Logic buồn của người Hy Lạp

Trong cuốn sách “Văn minh làm giàu và nguồn gốc của cải”, tiến sĩ Vương Quân Hoàng kể lại câu chuyện một người Hy Lạp hỏi ông tại sao người Hy Lạp cổ đại thông minh? và anh ta giải thích: “Thời đó người Hy Lạp thông minh là vì người ta no đủ. Người Hy Lạp xưa dư thừa của cải trước tiên nhờ canh tác nông nghiệp, nhưng đặc biệt quan trọng và trên hết là nhờ thương mại trên nông sản. Tích lũy được sự giàu có từ lợi nhuận vượt trội của hoạt động thương mại quốc tế, người ta phân công lao động. Sau đó, xã hội phân hóa những người có khả năng trí tuệ vượt trội được đãi ngộ để suy nghĩ và xây dựng hệ thống kiến thức. Họ sớm coi trọng cả kinh doanh thương mại và kiến thức được hệ thống hóa của con người. Cả giá trị tiền tệ và giá trị văn hóa được thừa nhận như những mục tiêu theo đuổi tới cái đích văn minh thịnh vượng”(*).

Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp ngày hôm nay đưa đến hai tiền đề từ giải thích trên:

Thứ nhất, Hy Lạp đã quên bài học quá khứ, để có những người thông minh thì phải tích lũy chứ không phải vay nợ. Người Hy Lạp cổ thu được lợi nhuận vượt trội từ hoạt động thương mại quốc tế thì người Hy Lạp hiện đại thâm hụt cả trong thương mại quốc tế lẫn chi tiêu ngân sách. Ví dụ: Chính phủ Hy Lạp đã chi 12 tỷ euro (cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến) cho Olympic 2004 - kỳ thế vận hội được cho là hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử - khiến ngân sách quốc gia năm 2004 thâm hụt tới 6,1% (so với GDP) trong khi giới hạn mà khối EU cho phép là 3%, xuất khẩu năm 2006 là 24,4 tỷ USD nhưng nhập khẩu lên đến 59,1 tỷ USD. Nợ công của Hy Lạp hiện lên tới 300 tỷ euro (113% GDP năm 2009). Gần đây, người ta mới phát hiện ra Hy Lạp đã “báo cáo láo” các số liệu kinh tế để có thể sớm gia nhập khối các nước sử dụng đồng euro. Đức, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc cứu Hy Lạp đã chỉ trích sự chi tiêu hoang phí của Chính phủ Hy Lạp.

Thứ hai, được thừa hưởng từ nền văn minh rực rỡ thời cổ đại, người Hy Lạp cảm thấy mình phải được đối xử, đãi ngộ cho xứng với các bậc tiền bối Platon, Aristotle, Archimedes hay Pythagoras. Hậu quả là nguồn thu từ gia sản do tiền nhân để lại không đủ nuôi nhu cầu ngày càng lớn của con cháu. Quỹ lương của khối dịch vụ công tại Hy Lạp đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, chi cho phúc lợi xã hội cũng chiếm một tỷ trọng lớn. Khi đã quen với cuộc sống vương giả thì họ không thể chấp nhận việc hạ thấp mức sống, nhiều cuộc biểu tình, đình công đã nổ ra nhằm phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ; người Hy Lạp cũng có thể đã rất bực tức vì kỷ niệm 100 năm Olympic hiện đại nhưng họ không được đăng cai, thay vào đó người ta xoa dịu người Hy Lạp bằng quyền đăng cai Oympic 2004, kết quả là người Hy Lạp đã tổ chức một Olympic ra trò! Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Rainer Bruederle gọi Hy Lạp là “quốc gia sống nhờ vào các chương trình phúc lợi mà chẳng chú ý tới năng lực cạnh tranh của mình”.

Theo phép tam đoạn luận mà tổ tiên của người Hy Lạp phát minh ra thì kết luận là con cháu của Platon, Aristotle sẽ phải bán các hòn đảo cho nước ngoài hoặc trở thành nô bộc tài chính của IMF, EU. Bài học của người Hy Lạp là bài học của bất kỳ dân tộc nào, không có dân tộc ngu ngốc mãi mãi và cũng không có dân tộc thông minh mãi mãi. Nếu có một quá khứ rực rỡ thì hãy quên nó đi và nếu có tiền thì hãy nhớ tích lũy!


Sưu Tầm