Thăng Long võ đạo và kungfu ngáp

GiadinhNet - Tinh thần thượng võ của người Hà Nội biểu hiện rõ rệt qua võ phái Thăng Long.
Đây là môn phái hiếm hoi đưa võ học lên thành "đạo", đạt độ quyền biến tới mức thần quyền, đồng thời thể hiện sự nhân văn hiếm có.


Võ đường Thăng Long võ đạo tại chùa Bồ Đề (Hà Nội).


Kế thừa tinh hoa võ học của dân tộc

Thăng Long võ đạo ngày nay có hàng trăm võ đường, rải rác ở khắp khu vực nội và ngoại thành Hà Nội. Môn sinh theo học lên tới hàng nghìn người. Quyền chưởng môn là võ sư Nguyễn Văn Thắng (tên thật là Vũ Văn Thắng) con trai của võ sư Nguyễn Văn Nhân, người đã khai sinh ra Thăng Long võ đạo những thập niên đầu thế kỷ XX.

Theo võ sư Nguyễn Văn Thắng, Thăng Long võ đạo được cố võ sư Nguyễn Văn Nhân sáng tạo dựa trên sự kế thừa và phát triển tinh hoa của 3 dòng phái lớn: Võ cổ truyền Việt Nam của cụ Cử Tốn - trấn thủ thành Hoàng Diệu; Thiếu Lâm nội gia Việt Nam từ cụ Vũ Thống Luận - võ tướng trấn thủ Kinh Bắc;Võ tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Việt Nam. Phương châm chính của môn phái là lấy Nhu - Hòa - Nhân - Trí làm gốc.

Võ sư Thắng cho biết, điều này xuất phát từ đặc điểm người Việt Nam có tầm vóc nhỏ bé nhưng lại sống nặng về tinh thần. Do đó, Thăng Long võ đạo tập cho người học lối luyện công, luyện cước để rèn luyện sức khỏe, tự bảo vệ chính mình chứ không phải để đi thi đấu.

Võ đạo là cố đạt tới cái tinh để chế cái nhiều, khéo để chế mạnh, tĩnh để chế động, thẳng để chống vòng... Tất cả đều phải đạt độ quyền biến tới mức thần quyền. Đó cũng là lý do môn phái này lấy Thiên Long bát bộ làm bộ pháp, Yêu tự xà hành làm thân pháp, Thôi sơn quyền làm thủ pháp, Thuật cường thân được áp dụng để luyện nội lực. Trong thập bát ban binh khí, kiếm pháp của Thăng Long võ đạo là lợi hại nhất, không hổ danh là "Thăng Long đệ nhất kiếm pháp".


Võ sư Nguyễn Văn Thắng đang chỉ đạo biểu diễn kungfu Siêu ngạnh công.



Ngoài quyền cước, môn sinh của Thăng Long võ đạo còn được truyền dạy tinh thông thập bát ban võ nghệ và các loại binh khí đặc trưng của môn phái. Bên cạnh những bài quyền mang tính đối kháng cao, trong chương trình huấn luyện của Thăng Long võ đạo còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh, các phương pháp khí công nhằm tu dưỡng nhân cách.

Môn sinh Thăng Long võ đạo luôn giữ mình trong thế phòng thủ khi gặp sự bất trắc từ ngoại cảnh. Chỉ khi quá sức chịu đựng hoặc không còn cách cứu vãn người học võ mới ra tay. Ra tay nhưng chỉ để cho đối phương "biết người biết ta" mà thoái lui chứ không phải ra tay để sát hại người. Có lẽ vì thế, các bài quyền cước của Thăng Long võ đạo thâm sâu hiểm hóc nhưng lại chỉ mang tính bạo chứ không tàn. Trong 6 điều quy định của môn phái, có 2 điều cấm kỵ: Nguyện không ỷ tài, hiếp yếu, thắng kiêu, bại nhục và nguyện không đem sở học phục vụ cho những mục đích bất chính.

Lấy võ trị bệnh

Thăng Long võ đạo còn chú trọng nhiều đến việc luyện tập khí công để tự chữa bệnh. Người theo học võ phái do đó đòi hỏi phải có sự kiên trì tập luyện, luôn giữ được sự bình tĩnh để tâm trong sáng - khí dồi dào.

Theo võ sư Nguyễn Văn Thắng, môn sinh sau khi đã thành thạo một số bài tập về quyền cước sẽ được cho học luyện khí công và nội công bí kíp thượng thừa. "Nói đến Thăng Long võ đạo không thể không nói đến khí công. 10 năm tập quyền mà không luyện công cũng coi như không" - võ sư Thắng tâm đắc.

