HÌNH ẢNH CON MÈO TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN


Thương yêu

Trong 12 con giáp thì mèo xếp hàng thứ tư chỉ sau hổ, dân gian còn gọi là tiểu hổ. Mèo là con vật nuôi trong gia đình được các em nhỏ rất yêu thích. Mèo bắt chuột giúp mọi nhà bảo vệ quần áo, sách vở, mùa màng. Chẳng thế mà anh thợ mộc Thanh Hoa đã chạm trổ bốn con mèo lên bộ cửa nhà mình:
Bốn cửa anh chạm bốn mèo
Con thời bắt chuột con leo xà nhà.
Hoặc một anh chàng hay nói vui, tán dóc đã khoe về con mèo đặc biệt của mình:
Nhà tôi có một con mèo
Bữa mô hết thịt hắn lên đèo bắt nai.
Hay một tiếng gọi âu yếm của em bé dạy mèo bắt chuột:
Con mèo con mẽo con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà
Chờ khi chuột ló đầu ra
Mèo vồ ngay lấy chuột đà vắng tanh.


Đôi bạn

Đã từ lâu con mèo đi vào văn học dân gian, và người bình dân đã gán cho nó biết bao nhiêu tính xấu của con người để góp phần răn dạy phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. Mèo được khoác cho nhiều bộ áo, hành động, suy nghĩ khác nhau để ám chỉ các hạng người không mấy thiện cảm trong xã hội. Có con mèo khôn khéo trèo cây cau giả vờ hỏi thăm chú chuột để giở mánh khóe, nhưng một chú chuột hàng xớm đã trả lời hộ:
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Cha con mèo ở đây còn là một lời chửi khéo của chú chuột. Ở làng Đông Hồ có bức tranh dân gian nổi tiếng đám cưới chuột thì chú mèo cũng được biếu một đôi cá chép bự. Mèo tượng trưng cho một thế lực thống trị tinh ranh, nguy hiểm, phải chăng lũ chuột thấp cổ bé họng kia phải lo lót hậu hĩnh cho chú mèo thì đám cưới mới yên bề trót lọt? Những câu thành ngữ, tục ngữ nói về con mèo có thể xếp thành ba nhóm :
Nhóm một: chỉ loại người lăng nhăng, thiếu đứng đắn làm ăn dối trá như: Mèo mã gà đồng chỉ loại người vô giáo dục sống buông thả. Mèo già hoá cáo chỉ hạng người tinh ranh nguy hiểm càng lâu càng khôn ngoan, quỷ quyệt. Mèo đàng chó điếm chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm linh tinh. Chó khô mèo lạc chỉ hạng người vô học, lang thang. Còn những câu như: Ăn cơm mèo, nói leo các cụ; Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa là để phê phán hạng người chỉ ham ăn, ham nói dóc, còn làm thì rất dở. Chưa họcbắt chuột đã học ỉa bếp là phê phán hạng người chưa biết làm thành thạo một công việc đã làm ẩu, làm dối…
Nhóm thứ hai: dùng để chỉ những hành động khen chê, thắng bại, nguy hiểm, thừa thiếu: Mèo vờn chuột hay Chuột gặm chân mèo dùng để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh, nguy hiểm. Có khi để chỉ một hành động vừa sức mình, dân gian có câu Mèo nhỏ bắt chuột con. Nhưng để chỉ một việc quá sức mình, lại có câu Mèo nhỏ lại bắt chuột to. Khi chỉ một hành động chưa chắc ai thắng ai, có câu Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào. Khi cần phê phán loại người không thấy mình xấu mà chỉ đi soi mói cái xấu của người khác, ca dao có câu:
Mèo già chê chó lắm lông
Chó cười lại bảo: kém ông cha mày.
Ở đây mèo đã tự khen mèo dài đuôi một cách rất chủ quan, tự mãn. Để chỉ sự dư thừa về vật chất, tình thần của một hạng người này, còn người kia phải nhịn đói, có câu Cơm treo mèo nhịn đói. Còn câu Chó treo mèo đậy dạy ta một bài học về tính cẩn thận, cảnh giác. Chỉ sự gặp may bất ngờ trong cuộc sống, có câu Mèo mù vớ cá rán
Nhóm ba: chỉ sự khát khao, hớ hênh, cạnh khoé, thất vọng, bất đắc dĩ: Thành ngữ Mỡ để miệng mèo là ám chỉ một sự phô bày hớ hênh dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp, còn như Mèo thấy mỡ lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được của một hạng người. Khi cần phê phán một sự sai khiến không hợp lý mang tính áp đặt tạm thời, gượng ép, người bình dân không ngại dùng những từ thô tục: Không có chó bắt mèo ăn cứt. Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe đã có các câu Chửi mèo quèo chó hoặc Chửi chó mắng mèo hay Đá mèo quèo rế. Chỉ sự mâu thuẫn không hoà hợp được có câu Ăn ở như chó với mèo. Những kẻ buồn bả, ỉu xìu, thất vọng thì được so sánh Tiu nghỉu như mèo mất tai. Mèo mà mất tai hay mất râu- một phương tiện phát hiện chuột và kẻ thu, làm sao mà chẳng buồn tiu nghỉu được.
Từ xưa tới nay mèo được dùng để chỉ hạng người thiếu chung thủy trong tình cảm vợ chồng, loại người có mới nới cũ, ăn no ấm cật, tham ô tiền bạc của công, bồ bịch linh tinh, đi tìm cảm giác lạ ở những O mèo, khi bị phát hiện, hoặc vào nhà đá ngồi bóc lịch, lúc đó mới thấm thía, buồn bã Như mèo mất tai.
Thật tội nghiệp cho những chú mèo mướp, mèo hoa, mèo mun, mèo nhị thể, tam thể khôn ngoan có ích cho người, nhưng lại bị khoác những tính xấu. Âu đó cũng là một sự hi sinh về cái danh để đem lại cái lợi cho người đời. Vui xuân Tân Mão- 2011, những lúc trà dư tửu hậu ta dành vài phút vu đàm khoát luận đôi điều về chú mèo được biểu hiện trong văn học dân gian mà ngẫm suy về nhân tình thế thái cũng lý thú lắm thay!

LÊ XUÂN


Đám cưới chuột (Tranh Đông Hồ)

ST