Lo cho chất lượng hài kịch

(VOV) - Một trong những lý do khiến chương trình hài nở rộ mà lại rơi vào tình trạng trượt dốc về chất lượng là do kịch bản kém, đơn điệu
Hiện nay, khán giả cảm thấy khá "bội thực" với các chương trình hài, không chỉ trên sân khấu, mà đặc biệt là cả trên truyền hình. Điều đáng nói, sự bùng nổ của loại hình nghệ thuật này lại không đi đôi với việc nâng cao về chất lượng. Vì thế, công chúng ngày càng cảm thấy nhàm chán và khó “tiêu hóa”.
Cách đây 7-8 năm, những người yêu nghệ thuật hài cũng như một số nhà quản lý đã từng cảnh báo về sự xuống cấp cả nội dung và nghệ thuật diễn xuất của loại hình nghệ thuật này. Ấy vậy mà cho đến nay, mọi chuyện vẫn không hề xoay chuyển. Hài vẫn tồn tại với nhiều tiếng cười nhạt nhẽo.

Hầu hết vở diễn hiện nay đều xoáy vào những vấn đề xã hội hằng ngày để chọc cười. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Nếu trước đây, với các chương trình “Trong nhà ngoài phố” hoặc “Gặp nhau cuối tuần”, hay sau này là “Gala cười”, “Siêu thị cười” xuất hiện với tần suất vừa phải thì nay, tần suất ấy tăng theo cấp số nhân. Trong đó, nhiều chương trình có nội dung lộn xộn, bát nháo. Diễn viễn hài thả sức diễn “cương”, giống như ở các tụ điểm hài kịch ngoài trời.
Hiện nay, riêng TP.HCM có khoảng 60 nhóm tấu hài. Điều đáng nói là nhiều nhóm diễn mãi những tiết mục cũ, hoặc tấu “cương” không có kịch bản, đã gây nên tình trạng tùy hứng, gây tiếng cười nhạt nhẽo. Thậm chí có nhóm đã thoại những câu nói thô tục. Nếu ai đó từng xem những tấu hài như “Yêu quá sức”, “Yêu qua mạng”, “Kẻ cắp trái tim”, sẽ được nghe các câu thoại rất thô tục. Không ít nhóm diễn bí tiết mục mới nên chỉ còn chiêu thức là đem chính hình hài của mình làm... trò cười, hoặc mang khuyết tật của người khác để giễu nhại, hòng lấy tiếng cười nhạt nhẽo của khán giả.
Đặc biệt vào dịp Tết, nhiều nhóm tấu hài đã lấy tiêu chí “làm một mùa Tết ăn hết bốn mùa”, nên vừa chạy sô vừa tìm cơ hội cắt tỉa tiết mục để kịp chạy đuổi các tụ điểm diễn trong thành phố. Nghe đâu, có diễn viên chỉ trong một ngày Tết diễn tới 15 sô. Còn có nhóm diễn vội vàng, cũng chỉ dành khoảng 6 phút cho một tiết mục. Khán giả còn chưa kịp vỗ tay, họ đã nhanh chân rút lui để chạy sang tụ điểm khác, cũng với tiết mục vừa diễn.
So với TP.HCM, sân khấu hài ở Hà Nội, mặc dù đã sôi động hơn so với trước nhưng vẫn hoạt động khá manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Các nghệ sĩ hài nổi tiếng như Minh Vượng, Phạm Bằng, Chí Trung, Vân Dung, Công Lý, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long... chưa có sự kết hợp rõ nét. Vì thế, hài Bắc dẫu được đánh giá là có chiều sâu hơn nhưng cũng nhàm vì những lời thoại hay tình huống gây cười không mới. Ngay cả trong những chương trình hài “Thư giãn cuối tuần” hay “Xả - xì choét”, hoặc ngay chương trình “Đời cười” - một chương trình gây được tiếng vang - cũng bắt đầu trượt dốc trong lòng người hâm mộ.
Dư luận cho rằng, một trong những lý do khiến chương trình hài nở rộ mà lại rơi vào tình trạng trượt dốc về chất lượng có phần nhiều là do kịch bản kém, đơn điệu. Hầu hết vở diễn hiện nay đều xoáy vào những vấn đề xã hội hằng ngày để chọc cười. Nhưng vì lý do đã nêu ở trên nên thường không thành công. Tấu hài cần làm phong phú kịch bản, bắt nguồn từ chuyện dân gian, từ nhiều thành phần lao động hơn là chung chung theo kiểu ông chồng, bà vợ, ông giám đốc, cô thư ký, thậm chí dùng các kịch bản nước ngoài.../.

Thương Huế (Báo TNVN)