Sao gọi là Tết Nguyên Đán ?


Tết là do chữ “tiết” trong cụm từ “thời tiết” được rút ngắn và nói trệch đi. Cây trồng nói chung và cây lúa nước nói riêng đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi cuả thời tiết. Người dân trồng lúa nước kỷ niệm những thời điểm đánh dấu sự chuyển mùa của thời tiết để nhắc nhở mọi người gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đúng thời vụ. Ngày kỷ niệm đó được gọi là Tết, toàn bộ hành động kỷ niệm thì được gọi là lễ Tết và được phân bố theo thời gian trong một năm. Song, cũng do quanh năm làm lụng vất vả nên nông dân đã tranh thủ ngày Tết để ăn uống và nghỉ ngơi. Vì thế mà lễ Tết thường có hai phần: Phần lễ là để cúng bái trời đất và tổ tiên; phần Tết là ăn uống. Tiếng Việt có cụm từ ăn Tết là do vậy.


Tết Nguyên Đán, rơi vào ngày đầu tiên của năm theo lịch âm, mở đầu mùa Xuân - mùa gieo trồng và sinh nở của muôn loài - lại vừa mở đầu một năm của thời gian nên là Tết quan trọng nhất. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sáng; có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của một năm. Nhà sử học Trần Quốc Vượng cho rằng ý nghĩa đầy đủ nhất của “nguyên đán” là “buổi sáng đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của Năm Mới”. Chính vì vậy mà sáng hôm đó, tất cả mọi người đều thức dậy muộn hơn mọi ngày, không ra khỏi nhà và không ai đến nhà nhau. Quanh năm sống với cộng đồng và bằng cộng đồng vào ngày đầu của mỗi năm, có lẽ người dân trồng lúa nước muốn dành riêng cho bản thân mình trọn vẹn một buổi sáng. Song là Tết quan trọng nhất nên người ta không chỉ ăn Tết một ngày đầu năm đó mà nhiều ngày, bắt đầu từ ngày 23 tháng cuối cùng của năm cũ, theo lịch âm.
Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết ta (Tết của chúng ta, của người Việt Nam) để phân biệt với Tết của nước ngoài. Theo lịch âm dương, một năm của người trồng lúa nước Việt Nam bắt đầu từ tháng Tý (tháng con chuột, tức tháng Mười Một theo lịch âm hiện nay). Từ khi văn minh Trung Hoa vào Bắc Bộ, thời gian của một năm bắt đầu từ tháng Dần (tháng con hổ, tức tháng Một) và nhiều phong tục trong Tết Nguyên Đán theo Trung Hoa.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng cuối cùng, người ta đã làm lễ tiễn năm cũ, bằng cách làm một mâm cỗ kèm theo ba con cá chép sống. Cỗ này để cúng Ông Công và Ông Táo, cúng xong thì thả cá xuống ao, sông lạch. Theo tín ngưỡng thì mọi gia đình đều do ba vị thần cai quản: Thổ Công (gồm thần Thổ Công, Thổ Địa, và Thổ Kỳ), thần Nhà và thần Bếp (Ông Táo). Ngày 23 tháng Chạp, Thổ Công và Táo Quân lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi hành động của gia đình trong năm. Ngọc Hoàng sẽ xem xét để ban thưởng hay trừng phạt gia đình đó. Cho nên, mọi gia đình đều làm một bữa cỗ và mua cá chép (sau khi cúng thì hoá thành rồng) để hai vị thần này cưỡi bay lên Trời nói tốt cho gia đình mình. Theo tín ngưỡng thì từ hôm đó đến Năm Mới, thế giới là vô chủ và là cõi âm. Cũng từ hôm đó, mọi sinh hoạt nhộn nhịp khác thường. Theo phong tục còn lưu hành cho đến trước năm 1945 thì từ ngày 25 tháng Chạp, công việc nhà nông được ngừng lại, người ta “đóng cửa” rừng không cho người vào khai thác hái lượm. Ở thành phố, các công sở được niêm phong, trường học cho học sinh về nghỉ, nhà tù không nhận tù nhân mới… Tóm lại, đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với “cái chết tạm thời của vũ trụ”. Tất cả mọi việc chỉ nhằm một mục đích: chuẩn bị cho việc đón Năm Mới.
Chuẩn bị đón Tết là công việc toàn diện và bận rộn nhất của một năm đối với mọi gia đình Việt Nam, không phân biệt nghề nghiệp, giàu nghèo và nơi cư trú. Gia đình nào cũng vệ sinh nhà cửa, sân ngõ thật sạch sẽ; có thể quét vôi lại hoặc tu sửa nhà cửa; thăm mộ tổ tiên và tu sửa mộ; thanh toán mọi công nợ và các việc tồn đọng. Các gia đình phải mua sắm: quần áo mới, có thể cả giày dép, trang phục và nữ trang mới; phần lớn thức ăn cho ngày Tết phải là cao cấp hơn ngày thường, trong đó có các món không thể thiếu như dưa hành, giò, chả; quần áo mới, có thể cả đồ dùng mới; tranh Tết và câu đối Tết; hoa, ở thành phố thì mua cành đào hoặc cây quất… Sự chuẩn bị càng đến Giao thừa càng gấp rút vì tất cả đều phải được hoàn thành trước thời điểm này. Mọi hàng hoá đều tăng giá từng giờ và đạt đỉnh cao từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm cũ. Song, mọi sự mua bán sẽ chấm dứt vào khoảng 8 giờ tối hôm cuối cùng. Một số hàng hoá đến gần thời điểm này bị hạ giá rất nhanh để khỏi phải đổ đi sau đó.
