Thương lắm thầy cô ơi:

Bài học yêu thương của cô
Thương gửi cô Mỹ Phương (Hội An, Quảng Nam)

TTO - Có một câu chuyện về cô giáo chủ nhiệm năm học cuối cấp III đã để lại trong lòng tôi nói riêng và tập thể 12C8 ngày ấy một bài học đáng giá về cách xử trí sự việc. Nhưng còn một điều quan trọng hơn cả là tình yêu thương cô dành cho chúng tôi.


Tác giả bài viết (bìa trái) và cô giáo chủ nhiệm - Ảnh: tác giả cung cấp

Ngày ấy, trường tôi thực hiện nội quy rất nghiêm khắc. Một trong những việc chúng tôi thường vi phạm là mang dép lê. Dường như ngày nào cũng vậy, các thầy cô phải có trách nhiệm ''tóm'' những học sinh mang dép không có quai hậu. Riêng những ngày mưa to hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa thì chúng tôi có thể mang gì tùy thích.

Sáng hôm ấy trời không mưa, cũng chẳng phải buổi ngoại khóa nào, thế mà Ngọc (cậu bạn ngồi cạnh tôi) lại mang dép lê. Tôi nghĩ ngay đến viễn cảnh tồi tệ: chẳng mấy chốc ôi dép mới toanh ấy sẽ được cô chủ nhiệm dùng kéo ''trảm'', nhất là khi Ngọc ngồi ngay bàn đầu tiên.

Bài học về sự quan tâm, yêu thương học trò ở cô trở thành hành trang cho tôi đến với giảng đường của trường ĐH sư phạm và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà giáo được học sinh yêu mến và nhớ mãi như cô.

Giờ phút "đáng sợ" đó cũng phải đến. Như mọi ngày, cô vào lớp với nét mặt tươi cười, hồ hởi chào học sinh. Nhưng gương mặt cô bỗng biến sắc khi nhìn về phía bàn hai đứa chúng tôi ngồi. Cô vẫn nhẹ nhàng hỏi: ''Sao vậy em? Em có biết quy định không hay biết mà cố tình vi phạm?”. Rồi không chờ nghe thanh minh, cô lấy từ trong túi xách chiếc kéo đã được chuẩn bị sẵn và thực hiện việc hệt như dự đoán của tôi.

Cả lớp nhốn nháo khi chứng kiến một tên ''tội pham'' nữa 'hi sinh' đôi dép. Chỉ tôi và Ngọc buồn thiu. Hoàn cảnh Ngọc rất đáng thương: không cha, mẹ là thương binh, gia đình lại khó khăn. Sở dĩ Ngọc mang dép lê vì đôi giày quá cũ của cậu đến thời kỳ mục rã, không thể mang được nữa. Việc mua một đôi giày mới xa tầm với của gia đình nên Ngọc mua dép lê đi tạm.

Tôi giận và trách cô dữ lắm. Sao cô không hỏi rõ nguyên nhân vì sao bạn tôi mang dép lê? Sao không cho bạn tôi cơ hội trả lời câu hỏi ''tại sao?'' của cô? Suốt buổi học sáng đó, tôi và Ngọc lo lắng không biết lúc tan trường, Ngọc lấy gì mang về.

Bỗng có tiếng gọi nhẹ nhàng chen ngang vào dòng suy nghĩ của chúng tôi: ''Ngọc xuống văn phòng cô gặp chút nhé!''. Tôi càng lo hơn, không biết cô chủ nhiệm sẽ kỷ luật hay bắt Ngọc viết kiểm điểm. Nhưng thật bất ngờ, Ngọc quay lại lớp với vẻ mặt tươi rói: "Cô không bắt viết kiểm điểm còn tặng mình đôi giày. Cô dặn từ nay không được vi phạm nữa!''.

Bao nhiêu buồn lo của tôi và Ngọc đều biến mất. Tôi lại suy nghĩ về điều khác: tại sao Ngọc vi phạm lại được cô ''đền'', còn các bạn khác thì không? Rồi tôi chợt nhớ câu nói của cô giáo dạy văn: “Mấy em thật may mắn khi được cô Mỹ Phương chủ nhiệm. Không chỉ giỏi chuyên ngành, cô Phương còn rất thấu hiểu hoàn cảnh và tâm lý học trò".

Đó cũng là lúc tôi cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc.

THANH BA