu.

Các thành viên cấp cao trong Hiệp Hội Shotokan Karatedo Nhật Bản trước năm 1987Người kế nhiệm Sensei Nakayama là Sensei Abe Kiego - 8đẳng (hàng thứ 3 bên phải) Sensei H.Kanazawa (hàng thứ 2 bên trái) sau này là 10đẳng - Chủ Tịch Liên Đoàn Shotokan Karatedo Quốc Tế (SKIF).


(Sưu Tầm