Vào tối hôm cuối cùng của năm cũ, các thành viên trong gia đình tụ tập đông đủ trước bàn thờ tổ tiên để dự bữa tiệc tiễn năm cũ, được gọi là cơm tất niên. Người ở xa mấy cũng cố gắng để có thể đoàn tụ với gia đình. Trong những năm gần đây, mỗi khi Tết đến có hàng trăm nghìn người Việt từ Bắc Mỹ, châu Âu, Australia trở về Việt Nam ăn Tết. Sau bữa cơm tất niên, mọi người không ngủ mà hồi hộp đón Giao thừa đến. Người ta cùng ngâm nga chén rượu Tết, ôn lại các công việc chính trong năm và ngắm cành đào, cây quất. Đào có nhiều hoa, nụ và lộc non không? Quất có nhiều quả mà quả chín nhiều hơn quả xanh, và có hoa có lộc không? Nếu được vậy thì năm tới, gia đình gặp nhiều điều tốt lành.
Để có được những cành đào nở hoa và cây quất chín quả đúng vào dịp Tết, người ta phải thực hiện một công việc rất công phu, gọi là thiến đào và đảo quất. Thiến đào là vào khoảng mùa Thu, dùng dao cắt bỏ toàn bộ lớp vỏ ngang thân cây đào với bề rộng khoảng 3-5cm làm cho lá đào rụng hết. Đảo quất là cũng vào khoảng mùa Thu, đào cây quất lên, để trên mặt đất vài hôm cho rụng hết lá rồi trồng lại. Tại sao phải làm như vậy? Vì theo đúng thời tiết ở Bắc Bộ, cây đào ra hoa và cây quất chín quả vào cuối tháng Mười, đầu tháng Mười Một âm lịch. Thời điểm đó là tiết xuân, là do mùa Xuân đã về trên vùng Bắc Bộ. Nhưng vì tiếp thu văn hoá Trung Hoa, lấy lịch âm của Trung Hoa làm chuẩn mà đón Tết nên việc đón Xuân ở châu thổ sông Hồng đã bị chậm hai tháng để diễn ra cùng thời điểm với châu thổ sông Hoàng Hà. Muốn cho hoa đào nở và quất chín đúng dịp Tết, được coi là tiết Xuân, thì phải hãm sự phát triển tự nhiên của chúng lại hai tháng bằng cách thiến đào và đảo quất.
Trở lại việc đón Giao thừa. Nền văn hoá Hán ở Bắc Bộ có lẽ đã tiếp nhận phong tục đốt pháo từ người Hán vì Trung Quốc là nơi đầu tiên làm ra thuốc súng. Từ đầu thập kỷ 1990 trở về trước, khi chưa có lệnh đốt pháo, thì vào giây phút Giao thừa bùng lên tiếng nổ của pháo. Pháo lớn, pháo vừa, pháo nhỏ, pháo hoa, pháo giây, pháo sáng, pháo đốt, pháo đập… thi nhau được đốt lên và nổ kéo dài liên tục cho đến tận 2-3 giờ sáng hôm sau. Còn theo tín ngưỡng âm dương, Giao thừa (mặc dù cái Giao thừa này đã được đón trệch đi hai tháng, nhưng ý niệm về âm dương của người trồng lúa nước thì chẳng hề trệch) là phút giây trái đất và mọi vật chuyển từ Đông sang Xuân, từ cũ sang mới, từ âm sang dương để âm dương hoà phối với nhau; và do vậy, một cuộc sống mới nảy nở, một mùa sinh sản mới của muôn loại mới bắt đầu. Sau khi đón Giao thừa, người ta đưa một mâm cỗ làm sẵn ra sân cúng Ông Công và Ông Táo mới (hoặc nhận trách nhiệm mới) từ Trời trở về cai quản cuộc sống dưới Đất. Thế giới trở lại tình trạng có chủ. Việc ăn Tết kéo dài bảy ngày thì được coi là năm cũ đã hoàn toàn ra đi và Năm Mới đã đến trọn vẹn. Sự sống đã đổi mới hoàn toàn, mọi sinh hoạt xã hội được khôi phục trở lại.
