Theo vnexpress.com

Không những định gạt bóng đá nữ khỏi chương trình thi đấu, Ban tổ chức SEA Games 2011 Indonesia còn loại một số nội dung thế mạnh khác của thể thao Việt Nam đồng thời đưa vào không ít môn lạ.

SEA Games 2011 phải đến ngày 11/11 mới khai mạc, nhưng ngay bây giờ nước chủ nhà đã cho thấy rõ tham vọng giành ngôi nhất bằng mọi giá. Giáp Tết nguyên đán, Indonesia gửi tới thể thao Việt Nam một tin không vui. Đó là bản công bố các nội dung nước chủ nhà dự định tổ chức tại SEA Games 26. Có thể xem đây như động thái thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực nhưng cũng có thể ngầm hiểu rằng sẽ ít có sự thay đổi ở bản danh sách này, cho dù phải tới ngày 25/2 và 26/2 tới, Hội đồng thể thao SEA Games mới đưa ra quyết định chính thức về số nội dung thi đấu tại SEA Games cuối năm.

Nhìn danh sách các môn thi đấu Indonesia dự định tổ chức, nhiều nhà chuyên môn còn không biết nó là môn gì, chứ chưa nói đến điều lệ, luật thi đấu. Trong số 44 môn có những môn rất lạ, thậm chí chưa từng xuất hiện tại các kỳ SEA Games trước đây như đánh bài hoặc leo tường, kenpo, trượt pa-tanh tốc độ. Thậm chí có những nội dung hy hữu xuất hiện như 6 nội dung bắn súng ứng dụng (gần giống như súng sử dụng trong quân đội) rất xa lạ với các cuộc thi đấu thể thao và ở Việt Nam còn chưa có trường bắn. Đây là môn sở đoản với Việt Nam nhưng lại là sở trường của nước chủ nhà. Cũng ở môn bắn súng, nước chủ nhà lại chỉ đưa vào 6 trong tổng số 15 nội dung thi đấu của Olympic và chỉ có thêm 3 nội dung thi đấu của ASIAD. Việc đưa vào 6 nội dung bắn súng ứng dụng của nước chủ nhà chẳng khác nào một động thái "thách thức" với nền thể thao các quốc gia chưa có môn này vì không thể chuẩn bị kịp lực lượng mạnh tranh tài.

Nhưng Indonesia lại cắt bỏ khoảng 20 nội dung thế mạnh của Việt Nam, trong đó có cả những nội dung quan trọng của Olympic. Họ loại nội dung súng ngắn bắn nhanh mà Việt Nam vừa có HC bạc tại ASIAD Quảng Châu, và nội dung súng ngắn thể thao nữ mà Việt Nam có VĐV đứng thứ tư thế giới. Nước chủ nhà cũng chỉ tổ chức các nội dung thi đấu cá nhân chứ không có nội dung đồng đội, thế mạnh của bắn súng Việt Nam.

Bóng đá nữ nếu không được tổ chức thì thể thao Việt Nam chỉ đứng trước nguy cơ bị mất một HC vàng. Còn với môn bắn súng, việc gạt bỏ này có thể khiến Việt Nam mất tới gần chục HC vàng tại SEA Games cuối năm nay.

Môn xe đạp cũng bị cắt bỏ nội dung Olympic là băng đồng nữ mà Việt Nam vô địch ở những kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua, trong khi Indonesia giữ nguyên nội dung đổ đèo nữ vốn không phải là nội dung thi đấu Olympic. Ở môn vật cũng vậy, bỗng nhiên hạng cân 48kg của đô cử vừa giành HC bạc ASIAD 16 Nguyễn Thị Lụa bị cắt bỏ để thi đấu ở các hạng cân cao hơn. Với môn bi sắt, nội dung đơn nữ từng giúp cho Việt Nam vài lần đăng quang ở SEA Games cũng bị cắt bỏ. Môn sport aerobic, Việt Nam khẳng định vị trí dẫn đầu ở nội dung đôi nam - nữ giờ cũng đứng trước nguy cơ trắng tay.

Ở môn võ truyền thống của nước chủ nhà - pencak silat, dường như Indonesia quên mất nhiệm vụ phải quảng bá, nhân rộng cho sự phát triển của môn này trong khu vực nên chỉ nhắm vào mục tiêu huy chương. Đối thủ chính của Indonesia tại môn này cũng là đoàn Việt Nam. Việc pencak silat Việt Nam gần đây nhiều lần qua mặt Indonesia đứng đầu thế giới đã khiến cho nước chủ nhà của SEA Games 26 phải điều chỉnh. Sau khi Việt Nam vô địch thế giới 2010, tiến tới SEA Games 2011, Indonesia quyết định cắt 5 hạng cân mà Việt Nam không có đối thủ là 50kg nữ, 75kg nữ, 80kg nam, 85kg nam và 95kg nam. Việc bỏ nội dung thi đấu này không tuân theo một quy tắc nào nên mới có cảnh ở các nội dung của nữ, hạng cân 50kg của nhà vô địch thế giới Lê Thị Phi Nga bị cắt bỏ trong khi các hạng cân nhỏ của nam lại được giữ nguyên.

Điểm qua các nội dung thi đấu, giới chuyên môn nhận định chắc chắn SEA Games 2011 là một kỳ đại hội rất khó cho mục tiêu top 3 của thể thao Việt Nam, vì khoảng 20 nội dung Việt Nam hy vọng có thể giành HC vàng đã bị cắt bỏ.

Indonesia dự định tổ chức 44 môn thi đấu với 542 bộ huy chương. Việt Nam chỉ có thể tranh tài ở 28 đến 31 môn, trong đó chỉ đặt nhiều hy vọng huy chương vàng ở khoảng 24 môn. Có 20 môn và một số phân môn Việt Nam khó có HC vàng, thậm chí nhiều môn Việt Nam còn chưa có VĐV thi đấu như đánh bài, trượt pa-tanh tốc độ, đua ngựa. Các môn mà thể thao Việt Nam tham gia là: điền kinh, bơi, lặn, bắn cung, cầu lông, billiards & snooker, canoeing/kayak, xe đạp, quyền anh, bi sắt, đấu kiếm, bóng đá, judo, cờ vua, rowing, vovinam, cầu mây, pencak silat, bắn súng, taekwondo, bóng bàn, tennis, bóng chuyền, cử tạ, vật, wushu, karatedo và thể dục...