Một trong những bài tập đơn giản nhất của khí công Thăng Long võ đạo đó là treo người trên cành cây cao bốc sỏi hoặc múc nước từ dưới đất lên trên đầu. Người học sẽ phải luyện ở tư thế này mỗi ngày khoảng một tiếng. Riêng luyện trang công (đứng tấn trên vật nhọn) khi bắt đầu vào luyện, người học phải đội một cây nến đã châm lửa trên đầu. Khi nào ngọn nến trên đầu cháy hết mới được hạ tấn.

Ở những giai đoạn cao hơn, võ sinh bắt đầu tập thiết xa chưởng. Đây là môn khí công luyện cứng cơ tay để khi va đập với vật nhọn, vật cứng thì tay không bị thương. Tuy nhiên, muốn luyện được môn này, người học phải luyện nội công trước để vận khí điều chỉnh ý thức rồi mới tiến hành ngoại công. Những ngày đầu tiên, võ sinh phải tập dùng tay đóng ngập những chiếc đũa xuống nền đất cứng mà tay không bị thương. Số đũa sẽ tăng dần để một năm sau, chỉ một cú biểu diễn nhẹ nhàng, đã có thể đóng liền lúc 12 chiếc xuống đất.


Võ sư Thắng đang biểu diễn màn Nhất dương chỉ cho các đệ tử xem.


Theo võ sư Nguyễn Văn Thắng, Thăng Long võ đạo chú trọng nhiều đến khí công nên hầu hết các màn kungfu mà các môn phái khác có thể biểu diễn được thì võ sinh của môn phái này cũng làm được. Thăng Long võ đạo không dạy võ sinh hướng đến học theo bí kíp để biểu diễn mà âm thầm khổ luyện để đạt tới sự đạt ngộ trong cơ thể. Võ sinh theo học môn phái khổ luyện để có thể tự vận khí chữa bệnh cho mình và hướng dẫn người khác.

Màn mà võ sinh Thăng Long võ đạo thường hay biểu diễn ở các cuộc thi đấu chính là màn kungfu siêu ngạnh công và khẩu lợi công. Đây cũng là môn thi đã mang về huy chương vàng cho Thăng Long võ đạo trong đại hội Võ thuật 1984 tại Hà Nội. Siêu ngạnh công là đặt cánh tay trên một chồng ngói hoặc gạch, sau đó dùng một vật nặng có thể là đá hoặc sắt ném mạnh lên cánh tay mà tay không hề hấn gì, còn ngói (gạch) thì vỡ vụn. Kỷ lục mà võ sư Phạm Đức từng lập đó là ném một viên đá nặng 64kg xuống cánh tay trên 30 viên ngói mà sau đó vẫn biểu diễn bình thường một bài quyền.


Võ sư Văn Thắng đang biểu diễn một chiêu thức của Thăng Long võ đạo.


Từ trước đến này, giới võ lâm vẫn thừa nhận, khẩu lợi công của môn phái này là thiên hạ vô song, cũng chính bởi luyện môn công phu đặc dị này rất khó. Bản thân võ sư Thắng đã bị mòn vẹt hàm răng trên và thành hình vòng cung, trông rất khác người cũng chỉ vì luyện môn kungfu này. Luyện khẩu lợi công đòi hỏi người tập luyện phải hết sức kiên nhẫn, và một tinh thần thép. Thao tác đầu tiên của môn này là phải tập ngáp. Một ngày phải ngáp đến cả vạn lần. Sau tập ngáp là tập nghiến răng. Tiếp đó, người luyện chuyển sang ngậm sỏi, nhá sỏi. Khi răng, hàm đã cứng, đã có lực thì chuyển sang nâng, nhấc, kéo những vật nặng. Ban đầu thì nhấc những túi cát nặng chừng 10 kg, sau đó tăng dần trọng lượng.

Võ sư Nguyễn Ngọc Thắng từng biểu diễn trong liên hoan võ thuật cổ truyền toàn quốc môn kungfu này. Ông đã nhấc được cả chiếc bàn với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm... nặng đến xấp xỉ 80 kg bằng răng mà sau đó vẫn cười nói như thường. Ngoài ra, với kungfu này võ sư Thắng còn có thể cùng một lúc nhai vỡ liền lúc mấy trăm chiếc cốc thuỷ tinh.

Hà Tùng Long