Sau khi nộp “phí”, các tân vệ sĩ được đưa đi “huấn luyện”… xúc đất, lao động cực nhọc không công cho Công ty SL. Nhiều tân vệ sĩ đành chấp nhận mất tiền, bỏ cuộc khi phát hiện mình trở thành nạn nhân của trò lừa gạt.



Những buổi “huấn luyện” của các tân vệ sĩ là đào đất, làm nền nhà... (ảnh chụp tại “võ đường” ở xã Bình Nhâm, H.Thuận An, Bình Dương)

“Đại bản doanh” của câu lạc bộ (CLB) huấn luyện các tân vệ sĩ của Công ty SL đặt tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương. Chập choạng tối, mỗi tân vệ sĩ được phát tô cơm khô khốc, rời rạc, chỉ có hai miếng thịt ba rọi mỏng và ít đậu đũa xào còn sống. Sau một đêm không đèn điện trong căn phòng chật chội, nếm cảnh muỗi đốt đỏ cả hai cánh tay, chúng tôi bắt đầu một ngày tập luyện.

“Huấn luyện” làm… “thợ đụng”

Trời vừa hừng sáng, chúng tôi được ông K., trưởng ban chỉ huy nhân sự của CLB, dẫn xuống “võ đường” là một khu vườn có một căn nhà lá cất dang dở thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An. Buổi “huấn luyện” trong ngày đầu tiên là xúc từng xẻng đất nhão nhoét đắp bờ dốc từ đường xuống căn nhà lá mới lợp. Cuốc đất đến 11 giờ trưa, cơ bắp của các tân vệ sĩ buốt nhừ…

Đến hơn 5g chiều 20-8, ông K. tiếp tục chỉ việc cho các vệ sĩ: “Mấy anh em đi… bắt vịt nhốt lại rồi tắm. Vịt này “thầy” (ông X.B.K. - tổng giám đốc Công ty SL) nuôi, còn mười mấy con đó”. Mọi người dù ngần ngại vẫn phải nhảy ùm xuống mương nhỏ lùa vịt vào một góc lưới. Sau đó chúng tôi bắt vịt bỏ vào một chậu cảnh lớn để nhốt. Bất ngờ một miếng miểng chai cứa vào lòng bàn chân trái của một “tân binh” tên S..

Chân S. lênh láng máu, S. bặm môi nói: “Đau lắm nhưng không được la lên đâu. Lúc nãy chỉ huy có dặn nếu “thầy” biết là cho nghỉ phép bảy ngày không tính công. Sau đó phải quay lại bảy ngày để làm việc lại từ đầu, đủ điều rắc rối…”.

Suốt mấy ngày bám trụ nơi huấn luyện, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ được dạy võ chừng 15 phút do một nữ HLV võ thuật tên K. hướng dẫn sơ sài một vài chiêu tự vệ và ông K. bày cách cầm côn nhị khúc. Hầu hết thời gian còn lại tất cả tân vệ sĩ phải lao động với đủ các công việc của một người làm “thợ đụng” như: đào đất đắp dốc, đổ đất làm nền, đào gốc khế, khiêng chậu cảnh, đào hốc trồng cây, bắt vịt… theo yêu cầu của chỉ huy.



Nơi ăn ngủ, sinh hoạt của các vệ sĩ khi xuống “võ đường” (xã Bình Nhâm, H.Thuận An, Bình Dương - Ảnh chụp vào sáng sớm 21-8-2010)

Bỏ việc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết vệ sĩ được tuyển dụng tại công ty này đều bỏ về sau khi chứng kiến tận mắt chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt trong quá trình huấn luyện. Nhiều người bức xúc chỉ biết bắt xe buýt quay về Sài Gòn. Chiều 20-8, T. (quê Bến Tre) cùng bốn thanh niên khác khoác balô xuống “võ đường” để được huấn luyện. Khi biết phải chịu đựng “huấn luyện” theo kiểu “thợ đụng” như thế này thì bốn người đành bỏ về Sài Gòn, coi như mất trắng phí xin việc.

Còn P.M.T.T. (quê Đồng Nai) cũng đành bỏ “phí” xin việc ra về vì: “Tôi đến TP tìm việc làm, nghe nói phải đóng 500.000 đồng để mua đồng phục sẽ được làm nhân viên bảo vệ với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng. Ai ngờ khi đến Bình Dương, võ thì chẳng được học, lương bổng cũng chẳng có nhưng phải lao động, ăn uống, ngủ nghỉ quá khổ cực”.

Chiều 21-8, đôi bạn V., D. (quê Đắk Lắk) vừa xin vào làm vệ sĩ của Công ty SL thì gặp ông K. kêu vào phụ xúc và khiêng đất từ lề đường đổ nền căn nhà lá mới lợp. Hai người lớ ngớ xắn quần lên khiêng đất, được một lúc cả chân tay, áo quần đều bị bùn lầy nhão nhoét lấm lem. Sau đó phải ngủ qua đêm trên chiếc võng dã chiến mắc tạm ở căn nhà lá mới cất như những người giúp việc nên cũng đành bỏ số tiền đã nộp mà đi tìm việc khác.

Ngay cả nữ HLV tên K., người được công ty nhận vào làm HLV võ thuật cho các tân vệ sĩ, sau ba ngày cố bám trụ khóa huấn luyện ở Bình Dương cũng đành bỏ việc. K. bức xúc: “Tôi xuống đây được mấy ngày. Hóa ra mình bị lừa, tôi được nhận vào để huấn luyện võ thuật cho các vệ sĩ, ai ngờ trở thành người… trực cổng”.

Bà C. (quê Hậu Giang), nhân viên tại CLB, thừa nhận: “Ngày nào cũng có vài người xuống đây để được huấn luyện. Nhưng chỉ một vài ngày đành cuốn gói ra về”. Buổi sáng đầu tiên ở CLB võ thuật SL, chính bà C. vận động chúng tôi mỗi người góp một ít tiền cho N.T.K. (quê Lâm Đồng) về quê.

K. lủi thủi dọn đồ đạc, vẻ mặt buồn bã, giọng lí nhí: “Tôi vào đây hôm nay là ngày thứ năm rồi. Ngoài giờ lao động cực nhọc, không hề được tập dượt võ thuật. Thỉnh thoảng, người huấn luyện bắt chúng tôi phải nhảy từ độ cao 3m xuống đất rồi lộn một vòng. Tôi nhảy phịch xuống đất bị bong gân, giờ đi không nổi. Người ta cho tôi nghỉ phép một tuần, giờ hết sạch tiền bạc đành bỏ về Sài Gòn kiếm việc khác”.

Còn những người cố bám trụ đến ngày cuối cùng của “khóa huấn luyện” thì phải tiếp tục chờ đợi mỏi mòn để được phân việc. Có người may mắn được công ty này giới thiệu đi làm nhân viên bảo vệ cũng chỉ được giao chỗ làm tạm bợ và mức lương không như thỏa thuận ban đầu.

Chờ đợi mòn mỏi, cuối cùng tôi mới được công ty phân cho trực bảo vệ ở một quán ăn bên Tân Phú. Mức lương chỉ có 1,6 triệu đồng/tháng, trong khi ban đầu tôi đăng ký mức lương 2,6 triệu đồng/tháng. Họ bảo tạm thời chưa có chỗ làm nên chỉ cho làm chỗ này. Nếu không chịu thì nghỉ việc”, một tân vệ sĩ nói.