Xuân nhớ Thầy
.

MÙNG BA TẾT THẦY

“Mồng Một Tết Cha,
Mồng Ba Tết Thầy.”


Câu thành ngữ trên hình như không áp dụng cho các môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo. Vì mỗi dịp Tết Nguyên Đán, ngày Mồng Hai lại là ngày Tết Thầy. Sáng ngày ấy Tổ Đường môn phái rất nhộn nhịp. Các sư huynh, sư đệ các nơi kéo về, trước là dâng hương lên Sáng Tổ rồi dự lễ chúc thọ Thầy Chưởng môn. Đoàn lân Phù Đổng của Võ sư Lê Đình Phước đến trình diễn những màn múa lân đặc sắc trong khung cảnh cờ xí ngợp trời. Tiếng trống lúc khoan thai, lúc giục giã, tiếng chiêng, tiếng chặp chả hòa theo khiến Tổ Đường và cả khu phố bừng lên sức sống đón mùa xuân mới. Tiếng nhạc VVN Tâm ca, Việt Võ sĩ hành khúc . . . vang trên gian thờ chính cũng là nơi tập luyện của bao lớp môn sinh, từ nhập môn đến các bậc võ sư cao đẳng đến luyện tập nâng cao với Thầy Chưởng môn hoặc Võ sư Sen. Lời chúc Tết, tiếng cười, và cuối cùng là huấn từ của Thầy đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt của môn phái.

Chữ Phúc nghĩa là Đầy. Gia đình được Phúc Đầy là gia đình mà Cha Mẹ sống hòa hợp, sống thọ, khỏe mạnh, có con đàn cháu đống, tình thương yêu lẫn nhau nồng thắm, mỗi khi có dịp lại tụ về nhà quây quần đông đủ. Vovinam Việt Võ Đạo là một đại gia đình có người Thầy, “người Cha” là Võ sự Chưởng môn. Người miền Bắc cũng gọi Cha là Thầy. Thầy không lập gia đình riêng nhưng Thầy có biết bao nhiêu là con, là cháu. Ngày đầu năm, tất cả tề tựu về dưới một mái nhà. Đứa có mặt Thầy hỏi thăm, đứa ở xa không về được thì Thầy nhắc nhở. Mỗi một môn sinh chúng con, năm nay trong lòng sẽ thấy thiếu vắng một điều mà hàng năm vẫn thường bắt gặp và đón nhận. Điều đó có thể là hình ảnh của Thầy đang bước từng bước thang xuống gặp môn đồ; có thể là cái bắt tay ấm áp; có thể là ánh mắt; nụ cười hay giọng nói; . . .

Riêng con lại làm theo câu thành ngữ trên. Mùng Ba, con dắt con cái đến mừng tuổi Thầy. Cha gọi Thầy xưng con, con cũng khoanh tay chúc Tết gọi Ông là Thầy và xưng cháu. Nhờ thế, con lại có được những giây phút riêng với Thầy. Ngồi trên băng ghế đá trước gian phòng truyền thống, ngắm vườn cây Thầy trồng, uống ly trà thơm, ăn miếng mứt, kể cho Thầy nghe về công việc làm, nghe lời Thầy góp ý và khuyên bảo. Bao nhiêu mệt nhọc của một năm miệt mài lo cơm áo bỗng tan biến. Một nghị lực mới dâng tràn đón chờ năm đang đến. Gia đình con hình thành nên truyền thống Mùng Ba Tết Thầy.

Trong con luôn hiển hiện hình ảnh Thầy: Ngày Thầy về dự kỷ niệm một năm thành lập Võ đường Thoại Ngọc Hầu của ân sư đầu tiên của con, Võ sư Trần Thế Phượng; rồi ngày con về Tổ Đường thi lên đai được chính Thầy ngồi chấm thi; rồi ngày của hơn 30 năm sau, duyên may về lại Tổ đường tập luyện lại. Ôi! Hình ảnh theo thời gian của Thầy in đậm trong hồn con có bao giờ xóa nhòa được. Mái tóc Thầy có bạc đi, da Thầy có nhăn nheo thêm nhưng nụ cười thì còn nguyên đấy và dáng đi đường bệ thì vào lần sau hơn 30 năm trong buổi chiều xẩm tối con vẫn nhận ra Thầy từ xa. Không thể phai nhòa được.

Truyền thống Tết Thầy ngày mùng Hai mỗi Tết Nguyên Đán sẽ được duy trì để hoài niệm. Huynh đệ sẽ tề tựu về Tổ Đường còn môn sinh nơi xa sẽ bái vọng. Mỗi môn đồ sẽ thắp nén hương dâng lên và thổn thức.

Chiếc ghế Thầy ngồi còn đây,
Bóng Thầy trần gian đã khuất.
Tiếng cười vang, chòm râu động,
Mất nguồn hơi ấm bàn tay.

Còn riêng con thì phương xa như được về ngồi bên Thầy.

Nơi trời Tây đâu có,
Ngày Tết như quê ta.
Chỉ có tuyết trắng trời,
Chỉ có mưa lạnh buốt.
Ngồi đọc lại huấn từ,
Tưởng nhớ sáng Mùng Ba

Lê Khánh Long
Vancouver, 01/29/2011