Huyền thoại Bạch Hổ Lâm trên đất Đà thành
(Trích 24h.com)

Môn phái Bạch Hổ Lâm tiền thân là môn phái Võ Sinh Tồn, do Tiên sinh Lý Tự Nhiên có Đạo hiệu là Bạch Hổ Thiền sư sáng lập vào thế kỷ XV, tại một ngọn núi có tên Bạch Hổ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh hoa võ thuật của môn phái Nam Thiếu Lâm và Bắc Thiếu Lâm.

Trải qua bao biến cố của lịch sử, môn phái du nhập vào đất Việt từ thế kỷ XVIII, những đệ tử chân truyền của Bạch Hổ Lâm phái lại dần di chuyển về phía Nam và dừng chân tại thành phố bên bờ sông Hàn từ năm 1965. Vị Chưởng môn đời thứ 8 của môn phái là Võ sư Đặng Văn Vàng đã mở võ đường tại đây.

Năm 1980, câu lạc bộ (CLB) võ thuật cổ truyền Bạch Hổ Lâm chính thức thành lập, và đầu năm con hổ (Canh Dần) này, hàng trăm đệ tử, môn sinh của môn phái Bạch Hổ Lâm vừa long trọng tổ chức ngày giỗ tổ và Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập CLB tại võ đường Bạch Hổ Lâm...

Ngôi nhà của Võ sư Hồ Văn Giáo - vị Chưởng môn phái Bạch Hổ Lâm đời thứ 9, nằm khiêm nhường trong một con kiệt nhỏ số K18/4-Nguyễn Văn Thoại, P. Phước Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, cũng là nơi đặt bàn thờ vị Tổ sư của môn phái võ huyền thoại này.

Võ sư Hồ Văn Giáo năm nay vừa bước vào tuổi 60, nhưng ông vẫn còn tráng kiện lắm, thân pháp uyển chuyển, nhanh nhẹn. Võ sư Hồ Văn Giáo cho biết, cứ vào đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, môn phái Bạch Hổ Lâm lại tổ chức lễ giỗ tổ.

Năm nay, chỉ còn đúng 1 tháng nữa là bước vào năm con hổ (Canh Dần), môn phái lại tổ chức kỷ niệm tròn 30 năm thành lập CLB Bạch Hổ Lâm tại Đà Nẵng. Đây cũng là dịp các bậc võ sư, đệ tử, môn sinh gặp gỡ để cùng nhau ôn lại lịch sử hàng trăm năm của một môn phái cũng như biểu diễn, thi triển những tuyệt kỹ võ thuật của môn phái cũng như tinh hoa cổ truyền võ thuật Việt Nam.

Theo vị Chưởng môn đời thứ 9, môn phái có từ những thế kỷ XV, được Tổ sư Bạch Hổ Thiền sư sáng lập trên một ngọn núi Bạch Hổ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, lấy tên là Bạch Hổ Võ Đạo.

Trải qua những biến cố lịch sử, môn phái du nhập vào đất Việt, rồi trở thành một môn võ cổ truyền dân tộc tồn tại, phát triển trong lòng đất nước hàng trăm năm qua cùng với nhiều môn phái võ cổ truyền khác.

Năm 1965, Võ sư Đặng Văn Vàng - một để tử chân truyền của Bạch Hổ Lâm dừng chân tại Đà Nẵng và được phép mở võ đường tại đây, trở thành vị Chưởng môn đời thứ 8 của môn phái Bạch Hổ Lâm. Võ đường đã thu hút được nhiều môn đệ, chính Võ sư Hồ Văn Giáo bây giờ cũng là một trong những môn đệ đầu tiên của Võ sư Đặng Văn Vàng.

Võ sư Giáo tâm sự: “Tôi đến với Bạch Hổ Lâm cũng như một căn số, duyên phận vậy...”. Ông sinh năm 1951, tại một làng quê thượng nguồn sông Thu Bồn - Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam. Vốn ham thích võ thuật từ nhỏ, năm 1960, vừa tròn 9 tuổi, ông Giáo may mắn được gặp Võ sư Hùng Sơn - một võ sư thuộc phái võ cổ truyền dân tộc ở Quảng Nam truyền dạy về môn roi, đây cũng chính là người đã khai tâm võ thuật cho ông. Tiếp tục trên đường học hỏi, ông lại may mắn gặp được Võ sư Đặng Văn Vàng.

Nhận thấy ông là một học trò siêng năng, sáng dạ, có đạo đức, tinh thần thượng võ, Võ sư Vàng đã tận tình truyền thụ những tinh hoa võ thuật của Bạch Hổ Lâm cho ông Giáo. Sau nhiều năm ròng rã khổ luyện với sự truyền thụ, chỉ bảo tận tình của sư phụ Vàng, ông Giáo đã học hết thập bát ban võ nghệ, đạt đẳng cấp cao về nội công, ngoại công, tinh thông các bài quyền và binh khí của môn phái Bạch Hổ Lâm.


Trò chuyện cùng tôi, Võ sư Giáo giảng giải, vì sao môn phái lại có tên là Bạch Hổ Lâm. Hổ là một trong những hình tượng quyền lực, chỉ đứng sau rồng, trong nhóm ngũ hành quyền: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Hổ quyền là mô phỏng động tác tấn công, phòng thủ của loài hổ.

Hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và có khả năng chiến đấu rất cao, dũng mãnh. Đây cũng là đặc trưng của môn phái Bạch Hổ Lâm. Cũng như các môn phái võ cổ truyền khác, người được nhập môn phải là người có sức khỏe, yêu thích võ thuật, có năng khiếu, và hơn nữa phải có đạo đức của một con người thượng võ.

Từ hình tượng là con hổ, người học võ phải luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi nhanh nhẹn. Yếu chí quyền pháp dũng mãnh, uy nghiêm nhằm phát huy nội lực. Biến đổi tình trạng gân cốt, có sức bền bỉ dẻo dai, linh hoạt, phát kình nội lực, phát nổi ngoại công.

Gia nhập môn, môn sinh phải luyện tập qua nhiều giai đoạn, đầu tiên là học tấn, như ngũ hành tấn, các bộ tấn pháp... Luyện về các đòn tay, như thôi sơn, cương dực, phương dực (cùi chỏ, đầu gối), bộ thủ chỉ (đầu ngón tay)... Luyện về chân, gồm các bộ cước pháp như tiêu cước (đá thẳng), hậu cước (đá sau). Các bài thảo như song quyền, hầu mi thế, hổ phục sơn, hổ lâm xuất thế, đoản côn, trường côn...

Võ sư Giáo kể, trận thi đấu đầu tiên để khẳng định đẳng cấp là trận ông thượng đài năm 1969. Đây là giải võ tự do, tổ chức tại Liên Chiểu, Đà Nẵng do Liên đoàn võ thuật miền Trung phối hợp với Quân đoàn 1 (ngụy) tổ chức. Hồi đó thi đấu võ không có huân, huy chương gì như bây giờ, võ sĩ chỉ nhận tiền thưởng theo thứ tự các hạng cân tham gia thi đấu. Có một điều đặc biệt khác với nhiều môn phái võ khác là ở Bạch Hổ Lâm, mỗi võ sĩ khi thượng đài đều được mang tên họ của mình bằng tên môn phái.



(Võ Sư Hồ Văn Giáo hướng dẫn môn sinh trong một thế đánh đối kháng)

Ở giải này, Hổ Lâm Giáo thi đấu ở hạng cân 56kg và gặp võ sĩ thuộc môn phái Ngũ Long Quyền ở Nha Trang. Theo quy định, mỗi trận đấu diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Vào trận đấu, 2 hiệp đầu, cả Hổ Lâm Giáo cùng võ sĩ của Ngũ Long Quyền, quần nhau tơi tả không phân thắng bại. Vào hiệp 3, võ sĩ của Ngũ Long Quyền dùng thế “bắt ngựa”, hòng hất Hổ Lâm Giáo văng khỏi vũ đài, hoặc bẻ gãy chân, sườn ông...

Hổ Lâm Giáo chuyển thế trụ tấn, dùng đòn phương dực tạo thế trên đe dưới búa kết hợp, bắt trúng đòn của võ sĩ Ngũ Long Quyền, quật anh ta rớt khỏi vũ đài. Trong giải đấu này, Hổ Lâm Giáo được thưởng 500 đồng (500 đồng hồi ấy có thể mua được một chiếc xe Honda). “Nhưng có lẽ trận đấu nổi tiếng nhất, nhớ đời nhất là trận đấu vào mùa xuân đầu năm 1972 tại Thanh Khê, Đà Nẵng” - ông Giáo nhớ lại.

Đây cũng là giải võ tự do do Liên đoàn võ thuật miền Trung và Quân đoàn 1 tổ chức. Vào trận đấu, Hổ Lâm Giáo được xếp thượng đài với võ sĩ Thanh Thanh Hùng (là em ruột của Võ sư Thanh Hồng, lúc đó đang là huấn luyện viên võ thuật cho lực lượng cảnh sát ngụy tại Đà Nẵng). Thanh Thanh Hùng thách đấu với Hổ Lâm Giáo, ai thắng sẽ được nhận toàn bộ tiền cá độ trị giá 1.000 đồng. Hết hiệp 1, vào hiệp 2, Thanh Thanh Hùng liên tục dùng các đòn đá áp đảo Hổ Lâm Giáo tới tấp.

Trước đòn tấn công liên tục ấy, Hổ Lâm Giáo áp sát đối thủ, dùng thế “hoành quyền” liên tục giáng trả đối phương và hạ Knock-out Thanh Thanh Hùng. Sau trận thắng đó, tiếng tăm của Hổ Lâm Giáo nổi như cồn ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Hồi đó, tại võ đường Bạch Hổ Lâm còn có các võ sĩ nổi danh khác như Hổ Lâm Thi, Hổ Lâm Tùng, Hổ Thanh Phước cùng với Hổ Lâm Giáo trở thành tứ trụ đồng môn thi đấu giành được nhiều giải cao trong những năm từ 1969-1978, là những huấn luyện viên xuất sắc của võ đường Bạch Hổ Lâm ở Đà Nẵng...