Vì Tết là sự đổi mới, là sự sống mới nên hầu như toàn bộ màu sắc được dùng trong thời gian Tết là màu đỏ - màu của máu, màu của sự sống và sự tái sinh. Pháo màu đỏ, câu đối màu đỏ, hoa đào màu đỏ, phong bao đựng tiền mừng tuổi màu đỏ, lạt buộc bánh, nem màu đỏ… Nhưng bánh chưng, biểu hiện cho sự sống đã được sinh thành bởi được làm bằng gạo, đỗ, thịt, hành - đặc trưng cuộc sống của người trồng lúa nước – nên được gói bằng lá màu xanh và gọi là bánh chưng xanh. Rồi, sau Giao thừa, người ta ra đường hái lộc xuân. Người ta hái hoặc bẻ những cành có lá màu xanh, mang về để gần bàn thờ, vì màu xanh tượng trưng cho mùa Xuân, nên lộc xuân sẽ đưa lại điều tốt lành cho gia đình.
Trong bảy ngày Tết, mà quan trọng nhất là ba ngày đầu, đã được phong tục quy định ngày nào phải làm gì. Sáng mồng Một nếu ai có dịp đi trên các phố phường ở Việt Nam thì sẽ thấy đó là những thành phố chết. Không một bóng người. Từ khoảng 10 giờ, sự sinh hoạt của Năm Mới mới bắt đầu. Gia đình nào cũng hồi hộp xem ai đến chúc Tết nhà mình trước. Người bước vào nhà đầu tiên kể từ phút Giao thừa được coi là người xông nhà. Việc này rất quan trọng vì theo phong tục, người đó sẽ đem lại may mắn hay rủi ro cho gia đình trong suốt cả năm. Nhiều người cẩn thận đã nhờ trước một người có tuổi phù hợp với gia đình đến xông nhà. Nhiều chủ nhà còn cẩn thận hơn, tự xông nhà mình bằng cách trước lúc Giao thừa thì ra khỏi nhà và sau đó thì vào nhà.
Ngày mồng Một được quy định là ăn Tết ở nhà cha mẹ, nếu là gia đình thì sẽ đến cúng tổ tiên ở nhà có bàn thờ tổ tiên bên nội. Ngày mồng Hai ăn Tết ở bên ngoại. Mồng Ba thì ở nhà tiếp khách hoặc đi chúc Tết. Trước đây, vào ngày mồng Một chỉ có con cái đã ra ở riêng đến nhà cha mẹ hoặc nhà anh cả có bàn thờ cha mẹ. Nhưng ngày nay, mối quan hệ nhiều, để có thể chúc Tết được nhiều người thân thích, người ta bắt đầu đi chúc Tết từ khoảng 2 giờ chiều mồng Một. Tất cả mọi người đều dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để chúc tụng nhau, ai cũng tránh to tiếng hoặc nói tục như ngày thường. Người lớn chuẩn bị sẵn các phong bao màu đỏ, trong đó để sẵn một khoản nhỏ những đồng tiền mới tinh để mừng tuổi con cháu và trẻ em thân thích trong lần gặp đầu tiên của Năm Mới. Năm Mới là thêm một tuổi, và điều đó được xem là có phúc, vì vậy người ta tặng nhau một ít tiền để tượng trưng cho vốn liếng sinh sống.
Cho đến mồng Bảy thì lễ đón Năm Mới chấm dứt. Vào một ngày trong khoảng đó, người ta làm lễ hoá vàng. Một mâm cỗ tổng kết những thức ăn còn lưu lại, cúng tổ tiên; rồi đốt tất cả vàng mã thờ cúng, dọn dẹp các vật trưng bày Tết. Ngày hôm sau, các sinh hoạt trong gia đình và một phần trong xã hội trở lại bình thường. Các công sở làm việc trở lại vào ngày mồng Bốn, nhưng lập lại được nề nếp như cũ thì cũng phải đến mồng Tám hoặc mồng Mười. Cửa rừng được mở lại và nông dân cũng lục đục ra đồng.
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, mặc dù có nhiều phong tục theo Trung Quốc, nhưng nó vẫn mang những đặc điểm sinh hoạt cộng đồng và phản ánh những sắc thái của văn minh lúa nước. Người ta chung nhau giết lợn, có thể chung nhau gói bánh chưng và hầu như đều chung nhau luộc bánh chưng trong 12 giờ đồng hồ. Tết là dịp lớn nhất trong năm để gia đình sum họp, thậm chí có cả sự sum họp của linh hồn tổ tiên và thần thánh. Từ khi Pháp đưa văn minh phương Tây vào Việt Nam và từ Cách mạng năm 1945 thực hiện hiện đại hoá xã hội, các phong tục cổ truyền trong Tết Nguyên Đán đã được giản lược đi rất nhiều. Đây cũng là chuyện bình thường của sự tiến hoá văn hoá thôi. Song có lẽ chính vì ý nghĩa sâu sa của triết lý âm dương mà mỗi lần Tết đến thì sự sống của muôn loài lại được đổi mới; chính vì ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng trong dịp Tết mà Tết Nguyên Đán của Việt Nam không bao giờ mất hẳn. Hình ảnh và hương vị của nó vẫn luôn tồn tại trong lòng con cháu người trồng lúa nước, dù họ sống ở Việt Nam, ở châu Á, châu Mỹ hay châu Âu.
Sơn Thủy