Hội chứng mất ngủ, thiếu ngủ có liên quan tới 15 bệnh ngặt nghèo khác nhau

Cali Today News - Vào năm 400 trước Công Nguyên, Hippocrates, người sáng lập ra nền y khoa Tây Phương, có đưa ra nhận xét với các bệnh nhân là “ngủ ít rất nguy hiểm, nó có liên quan tới hội chứng đau nhức và tình trạng rầu buồn”

Ngủ ít hay ngủ quá nhiều, theo Hippocrates cũng đều có hại như nhau. Nếu quan sát báo chí các loại từ vài năm qua, người ta thấy ông tổ ngành y khoa Tây Phương rất chí lý. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy thiếu ngủ có liên quan tới ít nhất 15 căn bệnh hiểm nghèo như tim mạch, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn tâm lý, nhức đầu vv…

Vào tháng 7 năm 2010, bác sĩ Maurice Ohayon, chuyên gia tâm thần của đại học Stanford, tiến hành một khảo sát rộng rãi ở Mỹ, đi đến kết luận là có khoảng 20% người lớn ở Mỹ đã bị thiếu ngủ, từ trung bình đến trầm trọng. Nguyên nhân mất ngủ có rất nhiều, trong đó có uống cà phê và trà quá độ (trong các ‘món uống tăng lực’, hàm lượng cà phê rất cao), lo âu vì một hăm dọa nào đó, không điều độ trong sinh hoạt, ăn uống nhiều vào bữa cơm chiều…

Có một nguyên nhân ít được người ta để ý, đó là hội chứng ‘sleep-disordered breathing’ (SDB), tức là dạng rối loạn hô hấp khi ngủ. Trung tâm National Center of Sleep Disorders Research định nghĩa SDB là “những bất thường hô hấp hay là phổi đã không vận hành đủ khi ngủ”

SDB có thể ảnh hưởng lớn đến phẩm chất giấc ngủ và khiến ban ngày đương sự bị buồn ngủ liên tục. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân bị nghẹt khí quản khiến họ phải choàng tỉnh dù có thể đang ngủ sâu để có thể thở lại được (gọi là hội chứng sleep apnea). Những lần như thế chẳng ngững có hại cho giấc ngủ mà còn làm cho lượng oxygen trong máu bị giảm.

SDB còn có thể xuất phát từ tật ngáy khi ngủ và mũi bị nghẹt do bị cảm lạnh và các dạng bệnh dị ứng, theo bác sĩ Steven Y. Park, giáo sư chuyên khoa về hô hấp của đại học Y Khoa New York.

Muốn trị SDB, người ta còn phải tùy theo nó nặng nhẹ ra sao. Trong trường hợp bị mất ngủ do hội chứng sleep apnea, có thể dùng kỹ thuật CPAP, tức loại máy trợ thở để duy trì lượng không khí vào phổi bình thường. Còn đối với những người không chịu được CPAP thì phải giải phẫu để thông đường hô hấp.

Còn những trường hợp nhẹ khác thì có thể dùng thuốc. Bác sĩ Park, vốn là tác giả quyển “Sleep, Interrupted” cho là có thể kết hợp các thói quen như kiểu nằm ngủ, nằm sấp thì quay lại, nằm ngữa thì qua sang bên, hoặc thói quen ăn trước khi đi ngủ và thuốc bán rộng rãi không cần toa ở các nhà thuốc.

Ông nói: “Chủ trương của tôi là sau khi khám kỹ bệnh nhân, bác sĩ có thể khuyên dùng những cách trị thông thường như thế mà vẫn an toàn. Nếu cách trị như thế mà có hiệu quả thì nên duy trì”

Các nhà khoa học nhìn nhận một giấc ngủ ngon còn có tích cách phòng bệnh. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu một người lớn ngủ được 7 đến 8 tiếng mỗi đêm thì tính khí (mood) trong ngày của họ sẽ được cải thiện, khả năng học tập và trí nhớ được tăng cường.

Một trong các hậu quả rất nguy hiểm (mà Hippocrates không sao đoán được!) là khi ngủ không được, sáng hôm sau lái xe đi làm, người đó đã tự chuốc lấy nguy hiểm cho mình và cho nhiều người khác trên đường.

Tập thể dục cho thân thể “cảm thấy mỏi mệt” cũng là cách hay để có được giấc ngủ ngon. Những người lao dộng chân tay ít khi mất ngủ là vì lý do này. Đi bộ nhanh (brisk walking) là cách rất tốt để giúp có được giấc ngủ ngon.

Hồng Quang theo tuần báo Time